Danh càng cao, họa càng nhiều

Tôi tự hào là nhà văn gây cảm hứng cho nhiều người viết trong hai mươi năm qua, nhưng tôi cũng biết thân biết phận, danh càng cao thì họa càng nhiều, điều đó chẳng hay ho gì đâu.


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. 

Xuất hiện lần đầu tiên năm 1986 với Tướng về hưu, ông lập tức gây sửng sốt cho người đọc, và suốt 20 năm qua, mỗi tác phẩm của ông đều khuấy đảo cái không khí vốn tịch mịch của văn chương Việt. Những tác phẩm ấy gây tranh cãi về cách hiểu, cách đọc, cách phê bình văn học, tạo sự hứng thú cho cả người đọc, nhà phê bình, người quản lý. Sống, đau đớn, chiêm nghiệm, tỉnh thức, để rồi lại mê man, tìm kiếm… ông trình bày cuộc sống như nó đang là, để đời sống tự nó hiện lên ý nghĩa.

Ông thường đón nhận người yêu kẻ ghét tác phẩm của mình bằng nụ cười kiêu bạc. Giờ tóc đã điểm sương, ông có còn giữ được sự kiêu bạc ấy khi có người nói “Nguyễn Huy Thiệp suy rồi”, “Nguyễn Huy Thiệp đang bị bắn chết trong văn học”, “Nguyễn Huy Thiệp chấp chới trong sự sống và cái chết”…?

Chừng nào còn bên nam bên nữ, bên ghét bên yêu là mình còn. Xuất hiện lần đầu tiên năm 1986, bắt đầu thời kỳ đổi mới, năm tôi 36 tuổi, đến giờ đã 63 tuổi, qua ba con giáp, cũng là lúc kết thúc sự nghiệp văn học của mình, kết thúc cuộc đời. Có một cái duyên: tác phẩm Tướng về hưu của tôi in đầu tiên ở Sài Gòn, và bây giờ, tác phẩm cuối cùng cũng được in và bày bán trước tiên ở đây. Dù nhiều luồng dư luận khác nhau nhưng không ai chối bỏ rằng nó vẫn mang chất Nguyễn Huy Thiệp. Càng tàn bạo, càng nhọc nhằn, đau đớn, hoang mang thì càng gần đến đạo. Tác phẩm của tôi làm đảo lộn cách nghĩ, đó phải chăng cũng là một trò chơi, trò chơi vô tăm tích.

Ông đã viết hơn mười tác phẩm kịch, chèo, khi viết ông có nghĩ đến việc chuyển nó lên sân khấu biểu diễn?

Cuộc đời sáng tạo mỗi người có một con đường riêng, một số phận riêng. Rất nhiều người tài khi mới bước vào sự nghiệp đều bị người đi trước coi là không biết viết. Hồi tôi bắt đầu xuất hiện trên báo chí đã từng bị những người biên tập cho là lối viết cọc cạch, không phải văn học, nên chuyển nghề khác! Với Vong bướm, chính Trần Đăng Khoa còn nói: “Mọi người bị ông Thiệp lừa hết, ông ấy chẳng biết gì về chèo cả”. Chúng ta sống trong cuộc đời, tất cả mọi người đều đi trong cõi hỗn độn vô minh, như thể một đầm lầy đen tối. Trong đầm lầy may mắn nhô lên một mỏm đá, những mỏm đá ấy có thể là Nguyễn Du, Bùi Xuân Phái… Nếu không có những mỏm đá nhô lên trên đầm lầy thì người ta biết đi đâu… Có những hòn đá bước lên bị thụt xuống mất tiêu luôn, nhưng cũng có những hòn đá giúp ta đứng lên đi tiếp. Với mỗi kịch bản sân khấu, tôi làm hết mình.

Tôi muốn bước đầu mở ra một cách xem, nghe, nhìn mới. Tôi tưởng tượng Vong bướm sẽ thoát khỏi sân khấu truyền thống, được trình diễn trên một sân khấu hoành tráng như cuộc thi hoa hậu, với ánh sáng tưng bừng, và dàn đồng ca là hàng trăm cô gái… Trong lễ trao giải tại Ý, tôi đã từng chứng kiến hàng trăm sinh viên hát những bài dân ca nổi tiếng của Ý gây không khí náo nhiệt. Những giá trị văn hoá cổ truyền như chèo, cải lương, tục ngữ ca dao… không thể chỉ trình diễn ở mái đình cây đa. Nếu không bước vào không gian sân khấu hiện đại, không biết biến hoá, nó sẽ chết. Có những tác phẩm mà thời điểm ra đời và thời điểm xuất hiện có khi không trùng nhau, như vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi, hay vở Ba chị em của Tchekhov đến nay vẫn chưa được dựng.

Trong các tác phẩm của ông, nhân vật đều hiện lên với tất cả sự trái ngược: trắng đen, tinh khiết, tục tằn… Dường như ông yêu cuộc sống với những gì đẹp đẽ và cả sự thô nhám?

Người viết văn chúng tôi rất khó lý giải về tác phẩm của mình. Văn học là một công việc lao động đặc biệt, phụ thuộc chuyện người viết sống thế nào mới có cái để kể cho người khác nghe. Tôi nhớ giai thoại về Dostoevsky, khi người ta hỏi ông thích nhất tác phẩm nào, ông nói Anh em nhà Karamazov, ông thú thực đã viết khi đang bị bệnh trĩ hoành hành. Viết giúp ông trượt qua nỗi đau rất thực đó. Ông viết về nỗi đau của chính chúng ta, không phải nỗi đau xa xôi nào. Con người sống trong tăm tối vô minh. Đi tìm con đường sống cho con người, nhiều khi phải rất đau đớn về cả thể xác và nội tâm, phải trải qua những đắng cay, trần trụi nhất mới có thể viết những tác phẩm có lòng từ bi hỉ xả, đó cũng là hạnh phúc… Hãy làm bằng sức của mình, đừng cố gắng, cố rất mệt… Một bạn viết văn trẻ đã nói với tôi rằng: “Văn học của ta rất ít muối, tác phẩm của ông là muối xát vào lòng người đọc”. Điều đó an ủi tôi nhiều. Viết là làm cho bản thân và một vài người quanh ta khá khẩm hơn lên một chút, đó là cái nhìn rất thực tế của tôi về cuộc sống nói chung và nghệ thuật nói riêng.

Đi từ truyện ngắn đến truyện dài, tiểu thuyết, phê bình văn học, và bây giờ là kịch thơ, chèo… sắp tới không biết ông sẽ còn đi đâu?

Hãy sống với cái đang là, đang diễn ra. Tôi cũng có những dự cảm lạc quan, nhưng để thành hình cái gì thì phải chờ… gió đông thôi (cười ý nhị). Có những cái là sức người, có cái phải nhờ sức giời nữa. Tôi sống tuỳ duyên, nhưng luôn cố gắng để viết hay nhất có thể. Nền văn học cũng phải đa dạng, nhìn ra những cái mới trong tương quan chung. Chúng ta rất cần những kịch bản sân khấu phá cách. Mỗi người hãy dựng trong lòng mình một sân khấu chèo riêng cho Vong bướm. Như thế mới có cơ may giữ gìn và làm mới văn hoá cổ truyền. Giá trị dân tộc ngày càng phải bảo tồn theo cách mới, đó chính là cuộc sống phía trước, là hy vọng.

Vong bướm là tuyên ngôn về nghệ thuật, về thân phận của người nghệ sĩ?

Tôi cũng sắc sắc không không, cũng có lúc nói dối, có lúc nói thật, có lúc vụng dại… không có tuyên ngôn chung cho tất cả. Nhà văn giống như một nghề, viết trước tiên là cho mình. “Khi mê bùn chỉ là bùn, ngộ ra mới biết trong bùn có sen”… Ở đời nó thế, nhiều nghịch lý lắm, có khi người vô đạo đức lại cứ ra rả nói về đạo đức, người lương thiện lại toàn nói ra điều ác. Thiện ác, đúng sai, hay dở chính là cuộc sống. Chúng ta rất nhiều người viết được văn, nhưng không phải ai cũng được chọn. Đấy cũng là điều độc đáo của tạo hoá.

Trang Châu gửi mộng tan thành bướm… Bướm về tan mộng hoá Trang Châu… Vong bướm phảng phất hương vị của đạo Phật, Lão, Trang. Đến tuổi này vui buồn được mất cũng như nhau, thấy đời văn cuối cùng được tiếp đón chân tình, nồng nhiệt là quý lắm rồi. Mối quan hệ quan trọng nhất trong xã hội là chuyện tình, chuyện đạo, chuyện đạo nói cho cùng cũng là âm dương. Đàn ông hay đàn bà cũng phải bước qua xác rất nhiều “đàn” mới nên người.

Ưu tư lớn nhất của ông về sự tha hoá của con người trong cơn lốc của cuộc sống hiện đại?

Xã hội càng phát triển, càng khó mà xác định đúng sai hay dở, vì thế nhiều thứ giả lên ngôi. Hiện sinh trong tác phẩm của tôi là trực ngộ. Thật sự con người rất oái oăm. Muốn trở thành nhà văn, phải rất tinh vi, đi vào cái vi tế của con người. Lòng người càng ngày càng oái oăm, trẻ con lấy nhau, bỏ nhau như bỡn.

Vừa rồi tôi đi thăm mấy nhà trọ của khu công nghiệp Bình Dương, thấy nhiều đôi trai gái đẻ con không đủ tiền nuôi, đem cho một cách thản nhiên. Một người đàn ông làm từ thiện phải than trời vì nhiều trẻ bị bỏ rơi đến nỗi ông nhận không xuể. Cái ác phổ biến đến nỗi người ta không biết đó là ác nữa. Nếu chỉ nhìn những khu công nghiệp hào nhoáng, làm sao thấy được những nhà trọ chật chội đầy trẻ con có cha mẹ mà vẫn mồ côi, những người công nhân cuộc sống ức chế, thiếu hụt nghiêm trọng cả về đời sống tinh thần, vật chất. Chứng kiến những điều đang diễn ra, tôi đau lòng, giật mình. Chúng ta đâu cần phải hoành tráng, hào nhoáng, hãy phát triển từ từ để nâng cao trình độ dân chúng. Hoà nhập thế giới là chơi với người giỏi hơn mình, nếu không vững sẽ rất dễ bị áp đặt luật chơi của họ. Trong xã hội chỉ có một bộ phận theo kịp, nhưng dân chúng thì bị thiệt thòi rất nhiều. Bất ổn từ đó mà sinh ra. Vong bướm cảnh tỉnh con người đừng rời bỏ thiên nhiên, hãy quay trở về với cái gốc gác làng quê của mình. Văn học như cái phanh, làm cho con người sống chậm, sống tử tế hơn.

Nhiều người gọi ông là “người nhà quê còn sót lại trong văn học Việt Nam”. Làm thế nào để ông giữ được cái nhà quê ấy trong đời thường?

Hình ảnh Điệp Lang rời bỏ quê hương, tổ tiên, đi tìm ánh sáng đô thị, cũng là hình ảnh của nhiều văn nghệ sĩ đương thời, nhiều khi chỉ là ảo tưởng, rất nhiều người chết dọc đường, vẫn là một anh nhà quê. Ở phương Tây có những thương hiệu được gìn giữ hàng trăm năm, qua nhiều thế hệ, cha truyền con nối. Nhưng ở Việt Nam, những thương hiệu lớn lập ra từ thế hệ đầu có ai nối nghiệp đâu. Chúng ta thiếu sự bàn giao, không có thế hệ tiếp nối trong tất cả mọi lĩnh vực. Những giá trị cha ông bao nhiêu công sức dựng nên đã bị phá tan tành bởi tư duy nhiệm kỳ. Rất nhiều thế hệ nghệ sĩ đã chết dọc đường vì những cám dỗ.

Tôi cũng vậy thôi, mảnh đất nhà quê của tôi cũng mất một nửa rồi, chỉ còn cái vườn rau. Ngày xưa còn có cái cây to, giờ không còn nữa. “Nhà ông bán đi rồi/ Vợ lăm le ở vú/ Con tấp tểnh đi bồi…” Y như Tú Xương vậy thôi. Còn cơm áo gạo tiền, còn thế hệ con cháu, không bán không xong với nó!
 

Ông có bị lạc lõng trong nhịp thở hôm nay? Điều gì giúp ông sống vui mỗi ngày?

Xã hội bây giờ đâu có như xưa, phải hoà nhập chứ, nhảy ra khỏi đoàn tàu định mệnh là chết liền. Dù chen chúc vẫn phải trèo lên. Phải vào hội sách, bán sách mới nuôi được gia đình, mới ký được hợp đồng với NXB Trẻ chứ! Mỗi cuốn sách có một sự bắt đầu khác nhau, hai vở kịch của tôi Nhà ôsin và Vong bướm in lần đầu tiên trên báo Sài Gòn Tiếp Thị. Trong đó, Vong bướm in thành sách một tháng sau. Rồi tôi được NXB Trẻ mua bản quyền toàn bộ tác phẩm (44 truyện ngắn và tuyển tập truyện, trừ cuốn Vong bướm), sử dụng trong năm năm với trị giá 500 triệu đồng. Như thế cũng oách rồi. Nếu rời xa những công việc quen thuộc ấy tôi biết làm gì. Vừa tu, vừa không tu. Tu giữa chợ đời.

Giúp tôi sống vui có nhiều thứ, trong đó có văn chương. Văn chương vừa là cứu cánh, vừa là công việc. Văn chương là đạo giúp mình sáng nước hơn, nhìn ra những cái mới, giúp mình chia sẻ được với vợ con, bạn bè, mọi người. Văn là người, giống như tần sóng radio, có người bắt được sóng, có người không, cũng là chuyện thường.

Trong buổi giao lưu với sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, nhiều ý kiến tâm đắc với Vong bướm, dường như lớp trẻ đón nhận tác phẩm của ông đã cởi mở hơn?

Xã hội mình đang phân hoá khốc liệt vì đời sống, phương thức sống, kể cả giới trí thức. Những nhà nghiên cứu, những người trẻ có điều kiện kinh tế, tri thức nhất định, trình độ ngoại ngữ tốt… dễ nhận ra những giá trị thực.

Ông nghiệm ra điều gì từ những được mất trong nghiệp dĩ của mình?

Tôi sống chủ yếu bằng sự nghiệp viết lách, nhưng cũng không ăn thua, cũng phải theo thời, bán đất đi để sống. Ngẫm lại ngày xưa ít tiền, danh tiếng ít, sống hạnh phúc hơn. Thời đó cũng có đau khổ nhưng là đau khổ giải thích được, là đau khổ thông thường của từng người đối mặt với cái ác. Những cái ác có lý. Không phải đối diện với cái ác vô lý, không giải thích được như bây giờ. Nhà văn mình rất ít người nhận ra điều ấy, có người nhận ra, đau lòng, nhưng không dám viết. Văn học cũng nhận ra, nhưng chậm hơn văn học dân gian. Văn học nếu không nhận ra điều ấy thì chúng ta cũng giống như súc vật thôi, không có linh hồn, không có tình. Tôi mong văn học Việt Nam ngày càng cởi mở, có nhiều tác phẩm mới, đẹp đẽ hơn nữa… Tôi tự hào là nhà văn gây cảm hứng cho nhiều người viết trong hai mươi năm qua, nhưng tôi cũng biết thân biết phận, danh càng cao thì hoạ càng nhiều, điều đó chẳng hay ho gì đâu.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)