Cuộc xuất quân của làng biếm
(Giải biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ I)
Thế nào là biếm họa? Vai trò của biếm hoạ như thế nào trong xã hội hiện nay?
Giới họa sĩ biếm và các nhà quản lý giới này thường có câu trả lời khác nhau. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giải phóng miền Nam…, biếm họa từng được tôn vinh vì được coi là “vũ khí lợi hại, có tác dụng to lớn, kịp thời v.v…”, ai cũng muốn giành quyền quản lý biếm họa. Nhưng khi đất nước thống nhất, bước sang giai đoạn xây dựng, không còn kẻ thù cụ thể trước mắt thì ít ai muốn “dây” vào cái thứ “vũ khí sắc bén”này, vì… sợ đứt tay. Hệt như ở các nước XHCN Ðông Âu cách đây hơn 20 năm, “ông Báo” thì bảo đã là họa sĩ thì phải thuộc “anh Mỹ thuật” quản lý. “Anh Mỹ thuật” thì cho rằng báo chí thường xuyên sử dụng, đăng tranh biếm họa cho nên Hội nhà báo quản lý giới biếm họa mới đúng. Cuộc tranh luận bất phân thắng bại, kéo dài nhiều năm của họ chỉ kết thúc khi bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 9/11/1989, chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh hơn năm thập niên và cũng chấm dứt luôn “sứ mạng lịch sử ” theo kiểu bao cấp XHCN của cả “hai ông” này.
Cách hiểu biếm họa gồm các mảng chính là đả kích, châm biếm, hài hước chỉ là “vũ khí sắc bén trong đấu tranh giai cấp, chống kẻ thù”… là vô cùng phiến diện, ấu trĩ, quá lạc hậu. Thiên chức của biếm họa là dùng lợi thế của mình để góp phần hoàn thiện con người và xã hội. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển bền vững, hướng thiện, biếm họa càng trở nên cần thiết và được yêu thích hơn bao giờ hết.
Nhưng từ sau thời kỳ đổi mới mỹ thuật cách đây hai mươi năm, ta có thể dễ dàng nhận thấy một sự thụt lùi, “tồn tại cầm chừng” của hiếm họa, đặc biệt biếm họa trên thông tin đại chúng. Ðáng tiếc nhất là việc báo Văn Nghệ bỏ biếm họa ở trang 16 nổi tiếng. Kế đó tranh biếm họa trên báo châm biếm và trào phúng Tuổi trẻ Cười và ở nhiêu báo lớn khác chỉ còn được cười “nửa miệng” hoặc “cười xòa”! Báo Nhân Dân không còn biếm họa trên trang nhất… Và hầu như ở tất cả các báo, tranh biếm họa vẫn còn được sử dụng nhưng đăng bé bằng bao diêm hay báo thuốc lá cho “đủ gia vị”. Nhuận bút cho biếm hoạ thậm chí còn được trả theo “diện tích”: cùng một cái tranh đó, đăng to bằng bao thuốc lá thì được trả cả tiền, còn đăng bé bằng bao diêm thì chỉ còn trả nửa tiền!? Còn thái độ của Hội Mỹ thuật Việt Nam với biếm họa? Báo cáo tổng kết tại Ðại hội gần đây nhất của Chi hội đồ họa thuộc Hội Mỹ thuật dài 4 trang A4 đầy thành tích mà… không có lấy 1 chữ biếm họa, dù về quản lý giới biếm họa đang sinh hoat chung trong chi hội này.
Trong bối cảnh đó, cuộc thi “Giải biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ I” đã gây nên một không khí mới, hồ hởi trong giới biếm họa và những người quan tâm, yêu thích biếm họa khắp cả nước. Giới truyền thông đại chúng cũng hăng hái vào cuộc cỗ vũ, đưa tin khá nhiều về biếm họa và cuộc thi này. Ngay cả chương trình live show “Bloggiaothong” của VTV1 cũng giới thiệu biếm họa với vấn nạn giao thông. Không khí biếm họa được hâm nóng. Sự tham gia rất nhiệt tình của giới hoạ sĩ biếm và những người yêu thích với số lượng tranh kỷ lục cho một cuộc thi biếm họa ở nước ta từ trước tới nay, sự phong phú đa dạng về chất liệu và đặc biệt chất lượng rất cao của nhiều tranh dự thi là câu trả lời tốt nhất về sự tồn tại hay không tồn tại của biếm họa nước nhà cũng như vai trò của biếm họa trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Rất nhiều bức tranh làm người xem thích thú từ cái nhìn ban đầu nhưng càng xem càng làm, càng buộc người ta phải suy nghĩ về người, về mình.
Triễn lãm tranh biếm họa của cuộc thi này ở 45 Tràng Tiền, Hà Nội là cơ hội để công chúng được thưởng thức tranh biếm họa bản gốc, phần lớn là tranh màu có chất lượng nghệ thuật cao. Ðây đúng là một món quà đầy ý nghĩa mà làng biếm họa Việt Nam dành cho người xem: Tiếng cười chống cái xấu, vì một tương lai tốt đẹp hơn dành cho tất cả chúng ta.
———–
*Báo Thể thao&Văn hóa với sự tài trợ của Hội nhà báo Việt Nam và VNTTX tổ chức.