Cựu Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier: Văn hóa vỉa hè là điều thú vị nhất

Cựu Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier, tác giả của bộ phim tài liệu về Hà Nội sắp được trình chiếu, cho biết, điều cuốn hút ông nhất khi sống ở Hà Nội là đời sống vỉa hè, nơi những sinh hoạt thường ngày diễn ra cởi mở tự nhiên như thể chẳng có điều gì là bí mật.


Cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

 

Từng sống ở cả hai nơi –TP Hồ Chí Minh, nơi ông làm Tổng lãnh sự từ năm 2000-2004, và Hà Nội, nơi ông làm Đại sứ từ năm 2012, nhưng dường như trái tim ông thiên vị Hà Nội?

Gắn bó với Việt Nam trong 10 năm qua, tôi cảm thấy ở Việt Nam như ở nhà, nhất là ở Hà Nội. Có điều gì đó khiến tôi thấy dường như mình đã ở đây từ lâu rồi.

Điều gì khiến ông cảm thấy thú vị nhất khi ở Hà Nội?

Đó là văn hóa vỉa hè. Dường như người Hà Nội trên khu phố cổ chẳng có điều gì phải giấu giếm, chẳng có điều gì cần bí mật. Họ sống trên vỉa hè, nấu cơm trên vỉa hè, nuôi con trên vỉa hè, làm việc trên vỉa hè, ngủ trên vỉa hè. Không sợ ai “nhòm ngó” cả. Và tôi nói thật, ẩm thực vỉa hè của các bạn cũng rất tuyệt đấy. Ở đây cũng khá giống ở Pháp, trước bữa cơm, người ta thường nói chuyện về các món của bữa ăn hôm đó. Hà Nội, nhiều khi rất Pháp là như vậy.

Một điều nữa, tôi cực thích Hà Nội buổi sớm mai và Hà Nội đêm mùa đông. Đây là những khoảnh khắc tuyệt vời để tôi có thể cảm nhận được một Hà Nội bình yên, giản dị và đáng yêu.

Còn những “dấu tích” kiến trúc của nước Pháp ở Hà Nội, ông thấy sao?

Các công trình kiến trúc, các biệt thự Pháp ở Hà Nội rất giống kiến trúc ngoại ô của Pháp, giống như nhà của người giàu ở quê tôi. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình như ở nhà. Tuy nhiên, tôi hiểu, kiến trúc ở Hà Nội rất đa dạng, và các công trình nhà ở theo kiểu Pháp chỉ chiếm khoảng 20% thôi.

Ông nghĩ thế nào về sự bảo tồn các công trình có giá trị theo phong cách kiến trúc của Pháp từ thời xưa để lại?

Thời xưa, Hà Nội như một thành phố “nhập khẩu” của Pháp. Nhưng người Hà Nội đã “Việt hóa” nó, đó là một quá trình tất yếu và hợp lý theo lối sống, nhu cầu của mỗi thời kỳ. Tôi cho rằng, một thành phố không nên trở thành một viện bảo tàng. Ví dụ, ngày nay, muốn xây một công trình gì mới ở Paris khá khó khăn. Tương lai của Hà Nội cũng vậy. Với các công trình kiến trúc kiểu Pháp có giá trị, nếu muốn bảo tồn, các bạn nên lưu ý đến những tiêu chuẩn đã được các nhà thiết kế nghiên cứu khá kỹ để phù hợp với điều kiện môi trường của thành phố.

Riêng về khu phố cổ Hà Nội, trong tương lai nó sẽ trở nên thế nào, điều đó, theo tôi, có khi lại do khách du lịch quyết định.

Ông có thể chia sẻ đôi điều về bộ phim tài liệu “Mon Hà Nội” của ông?

Tôi làm phim này trong hơn một năm, vừa đạo diễn, vừa viết kịch bản. Tôi muốn nắm bắt linh hồn của Hà Nội, vẻ đẹp của thành phố này, đưa ra cái nhìn về một Hà Nội mà biết đâu nhiều người dễ bỏ qua. Tôi không làm phim như một khách du lịch mà như một người đã coi thời gian sống ở Hà Nội là phần đời quan trọng của mình. Nhưng phải chờ tới ngày 10/10, bộ phim mới được công chiếu.


Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo (trái) và cựu Đại sứ Jean Noel Poirier trò chuyện trước công chúng về Hà Nội chiều 13/7. Nguồn: FB Nguyễn Mỹ Trà

Ngày 13/7, tại Hanoia House, 38 Hàng Đào, cựu Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier và nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo đã có buổi nói chuyện với công chúng về Hà Nội. Là người có hơn 40 năm cầm máy ảnh chụp Hà Nội, đống thời  lưu giữ được khá nhiều bức ảnh về Hà Nội qua nhiều thời kỳ, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Bảo chia sẻ:
Trong cuốn sách ảnh “Hà Nội dấu yêu” tôi đã đặt ra câu hỏi, có hay không, phố cổ Hà Nội? Theo hiểu biết của tôi, lúc nông nhàn, người dân từ các miền quê mang nghề thủ công của mình ra Hà Nội. Đến vụ mùa, họ lại rút về quê, nhưng có thể để lại một bộ phận của gia đình mình ở lại. Chính vì vậy mà hình thành nên lớp thị dân đầu tiên của Thăng Long, có nền tảng gốc là nông dân. Khi đời sống cao lên, dần dần các nhà ở của tiểu thương có tiền đã khác với “các túp lều” trên các gò đầm của nông dân tạm bợ khi xưa. Các ngôi nhà của người giàu theo phong cách “hình ống” cũng xuất hiện. Chứ xem ảnh của người Pháp chụp toàn bộ Hoàng Thành thế kỷ 19 còn thấy toàn nhà đất, đường tới các cổng thành, trừ đường vua đi, còn lại đều đường đất nhỏ. Các cổng thành Hà Nội cũng rất thấp bé, chỉ vừa đủ để kiệu vua che lọng đi qua. Chính vì vậy, tôi nghĩ, gọi Hà Nội là phố cổ e là có hơi thiên vị, chính xác là phố cũ Hà Nội có vài ngôi nhà cổ. Cộng thêm điểm nhấn chính là những ngôi nhà mang kiến trúc Pháp còn sót lại.


NGUYỄN HỮU BẢO – Phố Hàng Giầy, 1980
Tuệ Lam thực hiện

 

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)