Đã có lúc tháp Eiffel suýt bị dỡ bỏ
Tháp Eiffel từng bị người dân Paris chê bai là "xấu xí", " thảm hại", "nực cười" và định tháo dỡ nó. 125 năm sau, công trình khổng lồ bằng thép này trở thành biểu tượng hàng đầu của nước Pháp.
Giờ đây, khi tháp Eiffel đã 125 “tuổi”, hầu như không còn ai lăn tăn về sự tồn tại và lợi ích của nó nữa. Từ lâu, tháp Eiffel đã vượt xa các công trình kiến trúc nổi tiếng khác ở Paris như Nhà thờ Đức bà, Điện Invalides hay Khải hoàn môn – và trở thành biểu tượng nổi bật nhất của Paris được cả thế giới biết đến. Nó thậm chí được người Paris tôn vinh là “Quý bà bằng sắt”.
Kỹ sư trưởng Toussin, người phụ trách 40 nhân viên kỹ thuật tại đây, gọi tháp Eiffel là “Con tầu thả neo”: ông vốn là sỹ quan hải quân trong hơn 20 năm và được điều về Paris từ năm 2007. Ông nói có những sự tương đồng giữa làm việc trên tầu và trên tháp – cũng làm việc với những cấu trúc sắt thép và đôi khi phải leo trên những độ cao đến chóng mặt. Tại công trình Quý bà bằng Sắt nặng khoảng 8.000 tấn, Roussin và các đồng nghiệp của ông phải tiếp xúc với những thiết bị kỹ thuật ra đời cách đây hơn một thế kỷ. Thí dụ bộ phận thuỷ lực của thang máy cỡ lớn dùng để chở khách tham quan thực chất một nửa là thang máy, một nửa là tầu bánh răng. Cỗ thang máy này là nguyên bản do chính Eiffel thiết kế và chế tạo năm 1892.
Tháp Eiffel gồm 10.000 bộ phận bằng sắt-puddel, một loại nguyên liệu có tính đàn hồi và có hàm lượng carbon thấp, những tấm sắt này được kết nối với nhau bằng 2,5 triệu đinh tán, cho phép ngọn tháp có thể dao động từ 12 đến 25 cm dưới sức nóng của mặt trời hay khi có gió bão. Tuy nhiên hiện nay, phân chim bồ câu và ô nhiễm không khí là những yếu tố ảnh hưởng nhiều đến toà tháp này. Đây là lý do cứ bẩy năm lại phải thay bộ trang phục mới cho biểu tượng của thủ đô Paris và mỗi lần như vậy cần đến 50 tấn sơn.
Ông Éric Spitz, Tổng giám đốc Sete, cơ quan quản lý tháp Eiffel, cho biết Sete tương đương một doanh nghiệp hạng trung: số nhân viên dưới trướng ông khoảng 300 người, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 74 triệu euro và lợi nhuận đạt gần 5 triệu Euro. Thực ra Sete không phải là một doanh nghiệp bình thường vì doanh nghiệp này chịu trách nhiệm về một trong những di tích lịch sử vào loại nổi tiếng nhất thế giới. Tháp Eiffel không chỉ là biểu tượng về kiến trúc mà còn là một địa danh du lịch thu hút đông đảo khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới. Điều này đòi hỏi nhà quản lý phải có tài năng tổ chức thật chu đáo và hoàn hảo. Vì vậy từ năm 2006, biểu tượng của nước Pháp do một công ty vốn hỗn hợp quản lý: đó là thủ đô Paris, chủ nhân của tháp, đóng góp 60%, phần còn lại thuộc các nhà đầu tư tư nhân. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm vận hành và duy trì toà tháp đồng thời cấp giấy phép hoạt động cho các nhà hàng ăn uống cũng như các quầy bán đồ lưu niệm.
Ông Spitz nói “Đây là một di sản vô giá, một thành tựu to lớn về kỹ thuật đồng thời là biểu tượng cho tính hiện đại. Vấn đề là phải gìn giữ, bảo quản tốt công trình có ý nghĩa lịch sử này vì nó là biểu tượng hướng tới tương lai.”
Điều hóc búa nhất là điều tiết lượng khách du lịch khổng lồ đổ về đây – bình quân mỗi năm có tới từ 6 đến 7 triệu lượt người.
Đối với ông Spitz, dự án quan trọng nhất trong tương lai là việc xây dựng một hệ thống ngầm dưới chân toà tháp để du khách không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết trong thời gian chờ đợi đến lượt lên tham quan toà tháp. Việc xây dựng công trình này sẽ kéo dài trong nhiều năm, trong khi đó công trình xây dựng tháp Eifel xưa chỉ hết vỏn vẹn 25 tháng.
Xuân Hoài dịch theo Spiegel online 8/3/2014