Đằng sau chiếc ghế “quán bia”

Ngày 28/3/2024, The New York Times đăng tải một danh sách 25 món đồ nội thất kinh điển của 100 năm vừa qua, do một nhóm các chuyên gia, gồm các nhà thiết kế, họa sĩ, giám tuyển của những bảo tàng danh tiếng, lựa chọn. Trong số đó có chiếc ghế nhựa bình dân (còn được gọi vui là ghế quán bia) vô cùng quen thuộc, không chỉ với người dân Việt Nam mà còn với rất nhiều nơi trên toàn thế giới.

Ảnh: New York Times.

NGUỒN GỐC CỦA MONOBLOC

Nhiều người hiểu lầm rằng chiếc ghế “quán bia” do người Việt “phát minh” ra. Tuy nhiên, trên thực tế, đó là kết quả nghiên cứu hàng thập kỉ của các nhà thiết kế châu Âu làm sao để tạo ra một mẫu nội thất có thể sản xuất hàng loạt. Trước đây, đồ nội thất đều phải đóng thủ công.  

Mẫu ghế nhựa này được gọi chung với cái tên ghế Monobloc. Monobloc viết tắt của mono + block – một khối đơn, là danh từ chung chỉ công nghệ sản xuất đồ nội thất đúc nhựa bằng khuôn. Ý tưởng tạo ra sản phẩm nội thất chỉ từ một khối nguyên liệu đã manh nha từ những năm 1920, khi đó người ta thử nghiệm với các vật liệu như kim loại hay gỗ ép. Nhà thiết kế người Canada Douglas Simpson đã tạo ra một nguyên mẫu vào năm 1946, nhưng chiếc ghế monobloc của ông không có quy trình đúc phù hợp để sản xuất thành công. Phải tới những năm 1950, bước tiến mới trong xử lý vật liệu nhựa mới cho phép người ta sản xuất được các sản phẩm đúc theo khuôn sẵn chỉ bằng một bước nhanh gọn, tốn rất ít thời gian.

Một số mẫu ghế tiêu biểu đầu tiên, được sản xuất hàng loạt của công nghệ Monobloc này có thể kể tới như: chiếc ghế Panton (1958 ~ 1968) do nhà thiết kế người Đan Mạch Verner Panton sáng tạo ra, ghế Bofinger (1964 ~ 1968) của kiến trúc sư người Đức Helmut Bätzner, ghế Selene (1961 ~ 1968) của nhà thiết kế người Ý Vico Magistretti.

Các mẫu ghế Monobloc, cả thời kỳ đầu lẫn hiện giờ, đều có những điểm chung là: bề mặt trơn nhẵn, nhiều đường cong mềm mại, màu sắc đa dạng, tương đối nhẹ và nhất là có thể xếp chồng gọn gàng. Ý tưởng xếp chồng đã có từ mẫu ghế đôn ba chân Aalto (1933) của nhà thiết kế Phần Lan Alvar Aalto. Tuy vậy, ghê Monobloc có ưu thế ở điểm có tựa lưng, giúp việc ngồi lâu thoải mái hơn phần nào và có giá thành cạnh tranh lẫn thời gian sản xuất ngắn.

Tuy đến giờ người ta vẫn không biết chính xác ai là tác giả của mẫu ghế “quán bia” với thiết kế tựa lưng hình vỏ sò, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng nguyên mẫu là chiếc ghế Fauteuil 300 (1972) của kỹ sư người Pháp Henry Massonnet. Khác với những mẫu ghế Monobloc trước đó như Pantone, Selene, Fauteuil 300 có thêm tay tựa, gia tăng sự thoải mái khi ngồi. Mẫu Fauteuil 300 nhìn chung có đường nét chuyển động mềm mại hơn ghế quán bia; cũng ít khe rãnh trang trí hơn giúp việc dọn dẹp thuận tiện hơn. Điểm này đem lại cho chiếc ghế Fauteuil 300 không khí hiện đại, ke nuột tối giản hơn, dù rằng nó đã ra đời trước hàng chục năm.

Chiếc ghế “quán bia” mang tính không biên giới cùng sự trống rỗng về đặc tính văn hóa. Tuy vậy, chuyện không truyền đạt bất kỳ thông điệp gì lại trở thành câu chuyện của chính nó.

Kỹ sư Massonnet đã có những cải thiện trong quy trình sản xuất, giúp giảm thời gian toàn bộ chu trình sản xuất xuống dưới hai phút. Kể từ những năm 80, ngày càng nhiều công ty bán rộng rãi các mẫu ghế tương tự trên thị trường, cũng nhờ không có ràng buộc pháp lý nào về bản quyền thiết kế.

GHẾ “QUÁN BIA” KỂ CHUYỆN GÌ?

Mặc dù chiếc ghế “quán bia” tưởng như là một phần đời sống của quán xá bình dân vỉa hè Việt Nam nhưng trái với suy nghĩ của một số người, nó không hề đặc trưng và đại diện cho riêng Việt Nam. Ngược lại, nó là mẫu ghế xóa bỏ cá tính riêng ở những nơi nó xuất hiện. Chiếc ghế này chỉ trong vài chục năm đã lan rộng khắp các châu lục. Theo ý kiến của chuyên gia truyền thông Ethan Zuckerman – Giám đốc Truyền thông của Đại học MIT, mẫu ghế này là một sản phẩm không có ngữ cảnh. Thông thường, khi xem một bức ảnh, quan sát chi tiết ta có thể đoán biết được thời đại nó được chụp và thậm chí ở đâu, nhưng nếu nhìn vào một bức ảnh chụp chồng ghế “quán bia” trên một bãi cỏ um tùm hoặc bên lề vỉa hè thì người xem gần như không thể xác định được thời điểm và địa điểm của bức ảnh. Điều này trái ngược với chính mẫu ghế Monobloc thời kỳ đầu như Panton, với hình dáng chữ S tối giản, không chi tiết thừa, trở thành biểu tượng cho phong cách Thời đại không gian (Space Age) đặc trưng thập niên 60, cũng là đại diện cho bước tiến trong công nghệ sản xuất.

Chiếc ghế “quán bia” mang tính không biên giới cùng sự trống rỗng về đặc tính văn hóa. Tuy vậy, chuyện không truyền đạt bất kỳ thông điệp gì lại trở thành câu chuyện của chính nó. Mẫu ghế này phản ánh mâu thuẫn của xã hội tiêu dùng ngày nay. Chiếc ghế nhựa là hình ảnh tiêu biểu cô đọng cho đồ nội thất bình dân giá rẻ và xu hướng tiêu thụ hàng loạt các sản phẩm cào bằng cá tính. Đồng thời, nó không đáp ứng được các tiêu chí sản xuất bền vững lẫn mong muốn thể hiện sự khác biệt, sáng tạo trong một xã hội có xu hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân. Không ngạc nhiên khi chiếc ghế này gây ra nhiều tranh cãi, yêu ghét trái chiều. Đỉnh điểm là thành phố Basel, Thụy Sĩ từng ra lệnh cấm sử dụng chiếc ghế này trong giai đoạn 2008 tới 2017 do lo ngại nó sẽ hủy hoại thẩm mỹ đô thị. Tuy vậy, không thể phủ nhận thiết kế này đáp ứng tốt công năng cơ bản và tối thiểu của một chiếc ghế, lại tiện dụng, nhẹ, giá rẻ, tương đối bền khi sử dụng ngoài trời thế nên rất phổ biến với các hàng quán vỉa hè.

Chiếc ghế “quán bia” thể hiện điều gì đó sâu sắc trong bản chất của thẩm mỹ đương đại, rằng công năng đôi lúc chiếm ưu thế, tính đại chúng và khả năng nhân rộng là yếu tố quan trọng trong việc biến một thứ thành kinh điển.

Chính vì vậy, các nhà thiết kế đương thời vẫn tiếp tục cải tiến mẫu ghế, tìm cách sửa chữa những khiếm khuyết của mẫu ghế cũ. Nhà thiết kế người Đức Konstantin Grcic đã tạo ra mẫu ghế Monobloc Bell chair (2020), sử dụng hoàn toàn vật liệu nhựa tái chế. Mẫu ghế này vẫn giữ được những ưu thế của ghế “quán bia” cũ: nhẹ, bền, nhiều màu sắc phong phú, có thể xếp chồng gọn gàng; đồng thời kết hợp đường nét mới hiện đại, rõ cá tính hơn, lại góp phần bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa. Tuy vậy, về mặt giá thành vẫn không thể đánh bại chiếc ghế cũ. Hiện ghế Bell do một thương hiệu của Ý – Magis bán ra với giá niêm yết khoảng hơn 2 triệu VND.

Chiếc ghế “quán bia” thể hiện điều gì đó sâu sắc trong bản chất của thẩm mỹ đương đại, rằng công năng đôi lúc chiếm ưu thế, tính đại chúng và khả năng nhân rộng là yếu tố quan trọng trong việc biến một thứ thành kinh điển. Chính vì vậy, mẫu thiết kế này đã truyền cảm hứng cho giới sáng tạo, tìm những cách diễn giải mới dưới nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau. Ví dụ như bộ phim tài liệu “Monobloc” (2021) của đạo diễn người Đức Hauke Wendler, cuốn sách 220°C Virus Monobloc / The Infamous Chair (2010) tập hợp những tác phẩm xoay quanh ý tưởng gốc của chiếc ghế “quán bia”. Cũng đã có không ít triển lãm nghệ thuật dựa trên chiếc ghế này, nhằm bày tỏ quan điểm đa chiều về xã hội đương thời thông qua chiếc ghế bình dân và phổ biến bậc nhất.

TẠM KẾT

Bất chấp mọi yêu ghét, ghế Monobloc “quán bia” đã giành được một vị trí trong bức tranh văn hóa đại chúng của thế kỷ. Khác với nhiều thiết kế kinh điển khác ghi dấu trong lịch sử nhờ bứt phá công nghệ hay thẩm mỹ vượt trội, chiếc ghế này trở thành biểu tượng bằng sự bình dân có phần tẻ nhạt, đơn điệu nhưng mặt khác lại là câu trả lời vừa đủ, kịp thời cho nhu cầu của một xã hội phát triển nhanh vội vã.□

Bài đăng Tia Sáng số 10/2024

Tác giả

(Visited 115 times, 4 visits today)