Đa giác

Trong hình học, đa giác là một đường gấp khúc khép kín, gồm những đoạn thẳng nối tiếp nhau cùng nằm trên một mặt phẳng. Những đoạn thẳng trên đường gấp khúc này được gọi là các cạnh của đa giác. Ranh giới giữa nghệ thuật đôi khi cũng nằm trong quy luật đó, sự liên kết giữa các “cạnh” tạo thành một “sân chơi” cho các họa sĩ. Vì thế mà triển lãm đa giác (Polygon) được hình thành bởi năm “cạnh”: Vũ Đức Trung, Nguyễn Ngọc Phương, Nguyễn Trần Cường, Đồng Huy Biên và Nguyễn Thu Nguyệt.

Thực ra các gọi như vậy cũng chỉ có nghĩa là năm họa sĩ đã liên kết, nối lại với nhau tạo thành một đa giác, một sự đa dạng trong cách thể hiện trên cùng một “mặt phẳng” là chất liệu sơn mài truyền thống. Trong triển lãm này họ không mong muốn mang đến một đa giác đều, giống nhau, mà là sự đa dạng, sự biến chuyển trong chất liệu cũng như trong cách thể hiện.

 
Tranh Đồng Huy Biên

Mỗi một “cạnh” đều có tiếng nói riêng, và họ gặp nhau ở các điểm tiếp nối, các điểm nối lại với nhau tạo thành các diện, cứ như thế các diện được sinh ra hình thành một thể đa sắc diện.
Tranh sơn mài từ lâu đã được nhiều người tôn vinh là “quốc họa” của Việt Nam bởi những đặc tính ưu việt riêng của nó: một chất liệu có bề mặt trong suốt, óng ả, có độ bền về thời gian, và trên hết nó chuyển tải được cái vẻ đẹp huyền bí, tượng trưng, sang trọng và giàu chất trang trí của nghệ thuật phương Đông.
Song hành với mỹ thuật hiện đại Việt Nam, hội họa sơn mài đã trải qua gần 80 năm lịch sử phát triển thăng trầm cùng thành công lẫn thất bại. Nhiều xu hướng ngôn ngữ nghệ thuật vốn xuất phát từ thể loại sơn dầu đều được các họa sĩ tìm cách thể hiện trên sơn mài. Kỹ thuật dĩ nhiên là khác nhau, và không phải mọi thử nghiệm đều đi đến thành công, bởi sơn mài vốn là một chất liệu khó tính, khó điều khiển. Thế nhưng, sơn mài vẫn lôi cuốn các họa sĩ từ thế hệ này sang thế hệ khác ở cái yếu tố bất ngờ thú vị hiện ra trong quá trình sáng tạo, mài màu và ở sự quyến rũ của bề mặt chất liệu luôn trong suốt như đá quí, lấp lánh, chứa đựng phía dưới những vàng, bạc, bột trai, xà cừ, kim sa và những vân màu quí hiếm…

 
Tranh Nguyễn  Trần Cường

Tranh sơn mài của năm họa sĩ trẻ Vũ Đức Trung, Nguyễn Ngọc Phương, Nguyễn Trần Cường, Đồng Huy Biên và Nguyễn Thu Nguyệt cho thấy khả năng thể hiện trên sơn mài là vô hạn. Đi từ trừu tượng cho tới trừu tượng gợi hình và có hình thể, mỗi người một vẻ, cá tính nghệ thuật của 5 người là khác nhau và kỹ thuật sơn mài cũng rất khác nhau.
Trừu tượng hoàn toàn là các bức sơn mài của Vũ Đức Trung, cho thấy họa sĩ đã hình thành cho mình một lối đi riêng và một mỹ cảm riêng đối với sơn mài. Rất chủ động trong kỹ thuật, Trung tạo ra một sự rạn nứt tự nhiên rung lên bên trong của màu sắc với các vân màu trang nhã, tinh tế. Tranh sơn mài của Trung gợi cảm giác về đất đai, cỏ cây, hay những giai điệu bốn mùa chuyển sắc trữ tình của thiên nhiên.
Cũng là trừu tượng nhưng có phần hà khắc hơn là các bức sơn mài theo ngôn ngữ lập thể- kỷ hà của Nguyễn Ngọc Phương, khai thác sự tương phản giữa Đen và Trắng, đồng thời thể hiện cảm giác rối ren ngột ngạt của đời sống đô thị với những con Phố và những Đêm đỏ cuồng nhiệt hiện sinh trong xã hội hiện đại.


Tranh Nguyễn Thu Nguyệt

Tranh Nguyễn Ngọc Phương

Ngược với xúc cảm gắt gao đô thị của Nguyễn Ngọc Phương, Đồng Huy Biên trở về nông thôn tìm sự bình yên ở các bức phong cảnh tươi sáng, dịu êm, vỗ về lòng người. Anh cũng vẽ các hình nude giản gị, lẫn vào hoa lá trong những bố cục trang trí nhẹ nhàng thuần khiết. Ngôn ngữ hội họa của Biên đơn giản, có hình, khá gần với hiện thực.


Tranh Vũ Đức Trung

Tranh của Nguyễn Trần Cường và Nguyễn Thu Nguyệt đều là những bức tranh có hình và gợi hình, mang yếu tố trang trí. Nguyễn Thu Nguyệt chuyên vẽ các bức Sen và tĩnh vật Hoa, đằm thắm, sâu lắng, nhẹ nhàng chau chuốt ở các gam màu truyền thống. Bố cục buông thả tự do, nửa gợi tình, nửa trừu tượng. Trong khi Nguyễn Trần Cường rõ ràng mạch lạc ở hình nét với các ô màu rực rỡ, tương phản mạnh, giàu chất trang trí hiện đại.
“Đa giác” là tên gọi của triển lãm sơn mài này, xuất phát từ ý tưởng ban đầu của các họa sĩ muốn mang đến cho người xem sự đa dạng của kỹ thuật, chất liệu, cách thể hiện cũng như dấu ấn nghệ thuật cá nhân. Song hơn thế, triển lãm “Đa giác” còn cho thấy niềm đam mê sơn mài ở các họa sĩ chưa bao giờ dứt, vẫn luôn có các thế hệ tiếp nối và khả năng biểu đạt của nghệ thuật sơn mài là bí ẩn, vô tận. Sơn mài vẫn chờ đợi ở nghệ sĩ những bàn tay lao động tài năng để làm nên điều linh diệu bất ngờ của nghệ thuật.

Bùi Như Hương

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)