Đạo Vòng, Đạo Thẳng
Cuộc sống sẽ nhẹ đi biết bao nhiêu, nếu “Đạo Thẳng” được mỗi chúng ta và cả xã hội chấp nhận.
Đạo Vòng
Nền văn hóa ý nhị truyền thống của xứ Việt tự bao giờ luôn nhắn nhủ chúng ta chuộng nhìn chếch.
Nhìn chếch có nhiều vẻ đẹp của nó.
Một cô gái nết na thời xưa bao giờ cũng nhìn chếch. Đôi mắt lá dăm càng hợp cho vẻ đẹp này. Rộng hơn nữa, xứ Đông là như thế. “Mắt đi mày đến”, “nhãn khứ mi lai” là cách tả vẻ đẹp chênh chếch ý nhị này.
Nhìn thẳng chỉ hợp pháp, nếu là bề trên nhìn bề dưới.
Những người “ngang hạng” nhau, cũng phải tránh nhìn thẳng. Trong nhiều trường hợp việc nhìn thẳng người (có vẻ) ngang hạng hay người (có vẻ) trên hạng được tự động suy dịch ra như sự thách thức, và bạo lực, tinh thần hay vật chất, có thể chỉ vì thế mà được châm ngòi.
Nhìn thẳng đã phức tạp là thế. Khi ra đường bạn cũng phải cẩn thận.
Nói thẳng càng phức tạp hơn, vì bằng chứng rõ ràng hơn.
Khi ta phải bắt đầu câu nói bằng “tôi xin nói thẳng là…” là ta đã phải chấp nhận điều xấu nhất có thể sẽ xảy ra, có thể liên quan đến cả tính mạng. “Nói thẳng” là cùng bất đắc dĩ, cực chẳng đã, chịu hết nổi.
“Nghe thẳng”, lại càng khó nữa. Xưa kia nhiều khi bề dưới chưa kịp tâu xong cho hết câu thì đầu bề dưới đã lìa cổ. Đôi khi sau đó bề trên nghĩ lại, cho khâu đầu liền lại thây mà cúng tế tiếc thương cho bề dưới, vì mình trót quá giận mà lỡ tay.
“Viết thẳng” thì bút sa gà chết.
Tóm lại đường vòng được tôn lên thành “Đạo”, “Đạo Vòng”. Lời nói nhằm mục đích lớn nhất là quẩn quanh, “cho vừa lòng nhau”, và điều này được khắc vào “túi khôn” cho những người tử tế. Còn kẻ bạo ngược có sức mạnh trong tay thì chỉ việc làm ngược lại như vậy mà thôi.
Đạo Thẳng
Cuộc sống sẽ nhẹ đi biết bao nhiêu, nếu “Đạo Thẳng” được mỗi chúng ta và cả xã hội chấp nhận.
Đầu tiên là chúng ta tập nhìn thẳng nhau, cứ ánh mắt mà nhìn. Tập nhìn với đầy thiện cảm, nhưng không nịnh bợ. “Nhìn thẳng nịnh bợ” thì lại còn ở dưới luôn cả tầm của nhìn chếch mất rồi!
Rồi tập nói thẳng. Lời nói đâu có phải là điềm sấm điềm sét gì đâu mà cái “Đạo Vòng” xưa thổi trương cái nói thẳng lên khiếp quá. Cứ nói rõ là “ma chay cưới xin của người cùng công sở, tôi xin phép không tham dự”, ai giết được mình?
Rồi tập nghe thẳng. Ta tự ghi vào máy ghi âm câu “tôi không thích ông, ông tệ lắm”, thỉnh thoảng mình tự bật lên nghe lại, cho nó quen tai mình đi.
Rồi tập viết thẳng, thành bài vở, viết thật thà, rõ ràng, đừng chua ngoa là được. Rồi gửi bài cho báo chí, để họ kiểm duyệt hộ mình. Họ cắt bài, là việc của họ, họ cũng có bao nhiêu mối phải lo vì cái “đạo vòng”, nhưng rồi mỗi lần họ sẽ cắt ít dần đi. Nếu mình lúc nào cũng lại chủ động tự cắt bài mình đi nhiều quá rồi, để rồi tòa soạn họ lại phải đoán mãi, rồi lại phải nối các mẩu bài của mình hộ mình, thì khổ ra quá.
Những thứ học và tập này, nên bắt đầu từ trẻ thơ, từ trường lớp mẫu giáo luôn.
Có người sẽ nghị luận: trong đời sống, đường thẳng không phải là con đường ngắn nhất đâu nhé.
Chúng ta hãy xem một câu chuyện “nhỏ”, một câu chuyện “lớn”. Thực ra chúng cũng chẳng khác nhau bao nhiêu.
Câu chuyện thứ nhất, bạn muốn ứng cử con mình vào lớp mẫu giáo tốt (hy vọng rồi ở đó họ sẽ dạy “Đạo Thẳng” nha)? Bạn phải điều tra như thám tử để biết ra cái hộp đen ra quyết định ở trường lớp đó hoạt động như thế nào, từ điểm A đến điểm Z. Sau đó bạn phải tìm ra người tin tưởng đứng ở A, để trả khoản cảm ơn phí cho nó chạy dần xuống đến tận Z, lúc ấy thì cỗ máy ấy mới cho ra được kết quả.
Đúng thế, đó là con đường vòng hiện đang ngắn nhất, chỉ có điều là “con đường ngắn nhất” đó, nó… dài quá, và đầy trắc trở ! Vậy thì phải có lộ trình để đi tới những con đường sẽ ngắn hơn nữa, và chắc chắn hơn nữa, trong tương lai. “Đạo Thẳng” là nhắm tới làm cho các con đường việc đời ngày càng thẳng hơn, ngày càng ngắn hơn, ngày càng chắc chắn hơn, chứ không phải là để nằm mơ có con đường ngắn nhất ngay lập tức.
Câu chuyện thứ hai ở đây, là lộ trình cải tạo đồng lương.
Nếu chúng ta cầu mong cải tạo đồng lương một cách “đồng khởi”, một lần là xong cho toàn xã hội, tựa như đổi tiền, chắc là không đi đến đâu. Vì nhiều nhu cầu thật và căn bản của bộ máy xã hội sẽ bị “bỏ quên”. Hơn nữa các vị trí khác nhau của cỗ máy xã hội có các thế năng khác nhau cho tiến trình chuyển đổi.
Phải tìm những bước đi thật khoa học, thật đắc địa, thật thiết thực.
Hãy điều tra xã hội học về các thu nhập thật trong xã hội, trước hết trong bộ máy công quyền. Điều tra nghiên cứu này không nhằm làm hại ai, mà để hiểu rõ hơn cái xã hội thật mà chúng ta đang sống, mà ta tưởng như là đã hiểu nó dừ lắm rồi. Những mức thu nhập đó sẽ phản ánh rất nhiều những hiện thực mà chúng ta cứ cố gắng nhắm mắt lại để dối mình.
Đồng lương có mục đích quan trọng là để đền công, để công nhận giá trị công việc của những người đảm đương công việc. Cùng với đó, và có lẽ còn quan trọng hơn, đồng lương là để ràng buộc mạnh mẽ trách nhiệm của những người được trả lương cho những công việc đó. Đừng vội nghĩ đến “bình đẳng”, chính cái mơ tưởng đó sẽ càng nuôi dưỡng mạnh mẽ hơn sự bất bình đẳng phình trương trong bóng tối.
Trong bộ máy công quyền, phải bắt đầu lộ trình cải tạo hệ thống tiền lương từ các vị trí then chốt nhất, để ổn định được chắc chắn cái bộ máy đó, bộ máy quan trọng nhất của đời sống.
Ví dụ cần bắt đầu bằng cải cách hệ thống tiền lương cho các quan chức cao cấp nhất, và công khai hóa lương của họ một cách kiểm tra được. Ví dụ cải cách bắt đầu từ lương của cấp thứ trưởng trở lên. Giả dụ lương tháng của thứ trưởng sẽ là 7.000 USD, của bộ trưởng sẽ là 15.000 USD, của thủ tướng và của chủ tịch nước sẽ là 30.000 USD. Mức lương cao đó cực kì quan trọng : nó chấm dứt việc xã hội phải trả lời vòng vèo về thu nhập, tạo điều kiện cho sự rối loạn trong thu nhập được nảy mầm một cách không thể kiểm soát được. Quan trọng hơn nữa, nó trách nhiệm hóa các nhân sự giữ các vị trí quan trọng: xã hội kí một hợp đồng cao giá với họ, và đòi hỏi cao ở họ. Nó mở những cánh cửa vô hình vốn bị đóng mãi, để cho phép sự kiểm tra công khai về sự trong sạch thu nhập của bộ máy quan trọng nhất của xã hội.
Có thể hình dung sự cải cách này sẽ mở ra tiếp đó đến các vị trí nhạy cảm của bộ máy công quyền: tòa án, ngân hàng, an ninh, lập pháp…
Tiếp đó là đến tầng lớp lao động nghèo nhất: đồng lương tối thiểu phải được cải thiện dần dần theo các đợt sóng, để nó dần trở thành thực sự là nền tảng, là hạ tầng của hệ thống thu nhập xã hội, qua đó mà các quỹ an sinh của toàn thể xã hội được hình thành liên quan đến sức khỏe, trợ cấp thất nghiệp, đào tạo lại, hưu trí, v.v.
Và đến một lúc, tiền lương trong khu vực công cộng và trong khu vực tư nhân sẽ gần như nhau nếu tính về tổng thể phúc lợi của đời lao động.
—-
Chào xa dần “Đạo Vòng”, nghênh đón dần “Đạo Thẳng”, chúng ta sẽ thay đổi dần được các đồ đạc trong cái “túi khôn” truyền thống, để nhất định cải thiện được cuộc đời của mình, sao cho đàng hoàng, yên ấm, và vui vẻ./.