David Oistrakh, một góc nhìn khác

Là một nghệ sỹ xuất sắc và được chào đón khắp thế giới, David Oistrakh luôn thân thiện với thính giả của mình. Nhưng tất cả những ai biết rõ về ông đều nói rằng ông là người sống nội tâm và chỉ thực sự cởi mở với chính người vợ thân yêu của mình. Họ đã sống bên nhau suốt 50 năm…

Vào những năm 1920, Oistrakh và Tamara Rotaryova đều học tại Nhạc viện Odessa: ông là nghệ sỹ violon xuất sắc nhất thành phố còn bà là nghệ sỹ piano tài năng và xinh đẹp. Khi đồng ý lấy David, Tamara đã phải tạm ngừng sự nghiệp của mình để chăm lo cho gia đình…

Oistrakh rời thành phố quê hương Odessa năm 18 tuổi, thực hiện chuyến lưu diễn đầu tiên trên đất nước Ukraine, sau đó tới Moscow. Ngay sau khi có một cuộc sống khá ổn định ở Moscow, ông viết thư cho Tamara và đề nghị cô đến với mình. Một thời gian ngắn sau đó, họ kết hôn. Bốn năm sau, Igor ra đời. David dường như sống trên thiên đường. Ông luôn luôn có những chuyến lưu diễn xa nhà và tham gia nhiều cuộc thi lớn nhưng không quên viết thư về cho gia đình

“Hôm nay là ngày 2-3-1935, và anh đang ở gần biên giới”, David viết, “Anh vẫn khỏe nhưng không khỏi lo lắng về đứa con bé bỏng của chúng ta, nó đã chào đời khi anh không có mặt ở nhà. Nó như thế nào rồi? Anh ước rằng anh có thể nghe thấy tất cả từ em… Anh sẽ viết thêm cho em một vài dòng nữa vào cuối ngày. Anh yêu em! Em sẽ thay anh hôn Garrik bé nhỏ của chúng ta chứ?”

Sau đó vào tháng 3-1935, Oistrakh đã tham gia cuộc thi quốc tế đầu tiên. Không ngày nào trôi qua mà ông không viết một đến hai bức thư gửi vợ. “Anh không thể diễn tả nổi rằng anh nhớ em đến nhường nào, người vợ thân yêu của anh! Anh đếm hàng ngày và hàng giờ khoảng thời gian anh sẽ gặp lại em. Em luôn luôn ở trong tâm trí anh. Hãy viết thư cho anh và gọi cho anh hàng ngày nhé! Anh yêu em và anh đã có một món đồ chơi rất đẹp cho Garik.”

Tại Warsaw, Oistrakh nhận giải nhì. Tamara cảm thấy hạnh phúc nhưng ngay cả khi gửi tới David những lời chúc mừng, trong sâu thẳm cô vẫn thấy dai dẳng một câu hỏi lặp đi lặp lại: tại sao không phải là vị trí đầu tiên?! Như cảm nhận được câu hỏi câm lặng ấy, David cố gắng biện minh: “Anh cảm thấy hạnh phúc với vị trí mà anh đã giành được. Anh chưa bao giờ chơi tốt hơn những gì anh đã chơi tại Warsaw…”

Hai năm tiếp theo, vào tháng 3-1937, Oistrakh lại tham dự một cuộc thi khác mang tên Eugene Isai tại Brussels và như thường lệ, ông viết thư về cho vợ hàng ngày. Đây là những gì ông viết ngay trước khi cuộc thi bắt đầu: “Đó thực sự là một cơn ác mộng! Anh cảm thấy hoảng sợ như rơi vào địa ngục và buộc phải chuẩn bị cho một cuộc chiến. Phải phụ thuộc quá nhiều vào việc đối thủ của mình chơi như thế nào. Nhưng đừng lo, rồi tất cả sẽ tốt đẹp thôi!”

Và đây là những gì ông viết khi ở đỉnh cao của cuộc thi: “Áp lực tăng lên trong mọi lúc, mang lại quá nhiều máu, mồ hôi, nước mắt và cả hy vọng tiêu tan! Cám ơn những bức thư và điện của em…”

Cuối cùng ngày chiến thắng đã tới. “Hura, tất cả những gì đẹp nhất đã đến, anh đã nhận được giải nhất đầu tiên trong sự nghiệp! Điều đó đã tới như một giấc mơ và mang cho anh tấm vé gia nhập câu lạc bộ ngoại hạng của những nhà âm nhạc nặng ký trên thế giới. Điện mừng đã gửi tới, các nhà báo, nhiếp ảnh vây xung quanh khiến cho anh có cảm tưởng mình là một nhà vô địch quyền anh thế giới hoặc ai đó tương tự như thế… Sau tất cả thời gian và những gì chuẩn bị cho cuộc thi, anh có thể ngồi lại, chơi một ván cờ vua và dành nhiều thời gian hơn cho Garik. Anh yêu em nhiều, nhiều lắm! Không có sự hỗ trợ của em, tôi không thể làm được bất cứ điều gì, chắc chắn là như vậy …”

David thấy phấn chấn bởi sự chú ý của tất cả mọi người… “Thành công đã gây tiếng vang! Anh chơi tới 6 bài bis và ký hàng trăm lần. Họ đã giằng lấy những chiếc khuy trên áo khoác của anh theo đúng nghĩa đen khi anh ra khỏi phòng hoà nhạc…”

 “Em cảm thấy vô cùng hạnh phúc và kiêu hãnh vì anh, anh thân yêu của em, nhưng xin anh hãy để tất cả những điều đó ra khỏi đầu mình, đừng tốn thời gian vô ích, hãy tiếp tục làm việc nhé,” Tamara hồi âm. “Thật khó khăn để vươn lên đỉnh cao nhưng còn khó khăn hơn để được ở đó mãi. Anh sẽ phải chứng minh thêm một lần nữa, một lần nữa rằng chiến thắng mà anh giành được ngày hôm nay không phải là sự tình cờ…”

Nhà làm phim, nhà văn và nghệ sỹ violon người Pháp Bruno Monsaingeon đã tóm tắt lối chơi của Oistrakh như sau: Lối chơi của Oistrakh không có quá nhiều sự rực rỡ nhưng lại có thanh âm đẹp đẽ, giàu chất trữ tình và tròn trặn; sự liên kết giữa dây đàn và vĩ sắc nét và rõ ràng đến kinh ngạc.

Hạnh phúc của những gia đình nghệ thuật hiếm khi kéo dài nhưng Tamara và Oistrakh là một trường hợp biệt lệ. Tình yêu của họ, sự tôn trọng và sự khâm phục lẫn nhau lớn dần theo năm tháng.

Nhiệm vụ làm mẹ hóa ra khó khăn hơn bà tưởng tượng nhiều. Igor, hay là Garik như cách David vẫn gọi con trai mình, thực sự là một cậu bé cứng đầu, luôn chống lại những nỗ lực của cha mình khi hướng cậu tới cây đàn violon. Tamara hoàn toàn thấu hiểu sự miễn cưỡng của cậu bé nhưng vẫn kiên nhẫn hướng dẫn con trai.

Trên con đường sự nghiệp của mình, Oistrakh đơn giản là không có nhiều thời gian dành riêng cho con trai mình. Ông đã mời giáo viên giỏi tới dạy Igor nhưng đôi khi ông muốn đốt cháy giai đoạn trong việc dạy âm nhạc cho con.

Tamara cho rằng David đã đòi hỏi quá nhiều ở cậu con trai, đứa trẻ thường xuyên bật khóc vào giữa bài học, kéo theo bà mẹ nước mắt lưng tròng… Cảm thấy tội lỗi, David thường chia sẻ với con trai trong những bức thư ông gửi trên đường lưu diễn: “Garik thân yêu của cha, điều làm cho cha cảm thấy hạnh phúc, như mẹ của con vẫn kể rằng, con đã tiến bộ trong việc học nhạc. Con nên biết rằng, cha và mẹ buồn như thế nào về sự lười biếng và nghịch ngợm của con… Khi còn nhỏ như con, cha mẹ cũng có nhiều bạn bè. Nhiều người trong số đó rất siêng năng, chăm chỉ còn một số khác lại lười biếng. Vậy họ đã trở thành những gì? Những người nghiêm túc trong công việc bây giờ hết sức nổi tiếng. Con hãy ghi nhớ, mỗi thời khắc lười biếng trong công việc, con sẽ phạm tội ăn cắp của chính mình. Con cũng nên hiểu rõ giá trị lòng vị tha của mẹ. Mẹ con chỉ có duy nhất một cuộc đời và con phải khiến cho bà ấy hạnh phúc theo cách tốt nhất mà con có thể làm được. Làm thế nào mà con lại để cho mẹ mình phải khóc? Thật xấu hổ! Và cha chỉ muốn tự hào về con, con trai ạ.”

Oistrakh có khả năng chơi khúc cadenza trong bản sonata “Âm láy ma quỷ” của Tartini bằng một tay với một dòng thác âm thanh mạnh mẽ và trong trẻo đến độ không thể tin nổi, còn ở bàn tay khác có thể trình diễn chuỗi âm thanh pianissimo đầy sắc màu và tối tăm trong chương chậm của bản sonata pha thứ của Prokofiev.

Lần đầu tiên những người trong gia đình Oistrakh phải chia ly trong một thời gian dài suốt những năm diễn ra chiến tranh thế giới thứ hai. Tamara và Garik tản cư về vùng Urals còn David ở lại Moscow, nơi những buổi hòa nhạc vẫn tiếp tục diễn ra một cách bình thường như không có chuyện gì xảy ra… “Mọi người vẫn đến nghe với những chiếc áo choàng lông còn nguyên trên người… Thời tiết hết sức giá lạnh nhưng ai cũng vỗ tay nhiệt tình, họ yêu các nghệ sỹ, những người đã cố gắng từng giờ và chọn cách ở lại,” David viết cho Tamara.

Trong suốt cuộc chiến, Oistrakh vẫn liên tục biểu diễn trong phòng tuyến chống phát xít Đức Leningrad. Tháng 3-1943, ông viết cho Tamara: “Anh đã tới Leningrad. Thành phố phải hứng chịu nhiều cuộc ném bom và bắn phá mỗi ngày nhưng phòng hòa nhạc vẫn đông kín không một chỗ trống nào… Trong khi anh chơi đàn, họ cũng đã nghe thấy cả tiếng những cuộc không kích nhưng thậm chí không ai nhúc nhích cho nên anh đã có thể thoải mái kết thúc tác phẩm…”

Khi cuộc chiến kết thúc, Oistrakh lại bắt đầu lưu diễn với nhiều buổi hòa nhạc hơn cả trước kia. Ông trở thành nghệ sỹ Soviet đầu tiên được trình diễn ở một châu Âu mới được giải phóng và khi đến bất cứ nơi nào, ông thường phải mất đi cơ hội được ở cạnh Tamara thân yêu… “Anh không muốn dành phần lớn thời gian trong cuộc đời mình với những người lạ, anh chỉ muốn chúng ta ở bên nhau mãi mãi,” David viết thư cho vợ như vậy. “Anh muốn tới những nơi chúng ta có thể ở bên nhau, cùng thấy những đất nước mới mẻ, chia sẻ và bàn cãi về tất cả mọi điều…”

Vào giữa những năm 1950, khi Igor bắt đầu trưởng thành với sự nghiệp riêng của mình, David và Tamara cuối cùng cũng dành được thời gian ở bên nhau. Họ đúng là không thể tách rời nhưng bây giờ họ còn phải để mắt trông chừng cậu con trai… “Cha mẹ nghĩ về con mọi lúc, đặc biệt là mẹ con,” David viết cho Igor. “Hãy nhìn xem bà ấy dõi theo con từng bước đi… Cha đã nói với mẹ con rằng điều đó không tốt đâu, rằng đây là thời điểm bà ấy cần quan tâm đến sự nghiệp của chính mình nhưng bà ấy không chịu nghe… Nhưng không sao đâu, đừng lo lắng gì nhé, cha sẽ tiếp tục cố gắng…”

Tamara không thể yên tâm ở nhà khi David đi biểu diễn và luôn luôn đứng bên ngoài cánh gà để lắng nghe từng nốt nhạc ông chơi. Không như  nhiều người vợ của các nghệ sỹ nổi tiếng, bà không bao giờ cố gắng giành giật sự quan tâm của người hâm mộ. Là một phụ nữ đẹp nhưng bà luôn đứng trong cái bóng của chồng mình và chỉ khi ai đó ở gần họ, biết nhiều về họ mới biết được rằng ông đã thực sự quan tâm đến vợ như thế nào… “Tình yêu lớn lao và chân thành của em là nguyên nhân duy nhất có thể giải thích được những nỗ lực tinh thần em dành để bảo vệ tình yêu tuyệt đối của chúng ta trong xúc cảm, niềm hy vọng và cả những thất vọng… Em là tình yêu đẹp nhất và là một phần không thể thiếu của cuộc đời tôi …” David Oistrakh viết thư gửi Tamara.

Suốt những năm 1960, khi Oistrakh bắt đầu có vấn đề về tim, Tamara đã tìm kiếm những bác sỹ tốt nhất và bắt ông phải cắt giảm số buổi hòa nhạc và giờ giảng dạy tại Nhạc viện. “Lưu diễn vẫn luôn luôn là vấn đề đau đầu cho chúng tôi,” Tamara kể lại. “Chúng tôi luôn rời khỏi nhà vào thời khắc cuối cùng bởi vì luôn có sinh viên bám theo David khi ra khỏi phòng… Trên máy bay hoặc tàu hỏa ông ấy thường đắm chìm vào việc nghiên cứu những tổng phổ mới –một công việc vất vả thực sự…”

Oistrakh từng nhiều lần đề cập rằng sự hoàn thiện chỉ là kết quả của một quá trình nỗ lực, rèn luyện và học tập bền bỉ. Trong suốt sự nghiệp của ông, không có những màn trình diễn chất lượng thấp, thiếu cảm hứng và thói quen. Thi thoảng người ta cũng nhận thấy trong một vài bản thu âm của Nathan Milstein vĩ đại thiếu vắng sự tươi mát và cảm hứng. Nhưng không bao giờ có điều đó trong lối chơi của Oistrakh.

Các bác sỹ khăng khăng Oistrakh phải dừng các buổi hòa nhạc bởi vì rất có thể ông sẽ lên một cơn đau tim khi biểu diễn mà không lường trước được… Tamara đã van xin ông thư giãn. “Anh đơn giản là không thể sống thiếu nó được, em không hiểu là anh đã có cách…”, ông trả lời vợ mình như vậy. Tamara giờ đây luôn ở cạnh chồng mình. Còn ông tiếp tục làm việc ngay cả khi ở trong bệnh viên, nghiên cứu các bản tổng phổ mới và lắng nghe âm nhạc trong máy thu âm của mình…

Vào tháng 3-1974, Oistrakh trở lại sân khấu. Buổi hòa nhạc ông biểu diễn tại Vienna đã thành công đặc biệt. Mùa hè năm đó, ông làm chủ tọa trong ban giám khảo cuộc thi Tchaikovsky danh tiếng. Sau quãng thời gian nghỉ ngắn ở viện điều dưỡng, ông trở lại chỉ huy tại Stockholm, tiếp theo là một buổi hòa nhạc riêng tại Moscow và cuối cùng là chuyến lưu diễn tại Hà Lan. Đêm khuya ngày 24-10 ở Amsterdam, ông đột nhiên cảm thấy mình không được khỏe. “Tất cả vẫn tốt, rồi sẽ qua thôi,” ông trấn an người vợ đang hoảng hốt…

“Cái chết của David đến một cách bất ngờ,” Tamara kể lại. “Tôi đã chết lặng đi, không thể nguôi ngoai vì sự mất mát khủng khiếp này… Những người bạn đã giúp đỡ tôi về mọi phương diện, an ủi tôi rằng tôi có thể viết một cuốn sách về Oistrakh, nhưng tôi không thể… Tôi chỉ có thể tìm thấy sự khuây khỏa với đứa con của chúng tôi, trong gia đình của nó và trong những ghi chép mà David đã để lại cho tôi …”


Thanh Nhàn lược dịch

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)