Dàn nhạc Syria lưu vong: Tìm quê hương mới trong thế giới âm nhạc

Những người tị nạn Syria đã tạo ra một dàn nhạc giao hưởng lưu vong của quốc gia này tại châu Âu. Với hi vọng thay đổi hình ảnh của một quốc gia đang phải hứng chịu cảnh chiến tranh, họ đã tập hợp nhau lại, tập luyện. Giờ đây, họ đã cùng nhau tìm thấy một quê hương mới trong âm nhạc.

Dàn nhạc Syrian Expat Philharmonic Orchestra (SEPO) được thành lập vào năm 2105

Tập hợp trong chia ly

Chiến tranh, cái chết, người tị nạn – hầu hết mọi hình ảnh hiện nay về Syria đều gắn với những từ chết chóc và tàn phá. “Chúng tôi muốn thay đổi điều đó bằng âm nhạc”, Raed Jazbeh nói. Nghệ sỹ double bass trẻ tuổi này đã sáng lập ra Syrian Expat Philharmonic Orchestra (SEPO) vào năm 2015.

Dàn nhạc này đã có một công diễn đầu tiên tại Bremen vào ngày 22/9/2015. Phần lớn trong số 30 thành viên của dàn nhạc đều là người tị nạn Syria. Họ đến từ khắp mọi nơi ở châu Âu và lần đầu tiên tập luyện cùng nhau.

Tác phẩm mở màn cho buổi hòa nhạc ra mắt là khúc overture từ vở singspiel “Heimkehr aus der Fremde (Sự trở về của người xa lạ) của Felix Mendelssohn. Với những âm thanh sầu muộn, tác phẩm này truyền tải một nỗi khao khát được trở về nhà. Những chuyến đi và nỗi buồn lưu vong là tinh thần chủ đạo của chương trình hòa nhạc nhưng cũng giúp người nghe khám phá chủ đề tình yêu và niềm hi vọng, gồm các tác phẩm được lựa chọn từ kho tàng âm nhạc cổ điển châu Âu đến những tác phẩm còn ít được biết đến của nhà soạn nhạc Siria đương đại Mayas Al Yamani.

Raed Jazbeh bắt đầu mơ tạo ra một dàn nhạc gồm các nhạc công Syria lưu vong cũng từ hai năm trước, khi từ Syria tới Đức để lánh chiến  tranh. Anh “chỉnh đốn” bất cứ ai coi dàn nhạc do anh lập là “dàn nhạc tị nạn” bằng câu trả lời: “Chúng tôi là dàn nhạc của những người lưu vong”, rồi nhẹ nhàng đặt tay lên cây đàn của mình.

Dàn nhạc này tập luyện cho đến tàn đêm. Không có nhiều thời gian còn lại trước buổi trình diễn. “Thậm chí ngay cả những nhạc công chuyên nghiệp vẫn thường cần hơn 3 ngày để tập luyện”, Naser – một nghệ sỹ kèn horn hiện đang sống ở Berlin và đến chơi trong SEPO, dàn nhạc giao hưởng đầu tiên của các nghệ sỹ Syria tại châu Âu. Họ được nhiều gia đình Đức cho ở nhờ trong suốt thời gian tập luyện ở Bremen.

Một vài người Syria từng trình diễn cùng nhau ở quê nhà, ngay tại Nhạc viện ở Damascus. Bốn năm trước, cuộc nội chiến khiến các nghệ sỹ trẻ đến định mệnh cuộc đời – một cuộc sống lưu vong ở châu Âu.

Raed đã tìm thấy một vài đồng nghiệp cũ của mình qua Facebook. Việc này cũng khiến anh mất nhiều thời gian để theo dấu nữ nghệ sỹ violin Michella Kasas, hiện đang sống ở Pháp và theo đuổi việc học nhạc của mình tại đó.

“Thật khó tin là bây giờ chúng tôi lại có thể tái hợp sau nhiều năm bặt tin tức”, Michella nói. Việc đươc chơi với những người bạn cùng lớp ngày trước là một điều kỳ diệu với nữ nghệ sỹ 28 tuổi. “Khi chúng tôi diễn tập, tôi có cảm giác cứ như thể chúng tôi đã quay về Damascus. Thật nhiều cảm xúc”.

Nhạc trưởng Martin Lentz là nghệ sỹ châu Âu đầu tiên tới dàn nhạc và tập luyện cùng họ.

Michella quá may mắn khi có thể mang cây đàn của mình tới Pháp nhưng nghệ sỹ Dolama Shabah đã để lại cây kèn thân yêu của mình khi rời đi: “Tôi không còn chỗ nào để cất nó trong cái ba lô nhỏ nữa”, anh giải thích. Đó là hành lý duy nhất mà anh mang theo khi chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, biển Địa Trung Hải, Serbia và Hungary rồi tới Đức. Một người Đức đã đưa cho anh một cây kèn trumpet cũ. “Điều đó đã đem đến cho tôi một niềm hi vọng mới. Tôi đã lấy lại sức mạnh của mình và cả tham vọng của mình qua dàn nhạc này”, Dolama nói.

Khi nghe tin về dàn nhạc SEPO, nhạc trưởng Martin Lentz đã không ngần ngại tham gia. Từng làm việc với nhiều dàn nhạc quốc tế, trong thời gian gần đây, anh đã may mắn quan sát một dự án ở Ramallah với nhạc trưởng kiêm nghệ sỹ piano Daniel Barenboim.

Lentz rất cảm thông và thấu hiểu những nghệ sỹ Syria song anh vẫn giữ sự nghiêm khắc trong các buổi tập. Anh liên tục dừng lại, chỉnh sửa những lỗi mà các nghệ sỹ mắc phải: Đoạn đó phải được chơi êm ái hơn, nhiều tinh tế hơn”, anh nói với nghệ sỹ violin bằng tiếng Anh. Sau đó, anh ra dấu hiệu và gật đầu. Những ngón tay gõ xuống một cái trống Mideastern darbuka trong khi vĩ thì lướt trên những cây đàn violin: các nghệ sỹ đã dần dần đã hòa nhịp cùng nhau để tạo ra một giai điệu tươi mới. Việc kết hợp âm nhạc phương Tây và Arab trong cùng một buổi hòa nhạc không phải là chuyện dễ.

Các âm thanh lạ vẫn cứ bùng nhùng. Lentz ngắt quãng một lần nữa. Các nghệ sỹ sợ hãi: ngày mai đến buổi biểu diễn của họ rồi. Vị nhạc trưởng và cố vấn của họ cố gắng khuyến khích: “mọi người không phải chơi như Berlin Philharmonic! Chỉ cần chơi với cảm xúc của mình”.

Cái đẹp vượt qua sự tàn bạo

Người sáng lập dàn nhạc và hiện là giám đốc nghệ thuật dàn nhạc Raed Jazbeh đã nói về quá trình chuẩn bị cho các buổi hòa nhạc của mình, “về cơ bản chúng tôi cần ba ngày tập dượt ở nơi nào đó giữa châu Âu, từ sáng đến tối để chuẩn bị cho một hay hai buổi diễn”.

Với Raed Jazbeh, đơn giản chỉ là chia sẻ vẻ đẹp của âm nhạc cùng nhau và cùng với khán giả

Cái khó nhất với họ không phải là visa, dù họ không cùng ở một quốc gia, mà là họ không có tiền để thiết lập lịch tập, lịch diễn. “Chúng tôi chỉ biểu diễn theo lời mời, với việc chủ nhà lo toàn bộ chi phí, hậu cần, thuê địa điểm biểu diễn và cả mọi thứ”, anh kể. Dù không có tiền thì khoảng vài tháng một lần, họ cũng cần phải gặp nhau, trao đổi để có thêm những tác phẩm mới cho dàn nhạc. Hầu hết những tác phẩm của các nhạc sỹ Syria do Raed Jazbeh chọn đều dựa trên những ưu tiên: tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng; được sáng tác dựa trên những motif truyền thống hoăc các nhạc cụ truyền thống, sau đó được chính nhà soạn nhạc chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng. Thi thoảng, họ cũng chọn các tác phẩm âm nhac cổ điển phương Tây.

Dù đã có nhiều cuộc biểu diễn nhưng bao giờ sự đón nhận của người nghe châu Âu cũng khiến các nghệ sỹ ngạc nhiên. “Chúng tôi sửng sốt khi thấy họ hiểu một cách rõ ràng những hình ảnh âm nhạc tạo ra, thậm chí cả những motif và giai điệu phương Đông, có lúc họ xúc động đến rơi lệ. Sau nhiều buổi hòa nhạc, họ cũng muốn tới để thảo luận với chúng tôi về những ấn tượng họ nhận được khi thưởng thức âm nhạc. Âm nhạc thực sự là thứ ngôn ngữ quốc tế, bất cứ ai cũng có thể hiểu nó”, Raed Jazbeh nhận xét và cho biết thêm, “tôi nghĩ là người châu Âu có quan điểm rất mở để đón nhận những loại văn hóa mới và họ hiểu chúng khá rõ”.

Tuy hạnh phúc sau những buổi hòa nhạc được khán giả châu Âu đón nhận nhưng các thành viên của dàn nhạc đều không quên một sự thật: họ là một dàn nhạc của những người Syria lưu vong sống ở châu Âu. “Chúng tôi đều muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, và có thể chính âm nhạc đã đem đến cho chúng tôi những niềm hi vọng”, Jazbeh nói.

Anh Vũ tổng hợp

Nguồn bài và ảnhhttps://www.dw.com/en/out-of-brutality-beauty-the-syrian-expat-philharmonic-orchestra/a-46078992

https://www.dw.com/en/syrian-orchestra-in-exile-changing-the-image-of-refugees/a-18729484

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)