Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm – gần nhân vật và gắn với tài liệu trực tiếp
Nữ đạo diễn phim tài liệu độc lập Nguyễn Thị Thắm trò chuyện với Tia Sáng về bộ phim gây xúc động và quan tâm mạnh mẽ tại Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam mới đây của chị, một tác phẩm dự định hoàn thành trong bốn tháng nhưng cuối cùng phải cần năm năm mới đến được với khán giả.
Trong khuôn khổ Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ sáu diễn ra tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vừa qua, sự nhọc công, kiên trì để thông hiểu hiện thực của nữ đạo diễn phim tài liệu độc lập Nguyễn Thị Thắm qua bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” đã tạo được sự xúc động, quan tâm mạnh mẽ của khán giả. Chị đã đi cùng hành trình của đoàn hội chợ từ nơi này sang nơi khác để dịch chuyển máy quay của mình từ “hữu hình” sang “vô hình”, để không chỉ ghi lại những buổi biểu diễn, sinh hoạt đời sống của những người chuyển giới, đồng tính sống cuộc sống “du mục”, lấy lời ca tiếng hát làm kế sinh nhai mà còn là khao khát được thừa nhận, được yêu thương và tôn trọng của họ.
Theo đuổi phong cách tài liệu trực tiếp trong tất cả các bộ phim của mình, theo bạn, từ “trực tiếp” có nghĩa là gì?
Sử dụng những hình ảnh và âm thanh trực tiếp từ cuộc sống. Đó là cách làm phim giúp người làm phim có thể tiếp cận gần nhất với các nhân vật của mình. Vì thế mà bạn thấy khi quay một bộ phim tài liệu trực tiếp, đoàn phim của mình hết sức gọn nhẹ, chỉ gồm một đạo diễn kiêm quay phim là mình và một bạn thu thanh nữa. Đó cũng là cách hạn chế không gây ồn ào, không tác động đến cuộc sống của các nhân vật.
10 năm sinh sống ở Sài Gòn, bạn vẫn không thuộc được đường quận 1, vậy đường nào dẫn bạn tìm ra các nhân vật của mình? Liệu chị Phụng và các nhân vật khác trong đoàn hội chợ của chị có phải là món quà may mắn mà cuộc sống trao cho bạn?
Poster cho phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” tại Pháp. |
Thời điểm năm năm trước, khi bắt tay thực hiện dự án phim tài liệu về một đoàn hội chợ gồm những người chuyển giới, mình đã khá vất vả để tìm kiếm thông tin, các đoàn hội chợ không còn thấy ở các thành phố nữa. Lúc đó, mình chưa xác định được nhân vật. Trong thời gian công tác ở Nha Trang, mình đã tìm được thông tin về một đoàn hội chợ đang biểu diễn ở một huyện gần đó. Mình tìm tới và gặp chị Phụng. Có thể coi là may mắn, là cái duyên vì với tất cả các bộ phim mình đã thực hiện, trong quá trình khảo sát nhân vật cho chủ đề, nhân vật đầu tiên mình gặp bao giờ cũng trở thành nhân vật trong phim. Chị Phụng và đoàn hội chợ do chị quản lý cũng vậy.
Vậy lý do gì mà một bộ phim dự định hoàn thành trong bốn tháng phải cần năm năm mới đến được với khán giả?
Ban đầu mình nghĩ đơn giản lắm, chỉ cần theo đoàn đi đến chỗ này chỗ kia, ghi lại các sự kiện quanh đó. Nhưng càng tiếp xúc với các nhân vật cũng như chứng kiến công việc của họ, mình khám phá ra nhiều bất ngờ. Mình thấy dù mẫu số chung là buồn, cùng lang bạt theo một đoàn hội chợ qua những miền quê nghèo nhưng mỗi người lại có những câu chuyện tâm tư khác nhau. Bản thân mình cũng xuất hiện nhiều câu hỏi, nhiều giả thiết buộc mình cần thêm thời gian để trả lời.
Ngoài vấn đề thời gian, bạn đã xây dựng mối quan hệ với các nhân vật của mình thế nào?
Phim tài liệu khám phá người khác nhưng cũng vẽ chân dung chính mình, nó giúp mình hiểu mình. Quá trình quay bộ phim, đi theo đoàn hội chợ của chị Phụng là trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn khác. Nó hấp dẫn mình, cuốn mình đi. Còn với các nhân vật, mình cố gắng hòa vào với môi trường sống của họ. Những phân đoạn quan trọng trong phim đều là những phân đoạn mình đã có sự gắn bó nhất định, đã ăn chung, ngủ chung… với các chị ấy. Đêm lắng nghe họ nói chuyện, nghe những câu chuyện riêng tư của họ rồi mình và họ thấy gần gũi hơn. Những phân đoạn quan trọng khi quay mình đều có cảm giác đang không cầm máy quay, chiếc máy quay biến mất.
Thành công của phim ở chỗ nắm bắt được những khoảnh khắc riêng tư của nhân vật nhờ vào sự tiệm cận, lăn xả hiện thực của bạn. Còn các nhân vật, có khi nào họ không tin cậy vào máy quay của bạn?
Có. Đó là trường đoạn buổi đêm xuất hiện đám cháy. Nó có thể trở thành một trường đoạn hết sức kịnh tính của phim. Nhưng khi mình chạy theo mọi người đưa máy lên ghi hình thì từ trong sự nhốn nháo, có tiếng ai đó vọng ra “tại mấy người theo quay hoài quay hoài nên đoàn mới gặp xui xẻo như vậy”. Lúc đó mình như chết đứng. Mình không cho phép mình tiếp tục được quay nữa.
Có khi nào bạn chủ động tạo ra các tình huống cho nhân vật?
Bộ phim hoàn toàn tự nhiên, ba tháng đầu chủ yếu là thời gian quan sát, không có nhiều phân đoạn quan trọng, sang đến ba, bốn tháng tiếp theo thì có nhiều tình huống kịch tính thú vị đã xảy ra như bạn thấy trên phim. Nhưng trong một số phim khác, mình buộc phải chủ động tạo ra các tình huống, gợi ý để nhân vật rơi vào tình huống mà mình biết phải xuất hiện trong phim, còn sau đó nhân vật vào tình huống, diễn ra thế nào là tự nhiên.
Kéo dài quá trình quay đồng nghĩa với việc đối diện với một khối lượng dữ liệu không lồ. Để có bộ phim 80 phút, bạn đã phải làm việc trên bàn dựng thế nào?
Đối với phim tài liệu, vai trò người dựng phim không thua kém gì người đạo diễn. Tính sáng tạo của một bộ phim tài liệu nằm ở đây. Quá trình dựng phim là quá trình đi tìm cấu trúc của phim. Mình cũng chú ý đến tính hấp dẫn và tiết tấu khi dựng. Mình phải tìm và chọn những phân đoạn vừa thể hiện được chủ đề vừa tạo ra được tính hấp dẫn. Mình có hơn 60 giờ dữ liệu sau quá trình quay đoàn của chị Phụng. Sau khi sắp xếp các mảng nội dung, các tuyến nhân vật, mình lựa chọn những phân đoạn kịch tính, thú vị. Trong quá trình quay, những phân đoạn tốt đó sẽ nổi bật hẳn thế nên việc dựng một bản bốn giờ không quá khó. Nhưng ở bản dựng thứ hai, từ bốn giờ xuống còn 80 phút là một sự hy sinh đau đớn. Mình luôn tính đến tiết tấu của phim để mỗi phân đoạn không quá ngắn không quá dài, đủ giữ khán giả chìm đắm mà không bị xao nhãng khỏi câu chuyện. Ở bản dựng cuối, mình đã phải hy sinh đi hai tuyến nhân vật cũng rất cảm động. Mình tập trung câu chuyện vào chị Phụng từ vai trò thủ lĩnh răn đe đàn em, tổ chức công việc, ngoại giao địa phương… đến đời sống tâm linh, tình cảm, mơ ước riêng tư…
Nhưng điều đáng tiếc là chị Phụng đã mất trước khi được xem 80 phút buồn bã nhưng hết sức nhân văn về mình và đoàn hội chợ.
Rất đáng tiếc vì điều đó nhưng có lẽ điều quan trọng nhất như mong muốn của chị là: Người khác có thể xem phim và hiểu về cuộc đời những người làm hội chợ nay đây mai đó.
Hiểu con người chắc cũng là lý do để bạn trở thành nhà làm phim tài liệu. Vậy để hiểu một nhà làm phim tài liệu độc lập thì…
Làm những công việc để có thu nhập nuôi sống bản thân và thực hiện những dự án thỏa mãn bản thân là trăn trở của người làm phim tài liệu độc lập như mình. Vì thế cần xuất hiện ở Việt Nam những nhà sản xuất phim tài liệu độc lập để giúp cho người làm phim có thể bảo vệ và phát triển được các dự án của mình.
Trước khi nhà sản xuất mơ ước đến với bạn, bạn có nghĩ khả năng bộ phim của mình đến với khán giả qua con đường phát hành ở rạp?
Mình cũng mong đợi khán giả Việt Nam bỏ tiền đi xem phim tài liệu. Khi thực hiện một phim tài liệu, ngoài tính xã hội, nhân văn mình cũng luôn tính tới sự hấp dẫn.
Nhiều khóa học về phim tài liệu sáng tạo được tổ chức ở các địa chỉ Doclab, Varan, TPD… nhưng không có nhiều học viên thực sự bước ra khỏi khuôn khổ của workshop để thực hiện những dự án làm phim riêng và trở thành một nhà làm phim tài liệu độc lập như bạn?
Việc đi đến tận cùng khả năng luôn do sự lựa chọn của mỗi người.
Vậy trong bộ phim sắp tới, bạn có sự lựa chọn nào khác ngoài điện ảnh tài liệu trực tiếp cho phong cách làm phim của mình?
Mình vẫn sẽ tiếp tục với tinh thần của tài liệu trực tiếp nhưng sẽ chú ý nhiều hơn về phong cách cá nhân. Làm sao để vẫn là nhà làm phim tài liệu trực tiếp nhưng mình khác những nhà làm phim tài liệu trực tiếp khác.
Chúc Thắm thành công!
Vài nét về đạo diễn phim Nguyễn Thị Thắm
Sinh năm 1984; Tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP. Hồ Chí Minh năm 2007; Tham gia hai khóa học đạo diễn, dựng phim của Công ty Truyền thông và Sản xuất nghe nhìn Varan Việt Nam năm 2005, 2006; Các phim tài liệu đã thực hiện: Chào con chào baby (2005), Ông và cháu (2006), Xe ôm (2011 – Bằng khen tại LHP Bông sen Vàng 2013), Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (2014); Hiện là nhà làm phim tài liệu độc lập sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh. |