Đất & Người
Cho dù hơn 500 trang trong cuốn sách này, Đào Trọng Khánh không hề nhắc đến Bát Nhã, Kim Cương, nhưng tư tưởng nhà Phật mà ông yêu thích đã tan chảy trong ông.
Chân dung Đào Trọng Khánh/ Nguyễn Đình Toán chụp.
Đào Trọng Khánh học biên kịch ở trường Điện ảnh, cả một đời chỉ viết kịch bản và đạo diễn phim tài liệu. Một việc cho một đời. Đi và gặp, đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Đi và gặp, là làm mà cũng là sống, sống với cái sự đi và gặp ấy. Có sống thế thì mới có thể viết về những nơi mình đến, những người mình gặp.
Trước tiên là viết về những nhân vật lịch sử. Khó chứ dễ gì. Họ là những nhân vật đặc biệt, đã quá nhiều người viết về họ, đã được khai thác hết. Đào Trọng Khánh kể về họ theo cách của mình hoặc nhìn nhân vật theo một cách nhìn khác, góc nhìn khác. Ông gọi cuộc chia tay của Lạc Long Quân và Âu Cơ là lần “ly thân” đầu tiên của người Việt. Cũng như chuyện tình tay ba cổ xưa nhất của người Việt là chuyện tình giữa công chúa Ngọc Hoa với Sơn Tinh và Thủy Tinh. Tiên Dung công chúa con Vua Hùng là “nhà du lịch đầu tiên”, vợ chồng Tiên Dung – Chử Đồng Tử là những người làm xuất nhập khẩu sớm nhất… Với những nhân vật lịch sử thời hiện đại cũng vậy, Đào Trọng Khánh phát hiện ra được những chi tiết bất ngờ, nhỏ thôi nhưng lại gói trong nó cả một câu chuyện lớn. Kể về lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Côn Sơn, Bác khuyên các vị bô lão ở đó nên trồng một vườn vải trước cổng đền thờ Nguyễn Trãi để nhắc con cháu nhớ đến vụ án Lệ Chi Viên, về nỗi oan của ông.
Những nhân vật lịch sử thì đều gắn với những sự kiện lịch sử. Năm 938 Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Đào Trọng Khánh định nghĩa: Đây là trận thủy chiến làm kết thúc 1000 năm Bắc thuộc. Mùa xuân 1428, sau khi đuổi được giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi trả gươm cho rùa thần. Đào Trọng Khánh ví như vũ khí chiến tranh giờ được ngủ yên dưới đáy hồ. Đây là bản tuyên ngôn hòa bình, là ước mong được sống trong hòa bình của Đại Việt… Hình ảnh là câu chữ, là ngôn ngữ của điện ảnh, con mắt của người làm phim Đào Trọng Khánh luôn bắt được những hình ảnh tiêu biểu, tượng trưng, hàm súc. Viết về chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, Đào Trọng Khánh chọn một hình ảnh đầy biểu tượng: “Những anh bộ đội giải phóng ngày nào trở về thành phố mới chỉ mua được một con búp bê nhựa Sài Gòn làm quà cho con đã lại phải xốc ba lô lên vai cầm súng đi ra mặt trận”, những chi tiết, những hình ảnh, câu nói, những mẩu chuyện lịch sử ấy khi đi qua Đào Trọng Khánh thì nó mới nẩy lên, mới phục sinh và mang một gương mặt mới. Có lẽ Đào Trọng Khánh đã dùng những chi tiết ấy đắc địa. Hoặc ông đã thổi vào những câu chuyện ấy một ý nghĩa mới bằng một thủ pháp chỉ điện ảnh mới có đó là khuôn hình đặc tả. Toàn cảnh, trung cảnh, thậm chí cận cảnh là khách quan nhưng đặc tả tức là chủ quan, là nhấn mạnh, là mở ngoặc kép. Nếu không có những cú ra bút đặc tả như vậy, nếu không có chủ quan thì làm gì có nghệ thuật.
Bên cạnh những nhân vật lịch sử, Đào Trọng Khánh còn có nhiều trang viết về bạn bè nghệ sĩ đồng nghiệp. Võ An Ninh, Nguyễn Tư Nghiêm, Hồng Sến, Lưu Quang Vũ, Thi Hoàng, Nguyễn Thị Hiền… Ký họa là trong thời gian ngắn chỉ vài ba nét mà ra được nhân vật. Đào Trọng Khánh bắt đặc điểm nhân vật rất tinh, ai cũng có hình thù, thần thái không lẫn vào đâu được: “Nguyên Hồng uống rượu say, đứng ngay râu nhìn dòng sông Tam Bạc”; “những năm chiến tranh, Lưu Công Nhân áo chim cò, quần sooc, to như ông Tây, đứng phơi nắng bên sông như người nhập hồn”; “Thanh Tùng áo thợ lấm những vết dầu mỡ, lúc đọc thơ mắt đỏ lên như không biết gì”; “Kiều Thẩm – bạn tôi, nhà quay phim tài liệu kỳ tài, nằm trên sàn xe bấm máy một cú quay trượt travelling ngược lên trời, những mái nhà Tam Bạc dựng đứng vụt trôi đi vùn vụt như linh hồn những người đang nổi giận… Kiều Thẩm nói với tôi – Đẹp đến não lòng, nếu một mai chết đi tao sẽ nhập hồn vào Tam Bạc”. Những “ký họa” chân dung bạn bè, những cuộc gặp thơ, rượu là lúc ngòi bút của Đào Trọng Khánh, “say” nhất, tung tẩy nhất, chữ nghĩa thăng hoa, bay lượn.
Đất nào người ấy, người nào đất ấy, đất và nước nào người ấy, đất nước nào người ấy. Thiên địa nhân, thủy thổ là một. Hơn một nửa thế kỷ Đào Trọng Khánh đi và gặp, đi và về, nơi chốn đi về. Đào Trọng Khánh viết nhiều về Hải Phòng, nơi ông sinh ra, Sở Dầu, Sáu Kho, Chợ Sắt, Tam Bạc: “Lưu Quang Vũ thời chiến tranh, phiêu lãng với Hải Phòng “Viết cho em từ Cửa Biển”: “Trăng đã lên đêm đã lả về sâu – Anh đi bên dòng sông Tam Bạc – thủy triều lên thao thức. Con sông giống cuộc đời anh… Có ai nói cho lòng ta hiểu nổi. Về cuộc đời ghê gớm ta yêu”. Tôi đi với Vũ bên bờ sông. Có nhà ai đang cúng vong, bắc một chiếc cầu bằng vải trắng từ dưới sông lên bờ, cho người chết biết đường mà về. Đèn nến bập bùng. Hương khói bâng khuâng. Mùa này đang là mùa cá mòi, cá phơi trắng xóa trên kè đá.” Đến Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đúng ngày giỗ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, “nhớ ông quan liêm khiết, thanh bạch, dân cúng ông cà muối và cháo đậu”. “Ăng ten” của Đào Trọng Khánh nhạy cảm lắm mới thu được chi tiết đẹp ấy: “Đời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) chúa Trịnh Sâm có lần qua chơi hang luồn tên chữ là Xuyên Thủy Động, một ngọn núi đá vôi lâu đời bị nước bào mòn đục xuyên núi cho dòng sông chảy qua, ngẫm sức mạnh bền bỉ của nước, liên hệ đến sức mạnh thầm lặng của dân, Trịnh Sâm có viết một bài thơ khắc trên vách đá, có hai câu: “Xúc mục cổ kim hưng phế sự, dân nham lẫm lẫm úy duy gian”. Hưng phế xưa nay bao chuyện cũ, lòng dân đáng sợ chớ nên quên. Lòng dân thật đáng sợ, âm thầm như giọt nước vậy, mà có sức xuyên thủng cả một hòn núi đá”. Đào Trọng Khánh đi dọc đất nước, ở đâu ông cũng thấy những hòn đá vọng phu: “Đó là những người vợ lính, chồng đi mãi không về, ôm con lên núi ngóng trông, lâu ngày rồi cả mẹ lẫn con đều hóa đá. Trên thế giới, có lẽ chỉ có những dân tộc nào hiền lành, bị chiến tranh biến thành thảm họa, mới sinh ra những huyền thoại thủy chung đau lòng như vậy suốt mấy ngàn năm”, hình ảnh biểu trưng cho một đất nước chiến tranh liên miên. Đào Trọng Khánh đi Nam Kinh (Trung Quốc) có thành Kim Lăng là nơi có rất nhiều người Việt tài danh hồi thế kỷ 15 đã bị nhà Minh bắt sang đó, ông viết: “Thời gian đã bào mòn những bức tường thành, vài bông hoa dại nở, cứ vươn ra ngoài kẽ đá. Tường như linh hồn của những người Việt xa xứ bị bắt về đấy hóa thành rêu phong cây cỏ, vẫn còn ngóng đợi ngày về”.
Ở trong sâu thẳm của Đào Trọng Khánh, cội rễ chữ của Khánh là “tính không”, là hư vô, chân không, chân không diệu hữu, cái không nhưng lại có và đầy ắp, là cái có không, không có của Phật giáo. Cho dù hơn 500 trang trong cuốn sách này, Đào Trọng Khánh không hề nhắc đến Bát Nhã, Kim Cương, nhưng tư tưởng nhà Phật mà ông yêu thích đã tan chảy trong ông cho nên Đào Trọng Khánh đã đi qua sự nhìn – thấy để đến nhìn – không nhìn, nhìn – không. Chỉ khi nhìn – không thì trạng thái thi nhân mới xuất hiện để tưởng tượng, hồi tưởng, liên tưởng, để “bịa”, để vô lý, “vô nghĩa” lên ngôi. Nhìn – không chính là thi ca, là con mắt của thơ. Đào Trọng Khánh dù làm văn làm báo làm điện ảnh thì đó cũng chỉ là thân cây, là cành, là ngọn. Gốc của Khánh là một thi nhân.
“Xưa tôi trôi như một cánh buồm – Giờ tôi đã thành bến cũ – Xưa giăng lưới theo đàn cá lạ – Nay cá đã phơi rồi – lưới rách lua tua – Nào hãy bơi đi đàn cá mòi khô – Ta sẽ thả các người xuống nước – Hãy tìm lại cho ta những ngày đã mất – Nơi đáy sâu im lặng đời đời”. (Trích Bên bờ Tam Bạc – Tự ước một mình, thơ Đào Trọng Khánh).□