Khi mà giờ đây, đồng bằng này vẫn mải miết cho những cây lúa năng suất tốp đầu thế giới nhưng lại bào mòn đất đai và vắt kiệt sức người.
Nghịch lý của năng suất
An Giang – “Tiền lời mỏng như lá lúa” là điều mà không chỉ ông Trần Hữu Lượng, ở huyện Thoại Sơn, An Giang, nhắc đi nhắc lại mà bất kỳ người làm lúa nào ở An Giang cũng đều nói như vậy.
Trồng lúa gần 40 năm nay, nhưng toàn bộ những gì ông Lượng có chỉ là một căn nhà tuềnh toàng chưa đầy 100 m2 chỉ có gạch thô không trát, trong nhà không có vật dụng gì quý giá. Cả đời gắn với cánh đồng nên căn nhà ông cũng nằm ngay trên một công đất (ở đây là “công điền”, 10 công điền = 1 hecta) trước là ruộng lúa, nhìn ra con rạch nhỏ dẫn nước vào đồng, để tiện thăm ruộng bất kỳ lúc nào.
“Năm thì tiền bán lúa vừa đủ bù tiền phân thuốc, có năm thì lời, có năm thì lỗ sặc máu”, ông Lượng, người nhỏ thó nước da đen đúa kể. Nhưng nếu tính toán kỹ càng thì kể cả năm lời cũng vẫn lỗ vì trừ tiền phân thuốc, tiền làm đất, cắt lúa… thì số tiền đó chỉ đủ bù cho công lao động của ông Lượng và vợ trên đồng suốt từ sáng tới khuya.
Điều mà ông Lượng kể thật khác với những gì người ta hân hoan trên khắp các phương tiện truyền thông, đó là gần đây năm nào An Giang và cả Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, hai vùng trồng lúa chính ở Đồng bằng Cửu Long (ĐBSCL), cũng bội thu, giá lúa xuất khẩu cũng nhích tăng cao hơn. Tại sao lại có sự trái ngược giữa một bức tranh tươi sáng về những người nông dân trúng mùa, về mức xuất khẩu gạo cao thứ ba thế giới của đồng bằng này và những gì người nông dân khắc khổ đang ngồi kể.
Nhìn trên bề mặt, bức tranh tươi sáng về một đồng bằng có năng suất lúa thường xuyên giữ được mức khoảng 5 – 6 tấn, thậm chí có nơi có thể đạt hơn 7 tấn/ hecta (gần gấp đôi so với Ấn Độ và Thái Lan, hai nước xuất khẩu gạo thứ nhất và thứ hai thế giới), nhưng nhìn sâu vào câu chuyện trúng mùa thì mới thấy một bức tranh khác hiện ra.
“Vụ Đông – Xuân vừa rồi lúa được giá, bán được 7.500 đồng/ kg lúa, một công cắt (“10 công tầm cắt”, hay còn gọi là “công lớn” được nông dân trong vùng tính bằng 1,3 hecta) được hơn 900kg lúa thu được hơn 7 triệu, nhưng chi phí tiền phân hóa học, thuốc trừ sâu, tiền thuê máy làm đất, thuê máy cắt … đã hết khoảng 4,5 triệu. Vụ Hè – Thu năm trước thì tính ra không có lời, đầu vào vẫn như vậy nhưng chỉ bán được giá 6000 đồng/ kg”, ông Lượng kể. Vụ Hè – Thu rủi ro hơn vì chi phí đầu vào vẫn bằng vụ Đông – Xuân nhưng hay gặp mưa, lúa ướt dễ lên mầm, bán không được giá. Và giờ ông chỉ cầu trời vụ lúa thứ ba lời để có thể có đồng ra đồng vào.
Để có năng suất cao như vậy, ông Lượng bón xuống ruộng lượng phân bón và thuốc trừ sâu lớn tới mức mà tính ra thì chi phí cho các khoản này đã chiếm gần một nửa toàn bộ chi phí trồng lúa. “Nhẩm tính rợ” (tính nhanh, áng khoảng) của ông Lượng cũng gần giống với những gì mà Sở Tài chính An Giang đã tính vào năm 2021: Phân bón và thuốc trừ sâu chiếm gần một nửa chi phí trong 11 yếu tố tác động đến giá thành sản xuất, khiến cho những người nông dân chăm chỉ lam lũ đem lại năng suất lúa cao bậc nhất thế giới chỉ thu về hơn 1.000 đồng/ kg.
Những người nông dân trồng lúa như ông Lượng trên khắp đồng bằng này, dù tham gia vào chuỗi lúa gạo tỉ đô của một cường quốc lúa gạo trên thế giới, đều sản xuất manh mún, trung bình diện tích canh tác chưa tới 1,5 hecta / hộ, (thậm chí 85% các hộ trồng trung bình dưới 0.5 hectares) và chẳng hưởng được bao nhiêu lợi nhuận từ sản xuất lúa. Nhìn vào toàn chuỗi sản xuất lúa thì người nông dân vất vả cơ cực nhất nhưng lại là mắt xích yếu nhất, hưởng lợi thấp nhất, chỉ được hưởng 4–17% giá mà người tiêu dùng trả, tùy thuộc vào chất lượng các loại gạo và thị trường bán vào (cũng có tính toán khác cho thấy nông dân thu về khoảng 10% lợi nhuận, trong khi đóng góp vào chuỗi giá trị gạo cho thị trường trong nước và xuất khẩu lần lượt là 15% và 23%).
Vụ mùa nào ông Lượng cũng phải mua nợ mọi vật tư, từ giống cho tới các loại phân, các loại thuốc trừ sâu ở đại lý rồi đến cuối vụ, lúa vừa rời ghe ông sẽ mang tiền trả đại lý và lại chuẩn bị ghi nợ cho mùa sau. Ngay cả những vụ mùa bội thu, bán lúa được giá, trừ mọi chi phí đầu vào, họ cũng chỉ thu về khoảng 15-20 triệu/ hecta cho một vụ lúa kéo dài ba tháng rưỡi – khoảng 100 ngày công. Tiền công lao động bán mặt cho đất bán lưng cho trời của cả hai vợ chồng ông Lượng, trên mấy mảnh ruộng nằm cách xa nhau “chỉ xoay vòng đặt máy bơm cũng hết hơi”, tổng cộng chưa được hai hecta, vô cùng rẻ mạt: 150.000 – 200.000/ người/ một ngày, tức là thu nhập chỉ đủ ở ngưỡng nghèo. Nếu thuê đất, tiền thuê lại đẩy giá thành sản xuất đội lên thì thu nhập còn ở dưới ngưỡng nghèo.
Nhìn vào cơ cấu các yếu tố tác động tới giá thành sản xuất lúa, có thể thấy chi phí phân bón và thuốc trừ sâu quá lớn. Hiện nay chưa tính thêm các loại phân bón khác – chỉ tính riêng lượng NPK nông dân đổ xuống đồng ruộng đã lên tới hơn 400kg/ hecta. Lượng phân NPK cùng các loại phân hóa học khác đổ xuống ruộng vào khoảng 500-600 kg/hecta/ vụ (cao hơn nhiều nước, chẳng hạn, cao gấp đôi Thái Lan).
Không phải tự nhiên những người nông dân đồng bằng Cửu Long bón phân nhiều đến vậy. Nhìn vào canh tác hiện tại với nhịp độ lên tới 3 vụ/ năm ở khắp Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, ít ai hình dung được nơi này từng có thời trồng lúa chỉ có một vụ. Còn một vụ nước lũ từ sông Tiền và sông Hậu tràn đồng, đất được nghỉ ngơi và nước lũ hào sảng mang theo dồi dào tôm cá.
Cái giá của chế ngự tự nhiên
Nhưng cái đói ập đến sau chiến tranh đã khiến đất và người nông dân ở đây thay đổi nhịp sống từ hàng trăm năm nay của mình. Từ cuối những năm 1970, đầu những năm 1980, chính quyền và người dân Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười học cách chế ngự tự nhiên, bằng một hệ thống đê bao khép kín đóng cửa ngăn lũ, đẩy nước ra khỏi các vùng canh tác lúa.
Đây không phải là lần đầu tiên ĐBSCL được tái cấu trúc, trong đó cách phổ biến nhất là bằng hệ thống kênh dẫn nước ngọt. Trong lịch sử 200 năm trở lại đây, đồng bằng này đã liên tục được xây dựng các kênh mương dẫn nước ngọt, giúp mở rộng diện tích canh tác, lấn dần các diện tích đất ngập nước, đất phèn, đất mặn. Nhưng so với những lần cải tạo trước thì lần này đã mở ra một chương hoàn toàn mới bằng việc cùng lúc xây dựng hệ thống kênh dẫn nước ngọt, cải tạo đất phèn, và đặc biệt là đê bao ngăn lũ, giúp không chỉ chế ngự triệt để các rốn phèn, rốn lũ của đồng bằng, từ nay “không úng không hạn tưới tiêu mặc lòng”*. Với sự trù phú hào sảng đã trở thành huyền thoại của mình, Đồng bằng Cửu Long, nay hoàn chỉnh vùng trồng lúa – tính cả ba vụ lên tới 4 triệu hecta, gánh lấy trách nhiệm chuyên canh liên tục không ngừng không nghỉ và là vùng giữ an ninh lương thực cho đến hôm nay.
Thành quả của nghiên cứu giống lúa, của cách mạng nông nghiệp tiến tới sản lượng và năng suất, đã mang lại những giống lúa cao sản ngắn ngày giúp nông dân chuyển từ giống lúa bản địa dài ngày (5-6 tháng/ vụ) sang chỉ còn 3 tháng/ vụ. Từ chỗ phản đối tăng vụ tới mức còn có nhiều hộ luộc chín lúa rồi mới đem gieo, do đang quen nhịp trồng lúa một vụ và một vụ lũ có tôm cá, những người nông dân dần chấp nhận những giống lúa cao sản ngắn ngày được gọi là “Thần nông” vì năng suất cao. Nhớ lại thời kỳ lãnh đạo phong trào cải tạo đất đai, đào kênh mương dẫn nước ngọt, xây dựng hệ thống đê bao ngăn lũ trong mười năm “biến những vùng đất nghèo ngủ yên lâu nay” thành lợi thế, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang ghi trong hồi ký “tôi bị cuốn vào phong trào khai hoang tăng vụ. Chưa bao giờ thấy đời mình có ích như vậy”.
Nhìn vào biểu đồ, vẫn còn thiếu số liệu 1980-1994, nhưng có thể thấy được từ 1995 tăng sản lượng nhờ vào tăng năng suất và tăng vụ, còn diện tích không tăng.
Thoại Sơn quê ông Lượng là một trong những vùng đầu tiên xây dựng đê bao ngăn lũ để tăng vụ trồng lúa. Tỉnh Đồng Tháp, ngay sát An Giang cũng khẩn trương làm đê bao để tăng vụ và xóa bỏ vùng đất ngập, đất phèn. Nhưng niềm hạnh phúc của những chủ nhân của vùng trồng năng suất bậc nhất, “thời đó không xài phân, thuốc là mấy”, như lời người nông dân An Giang nhớ lại, chỉ kéo dài được 10 năm. Tất nhiên ở điểm khởi đầu của công cuộc cách mạng cho cây lúa ở đồng bằng, chưa ai, kể cả ông Minh Nhị, nhà quản lý được gọi là “Bảy Nhị tam nông” vì có nhiều tư tưởng sáng tạo đột phá thời kỳ Đổi mới giúp thay đổi diện mạo nông nghiệp – nông dân – nông thôn biết điều mà sau này ông gọi là “họa trong phước” vì mắc kẹt vào lời nguyền của địa lý, của huyền thoại về sự trù phú hào sảng.
Được hưởng sự giàu có của đất đai, thời đó không ai để ý những cây lúa nhỏ bé thì ảnh hưởng gì đến hàng triệu hecta mênh mông phù sa dày tới mức “để y vậy sạ lúa chứ đâu cần xới”. Nhưng rồi hệ lụy đầu tiên của thâm canh lúa liên tục và đê bao bắt đầu dần bộc lộ. Lớp đất mặt màu mỡ đã cạn kiệt dinh dưỡng tự nhiên sau ba bốn mươi vụ lúa, hệ thống đê bao ngăn lũ giúp bảo vệ vùng trồng lúa cũng ngăn luôn phù sa bồi bổ cho cây lúa và cho đồng bằng hằng năm. TS. Alexander D. Chapman, Đại học Southampton, Anh tính toán giá trị dinh dưỡng của những đợt lũ mang theo phù sa là “nguồn phân bón miễn phí”, “có nghĩa là nông dân địa phương có thể canh tác lúa năng suất cao với chi phí đầu vào thấp hơn do nhu cầu phân bón thấp hơn”, TS Chapman giải thích. Những hạt phù sa nhỏ bé có giá triệu đô, theo lời mô tả của nông dân An Giang là mỗi năm đọng lại khoảng 2,5 cm trên ruộng (có nơi dày 4-5cm nếu được cày xới) giúp mang lại nguồn thức ăn cho cây lúa, tương đương 15 (±5) triệu USD mỗi năm ở riêng tỉnh An Giang, theo ước tính của TS. Alexander D. Chapman (thậm chí có ước tính khác cho thấy phù sa có thể thay thế 50% phân bón cho cây lúa).
Khi mất nguồn phân bón miễn phí, “nông dân dễ bị tổn thương hơn trước sự tăng giá phân bón trên thị trường, thứ mà họ dựa vào để thay thế phù sa tự nhiên”, TS. Chapman cho biết thêm. Và từ cuối những năm 1990, lượng N P K bón lúa ở Việt Nam đã bắt đầu tăng lên mức 180kg / hecta (cao hơn mức trung bình 147kg của các nước Châu Á Thái Bình Dương và mức 90kg của các nước đang phát triển nói chung, từ 30% đến 200%) và kể từ sau thời điểm này, những người nông dân trồng lúa và cây lúa Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào phân bón. Dù có cảnh báo Việt Nam cần tránh bước vào vết xe đổ của Trung Quốc trong việc dùng phân hóa học quá mức khiến đất bạc màu và ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng nhưng Việt Nam không học được bài học nào cả.
Trên bình diện chung của vùng, nghiên cứu của TS. Trần Đức Dũng (khi đó ở Đại học Wageningen, The Netherlands), đã chỉ ra, ban đầu đúng là canh tác lúa ba vụ thu lợi cao hơn 57% so với canh tác lúa hai vụ, nhưng sau 15 năm, những người nông dân trồng lúa ba vụ chỉ kiếm được nhiều hơn 6% so với những người trồng lúa hai vụ trong khi lao động quanh năm cực khổ hơn rất nhiều. Chi phí sản xuất cao hơn chủ yếu là do tăng sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu để bù vào lượng dinh dưỡng trong đất đã bị suy kiệt, hệ sinh thái trong đất không có một ngày nghỉ nào cũng như mất đi nguồn nước lũ để diệt mầm bệnh trong đất.
Đến những năm 2004-2005, khi cả đồng bằng Cửu Long vẫn theo đuổi giấc mơ năng suất thì ông Bảy Nhị bắt đầu nhận ra năng suất thực sự đang tụt dần. “Chỉ tính rợ thôi là tôi đã thấy ruộng nào làm ba vụ là lợi nhuận tụt dần”, ông Nhị, xuất thân từ gia đình nông dân “uống nước phèn lớn lên” suốt đời đắm đuối với cây lúa và thân phận nông dân, nhớ lại. Trước khi nghỉ hưu, tác giả của đê bao và lúa vụ ba viết bài cảnh báo về việc cần phải xem xét lại năng suất lúa, giới hạn diện tích lúa vụ ba, tránh việc mở rộng sản xuất ba vụ ồ ạt, thậm chí ông còn nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp để ngăn cản Đồng Tháp tránh chạy theo năng suất.
Vòng xoáy của phân bón và thuốc trừ sâu
Nhưng đã muộn, thành tích canh tác ba vụ mỗi năm đưa An Giang trở thành tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất ĐBSCL thời điểm đó, trở thành tấm gương điển hình tiên tiến cho nông dân và các nhà quản lý ở các tỉnh khác học theo. Ước mơ xuất khẩu lúa gạo đạt tỉ đô mang lại nguồn thu lớn cho đất nước khiến đồng bằng rùng rùng chuyển động. Canh tác lúa thâm canh ba vụ không chỉ dừng lại ở nơi khởi phát của nó mà lan rộng sang các tỉnh trồng lúa khác trên khắp ĐBSCL.
“Không nhìn thấy suy giảm năng suất”, như lời PGS.TS Trần Kim Tính, Bộ môn Khoa học Đất, trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ nhận xét có thể giúp lý giải việc các nhà quản lý và nông dân các tỉnh khác học hỏi theo An Giang ở thời điểm đó. Bởi nhìn từ bên ngoài, từ nguồn thu của ngành gạo, năng suất và sản lượng gạo đáng tự hào của cái nôi làm lúa vụ ba ở ĐBSCL không có gì bất ổn.
“Đất suy thoái dẫn tới năng suất giảm, nhưng nông dân lại tăng phân để giữ năng suất nên vấn đề nằm ở chỗ họ bị giảm lợi nhuận, bị lỗ chứ không suy giảm năng suất”, PGS.TS Trần Kim Tính nói.
Sóc Trăng – “Chúng tôi cũng nghe ngóng tình hình nông dân An Giang làm lúa để học theo”, ông Vũ Quốc Hiền, huyện Long Phú, Sóc Trăng kể. Vào đầu những năm 2000, sau khi dự án ngọt hóa bao gồm đê biển, hệ thống cống ngăn mặn, trạm bơm cho phép phòng chống xâm mặn vào mùa khô, mang lại cơ hội sản xuất nông nghiệp nhiều vụ một năm cho nơi cuối dòng sông Hậu này, nông dân ở Long Phú và các địa phương xung quanh đã thử nghiệm sản xuất lúa vụ ba. Tất nhiên, ông Hiền không hình dung được rằng, rồi những gì mà ông Lượng phải đối mặt cũng xảy đến với mình. Và cũng không ai biết rằng việc tận dụng những vùng ngập lũ ở Tứ Giác Long Xuyên và Đồng tháp Mười để trồng lúa còn mang đến một tai họa khác.
“Hồi chưa mần ba vụ làm cũng trúng lắm, cả tấn một công (công cắt), một vụ ít nhất bèo cũng được 800 kg”, ông Hiền kể. Nguyên nhân, chỉ làm hai vụ có thời gian phơi đất từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau giúp đất có lượng phân hữu cơ từ rơm rạ, cộng đồng vi sinh vật có thời gian hoạt động phân hủy chất hữu cơ và phơi đất giúp cách ly dịch bệnh. Nhưng kể từ lúc làm lúa vụ ba thì ông Hiền và tất cả những người làm lúa ở đây đều phải tăng bón phân, một kịch bản chung cho số phận của mọi người nông dân trồng lúa vụ ba ở ĐBSCL.
Và vòng xoáy sử dụng phân bón không thể dừng được do có quá nhiều yếu tố tác động khiến đất ruộng lúa bạc màu. Nghiên cứu khoa học đã xác quyết điều đó, có kết quả thí nghiệm tại một vùng canh tác lúa ba vụ cho thấy năng suất lúa thời điểm mới canh tác đạt 6 tấn/ hecta, nhưng sau 7 năm giảm còn 4,4 tấn/ hecta.
Là người đi khảo sát cả nghìn điểm khắp ĐBSCL đến nay, PGS.TS Trần Kim Tính cho biết, đất ở những điểm mà ông khảo sát đều có dấu hiệu suy thoái. Trong đất có đa dạng các chất dinh dưỡng và hệ vi sinh cần thiết cho cây lúa nhưng trong suốt nhiều năm canh tác, nông dân chỉ bổ sung một vài nguyên tố, trong đó chủ yếu là N P K. “Và cây lại phải rút kiệt những nguyên tố khác, chẳng hạn như vi lượng và đa lượng trong đất”, PGS.TS Trần Kim Tính giải thích.
Việc sử dụng phân hóa học ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe đất, về mặt hóa học làm giảm độ pH của đất, giảm lượng dinh dưỡng P và K hữu dụng cho cây lúa sử dụng được ngay có sẵn trong đất. Có nghiên cứu cho thấy, bạc màu rõ nét trong hệ thống canh tác lúa ba vụ, ruộng lúa bị mất tầng đất mặt thì chất hữu cơ giảm 85% so với đất còn tầng đất mặt, lượng đạm N hữu dụng giảm đi 30%, P hữu dụng trong đất giảm 56%, độ bền cấu trúc đất giảm 36%.
Nhưng không dừng ở đó, việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng hữu dụng trong đất còn làm ảnh hưởng tới tính chất vật lý của đất khiến đất bị sét hóa, cứng hóa, giảm khả năng giữ nước của đất, khiến bộ rễ của lúa không thể đâm sâu vào đất để lấy dinh dưỡng. “Khi bộ rễ không phát triển thì lại cần bón thêm nhiều phân. Như vậy là hiệu quả phân bón giảm đi trầm trọng nên nông dân càng bón thêm mãi”, PGS.TS Trần Kim Tính cho biết.
Hệ lụy của loại “thức ăn nhanh” phân hóa học không chỉ dừng lại ở đó, mà còn làm suy giảm cộng đồng vi sinh vật vốn chỉ ưa “ăn chậm nhai kỹ” nguồn thức ăn hữu cơ và giúp nguồn thức ăn “healthy” này nhả chầm chậm trong đất cho cây hấp thụ dần dần, rễ cây lúa bám chắc vào đất, theo giải thích của PGS.TS Đỗ Thị Xuân, Đại học Cần Thơ nhà nghiên cứu về hệ vi sinh trong đất ở ĐBSCL. Nhưng độc canh lúa và sử dụng phân hóa học quá lâu đã làm cộng đồng vi sinh vật thay đổi, nhóm vi sinh vật đa dạng và “tích cực” giúp đất phân hủy thức ăn hữu cơ cho cây lúa giảm đi, chỉ còn nhóm vi sinh vật “cơ hội”, không có khả năng tự tổng hợp được dinh dưỡng, không có khả năng tự phân hủy được các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết, khi đó cây lúa càng chỉ phụ thuộc vào sử dụng nguồn phân hóa học.
Những người nông dân như ông Hiền, ông Lượng không thể biết chi tiết từng đặc điểm suy thoái trong hệ sinh thái đất. Họ chỉ “nhìn lá lúa yếu yếu, không xanh là bón phân” theo tư vấn của đại lý và thảo luận cùng các hộ trồng lúa khác trong làng. Nhưng họ cũng dần mơ hồ thấy rằng thâm canh và độc canh lúa nhiều năm càng khiến dịch bệnh bùng phát. Thực chất, dịch bệnh tồn lưu trong đất nhiều năm, còn các nhóm vi sinh vật chỉ sử dụng được nguồn sinh dưỡng thì cũng là nhóm tiềm tàng có thể là tác nhân gây hại, ví dụ như các nhóm nấm, vi khuẩn gây bệnh, và sâu bệnh thì rất ưa thích cây được bón nhiều đạm.
Những điều này đã dẫn tới một mối nguy khác còn khó giải quyết hơn tình trạng bón phân quá mức – đó là lạm dụng thuốc trừ sâu.
Có thể thấy điều đó qua số thuốc trừ sâu được sử dụng ngày càng nhiều kể từ 1980 đến nay. Một báo cáo của Mạng lưới Loại bỏ các chất ô nhiễm (IPEN) và Đại học An Giang cho thấy, lượng thuốc trừ sâu được sử dụng đã tăng lên gấp 8-9 lần kể từ 1981 đến nay, thậm chí ở An Giang, lượng thuốc sử dụng còn cao 2.76 lần so với trung bình.
Cho đến khoảng những năm 2000, đã có khảo sát ước tính nông dân sử dụng lên tới 64 loại hóa chất bảo vệ thực vật khác nhau . Mặc dù Việt Nam đã triển khai các đề án quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhưng thực tế đến nay, một số khảo sát với số liệu thống kê trên diện rộng vẫn cho thấy, tới 95% nông dân ĐBSCL sử dụng thuốc trừ sâu quá mức, với cả canh tác lúa và cây ăn trái.
Để phòng trừ các loại sâu bệnh, nông dân phun xịt trung bình 8 đến 10 lần mỗi vụ, từ diệt ốc bươu vàng, diệt nhện, muỗi, rầy nâu, rầy phấn trắng, cho tới diệt cỏ, diệt nấm cháy bìa lá, nấm đạo ôn, chống lép hạt. Hầu như không ai dám lơ là bỏ một lần xịt nào, bởi lợi nhuận quá ít, không may hạt lúa gặp bất kỳ một rủi ro nào đều lỗ. “Thuốc đắt mấy cũng phải mua, trước khi gieo sạ không rải thuốc diệt ốc cẩn thận thì ốc bươu vàng ăn hết lúa, không xịt cỏ kỹ thì cỏ và lúa ma mọc không diệt nổi, không phun thuốc chống lép hạt thì hạt lúa không bóng đẹp thương lái trừ tiền… Cả đại lý phân, thuốc trừ sâu lẫn cò mua lúa, ai cũng chèn ép mình được hết”, ông Lượng giải thích. Chỉ một khâu không chú ý có thể giảm một đến vài trăm đồng mỗi kg lúa hoặc thậm chí mất trắng.
Vòng luẩn quẩn của sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu lại càng kéo dài, vì nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra quy luật chỉ dưới 1% thuốc trừ sâu hiệu quả lên sâu bệnh, số còn lại sẽ đi vào đất, vào nước cũng như phát tán vào không khí. Hóa chất độc hại trong thuốc trừ sâu làm hỏng hệ sinh thái đất, ví dụ tiêu diệt các loài động vật chân đốt, giun đất, nấm, vi khuẩn, động vật nguyên sinh và các sinh vật khác vốn góp phần vào chức năng phân hủy chất hữu cơ, kiểm soát các loài gây hại và cấu trúc của đất, từ đó càng khiến người nông dân phải tăng sử dụng phân hóa học.
Đồng thời, sử dụng thuốc trừ sâu liên tục đã gây ra hiện tượng kháng thuốc của sinh vật gây hại. Tiêu biểu là rầy, loài côn trùng gây hại lúa nghiêm trọng nhất ở đồng bằng Mekong trong 40 năm qua, gây ra những đợt dịch rầy nặng nề vào các năm 1978, 1991, 1992, 2006 và 2007 thì rầy kháng thuốc trở thành nỗi ám ảnh của nông dân ĐBSCL, “phải trộn 2 – 3 loại thuốc lại xịt mới diệt được rầy”, cả ông Lượng và ông Hiền đều cho biết như vậy. “Nhưng có khi chỉ được một tuần rầy đã quay trở lại” và lại phải xịt tiếp. Từ giữa những năm 2000, đã có báo cáo cho thấy tình trạng rầy kháng thuốc trừ sâu, thậm chí còn thí nghiệm cho thấy hiện nay cần liều lượng thuốc trừ sâu cao cả trăm lần so với trước đây để tiêu diệt rầy.
Canh tác đến kiệt quệ đất đai như thế, liệu có cơ hội phục hồi đất từ đó giảm chi phí sản xuất cho nông dân? Câu trả lời là thời gian và sự kiên nhẫn, cần đến “10 đến 20 năm để trả lại độ màu cho đất, chứ để phục hồi đất, không thể tính bằng năm được”, PGS.TS Trần Kim Tính nói. Quan trọng làm sao để rửa trôi hóa chất tồn dư và đền bù lại lượng dinh dưỡng hữu cơ cho đất, “một vài năm chẳng có nghĩa lý gì, phải 20 năm bón (chất hữu cơ) đều đều”.
Quy luật của đồng bằng
Đến đây, nút thắt trong việc phục hồi đất đai lại quay trở về điểm khởi đầu: nước lũ và đê bao. Những người nông dân An Giang mô tả tình trạng trồng lúa suốt 20 năm (có nơi 30 năm) không xả lũ là “đói lũ”. Chính ông Lượng cũng lý giải rằng lũ không chỉ mang lại phù sa bồi bổ cho đất mà còn giúp rửa trôi chất độc tồn dư trong đất, ngâm đất trong 3 – 4 tháng để diệt hết cỏ, mầm bệnh, đồng thời mang lại nguồn tôm cá “cá dữ lắm, giăng tay lưới gỡ mệt xỉu”.
“Trong nhiều năm, các nhà quản lý các địa phương và các nhà khoa học đã tranh luận về ‘lũ lụt có kiểm soát’ ở một số vùng của ĐBSCL của Việt Nam, nhằm mục đích khôi phục phù sa và chất dinh dưỡng cho vùng đồng bằng ngập lụt và tiêu diệt sâu bệnh” trong đất, TS. Chapman cho biết.
Việc mở lại cánh cửa cho lũ trở lại các vùng sản xuất lúa không chỉ hữu ích cho chính vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, mà còn liên quan mật thiết tới số phận của những vùng cuối nguồn sông Mekong – điều mà phải đến khi hứng chịu hậu quả của việc mất vùng trữ lũ này người ta mới nhận ra.
Có thể tạm chia ĐBSCL thành hai phần: phần bên trong đồng bằng bị chi phối bởi hệ thống sông ngòi với vùng trữ lũ Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên và phần bên ngoài chịu ảnh hưởng lớn từ biển. Những vùng ngập lũ này như những miếng bọt biển tự nhiên điều tiết nước lũ ở đồng bằng bằng cách hấp thụ lượng nước trong mùa lũ và nhả nước bổ cập trở lại dòng chính vào mùa khô. Vì thế, khi miếng bọt biển chứa nước này biến mất, thay vào đó là vùng trồng lúa – ngược lại, lại cần dùng nước – đã dẫn tới tình trạng thiếu nước, xâm mặn nghiêm trọng hơn vào mùa khô, và việc đẩy nước lũ đi về phía hạ nguồn càng khiến cho các vùng hạ nguồn ngập lụt trầm trọng hơn vào mùa lũ.
Hai tấm ảnh tập hợp bản đồ (chỉ từ 2000 đến 2020 chứ chưa có dữ liệu lùi xa hơn) cho thấy sự thay đổi rõ rệt cấu trúc của đồng bằng: trong khi diện tích ngập nước, bao gồm cả vùng ngập lũ, ao, hồ (hình bên tay phải) thu hẹp lại dần thì diện tích canh tác, chủ yếu là canh tác lúa từ hai vụ sau đó tới ba vụ, tăng lên (hình bên tay trái).
Nhìn tổng thể, cả đồng bằng Cửu Long mất đi gần hết diện tích đất ngập nước, trong đó có các vùng trữ lũ – có vai trò quan trọng trong việc chống xâm mặn và bổ cập nước ngầm trong suốt mùa khô. Hiện nay, đồng bằng chỉ còn lại chưa đầy 2% trong tổng số bốn triệu hecta hệ sinh thái ngập nước mà đồng bằng đã có từ lúc ban đầu. Tình trạng hạn hán và xâm mặn ngày càng trầm trọng cho thấy nước là vấn đề sống còn với đồng bằng, nơi dành 64% diện tích đất cho canh tác nông nghiệp, trong đó canh tác lúa chiếm gần 80% diện tích cần nước tưới.
Thật trớ trêu, nước, đất, những nguồn lợi mẹ thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này mà ban đầu chúng ta hồ hởi khai thác tưởng chừng vô tận giờ đây đã suy kiệt, nơi này giành lấy thì ở nơi khác thiếu. Và hóa ra, số phận những người nông dân xa lạ, ở An Giang, nơi sông Mekong bắt đầu đổ vào Việt Nam với Sóc Trăng, nơi sông Mekong đổ ra biển, lại có thêm điểm chung. Hóa ra việc canh tác lúa thâm canh ba vụ không chỉ khiến chính nông dân An Giang như ông Lượng mắc kẹt, mà vô hình trung khiến ông Hiền chật vật hơn.
Ở Sóc Trăng, ông Hiền không biết những thảo luận khoa học mới về vai trò của vùng trữ lũ ấy, chỉ biết lúa vụ ba – nay thường bị xâm mặn nhiều hơn. Năm 2016, năm ông mạnh dạn thuê đất trồng lúa bởi chỉ có trồng nhiều mới có lãi, trồng 1 – 2 hecta chỉ đủ ăn, nhưng rốt cục lại khiến ông lỗ nặng, vì xâm mặn nghiêm trọng đến mức thiếu cả nước sinh hoạt, hạn hán và xâm mặn nặng nề nhất trong lịch sử 100 năm trở lại đây. Những ruộng lúa xác xơ “80 công cắt (khoảng hơn 60 hecta) nhưng cắt được có sáu bao lúa, người lái máy cắt tội nghiệp mình quá chỉ lấy ba bao đủ tiền dầu máy. Lỗ hơn một trăm triệu, sợ đến giờ” mà vợ ông Hiền tuyệt vọng kể nằm trong số 245.000 hecta lúa bị mất trắng của ĐBSCL khiến Việt Nam phải kêu gọi viện trợ nhân đạo quốc tế năm đó (diện tích này chiếm 1/5 diện tích canh tác lúa Đông – Xuân 2015 – 2016 của cả vùng ĐBSCL và 1/3 diện tích lúa vụ Đông Xuân năm đó của các tỉnh ven biển. Diện tích lúa cũng chiếm 90% diện tích nông nghiệp thiệt hại).
Chính quyền các tỉnh ĐBSCL kỳ vọng quay trở lại nhịp sống “thuận thiên” thuở xưa, mở cửa lại với lũ, trước mắt là xả lũ cho đất nghỉ ngơi theo nguyên tắc 3 năm cho nghỉ 1 vụ hoặc 2 năm nghỉ 1 vụ khắc phục được phần nào những vấn đề này.
Nhưng việc vận động người nông dân giảm vụ để cho đất nghỉ không dễ như thế.
Thế lưỡng nan của đồng bằng và của nông dân
“Rút cục vẫn không xả lũ được, 30 năm nay vẫn chưa xả lũ”, ông Lượng kể. Vì không thể dung hòa giữa những người trồng lúa và canh tác hoa màu khác, vốn có nhịp canh tác và nhu cầu nước hoàn toàn khác nhau. Ông kể, cách đây 7 năm chính quyền Thoại Sơn vận động xả lũ, những người trồng lúa thấy giá lúa thấp quá “đồng ý xả lũ cho rồi, nhưng người ta trồng dưa leo dưa hấu không chịu cho xả”. Hai năm sau chính quyền vận đồng xả lũ lần nữa thì đến lượt ông Lượng cùng những hộ trồng lúa khác không đồng ý vì giá lúa đang lên cao, trồng sẽ có lời hơn mấy năm trước. Và nhìn chung, dù trồng lúa với diện tích đất manh mún hầu như chỉ giúp người nông dân có mức sống tối thiểu nhưng dẫu sao vẫn có thu nhập, “mần cực lắm nhưng [bỏ một vụ] không biết làm gì khác bây giờ?”, ông Lượng nói rồi trầm ngâm nhìn ra cánh đồng mới gieo sạ.
Ở Sóc Trăng, dù ông Hiền và những người nông dân trong vùng đều hiểu rằng vụ ba đầy bấp bênh trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thủy điện chặn dòng khiến hạn mặn ngày càng tăng nhưng sau vụ hạn mặn lịch sử, đến giờ rất ít người bỏ lúa vụ ba. Vụ Hè – Thu năm nay, do nước xâm mặn vào ruộng nên cho những cánh đồng lúa mới gieo sạ được 20 ngày của ông Hiền và các hộ khác ở Long Phú bị chết, phải gieo sạ lại, nhưng “mình cứ theo dõi, nhằm những ngày có con nước ngọt trên An Giang đổ về thì mình bơm lên”. Cũng như ông Lượng, hai vợ chồng ông Hiền và hai đứa con đang đi học đều chỉ biết trông chờ vào cánh đồng lúa này.
Hơn ai hết, những người nông dân cần mẫn cả đời với đất vốn dĩ am hiểu về vùng đất này biết rõ vai trò của lũ, của phù sa cũng như những khó khăn khi làm lúa vụ ba, nhưng “lợi ích kinh tế và môi trường của xả lũ không đủ để người nông dân bỏ một vụ lúa. Bỏ lúa thì họ biết làm gì để sống trong vòng mấy tháng trời khi chưa có nguồn sinh kế khác?”, TS. Trần Đức Dũng cho biết sau khi đã khảo sát đánh giá các giải pháp khắc phục hệ lụy của đê bao và lúa vụ ba ở cả Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Việc chuyển đổi sinh kế ở nông dân cũng giống như phục hồi đất, đều cần thời gian và nhiều điều kiện nguồn lực của người dân chứ không thể nhanh chóng. Một nghiên cứu được thực hiện ở ngay chính Long Phú đã cho thấy các nông hộ nhỏ rất khó từ bỏ lúa vụ ba, và không dám chuyển đổi sinh kế do thiếu đủ đường (cả vốn tài chính, hiểu biết khoa học kỹ thuật, cho đến cơ sở hạ tầng nước cho chuyển đổi mô hình canh tác…).
Hóa ra đê bao và trồng lúa thâm canh hai-ba vụ đã tái cấu trúc ĐBSCL, đã làm thay đổi đến từng tế bào của đồng bằng là những người nông dân, đã biến đổi từng hạt đất – đều giống như cơ chế của phân bón và thuốc trừ sâu ngấm từ từ, ngấm chậm lâu dần mới nhận ra – và giờ đây không thể quay về quá khứ được nữa. Ngay cả ông Bảy Nhị, người kiến trúc sư của đê bao và lúa vụ ba ở An Giang năm nào, giờ mong muốn khôi phục vùng chứa lũ và những đề xuất của các nhà khoa học Hà Lan trong kế hoạch Mekong về việc mở lại cửa cho lũ vào để xây dựng lại nền nông nghiệp kết hợp lúa và thủy sản đã không dự liệu hết một điều: “xả lũ nhưng vẫn đói lũ”.
Ông Nguyễn Văn Tắc, chủ nhiệm HTX Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang cho biết dòng lũ trù phú ngày nào không còn nữa, ở một số vùng được quy hoạch có lũ từ trước, lũ về nhưng nước chỉ bằng 1/3 so với trước (“chừng 70 – 80 cm thay vì 2-3 m như trước đây”), thậm chí những vùng như Phú Tân, An Giang được hưởng nước từ cả dòng sông Tiền, sông Hậu và Vàm Nao nối liền hai sông, lũ về chỉ mang theo nước chứ không còn phù sa và tôm cá theo về nữa. Tự ông và những người nông dân ở đây cũng hiểu rằng xây thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong đã chặn phù sa và tôm cá, mà theo tính toán của các nhà khoa học là hiện nay nước sông Mekong đã giảm 74% phù sa, và dự báo tương lai sẽ hầu như không còn phù sa đổ về cuối nguồn. Những quyết định vĩ mô ở thượng nguồn Mekong khiến những người nông dân cuối nguồn thêm phần bế tắc, khi mà chính họ còn và chính quyền các địa phương đang loay hoay xoay sở với những hệ lụy của những quyết định trong quá khứ.
Như vậy, chỉ trong vòng 30 năm ngắn ngủi so với tuổi đời 6000-8000 năm của đồng bằng kể từ khi nó được bồi đắp thành hình hài như ngày nay, việc thâm canh lúa liên tục đã làm thay đổi triệt để cả cấu trúc vi mô của đất lúa và cấu trúc tổng thể của ĐBSCL. Sau những tác động từ bên trong ấy, giờ đây đất và người ĐBSCL cùng một lúc lại tiếp tục chịu đựng những áp lực đến từ bên ngoài: sự thay đổi của dòng Mekong do hệ thống thủy điện và biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
Đất nghèo, đất chắt chiu chịu đựng và người kiệt sức, liệu có cách gì thay đổi số phận của nông dân và số phận của đất đai?
Tương lai của lúa, của đất, của người nông dân
Nhìn vào các yếu tố đầu vào của sản xuất lúa, một nửa chi phí liên quan tới đất – đất càng suy thoái thì càng tốn tiền – nên việc tối ưu hóa sản xuất lúa phụ thuộc phần lớn vào chất lượng đất. Nên Chính phủ đã đề ra Chương trình Một triệu hecta lúa chất lượng cao, nhằm giảm vật tư đầu vào, cứu vãn khó khăn cho nông dân, bảo vệ đất đai và giảm phát thải.
Giống như trong quá khứ, những người nông dân nhỏ bé đã đắp đê, đào kênh thay đổi diện mạo đồng bằng, giờ đây kỳ vọng mang tính vĩ mô của cả đồng bằng cũng sẽ lại bắt đầu ở những điểm vi mô, mắt xích nhỏ nhất và yếu nhất: đất lúa và từng người nông dân trồng lúa – giờ đây cần giảm 20 – 30% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm 10 – 15% chi phí đầu vào. Đây cũng là những gì mà các nhà khoa học như PGS.TS Trần Kim Tính, PGS.TS Đỗ Thị Xuân khuyến nghị, với mấu chốt là phải sử dụng phân hữu cơ, cũng như cần phải áp dụng các kỹ thuật canh tác mới. Cuộc chuyển đổi lần này có nhiều yêu cầu kỹ thuật canh tác mới, từ tưới ướt – khô xen kẽ giúp rễ đâm sâu xuống đất và cứng cây, vùi phân xuống đất thay vì rải trên bề mặt ruộng lúa giúp phân không bị rửa trôi và giảm phát thải, giảm lượng lúa gieo sạ,…với nhiều kỹ thuật tỉ mỉ. Thí dụ, chỉ riêng việc tưới nước tưởng như đơn giản nhất “trong canh tác lúa ướt – khô xen kẽ, nông dân không được rút nước bằng cách thảo nước ra khỏi ruộng, đây là một cách làm rất nguy hiểm, vì làm như vậy, đất trồng lúa bị chua rất nhanh. Vì thế nông dân phải kiểm soát nước: ước lượng số nước tưới và số lần tưới sao cho ruộng khô đúng thời điểm cần khô”, PGS.TS Trần Kim Tính giải thích.
Các HTX là niềm hi vọng của cuộc chuyển đổi lần này ở Đồng bằng, được kỳ vọng sẽ trở thành những hoa tiêu lan tỏa mô hình hợp tác sản xuất thành “cánh đồng lớn”, bởi mô hình sản xuất lớn mới giúp khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún dẫn tới chi phí đầu vào nông nghiệp bị đội lên cao cũng như cho thấy hiệu quả của kỹ thuật mới trong canh tác– hai yếu tố giúp giảm thiểu rủi ro cho nông hộ.
Chính vì những yêu cầu mới trong tổ chức sản xuất nên cuộc chuyển đổi lần này khởi động ở những HTX nòng cốt như HTX Vĩnh Bình, bởi Vĩnh Bình là HTX xuất sắc có tuổi đời 10 năm. Đặc biệt, lãnh đạo của Vĩnh Bình, ông Tắc, giàu hiểu biết và kinh nghiệm, được tôn vinh là nông dân tiên tiến, rất chủ động tham gia nhiều khóa đào tạo tập huấn từ kỹ thuật sản xuất cho tới cách tổ chức sản xuất, điều hành HTX theo mô hình doanh nghiệp. Ông Tắc cho biết Vĩnh Bình đã sản xuất 15 hecta theo Đê án Một triệu hecta và dự kiến sẽ thử nghiệm lên 50 hecta.
Tuy vậy, cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất theo mô hình HTX vẫn là nút thắt cổ chai trong việc đổi mới ngành trồng lúa nói chung và từ đó phục hồi đất trồng lúa. Dù có chủ trương và kỳ vọng vào mô hình cánh đồng mẫu lớn, nhưng đến nay diện tích canh tác lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn chỉ chiếm 6,6% diện tích lúa trong cả nước. Và các HTX – hạt nhân để liên kết nông dân tham gia mô hình sản xuất lớn vẫn chưa thể kiểm soát được các rủi ro gắn với toàn bộ quy trình canh tác lúa nông nghiệp mà từng hộ gia đình thành viên của HTX vẫn đang chật vật xoay sở, giờ đây sẽ phải gánh chịu thêm cả các rủi ro khi phải liên kết với doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường lúa gạo bấp bênh.
Với tính chất phức tạp của công việc điều hành HTX với vô vàn công việc, từ thuyết phục, liên kết nông dân cùng tổ chức sản xuất hiệu quả với hàng chục khâu trong suốt mùa vụ, thương thảo với các hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, thu mua trong chuỗi lúa gạo, kiểm soát rủi ro, cho đến trình diễn kỹ thuật canh tác mới hay cả các thủ tục tài chính, hành chính… Những người điều hành mô hình sản xuất lớn này phải được đào tạo và có khả năng vận hành một doanh nghiệp nhỏ thực sự – rất khó trong bối cảnh 90% lao động trong ngành nông nghiệp đều chưa qua đào tạo, hoặc có khảo sát cho thấy nông dân trồng lúa chỉ có trình độ học vấn chưa hết trung học cơ sở. Đây là điều mà ông Bảy Nhị trầm ngâm rất lâu rồi chầm chậm nói về việc trồng lúa đã khiến nông dân bị mắc kẹt “làm lúa đâu cần học”, nên “đồng bằng nầy vẫn còn trầm kha lắm”.
Chính vì thế số lượng các HTX đạt hiệu quả như Vĩnh Bình, mang lại lợi ích cho thành viên HTX là giảm chi phí đầu vào 10 – 20%, hướng dẫn kỹ thuật mới, thu mua lúa với giá ổn định, theo nhận định của ông Tắc, sau khi ông đi thực tế tìm hiểu và họp với nhiều HTX khác trong tỉnh là “chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Nhìn thấy những bài học nhãn tiền trong vận hành HTX, có những HTX là cánh chim đầu đàn của Đồng bằng giờ đây lâm vào tình trạng gần như phá sản do đầu tư vào sản xuất lớn nhưng không kiểm soát nổi rủi ro, chính ông Tắc cũng không dám tổ chức hoạt động sản xuất chung hay ký kết hợp đồng bao tiêu với một doanh nghiệp duy nhất nào mà chỉ vận hành HTX “không đồng” – nghĩa là chỉ kết nối các thành viên HTX để mua chung vật tư và bán lúa chung để được quyền đàm phán giá, không bị ép giá. Dù vậy, việc “liên kết” khiến quanh năm suốt tháng ông phải chạy như con thoi để liên tục trao đổi giữa 112 nông hộ về từng chi tiết sản xuất, thương thảo với từng doanh nghiệp vật tư, doanh nghiệp thu mua với giá tối ưu, tổ chức mua chung vật tư, thường lên tới hàng trăm tấn phân, thuốc và phân phối đến từng ruộng sao cho tiết kiệm nhất, bán chung hàng trăm tấn nhưng phải tránh tồn kho cho đến trình diễn kỹ thuật, đánh giá chất lượng sản xuất… trăm thứ việc cần người đứng đầu hội tụ rất yếu tố, từ hiểu biết cả canh tác truyền thống và kỹ thuật hiện đại, về quản lý, tài chính, kế toán… cho đến uy tín và kỹ năng diễn giải của người từng là giáo viên.
Còn đối với nông hộ nhỏ thì sao? vấn đề là “tính dễ tổn thương” của nông hộ, điều mà cả TS Chapman và TS Trần Đức Dũng đều đề cập đến, là điều cần phải tính đến trong mọi cuộc chuyển đổi.
Đứng trước đề án canh tác lúa theo kỹ thuật mới, với rất nhiều yêu cầu giảm đầu vào, những nông hộ nhỏ như ông Lượng, ông Hiền không dễ chuyển đổi vì đều dè dặt. “Tăng (phân, thuốc) còn chưa hiệu quả nữa là giảm”, ông Lượng kể từng cố giảm nhưng thiếu kỹ thuật nên thất bại “trước đây vận động 1 phải 5 giảm tôi có thử giảm phân giảm thuốc nhưng xịt tầm bậy không đúng cỏ lên ăn hết trơn, xạ thưa cây lên cao gặp nước ngã chèm bẹp, phải mướn cắt [bằng] tay lỗ chạy luôn”. Bây giờ, họ còn phải chờ nhìn thấy các bài học hiệu quả từ thực tế, bởi không cẩn thận thì “lỗ thì chỉ có đi Bình Dương làm mướn”, ông Lượng nói.
*Bài viết được thực hiện với sự hỗ trợ của Mạng lưới báo chí Trái đất thuộc Internews, trong khuôn khổ Báo cáo đặc biệt về đất ở Châu Á “Ground Truths”. Báo cáo do 11 cơ quan báo chí từ 10 quốc gia Châu Á thực hiện, bắt đầu được khởi động từ tháng 1/2024 và công bố ngày 2/10/2024. Phiên bản tiếng Anh của bài viết ở đây.
Bài đã đăng số 19, 20 năm 2024 ấn phẩm in của Tia Sáng.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.statista.com/statistics/764299/india-yield-of-rice/
[2] https://www.statista.com/statistics/1447135/thailand-rice-yield/
[4] Xem thêm https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-981-15-0998-8_18#:~:text=Introduction,in%202017%20
Theo các tính toán này, nông dân chưa thể đạt tới mức lãi bình quân trên 30% so với giá thành sản xuất như mục tiêu của Nghị quyết 63/NQ-CP năm 2009 về đảm bảo an ninh lương thực.
[5] https://data.worldbank.org/indicator/AG.CON.FERT.ZS?locations=TH
[6] https://link.springer.com/article/10.1007/s10113-016-0941-3
[7] https://link.springer.com/article/10.1007/s10584-016-1684-3
[8] https://hess.copernicus.org/articles/18/3033/2014/hess-18-3033-2014.html
[9] https://documents1.worldbank.org/curated/en/116761474894023632/pdf/108510-WP-PUBLIC.pdf
[10] https://www.fao.org/4/y1860E/y1860e08.htm
[11] https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0301479718303499
[12] https://www.molisa.gov.vn/baiviet/11393?tintucID=11393
[13] https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=BTC335499
[14] https://ctujsvn.ctu.edu.vn/index.php/ctujsvn/article/view/3722
[15] https://pub.epsilon.slu.se/9243/1/do_thi_xuan_121119.pdf
[16] https://ipen.org/sites/default/files/documents/rcrd_final_report_07172021.pdf
[17] https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0261219401000394
[18] Vào khoảng thời gian này, cũng đã có những nghiên cứu bước đầu đánh giá triệu chứng với việc phun thuốc trừ sâu quá mức lên sức khỏe của nông dân trực tiếp phun mà không có trang bị bảo hộ. Chẳng hạn như nghiên cứu này: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1438463906000897
[19] https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/1467-8489.12521
[20] https://link.springer.com/article/10.1007/BF02286399
[21] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6173402/
[22] https://delphacid.s3.amazonaws.com/5805.pdf
[23] https://www.science.org/doi/10.1126/science.341.6147.737
[24] https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0378377419303749
[25] https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S235234092200470X?
[27] https://tuyengiao.vn/viet-nam-keu-goi-quoc-te-ho-tro-nhan-dao-ung-pho-voi-han-man-lich-su-84340
[28] https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0378377418304980#bib0095
[29] https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0378377422005650
[30] Đã có các nghiên cứu cho thấy rõ ràng thủy điện làm suy giảm đa dạng sinh học các loài cá trên sông nguồn Mekong. Chẳng hạn báo cáo này cho thấy 1/5 các loài cá đang bị đe dọa biến mất. Và thực ra con số biến mất có thể cao hơn thế vì rất nhiều loài vẫn còn thiếu dữ liệu. https://wwfasia.awsassets.panda.org/downloads/final-mekong-forgotten-fishes-report–web-version-.pdf
Một nghiên cứu cho thấy thủy điện làm suy giảm mạnh các loài cá bị đe dọa, các loài chỉ thị, các loài cá di cư về hạn nguồn trên ba nhánh chính của Mekong.
[31] https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0169555X19305021
[32] https://www.science.org/doi/10.1126/science.abm5176
[33] https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/03/Bao-cao-so-bo-TDT-2016-cuoi_-NXB.compressed.pdf
[35] https://sj.ctu.edu.vn/ql/docgia/download/baibao-5500/trongtruong_so18a_30.pdf
*Lời ca khúc “Tình yêu của đất và nước” của nhạc sĩ Hoàng Vân.