Đại sứ nghệ thuật Evgeny Svetlanov

Là một nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano, nhà phê bình âm nhạc, nhà giáo dục, nhà báo tài năng, Evgeny Svetlanov chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống âm nhạc của Liên Xô trước đây và nước Nga trong cuối thế kỷ 20. Với Svetlanov, điều quan trọng nhất luôn là âm nhạc, ông là người thống trị toàn năng và cũng là người phục vụ quên mình cho nó. Svetlanov là một vị đại sứ nghệ thuật, người đã mang âm nhạc, không chỉ của nước Nga, tới toàn thế giới.


Ước mơ thành nhạc trưởng

Evgeny Fedorovich Svetlanov sinh ngày 6/9/1928 tại Moscow trong một gia đình âm nhạc. Cả cha cậu, ông Feodor và mẹ, bà Tatiana đều là nghệ sĩ của nhà hát Bolshoi. Bà Tatiana lúc đó rất nổi tiếng trong màn trình diễn Cio-Cio San (Madama Butterfly, Giacomo Puccini). Cả tuổi thơ của Evgeny đều gắn liền với nhà hát danh giá này. Việc thường xuyên có mặt trong các buổi luyện tập, biểu diễn, hát trong dàn hợp xướng thiếu nhi đã ảnh hưởng đến tương lai của cậu. Svetlanov sau này nhớ lại: “Kể từ khi tôi biết tư duy, tôi biết mình khá rõ ràng rằng không thể không trở thành nhạc trưởng”. Một lần, như thường lệ, khi đang trong nhà hát, âm nhạc nổi lên, Evgeny trèo lên ghế và bắt đầu khua khoắng tay, tưởng tượng rằng mình đang đứng trên bục chỉ huy. Cặp vợ chồng nổi tiếng Antonina Nezhdanova và Nikolai Golovanov cũng đang ngồi gần đó. Họ bật cười khoái chí khi chứng kiến cảnh tượng này và Golovanov trìu mến vỗ vai cậu bé, nói như một lời tiên tri: “Chà, mọi người thấy đấy, từ nay sẽ có một nhạc trưởng”.

Svetlanov được gia đình cho theo học tại Học viện âm nhạc Gnessin, chuyên ngành piano (với Maria Gurvich) và sau đó là sáng tác (Mikhail Genssin). Ngay trong thời điểm này, màn trình diễn của Svetlanov trong piano concerto số 3 của Sergei Rachmaninov là một sự kiện trong đời sống âm nhạc Moscow lúc đó. Anh tốt nghiệp tại đây năm 1951 và chuyển sang học tại nhạc viện Tchaikovsky. Các thầy giáo của Svetlanov tại đây là Yuri Shaporin (sáng tác), Heinrich Neuhaus (piano) và Alexander Gauk (chỉ huy). “Tôi luôn bị ý tưởng làm sống lại các tác phẩm bị lãng quên không đáng có thúc đẩy, trước hết là những tác phẩm kinh điển của Nga, cũng như tác phẩm mới của các nhà soạn nhạc đồng nghiệp”, đó là lời giải thích của cậu sinh viên trẻ với Gauk về lý do lựa chọn nghề nghiệp. Ngay từ rất sớm, Svetlanov đã đặt mục tiêu của cuộc đời mình là phục vụ âm nhạc Nga bằng tất cả các phương tiện sẵn có của mình. Trước câu trả lời đầy phấn khích của Svetlanov, câu trả lời của Gauk như dội một gáo nước lạnh lên lòng nhiệt tình của anh: “Một mong muốn đáng khen ngợi, hãy mang cho tôi một bản giao hưởng của Haydn trong bài học sau. Bất kỳ bản nào”. Svetlanov nhớ lại, anh nản lòng trước một yêu cầu như vậy, nhưng vẫn phải thực hiện. Chỉ nhiều năm sau, anh mới đánh giá cao sự sáng suốt của thầy giáo mình, người hoàn toàn hiểu rằng không cần thiết phải dạy âm nhạc Nga cho cậu học sinh này: dù còn trẻ nhưng anh đã biết rõ về nó. Svetlanov nhớ lại: “Điểm yếu của tôi vào thời điểm đó là không đủ hiểu biết về các tác phẩm kinh điển của phương Tây. Không, tôi biết gì đó, đã chơi, đã nghe, nhưng toàn bộ tâm hồn tôi lúc đó đều thuộc về âm nhạc Nga. Vì vậy, dần dần Gauk bắt đầu lấp đầy những lỗ hổng trong kiến ​​thức của tôi. Ông đã buộc tôi phải làm việc chăm chỉ và nhờ ông tôi đã “thăng hạng”. Bất kỳ một động tác nào không rõ ràng đều khiến Gauk tức giận. Gauk quan tâm đến sự tinh khiết của sự phối hợp, không cho phép nó bị tắc nghẽn do các chuyển động ngẫu nhiên làm rối loạn dàn nhạc. Svetlanov tự hào vì là học trò của Gauk: “Trước Cách mạng, mặc dù đất nước đã có những nhạc trưởng tài năng như Balakirev hay Rubinstein nhưng chưa có một trường phái nhạc trưởng Nga chính quy. Gauk đã tạo ra nó và chỉ với điều này thôi, tên của ông đã đủ để đi vào biên niên sử âm nhạc của chúng ta”. Một người học trò tài ba khác của Gauk là Evgeny Mravinsky.

Khó có thể tưởng tượng được rằng trong đôi tay lại có thể ẩn chứa vẻ dịu dàng thơ mộng và sức mạnh bùng nổ mạnh mẽ như vậy.

Việc học tập của Svetlanov tại hai chuyên ngành khác cũng có được những kết quả đáng khen. Anh là một học sinh piano xuất sắc, được Neuhaus huyền thoại khen ngợi. Anh từng cùng với Leonid Kogan và Feodor Luzanov thành lập một nhóm piano trio. Đối với việc sáng tác, Shaporin đã đánh giá: “Tài năng của Svetlanov với tư cách là một nhà soạn nhạc là sâu sắc, thực sự là người Nga, phát triển phù hợp với truyền thống của nghệ thuật Nga”. Những sáng tác đầu tiên là của Svetlanov là cantata Native Fields, Rhapsody số 1 Pictures of Spain, bản giao hưởng giọng Si thứ hay thơ giao hưởng Daugava. Các sáng tác của Svetlanov được coi là khá “bảo thủ”, duy trì một truyền thống hậu lãng mạn được đúc kết từ Modest Mussorgsky, người mà ông say mê, cho đến Rachmaninov. Rodion Shchedrin đã nói rất đúng về cội nguồn của các sáng tác của Svetlanov: “Anh ấy phát triển một trong những nhánh của giao hưởng Nga, và về mặt này, anh ấy có thể được gọi là người kế thừa truyền thống của Nikolai Yakovlevich Myaskovsky. Mỗi sáng tác của anh đều mang đầy tính rộng mở của cảm giác, sự bộc lộ cảm xúc tức thời, được đánh dấu bằng giai điệu khoáng đạt”.

Năm 1954, vẫn đang là sinh viên, Svetlanov trở thành trợ lý nhạc trưởng cho thầy giáo của mình Gauk tại Dàn nhạc giao hưởng Đài phát thanh và truyền hình liên bang Xô viết và cũng có một số chương trình biểu diễn trên đài phát thanh. Sau khi tốt nghiệp nhạc viện vào năm 1955, Svetlanov đã có trong mình một hành trang đầy đủ, giúp ông tự tin bước tiếp trên con đường nghệ thuật của mình với tư cách một nghệ sĩ chuyên nghiệp: “Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã nghĩ mình là một nhạc trưởng. Tôi tiếp cận với việc chỉ huy một cách có ý thức, đã có bằng tốt nghiệp là một nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc. Và chỉ huy, như nó vốn có, là sự tổng kết những gì tôi nhận được trong các bức tường của hai cơ sở giáo dục: học viện Gnessin và nhạc viện Moscow. Đương nhiên, tôi bắt đầu tiến hành công việc dễ dàng hơn, vì kiến ​​thức và kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan khác đã giúp tôi rất nhiều”. 

Svetlanov luôn nói với các nhạc công của mình: “Các bạn phải chơi như thể cuộc sống của các bạn phụ thuộc vào đó”. Và đây là cách làm việc của ông: “Ở vị trí của người chỉ huy, tôi nói rất ít… Nhạc trưởng lý tưởng là người câm, nhưng chắc chắn, không phải là người điếc. Khi chỉ huy, bạn sẽ làm tốt hơn bằng cách không nói về âm nhạc mà là về một số tình huống phi âm nhạc. Điều này giúp ích rất nhiều”. Ông trở thành thực tập sinh tại nhà hát Bolshoi qua một cuộc thi và có buổi ra mắt đầu tiên tại đây trong vở opera The maid of Pskov (hay còn có tên gọi khác là Ivan bạo chúa của Nikolai Rimsky-Korsakov). 

Russian conductor Evgeny Svetlanov, circa 1965. (Photo by Erich Auerbach/Hulton Archive/Getty Images)

Những buổi biểu diễn opera và ballet của Svetlanov được đánh giá rất cao, ông đã giành được cảm tình không chỉ của khán giả mà từ cả những nhà phê bình và đồng nghiệp. Irina Arkhipova đã nhận xét: “Tôi không thể không nhớ lại những tác phẩm Svetlanov dàn dựng như The tale of Tsar Saltan, The golden cockerel The legend of the invisible city of Kitezh and The maiden Fevroniya của Rimsky-Korsakov. Nó thật tuyệt vời! Âm thanh của dàn nhạc đã vượt lên trên mọi lời tán dương”. Trong vòng chưa đầy 10 năm, năm 1963, Svetlanov trở thành giám đốc âm nhạc của nhà hát. Dưới cương vị này, ông là nhạc trưởng trong chuyến giao lưu biểu diễn của nhà hát Bolshoi tại La Scala vào năm 1964. Trong tháng 10 và 11, ông đã chỉ huy các vở opera Boris Godunov (Mussorgsky), Prince Igor (Alexander Borodin) và Sadko (Rimsky-Korsakov). Ngoài ra còn có hai chương trình hòa nhạc. Tất cả đều được khán giả Milan đón nhận nhiệt tình.

Năm 1965, Svetlanov được yêu cầu đảm nhận cương vị giám đốc âm nhạc tại Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Liên Xô, dàn nhạc mà Gauk chính là nhạc trưởng chính đầu tiên vào năm 1936. Ông sẽ gắn bó với nơi đây trong suốt 35 năm sau đó. Cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Liên Xô, Svetlanov đã thực hiện rất nhiều buổi hòa nhạc trên toàn Liên Xô cũng như thực hiện nhiều chuyến lưu diễn tới hơn 20 quốc gia. Sau buổi biểu diễn của Svetlanov tại New York vào năm 1969 với giao hưởng số 6 của Peter Ilyich Tchaikovsky, nhà phê bình Harold Schoenberg đã viết: “kỷ luật, sức mạnh và tinh thần trong màn biểu diễn khiến tác phẩm trở thành một trải nghiệm hấp dẫn”. Tại đây, ông đã thể hiện toàn bộ những phẩm chất tốt đẹp của mình trong tư cách một nhạc trưởng. Đó là một phong cách được đặc trưng với ý chí mạnh mẽ và cường độ cảm xúc dạt dào. Ông cẩn thận trau chuốt từng chi tiết nhưng không làm mất đi tính tổng thể. Như Svetlanov từng nói: “Thổi sức sống vào một bản nhạc, không có nghĩa là chơi nó với một mức độ kỹ thuật khác… Về cơ bản, tất cả ý định của nhà soạn nhạc đều được thấu hiểu chỉ với tổng phổ và công việc này sẽ được tiếp tục cho đến khi bạn có thể thành thật nói với chính mình: âm nhạc này đã tồn tại trong tôi, tôi biết tác phẩm này cả về hình thức chung và các mặt cụ thể khác, tôi đã hoàn thành kế hoạch và giờ đây chỉ việc hoàn thành nó – chỉ trong trường hợp này bạn mới an toàn đứng trên bục chỉ huy, còn trước đó thì không”. Trong những khoảnh khắc đầy cảm hứng, cử chỉ nghiêm khắc của Svetlanov – không được chuẩn bị trước, nhưng được sinh ra ở đây, trong buổi hòa nhạc – tự nó trở thành thứ âm nhạc hữu hình. Khó có thể tưởng tượng được rằng trong đôi tay lại có thể ẩn chứa vẻ dịu dàng thơ mộng và sức mạnh bùng nổ mạnh mẽ như vậy. Nhà báo, nhà sử học Irakli Andronikov nhận xét về màn trình diễn của Svetlanov với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Liên Xô: “Bạn được trải nghiệm cảm giác của một kỳ nghỉ, một kỳ nghỉ thực sự trong các buổi hòa nhạc của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Liên Xô do Svetlanov chỉ huy – một cảm giác tươi sáng, rõ ràng, mạnh mẽ. Và sự mới lạ… Tính nghệ sĩ hiện hữu trong cậu ấy bằng sự hiệu quả, khí chất mạnh mẽ với sự tự chủ nghiêm khắc… Mọi thứ đều được suy tư, đồng thời chân thành, đầy chất thơ, tình yêu dành cho công việc đang được thực hiện và dường như lần đầu tiên được sinh ra”. 

Ông luôn cảm thấy mình là con nợ vĩnh viễn của âm nhạc Nga và Liên Xô. Âm nhạc này gần gũi với trái tim Svetlanov nhất với tư cách là một nghệ sĩ và công dân, và do đó, theo lẽ tự nhiên, trong những tác phẩm này, tài năng của ông được phát huy rõ ​​ràng nhất.

Con nợ vĩnh viễn của âm nhạc Nga

Như những lời Svetlanov đã nói với Gauk khi ông thể hiện mục tiêu của mình khi trở thành nhạc trưởng. Ông luôn cảm thấy mình là con nợ vĩnh viễn của âm nhạc Nga và Liên Xô. Âm nhạc này gần gũi với trái tim Svetlanov nhất với tư cách là một nghệ sĩ và công dân, và do đó, theo lẽ tự nhiên, trong những tác phẩm này, tài năng của ông được phát huy rõ ​​ràng nhất. Nói như Elena Obraztsova, nữ nghệ sĩ giọng mezzo-soprano, thì “Có lẽ không ai cảm nhận được tâm hồn của một người Nga sâu sắc và chân thực như Evgeny Svetlanov; không ai thể hiện nó trong âm nhạc với sự chân thành thực sự, tình cảm cháy bỏng… Những nhà chỉ huy như vậy – chân chính, không ảo tưởng – ngày nay rất cần thiết cho nghệ thuật của chúng ta”. 

Với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Liên Xô, Svetlanov được tung hoành trong thế giới riêng của mình. Ông đã thu âm một tuyển tập âm nhạc Nga kể từ Mikhail Glinka cho đến những nhà soạn nhạc đương đại, đại diện cho một bộ bách khoa toàn thư về âm nhạc Nga. Cùng nhau, họ đã thu âm hơn 2.000 đĩa nhạc, một trong những kỉ lục! Ông nói đơn giản về công việc của mình: “Có rất nhiều âm nhạc hay đến nỗi nhiều đời không đủ để chơi và nghe mọi thứ và bạn càng làm việc nhiều, bạn càng thấy mình phải làm nhiều hơn”. 

Nhưng đó chỉ là phần lớn trong di sản đồ sộ của ông. Svetlanov cũng quan tâm đến âm nhạc phương Tây. Guslav Mahler là nhà soạn nhạc yêu thích của ông. Svetlanov là nhạc trưởng Liên Xô hiếm hoi từng thu âm trọn bộ các bản giao hưởng của nhà soạn nhạc người Áo này. Nhà phê bình James Oestreich nhận xét: “Ông ấy tìm thấy máu và sự gan góc ngay cả trong bản giao hưởng số 4 nhỏ bé và khiêm tốn (của Mahler), nơi những người khác tìm kiếm sự tươi sáng và vui vẻ”. Svetlanov giải thích cho hành động của mình: “Một nghệ sĩ thực thụ giống như một cái cây mà quả của nó trở thành di sản: càng có nhiều hương vị, chúng càng nuôi dưỡng thế giới. Loại trái cây này có thể được phục vụ ở nhiều quốc gia và cho nhiều dân tộc, nhưng chúng ta không được quên nó đến từ cây gì và vùng đất nào đã nuôi dưỡng cội nguồn bằng sức mạnh của nó”. Bản thân Svetlanov nghiêm khắc với bản thân mình. Từng được hỏi đã bao giờ thất bại, Svetlanov trả lời: “Rất thường xuyên. Đó không hẳn là thất bại cá nhân, mà là ấn tượng rằng lẽ ra tôi có thể chơi tốt hơn. Cảm giác không hài lòng và cay đắng ở lại với tôi trong một thời gian dài, tôi phải nói rằng đó là một sự kích thích trong công việc của tôi”.

Svetlanov đã gây dựng được danh tiếng vững chắc cho mình ở ngoài biên giới Liên Xô. Ông từng được mời chỉ huy cũng những dàn nhạc nổi tiếng ở phương Tây như Berlin Philharmonic, Philadelphia Orchestra, Concertgebouw Orchestra, Orchester de Paris, Phlharmonia Orchestra, Orchester National de France và nhiều cái tên khác. Năm 1979, ông là nhạc trưởng khách mời tại London Symphony Orchestra. Svetlanov cũng từng là giám đốc âm nhạc cho hai dàn nhạc bên ngoài nước Nga là Hague Philharmonic (1992-2000) và Swedish Radio Symphony Orchestra (1997-1999).

Chính sự gắn bó của Svetlanov với những dàn nhạc nước ngoài này đã mang lại rắc rối cho ông. Năm 2000, ông bị Bộ trưởng Văn hóa Nga Mikhail Shvydkoi sa thải khỏi công việc tại USSR State Symphony Orchestra, lúc này đã được đổi tên thành Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Nga với lý do dành quá nhiều thời gian biểu diễn ngoài nước Nga, kết thúc sự gắn bó kéo dài 35 năm. Thậm chí Svetlanov cho biết, trong một cuộc nói chuyện riêng, Shvydkoi đã cảnh báo ông: “Đừng ngạc nhiên nếu tất cả các dàn nhạc ở Moscow từ chối làm việc với anh. Anh thấy đấy, các nhạc công của dàn nhạc có những ý tưởng khá bất thường về sự đoàn kết”. Ông đã viết thư gửi Tổng thống Vladimir Putin, đề ngày 17/4/2000, trong đó đoạn kết ông viết: “Ngay cả ở Bolshoi, nơi tôi là nhạc trưởng danh dự, tôi không thấy có triển vọng cho việc sáng tạo nghệ thuật. Tất cả điều này có nghĩa là gì? Evgeny Svetlanov có nhiều nhu cầu ở nước ngoài nhưng lại thất nghiệp ở Nga! Tôi hy vọng rằng tôi sẽ không chia sẻ số phận của những đồng nghiệp của tôi, những người đã bị buộc phải di cư”. Đó là sự đối xử vô cùng bạc bẽo với con người đã dành cả cuộc đời để tôn vinh nghệ thuật âm nhạc Nga.

Svetlanov qua đời ở tuổi 73 tại nhà riêng vào đêm ngày 3/5/2002 ở Moscow. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Vagankovo, nằm cạnh mẹ mình. Gửi lời chia buồn, Tổng thống Putin ca ngợi ông là một trong những người khổng lồ cuối cùng của nền văn hóa Nga. Và như để chuộc lại lỗi lầm, Russian State Symphony Orchestra, dàn nhạc gắn bó mật thiết với sự nghiệp Svetlanov đã được mang tên ông, với tên gọi chính thức là Dàn nhạc giao hưởng quốc gia “Evgeny Svetlanov”. Một cuộc thi nhạc trưởng quốc tế cũng được mang tên ông. “Toàn bộ cuộc đời của Svetlanov là một công trình đồ sộ. Đối diện với anh ấy, chắc chắn chúng ta có nhân cách nổi bật của thế giới âm nhạc hiện đại, niềm tự hào của nền văn hóa âm nhạc của chúng ta” như Georgy Sviridov đã nhận xét.

Nhờ có Svetlanov, nhiều tác phẩm âm nhạc Nga đã được công chúng biết đến. Với nước Nga, Svetlanov là một nhạc trưởng tài ba và một con người vĩ đại. □

Nguồn:

https://www.peoples.ru/art/music/composer/svetlanov/
https://www.belcanto.ru/svetlanov.html
https://www.svetlanov-evgeny.com/en/biography/

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)