Đầu năm, đọc lại “Rớt hột phiêu bồng”
của Bùi Giáng
MÙA XUÂN TAO NGỘ BẤT NGỜ !

Có thể nói tập di cảo thơ thứ 6 Rớt hột phiêu bồng, gồm 100 bài thơ của Bùi Giáng do nhà xuất bản Văn Nghệ in lần đầu, nhân ngày giỗ thứ mười của trung niên thi sĩ  (17. 8 Mậu Dần – 17. 8 Mậu Tý)  rất đỗi tài hoa nhưng vô cùng kỳ dị này, đã để lại trong lòng bạn đọc những cảm nhận và ấn tượng khác nhau. Rất nhiều người đọc những thi phẩm, tác phẩm dịch thuật và nghiên cứu văn học của Bùi Giáng đều công nhận, Ông là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ Việt. Thơ của Bùi Giáng viết ra không giống ai. Ông có lối đi riêng với một thứ ngôn ngữ “không đụng hàng” với bất cứ nhà thơ nào. Một phong cách rất riêng: Bùi Giáng!


* NGƯỜI THƯỜNG XUYÊN “NỐI MẠNG” VỚI CHÍNH MÌNH!

Thơ Bùi Giáng, không đơn thuần chỉ là những câu chữ vần điệu thông thường. Theo thiển ý của tôi, đó là những thông điệp đầy “ẩn ngữ” mà ông gửi lại cho cuộc đời, sau hơn bảy mươi năm lẻ một tạm trú trong cõi người ta. Ông như ngoài hành tinh, làm một cuộc dạo chơi đầy ý vị trong cuộc trần thế đầy biến động và có những đóng góp rất to lớn trên cả ba lĩnh vực đều rất khó thành đạt đối với người bình thường : làm thơ dịch sách và nghiên cứu văn học. Với thơ, dù có tài hoa cỡ nào đi nữa, ông cũng không thể diễn đạt hết ý mình, bởi sự hạn chế của ngôn ngữ của thế giới nhị nguyên. Thơ ông “ý tại ngôn ngoại”, đa tầng đa nghĩa, khiến người đọc có nhiều cách hiểu, cảm thụ, thẩm thấu và chuyển hóa khác nhau, rất sai biệt. Vì vậy, lúc sinh thời, năm 1993, ông đã có thư ngỏ: “Thân gửi Bạn đọc bây giờ – Tôi tên là Bùi Van Búi – tức Búi Giàng Bùi – gửi tập thơ cuối “cùng này” tới bàn tay bạn đọc. Tâm nguyện bình sinh của tôi bây giờ là “Mong mỏi một điều duy nhất: đừng bao giờ bạn đọc bận tâm về bất cứ lời bàn bạc nào thật hay giả của bất cứ “bạn hữu” nào đó xưa nay của tôi ở Việt Nam hoặc ở hải ngoại”. Kính bút – Bùi Giáng, 93.” 
Tuy nhiên, không ít bạn đọc bây giờ lẫn mai sau vẫn còn đọc thơ ông và vẫn còn bận tâm đến những lời bàn bạc thú vị về cuộc đời, giai thoại và sự nghiệp của ông;đặc biệt tập thơ mới nhất Rớt hột phiêu bồng của Bùi Giáng, với “lời tựa”:“Lớp phiêu bồng mọc trăng ngàn. Thành xưa phố cũ muôn vàn phía sau.”                                                           

***

“Mùa xuân tao ngộ bất ngờ

Ngồi im lặng viết bài thơ một mình”.

Theo luận lý thông thường, đọc hai câu thơ trên, người đọc sẽ rất nhầm lẫn  khi cho rằng, ông thật cô đơn! Với tôi, ông là người hạnh phúc nhất trần gian! Trước khi viết hai câu thơ này, với phong thái cực kỳ ung dung, tự tại, ông đã  “một mình” bước vào thế giới “im lặng”nội tâm nhưng đầy suy tưởng, “trụ” vào cái lẽ vô thường đang âm thầm diễn ra trong từng giây phút hiện tại của đời sống để nhận biết đầy đủ sự tiến hóa của chính mình. Những lúc như thế, ông đã “im lặng” tự viết “một mình”- vô ngôn! Chính trong giây phút đó, “một mình”, ông đã bất – ngờ – tao – ngộ – mùa – xuân; “một mình”, ông đối diện với mùa xuân của lòng mình, khám phá vùng đất của chơn tâm – nơi ấy đã hiển thị rõ bộ mặt thật xưa nay vốn có, cái bản lai diện mục của mình; “một mình”, ông thưởng thức trọn vẹn thứ năng lượng ấm áp không hề dễ dàng có được này, đang luân chuyển khắp châu thân và cũng không dễ dàng chia sẻ cùng ai, bởi chỗ đứng tiếp nhận của mỗi người đều có căn cơ,  cung bậc khác nhau. Trước khi viết ra những câu thơ để đời, ông đã là một hành giả đích thực!
“Lúc còn nhỏ dại chăn trâu
Về sau khôn lớn đánh trâu đi cày”  
Một người thường  xuyên con – néc với chân ngã như ông, ắt hẳn luôn vui khi biết mình bất tử trong bất cứ cuộc rong ruổi nào, thực cũng như , cũng đều …rất tuyệt! Quả thật, nếu ai thường hay “nối mạng” với chính mình, thì người ấy cũng sẽ “một mình” tận hưởng niềm vui, sẽ nhìn thấy cuộc đời này bằng con mắt khác. Chỉ có nó mới biết nó mà thôi! Trong khoảnh khắc vi diệu ấy, chỉ một mình ta với ta – cái ta chân ngã hợp nhất với cái ta bản ngã trong một không gian vô thanh vô sắc. Đó là cuộc hành trình rất sâu vào những ngóc ngách vi tế của đời sống tâm linh theo tinh thần “nhập lưu hướng nội”. Làm thơ, ông rất muốn chia sẻ những điều ông nhận biết được cho người khác, nhưng tiếc thay, không gian ba chiều tương đối này cái gì cũng tương đối, nên ngôn ngữ cũng không ngoại lệ. Và, thơ ông cũng mang đầy đủ tinh thần ấy. Cái tứ không – sanh – không – diệt  bàng bạc, xuyên suốt,  làm nên tập thơ Rớt hột phiêu bồng với một thứ ngôn ngữ cà – rỡn – bất – thường, rất riêng của Bùi Giáng.

Tiếp cận thơ Bùi Giáng, nếu chỉ bằng tai hay bằng mắt, dù đó là con mắt của bậc học giả – chỉ bằng kiến thức của bộ não, cũng chưa thấy hết vẻ đẹp, ý nghĩa, giá trị của thơ ông mà phải trải nghiệm bằng con đường thực hành, chiêm nghiệm  bằng “con mắt thứ ba”- con mắt đích thực của tâm thức, một thứ trí – tuệ –  đằng – sau – trí  – tuệ! Thơ Bùi Giáng chính là sự thức tỉnh, khai trí cho những ai còn đắm mê, lẩn quẩn trong vòng lợi danh, sanh tử  Vượt lên trên tất cả, ông đã làm một cuộc trở về với vùng ngự trị tâm thức, đối diện, hội nhập với chính mình một cách thật thà và trong cõi tĩnh mịch sâu lắng tận cùng ấy, ông đã bắt gặp chân dung thật của mình hòa nhập cùng vũ trụ bao la khôn cùng . Và thơ ông đã cất lên tiếng nói của lòng mình, những câu thơ không lấy gì trác tuyệt – tưởng chừng bất chợt, ngẫu nhiên, nhưng đạt đến điều bình – thường, bình – tĩnh đến lạ lùng ấy không hề đơn giản chút nào. Bình thường tất liễu đạo! Đó là kết quả của qúa trình suy tư, truy vấn không hề ngưng nghỉ của bậc giác ngộ minh triết.

“Xưa nay trong đạo lạc loài
Chữ điên đảo cũng có ngoài có trong 
Ngoài cuồng loạn, trong thong dong 
Trong ngoài bức bách tấm lòng dung phôi”

Ông cà tửng cà tưng cà giựt với hết thảy mọi chuyện hiện hữu trong đời. Bởi hiểu rất rõ lẽ “vô sanh”, nên ông đùa giỡn với cả cái chết thật dễ thương mà đối với hầu hết người đời đều sợ hãi, tìm cách né tránh – dù trước sau cái ngày ấy cũng sẽ đến với mỗi một con người:

“Anh sẽ chết như chưa bao giờ chết

Anh sẽ về thăm viếng các em ôi”.

Quả thật, nếu một người thường xuyên tập chết, chết hằng giây hằng phút hằng giờ, cứ đi đi về về giữa hai – bờ – sống – chết, chết giỡn chơi liên miên bất tận mãi như thế thì cái chết đâu còn là nỗi ám ảnh đáng sợ của kiếp nhân sinh! Vượt qua không gian vật lý hữu hình, bỏ lại sau lưng tất cả, hằng tắm gội mình trong dòng sông ánh sáng tâm linh –con người có thể sẽ đi qua nỗi sợ hãi tâm lý thường trực và vỡ vạc ra rất nhiều điều đáng giá ngàn vàng. Cuộc hành trình đi tìm chân ngã của mỗi thực thể sống, càng trải qua nhiều bài học khác nhau, càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý báu, giúp cho lịch trình tiến hóa của tâm thức diễn ra nhanh chóng hơn. Tiếc rằng, còn quá ít người có mặt trên trần gian này được học bài học này một cách căn cơ, có hệ thống. Học cái chết để giúp cho cái sống đời đời!

“Anh chào em, anh chết suốt thiên thâu
Là chết giỡn cho vui chơi tuế nguyệt
Cho tháng ngày mừng rỡ với lá cây 
Cho ngày tháng chịu chơi với lá cỏ”

Chết giỡn là bài thực tập thường xuyên, liên tục của bậc đại trí thượng thừa, một   hình thức hành thiền cao nhất. Chỉ có những người học thiệt, làm thiệt mới thấu suốt cái lẽ “im lặng…một mình”!

Bùi Giáng là người lịch lãm, lòng rổn rang trong mọi cuộc chơi trần thế, vì ông đã nhận ra lẽ vô thường của kiếp nhân sinh, nhưng ông vẫn cứ một mình, chỉ biết âm thầm chia sẻ, đóng góp thứ ánh sáng ông có được cho người khác bằng phương tiện thơ ca. Ông đã mượn hình ảnh các cô em để nói lên những hệ lụy, phiền não, khổ đau… luôn đóng đinh lên thân phận con người – một cái nhìn đầy thương cảm với những mảnh đời bất hạnh, bất túc:

“Anh sẽ về thăm viếng các em ôi

Em khốn khổ như ngàn thu mỏi mệt”

Vì quá đỗi thương yêu con người, Bùi Giáng cũng tiếc thương khóc khóc cười cười theo lẽ thường tình như bao người khác ở đời, nhưng ông luôn tỉnh táo, biết dừng lại đúng lúc cần thiết. Ông “giả vờ” khóc “chơi chơi”, theo cái kiểu miệng thì nói : “yes”, bụng thì: “no” vậy mà:

“Rằng ông giả bộ đáng khen
Thật là giỏi lắm phải chăng già khùng”

Người đọc không hề cảm thấy cái ranh giới mong manh giữa hệ lụy gục đầu khóc hu hu và thăng hoa ngẩng đầu mắt ráo hoảnh. Xét cho cùng, chẳng có chi đáng khóc cười ở đây cả , vì trong thế giới đầy rẫy phân biệt: sáng tối, thiện ác, đúng sai , tốt xấu, vinh nhục… , khóc cười cũng chỉ để an ủi , động viên các em thôi! Ông muốn nhắc nhở các em nên nhanh chóng thoát khỏi sự trì trệ của bản năng cố hữu, siêng năng “nối kết” với chơn tâm để tự cứu lấy chính mình:

Anh tiếc lắm, tiếc cho em, em hỡi
Tiếc tận cùng từ sa mạc thiên thu 
Anh gục đầu nhắm mắt khóc hu hu
Rồi can lệ ngẩng đầu mắt ráo hoảnh…”.

Như ông, cũng đã tự cứu lấy chính ông! Chiếc xe phương tiện thi ca của ông , dù có đẹp có sang đến mấy cũng chỉ chuyên chở mỗi mình ông. Ông không đủ sức cõng theo bất cứ một ai. Ông chỉ đóng vai trò “thằng mõ” – người gõ cửa tâm thức, đánh động, thức tỉnh những phần số các em bằng cái cách của riêng Bùi Giáng.  Bây giờ các em là những bông hoa, nhưng ngày kia rồi cũng sẽ lụi tàn theo năm tháng, đúng quy luật của nó. Ông rất muốn các em cũng thanh thản giống như ông, đón nhận “cái ngày ấy” như anh  sao cho thật đẹp ! Chết, nhưng không hề ra… nghĩa địa! Chuyện lạ lùng, khó tin nhưng có thật một triệu phần triệu đấy!

“Một mai em sẽ lìa đời
Em về vĩnh viễn tót vời tương lai…
Em đi em đứng em nằm
T
oàn nhiên em đẹp nguyệt rằm thiên thu…”.

Nói như Bùi Giáng, tất cả nhân sinh, cây cỏ, muôn loài tồn tại trên Trái đất này đều có linh hồn. Nếu biết ứng xử tốt với chính mình ,với môi trường xung quanh trong khả năng, phạm vi hiểu biết của mình – thậm chí như một giọt sương nếu biết mình là ai trong cuộc đời hữu hạn này, thực hiện đúng sứ mạng của mình cũng sẽ huy hoàng, hoành tráng như ai! Ông chúc phúc cho tất cả, với “điều kiện” sẵn sàng dấn thân trong cuộc hành trình trở về với những giá trị cao quý luôn hiện hữu trong bản thân mỗi một con người. Lúc ấy, con sẽ có tất cả, sẽ đi sẽ đứng sẽ vùng vẫy…tưng bừng mà không gặp bất cứ điều chi ngăn trở:

“Ông chúc phúc ngàn thu con rất đẹp

Rất vui buồn với tình mộng chia xa …

Con sẽ đứng sẽ đi sẽ vùng vẫy

Sẽ huy hoàng như một giọt sương sa…”.

Mùa xuân này, rất mong nhiều người tao ngộ với Ông – Bùi Giáng. Nhưng không cảm thấy …bất ngờ!

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)