Đang ở đâu hay là đang đi về đâu?

Tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu (chủ đề ra mắt chuyên mục Văn học của Báo Điện tử Vietnamnet) là một câu hỏi thảo luận quá to tát! Nó quá to tát vì cuộc cải cách nền tiểu thuyết Việt Nam, nếu có cuộc “cải cách” ấy, chỉ liên quan đến những cá nhân người viết văn xuôi. Những người viết này không mấy cần đặt cho mình câu hỏi đặt ra cho những người thực ra chỉ đứng bên ngoài công việc sáng tác. Còn những người sáng tác lại chỉ có câu hỏi ta đang làm gì? Họ đặt ra câu hỏi này mà không phân biệt chỗ khác nhau giữa sự phát triển của khoa học-công nghệ, với sự xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật giá trị.

Cách xuất hiện của phát minh khoa học hoặc sáng tạo kỹ thuật nhiều khi rôm rả không khác mấy với sự ra đời các tác phẩm nghệ thuật, thế nhưng chúng bao giờ cũng có đặc điểm là thừa kế nhau. Nói một cách hình ảnh, thế hệ khoa học sau bao giờ cũng đứng trên đôi vai thế hệ khoa học trước mà vươn xa.
Tháng 11 năm 1919 hai đoàn nghiên cứu Anh đã đến Tây Phi và Brazil chụp ảnh nhật thực để thử nghiệm lý thuyết tương đối rộng của Einstein. Kết quả thu được đã khiến cho Vật lý học nằm ở hàng tít lớn các tờ báo khắp thế giới. Báo Times khi đó tuyên bố: “Cách mạng khoa học – Lý thuyết mới về vũ trụ – Các tư tưởng của Newton đã bị lật nhào”. Theo Einstein, trọng lực không phải là một lực xảy ra tức thời kiểu quả táo của Newton rơi xuống gốc, mà đó là kết quả của đường cong không gian-thời gian. Những vật thể lớn, như các hành tinh, làm cho tính hình học của không gian bị vênh. Năm 1911 Einstein gợi ý cho các nhà thiên văn hãy nhân hiện tượng nhật thực để thử nghiệm điều ông kết luận rằng “các tia sáng đi ngang gần mặt trời sẽ bị trường trọng lực làm cho thiên lệch đi”. Thành tựu kết thúc ngày 6 tháng 11 năm 1919 theo lời khuyên của Einstein đã “đứng lên vai ông” để kiểm chứng lý thuyết của ông.
Còn với Vật lý học trước Einstein? Tính chất phát triển của nền khoa học và kỹ thuật đã được hai tác giả Mỹ sơ kết như sau. “Ta thường nói rằng nền khoa học hiện đại được bắt đầu với công trình từ thế kỷ thứ 17 của Isaac Newton. Quả tình là cái loại Vật lý học chúng ta học ở nhà trường và được ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày để thiết kế xây dựng một cây cầu bắc ngang con sông, hoặc để tính toán đường đi của con tầu vũ trụ đang bay từ Trái đất tới Mặt trăng, thảy đều gọi là Vật lý học Newton. Newton đã đề ra ba quy luật cơ bản xác định cách thức vận động của vật thể và phát biểu định luật trọng lực giải thích cách thức các vật thể hấp dẫn nhau từ xa. Hơn hai trăm năm trước khi Albert Einstein xuất hiện với thuyết tương đối của mình, Newton cũng đã xác lập nguyên lý tương đối luận đầu tiên của ông. Thế nhưng Newton cũng xây dựng công trình của mình trên công trình của những người đi trước, đặc biệt là công trình của Galileo Galilei, người đã qua đời đúng vào năm sinh Newton…”.
Còn trước Galilei thì sao? “Vào nửa cuối thế kỷ thứ 17, có đầy rẫy những ý tưởng mới thay thế cho những niềm tin đầy quyền lực từ thời những nhà tư tưởng cổ đại Hy Lạp. Chẳng hạn như, trước khi Galilei xuất hiện, ai ai cũng tin rằng một vật nặng hơn thì rơi nhanh hơn một vật nhẹ hơn. Không có bất cứ bằng chứng nào trụ đỡ cho niềm tin dân gian rằng Galilei đã leo lên tháp nghiêng Pisa ở Roma để chứng minh điều này bằng cách quăng hai viên đạn xuống, một viên đạn đại bác và một viên đạn súng trường. Nhưng đúng là Galilei đã đưa ra lập luận thật hào hoa cho ta thấy rằng mọi vật phải rơi cùng tốc độ như nhau nếu như ta không tính đến lực cản của không khí.”
Không chỉ các thành tựu khoa học “thuần khiết” mới mang tính phát triển. Ngay những công trình nghiên cứu về khoa học cũng không nảy sinh trên mảnh đất trống. Điều đó có thể thấy trong thành tựu của nhà nghiên cứu lịch sử khoa học người Mỹ Thomas Kuhn (1922-1996) trong cuốn sách in năm 1962 có tên “Cơ cấu các cuộc cách mạng khoa học”. Điều thú vị đáng lưu ý ở đây là tiểu luận khoa học quan trọng này của ông cũng tuân thủ cái luật đứng trên vai thế hệ khoa học đi trước. Như lời thú nhận của Kuhn, nó được thừa kế từ cái sườn tác phẩm in năm 1958 của Norwood Russell Hanson “Các kiểu mẫu của khám phá” (Patterns of Discovery).  Không chỉ có vậy, đôi vai người đi trước còn nằm ngay trong những thắc mắc của chàng sinh viên Kuhn khi phải nghiên cứu tác phẩm “Đại xiềng xích của Sinh tồn” (The Great Chain of Being) của A. O. Lovejoy. Kuhn cũng thừa nhận có chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Ludwik Fleck qua tác phẩm “Nguồn gốc và sự phát triển của một sự kiện khoa học” (Entstehung und Entwicklung einer wissenschaftlichen Tatsache, Bassel xuất bản, 1935). Không chỉ chịu ảnh hưởng của các nhà khoa học tự nhiên, Kuhn thừa nhận “Một chú thích cuối trang tình cờ dẫn tôi tới những thực nghiệm nhờ đó Jean Piaget đã thắp sáng các thế giới khác nhau của đứa trẻ đang trưởng thành lẫn cái quá trình chuyển tiếp từ một giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo” trong hành trình trí tuệ đứa trẻ. Trên đôi vai không chỉ có thêm những cơ sở tâm lý học, Kuhn còn chịu ảnh hưởng ngay cả của “những lập luận tư biện về ngôn ngữ học của B. L. Whorf về tác động của ngôn ngữ đối với thế giới quan”, trong khi W. V. O. Quine thì “mở mắt cho tôi về những đánh đố triết học phân biệt thao tác phân tích và thao tác tổng hợp”.
* * *
Tình hình hoàn toàn khác đối với sáng tạo nghệ thuật. Nếu như với mỗi “tác phẩm” khoa học, tác giả là người nối tiếp những bậc đàn anh (hoặc ngay cả những người đối lập) đi trước, thì với tác phẩm nghệ thuật, mỗi tác giả của một thời là người tự sinh ra chính mình, mỗi tác giả là một thế giới riêng, chẳng theo đuôi ai mà cũng chẳng đứng lên đôi vai ai, cũng chẳng kế thừa ai sất! Họ giống nhau ở chỉ một điểm, ấy là mỗi khi tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, họ đều thể hiện một hằng số mỹ cảm khiến ta khó có thể phán xét tác phẩm của họ xem phải chăng sản phẩm nghệ thuật thời sau tạo ra có giá trị nghệ thuật “cao” hơn thời trước.
Có một hằng số mỹ cảm giữa những con người vẽ lên thành vách hang động chỉ bằng ba màu cơ bản vì không biết pha phách, cho đến các họa sĩ quốc họa vẽ bằng mực Tàu trên giấy lụa một màu mà uyển chuyển vô vàn màu, cho đến những bức tranh với những mảng pha màu tinh tế thời hiện đại. Có một hằng số mỹ cảm giữa những nghệ sĩ làm ra những tác phẩm gốm hoặc kim khí mà đến thời nay, dù trình độ chế tác đã tinh xảo hơn biết bao nhiêu, con người vẫn cứ phải trầm trồ kính phục và không ngừng đoán già đoán non về các thủ pháp nghệ thuật người xưa.
Ta có thể hình dung sự khác nhau giữa cách làm việc của nhà phát minh khoa học và của người nghệ sĩ như sau.
Nhà khoa học ngẫm nghĩ về cái định lý “qua một điểm A ngoài đường thẳng a, ta có thể vẽ được một và chỉ một đường thẳng song song với a”. Nhà khoa học đó tự cãi lại mình, sao lại chỉ có một và chỉ một? Có thể vẽ được ít nhất 2 đường thẳng song song với a không? Và nếu đã có thể vẽ được 2 thì tại sao lại không có thể nhiều hơn 2? Và một cách duy lý, hình học phi-Euclide đã ra đời như chúng ta từng biết(4).
Còn đây là Nguyễn Du, nhà thơ. Ta hãy hình dung Nguyễn Du đi sứ Tầu về và mang theo một cuốn truyện hay của Thanh Tâm Tài Nhân. Nguyễn Du đọc truyện đó vài lần, và nhiều lần ông cười mỉm một mình. Ông mỉm cười vì nhiều đêm ông từng nghĩ đến chuyên viết một câu chuyện như rứa. Ông lại miên man nhớ đến cô gái đã khiến ông viết nên bài thơ dài Long Thành Cầm Giả Ca. Ông nhớ đến cả những người bạn hát phường vải, nghĩ đến những số phận trơn tru hoặc éo le của họ. Và bằng cái hằng số mỹ cảm riêng, chợt một lúc nào đó, Nguyễn Du đã ngâm nga những câu lục bát “mua vui cũng được một vài trống canh” cho bà con nghe. Rồi Nguyễn Du chợt nhận thấy những giọt nước mắt của các thính giả-độc giả, và sự chia sẻ đó đã khuyến khích ông bộc lộ hết nỗi lòng mình. Cuối cùng, dân tộc ta đã có Truyện Kiều một tác phẩm mà không một ai, dù tài năng đến bao nhiêu, và dù có cố tình “đứng lên đôi vai” Nguyễn Du, thì cũng không thể làm lại như thế hoặc đẹp hơn.
Ta còn có thể chứng minh cái hằng số mỹ cảm bằng chiêm nghiệm sau. Giả sử có sự xuất hiện một cái tứ thú vị trong lòng một nhà văn hoặc một nhà thơ nào đó. Nếu biết điều thì ông ta nên rũ bỏ tất cả và ngồi vào bàn làm việc luôn. Còn nếu ông ta mải vui đi làm những việc xa lạ với việc sáng tác nghệ thuật, thì chắc chắn cái tứ kia sẽ bay đi, sau đó ông ta có chủ tâm tìm lại nó thì sẽ chẳng khi nào còn cơ may viết ra nổi cái gì tươi tắn như trước đó. Chỉ với riêng hai thí dụ đó đủ chứng minh sự sáng tác nghệ thuật là duy nhất đối với từng người và từng thời.
Tiếc thay, có người vụng nghĩ đã đặt vấn đề – mà thực chất đem diễn giải dài dòng hẳn là như sau – Tiểu thuyết Việt Nam hiện thời đang có vai vế nào so với những thành tựu tiểu thuyết thế giới? Đặt vấn đề như vậy là nông cạn, bởi vì dù có toàn cầu hoá trăm phần trăm đi nữa, thì cũng chỉ trăm phần trăm cái phần khoa học, cái phần kỹ thuật và công nghệ, chứ còn nghệ thuật thì chỉ luôn luôn trăm phần trăm so với chính nó. “NÓ” đây là ai? Nó đây là dân tộc nó, là biên địa nó, là cương vực nó, là trầm luân nó, là giằng xé nó, là hy vọng nó, là phủ tạng nó, là đớn đau nó, là nước mắt ngắn nước mắt dài nó… và NÓ hoàn toàn là NÓ chứ không phải một ai khác dùng tư cách nói chõ để phán xét vô lối NÓ. Nó là nơi đây và mãi mãi là chốn đây trong lòng Ta, cái Ta nằm trong lòng Nó. Bên Tầu người ta đang có dòng văn học “lạc loài” thì kệ người ta, đến khi những kẻ lạc loài lúc này hết phận lạc loài thì khi đó sẽ lại đến lượt những kẻ lạc loài khác nổi dậy đeo cái tên phi chính thống khác với cái tên ling lei bây giờ, thì những chuyện đó cũng chẳng sơ múi gì với cái Nó của Ta.
Mà, bên ta có những thân phận lạc loài không? Nếu bên ta có những phận lạc loài đậm đà bản sắc Việt, thì cũng là thứ tự nhiên tất yếu của sáng tác nghệ thuật, mà suy cho kỹ thì đó cũng là cần thiết cho NÓ để mà có một sự đa dạng trong sáng tạo nghệ thuật. Định uốn nắn sự mưu cầu tính phong phú của những hằng số mỹ cảm là điều ảo tưởng, và làm mạnh tay thì chỉ tổ mang tiếng ác. Chưa kể là có uốn thì cũng chẳng nắn nổi, và cái hằng số kia lại cứ định kỳ bung ra như những cánh đồng bất tận. Nghiệm mà coi!
Vậy là, chỉ còn lại câu hỏi của từng người tự đặt cho mình, ấy là cứ tiếp tục viết văn hoặc làm nghệ thuật theo nếp này thì chúng ta đang đi về đâu?
Một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Phạm Toàn

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)