Dặm đường Trung Hoa: Từ Đại Lý đến Tây Tạng

Hãng phim truyện Việt Nam đang tìm trường quay và tư liệu lịch sử cho bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn, nên đã thực hiện vài chuyến sang Trung Quốc, nhờ vậy tôi may mắn được đi theo đoàn trong 9 ngày tháng 10, từ Đại Lý đến Tây Tạng. Nói dặm đường Trung Hoa là nói cho oai, chứ với đất nước mênh mông với nền văn hóa thâm hậu 5000 nghìn năm này có ai dám nói đã từng trải.

Từ Côn Minh đến Đại Lý trên đường cao tốc 360 km, tôi chẳng thấy bóng người công an nào, nhưng không ai vi phạm luật giao thông cả. Thỉnh thoảng có hình người cảnh sát bằng bìa cắm ở giữa đường, ý chỉ rằng nơi đây có trạm kiểm soát. Hai bên đường rất nhiều làng mạc bằng đất đắp của người Di, người Bạch và người Hán một hình ảnh sót lại có lẽ từ thế kỷ 19, rất đẹp nhưng rất nghèo. Khoảng cách giàu nghèo ở đất nước phát triển này ngày càng lớn, nhưng hình như Trung Hoa vẫn tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại trước. Hình như trong chương trình đại khai phá miền Tây 37 sân bay hiện đại đã được xây dựng, cũng như đường xá cho thế kỷ 21 đã tới tận những dẫy núi Hy mã lạp sơn tương phản với cảnh nông thôn nguyên vẹn từ hai ba thế kỷ trước.

 

Những cô gái người Bạch trước cửa thành Đại Lý 

 

Làng Đại Tỉnh, Vân Nam vẫn giữ
những kiến trúc truyên thống


Tháp Đại Nhạn, chùa Đại Từ Ân, Tây An Đoàn làm phim Việt Nam dưới chân Tử
Vân lâu, vườn Phù Dung thời Đường.

Từ phải sang trái: đạo diễn Lưu Trọng Ninh, họa sỹ Nguyễn Nguyên Vũ, nhà phát hành phim Tống Minh Vượng, giám đốc Lê Đức Tiến, quay phim Trần Hùng.

Trong cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc, một tác phẩm lịch sử quan trọng thời Trần, có câu rằng: Nước Nam tuy nhỏ vài nghìn dặm/Đông giáp biển Đông, tây Đại Lý. Nước này nằm ở miền Nam Trung Quốc, từng có bang giao với nước ta, thực hư thế nào không rõ. Đêm nay, tôi nằm ngủ ngay bên cửa nam thành Đại Lý, ngôi thành cổ, nằm kề bên núi Thương Sơn cao ngất, tuôn mây trắng lên trời và tuôn nước bạc xuống thung lũng rồi chảy ra hồ lớn Nhĩ Hải bao bọc cả thành phố hiện đại Đại Lý. Thành cổ này còn nguyên tường bao, các vọng lâu, vài phủ quan tổng trấn, còn lại trên quy hoạch cũ, những phố xá xây theo lối cổ bán hàng du lịch tấp nập. Tửu quán nơi đoàn làm phim tá túc của một gia đình người Bạch, món ăn của họ nhiều ớt, mặn, đặc biệt là thịt muối, nhưng nấu thì rất nhanh trong 10 phút đã xong tất cả và niềm nở. Hôm sau chúng tôi lên Thương Sơn tìm đến trường quay Thiên Long bát bộ. Trường quay này xây dựng quy mô hơn một cái thành, có nơi cho vương triều Đại Lý, nhà Tây Hạ, nhà Liêu, bộ tộc Nữ Chân và nhà Kim, rất quy mô hoành tráng, có thể dùng vài nơi gần gũi với thời Lý nước ta. Ngày thường trường quay là nơi du lịch.
 


Người Tây Tạng đi lễ   

Cung điện Potala

Cảnh hành lễ trước chùa Đại Thiều 
 
Một góc chùa Sắc La

 Anh chàng Tống, một người người Trung Quốc nhanh nhẹn và hảo Hán, dẫn đoàn, nói đùa rằng: 10 năm nữa không biết Hà Nội có bằng Côn Minh không? Về nhà cửa thì khó so sánh, nhưng về đường giao thông chắc chắn Hà Nội cần có quy hoạch chiến lược. Đi máy bay ở Trung Quốc vé không còn quan trọng nữa, đăng ký xong chỉ cần hộ chiếu là xong và thay đổi chuyến bay cũng dễ dàng. Đất nước này rất năng động, cái gì ra tiền, có lời là làm ngay. Tuy nhiên cũng như nước ta, nhiều thanh niên Trung Quốc viết chữ rất xấu, không đọc được và không biết lịch sử nước nhà. Họ nói rằng bây giờ có quá nhiều thứ cần học hỏi, chuyện quá khứ cứ gác lại. Người dân đi lại chủ yếu bằng xe đạp điện, ôtô chạy bằng khí ga. Trung Quốc rất thiếu nguyên liệu. Tây An một thành phố lớn của tỉnh Thiểm Tây, từng là kinh đô của nhà Hán, sau là Tràng An kinh đô nhà Đường, cũng cách không xa Hàm Phong kinh đô nhà Tần, nơi lưu giữ nhiều di tích Trung Hoa phong kiến vỹ đại. Thành cổ Tây An với những cổng và tường thành cũ bao bọc một thành phố hiện đại xây dựng trên quy hoạch từ trước công nguyên. Đại Nhạn tháp, nằm trong chùa Từ Ân một công trình kiến trúc thời Đường, nơi chứa Kinh Phật của sư Trần Huyền Trang vẫn đồ sộ hơn bất cứ công trình hiện đại nào.Tháp vuông cao 7 tầng, 64 m, cạnh đáy 25m mỗi chiều, càng lên trên càng thu nhỏ lại.Tôi thấy tháp chùa Dâu ở nước ta không khác là bao tháp Đại Nhạn, cũng như trong bảo tàng Tây An vô số đồ gốm, tượng Phật gần gũi vô cùng với phong cách Lý. Tháp chùa phật Tích và Chương Sơn thời Lý, cũng có cạnh đáy khoảng 25 m, chiều cao có lẽ cũng xấp xỉ tháp Đại Nhạn này. Không nghi ngờ gì nghệ thuật Lý ảnh hưởng sâu sắc nghệ thuật thời Đường. Về ban đêm thành Tây An vừa náo nhiệt vừa trở nên cổ kính lạ thường. Những dòng xe ô tô sang trọng, trong đó phần lớn do nội địa sản xuất, lướt qua các cửa thành cổ vòm cong mang cái tên cũng rất cổ xưa: cửa Chu Tước, Huyền Vũ…và các tường thành cao ngất vẫn ôm lấy toàn bộ khu trung tâm. Cách Tây An chừng 30 km, là cung A Phòng dựng lại, đây vốn là cung điện lớn của Tần Thủy Hoàng đã bị Hạng Vũ thiêu cháy trong ba tháng khi đánh vào Tần, sự trùng hưng có lẽ chỉ tương đối và mang tính du lịch. Cũng giống như thế, nhưng Phù Dung viên thời Đường được phục dựng quy mô và cẩn thận hơn với khu trung tâm là Tử Vân lâu cao ngất với các trường lang bao bọc mang phong cách kiến trúc gỗ đơn giản và đồ sộ thời Đường. Chỉ là những di tích phục dựng, nhưng vé vào cửa cũng rất đắt và khách xem cũng đông. Tôi thấy một hoành phi Duy Thiên Vi Đại treo trên đỉnh Ngự Uyển môn do nhà văn Giả Bình Ao viết.


Trang trí trong chùa Sắc La

Thành phố Lhasa

Khi máy bay lướt trên Tây Tạng, ai nấy đều hồi hộp. Dưới cánh máy bay, những dãy núi khô cằn trùng điệp hiện ra. Tây Tạng nằm lọt trong dãy Himalayas chắn phía nam, dãy núi Karakoram Range chắn phía tây, dãy Côn Lôn chắn phía bắc, độ cao bình quân có lẽ tới 5000m, phía đông thoải xuống các tỉnh trung tâm Trung Quốc. Nhiều đỉnh tuyết phủ trắng dưới chân có nhiều hồ lớn nước xanh lạ thường. Để thích hợp với khí hậu cao và thiếu oxy, người ta dặn chúng tôi cần nghỉ một ngày, không tắm, hút thuốc, uống rượu, và nếu thấy cần thì uống một loại thuốc gọi là Cao nguyên ninh, chống chóng mặt, tăng huyết áp, buồn nôn. Khắp nơi chỗ nào cũng có bình oxy và máy thở cho du khách. Tôi cũng lo lo, nhưng khi đi có người bảo ai đã tập Thiền lên Tây Tạng không sao cả, quả nhiên như vậy, tôi hòa nhập với không khí trên núi khá nhanh. Nhân đây cũng nói ở Trung Quốc có rất nhiều hiệu thuốc Đông y bào chế như thuốc Tây rất tiện cho người dùng, không phải bắt mạch, kê đơn, sắc thuốc gì cả.

Từ tờ mờ sáng, những người Tạng đã đi lễ vòng quanh các ngôi chùa. Họ vừa tụng Kinh, vừa xoay một con lắc, hoặc xoay dãy chuông quay đặt vòng theo các bức tường. Có người vừa đi vừa quỳ rồi bò xoài ra đất, tay họ phải đeo đôi guốc gỗ. Từng đoàn người cầm các bình bơ và mỡ động vật chiếu vào những cây đèn trong chùa. Mùi mỡ cháy rất nồng nặc. Người Tạng sống trong những căn nhà đất đắp, hoặc xây bằng đá, một hoặc hai tầng. Trên gờ tường xếp các cây gỗ làm dầm ngang rồi lấy một loại đất có trộn gì đó như đất sét và đập mịn, cứng như sành, làm trần. Nên trên nóc nhà có một sân rộng khá sạch nhẵn. Chỉ có các bộ cửa bao giờ cũng được chú trọng, chạm khắc và nạm đồng cầu kỳ. Chùa Tây Tạng cũng phát triển theo cách thức xây dựng trên, nhưng quy mô thì lớn không tưởng tượng. Potala là cung điện, chùa trung tâm được xây từ thế kỷ 7, ở nam thành phố Lhasa, đến thế kỷ 17 được Đạt lai Lạt ma đời thứ 5 đại trùng tu lại. Thời cực thịnh ở đây có đến 10 nghìn Lạt ma. Ngôi chùa nằm trên ngọn núi đá Potama ( Phổ Đà ) cao khoảng 200m,  bản thân lầu chính ngôi chùa cũng cao đến 117m, trong đó có nhiều mộ tháp, đồ thờ tự quý và 20 vạn tượng Phật. Để leo lên đây cũng là cả vấn đề, phải mua vé trước một ngày tới 100 tệ, ( giá chợ đen là 400 ), và cũng chỉ được xem từng phần, trong chùa công an và bộ đội canh gác rất nghiêm. Vòng quanh chân núi có lẽ phải đến 4km, có nhiều dãy chuông quay dài, thế mà tôi thấy hàng đoàn người ngày nào cũng đi vòng quanh vài vòng. Từ trên cao nhìn xuống thành phố Lhasa tuyệt đẹp trải dài đến tận các dãy núi, nhấp nhô các tự viện, dưới bầu trời xanh như ngọc.

Thế kỷ 7, công chúa Văn Thành nhà Đường kết hôn với vua Thổ Phồn Tây Tạng là Tùng Tán Can Bố. Nhiều di tích của nàng còn ở ngôi chùa Đại Thiều tự, nằm ở cuối con phố Bát Giác. Con phố này là một chợ đi bộ bán thập cẩm ngũ vị đồ văn hóa, đời sống dân núi cao. Giày da, lông thú, chăn nỉ, dao cong, cung tên, trang sức và những bộ yên cương với những vòng lục lạc tuyệt đẹp, tranh Thangka với nội dung tôn giáo và tinh thần Tây Tạng. Chợ này vòng quanh ngôi chùa Đại Thiều. Người Tạng có lẽ dành cả ngày đi lễ, họ xếp hàng rất lâu mới vào được nội tự, nên du khách khó mà vào. Nhiều người trải khăn đầy quanh chùa bái vọng. Tôi thấy nhiều tăng lữ ngồi sát ngũ cốc và hạt quý vào các đồ thờ tự không biết để làm gì. Khu chợ có một hiệu sách lớn về Tây Tạng, tôi thấy nhiều người Tạng vào xem và mua sách. Người Tạng có chữ riêng và rất có văn hóa. Tôi cũng mua vài quyển sách về lịch sử Tây Tạng, phép song tu nam nữ, Mandala, quan niệm sống chết… được giải thích qua tranh Thangka, tức là hội họa Tây Tạng trên các tấm vải về toàn bộ tinh thần Tây Tạng.

Chùa Sắc La ( Slasa ) nằm ở chân một dẫy núi, không xa thành phố, xây từ đầu thế kỷ 15, là một quần thể lớn có lẽ to bằng 10 chùa Bút Tháp. Có trường học, đại điện, tăng phòng… chia thành nhiều khu độc lập. Các khối kiến trúc đá, đất  cao tầng sát nhau, quanh quất trên dẻo núi, tạo thành những đường ngang, lối ngõ phức tạp, lên lên xuống xuống. Đâu đâu cũng đẹp và yên tĩnh lạ thường. Có lẽ Phật giáo Mật tông từng ảnh hưởng sớm và sâu sắc đến nước ta, tôi thấy những thế tay tượng Phật, những trang trí kiến trúc Tây Tạng rất giống với màu sắc và chạm khắc trong đình làng Việt Nam. Một nhà mỹ thuật Mỹ cho rằng các dòng sông ở châu Á đều bắt nguồn từ Tây Tạng, văn minh từ đó chảy xuống, nên có rất nhiều nét tương đồng, đây là một ý kiến đáng lưu ý. Sự bố thí là nét thường thấy ở Tây Tạng. Nhưng người ở đây nghèo, đơn vị bố thí chỉ là một hào. Tôi thấy có người ăn xin, xong lại đưa cho một nhà sư cả tập tiền một hào. Một nhà sư cầm vài tờ một hào, anh ta đau chân nên ngồi xuống cạnh tôi, tôi đưa cho mấy tệ, nhưng nhà sư từ chối.

Cũng có người Tây Tạng du nhập với xã hội hiện đại, buôn bán, ăn mặc âu phục và đứng ngoài chợ, nhưng phần lớn họ sống ngoài cái ta gọi là văn minh. Không xe máy, điện, uống sữa, ăn thịt gia súc, mặc quần áo tự dệt may, chăn thả, sống trong nhà đất bên lề xã hội hiện đại, đun nấu và sưởi bằng phân bò phơi khô. Họ nhìn thoáng qua chẳng khác người da đỏ châu Mỹ, da rám nắng, tóc dày, người thô và khỏe, tinh thần khuôn mặt rất sáng láng trong trẻo, có lẽ trong lòng họ chỉ có các vị thần Phật. Vào một thời nào đó họ lọt lên núi cao này, không bao giờ muốn xuống nữa và cũng không muốn ai đến đây. Họ chọn một lối sống không có chính trị và tiến bộ, khoa học, có thời 1/3 người dân là sư sãi. Tây Tạng luôn là một câu hỏi, một điều bí ẩn của loài người, nhưng chắc chắn đó là một dân tộc rất thiện và gần với Thần Phật. Tôi nghĩ rằng sẽ quay lại đây, như quay lại một gốc gác đã lâu lắm và bị lãng quên trong tiềm thức của mình.

ảnh Phan Cẩm Thượng

Phan Cẩm Thượng

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)