Để không bị lãng quên

Đã đến lúc cần phải ngừng lại những ánh mắt ngạc nhiên, những nụ cười mỉa mai và những cái nhún vai ơ hờ dành cho nhạc cổ điển để tìm đến những người chưa từng có cơ hội trải nghiệm những loại hình nghệ thuật tuyệt vời.

Điều gì đã xảy đến với nhạc cổ điển? Tại sao nó lại trở thành một thứ “giáo phái bí truyền”, chỉ lưu hành trong nội bộ một nhóm người như ngày nay? Tại sao chúng ta lại khiến bao thế hệ không còn nhận thấy được sức mạnh và niềm hân hoan trong âm nhạc của Mozart và Beethoven trong khi chúng ta đang có trong tay nhiều hơn bao giờ hết các công cụ giúp truyền bá loại hình nghệ thuật tinh hoa này? Tại sao lại có quá nhiều người không biết đến sự tồn tại của các phòng hòa nhạc Carnegie Hall hay Lincoln Center dù chúng chỉ ở cách họ một khu phố?

Nguyên nhân của thực trạng này trước hết là do nhiều chính phủ trên thế giới đang thẳng tay cắt giảm ngân sách dành cho các ngành nghệ thuật bởi họ thấy đó là cách đơn giản nhất để cứu vãn cho một cuộc khủng hoảng kinh tế. Tiếp đến là do thay vì khuyến khích con người biết nỗ lực hơn, chúng ta lại ngả theo xu hướng đơn giản hóa quá mức mọi thứ. Chúng ta mải chiều theo những sở thích sớm nắng chiều mưa của giới trẻ mà bỏ bẵng đi những gì là thực sự cần thiết đối với chúng. Chúng ta đang bị lập trình tư duy theo những dòng trao đổi thông tin ngắn ngủn trên các trang mạng xã hội. Và có lẽ cũng sắp đến cái ngày mà những bản giao hưởng của Beethoven và Mozart bị cắt thành những đoạn ngắn dăm ba phút để thu hút người nghe hơn.

Từ vài năm nay đã có một số nghệ sĩ và tổ chức nỗ lực thực hiện những chương trình tiếp cận với khán thính giả, nỗ lực tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo, kết hợp hình ảnh trực quan với âm nhạc với hy vọng sẽ đưa nhạc cổ điển đến với thế hệ khán giả mới. Nhưng liệu chừng đó có đủ không? Liệu những biện pháp như chương trình hòa nhạc “Beethoven in Blue Jeans”1 vốn đang rất được ưa chuộng, hay việc khuyến khích khán giả vỗ tay giữa các phần biểu diễn đã phải là cách đúng đắn để thu hút khán giả mới cũng như khiến nhạc cổ điển gần gũi hơn với mọi người?

Thực ra, nhạc cổ điển – hay bất kỳ loại hình âm nhạc hay nào – cần phải được “giới thiệu lại” với công chúng. Trong ba năm qua tôi đã gặp gỡ và bắt chuyện với đủ mọi tầng lớp người trên thế giới, từ những người lái taxi cho tới quản lý các cửa hàng thực phẩm hay người pha chế rượu ở các quầy bar, và hỏi xem họ hay nghe dòng nhạc nào và quan niệm của họ về nhạc cổ điển ra sao. Phần lớn người trong số họ cho biết họ chỉ nghe những dòng nhạc khác như pop, rock, hip hop,… và đều xa lạ với nhạc cổ điển. Có một điểm chung là tất cả họ đều là những người dân bình thường, chưa từng có sự tiếp cận thỏa đáng với nhạc cổ điển. Do vậy, đã đến lúc cần phải ngừng lại những ánh mắt ngạc nhiên, những nụ cười mỉa và những cái nhún vai ơ hờ dành cho nhạc cổ điển và tìm đến những người chưa từng có cơ hội trải nghiệm những loại hình nghệ thuật tuyệt vời. Đã đến lúc cần phải ngừng việc viện dẫn những câu nói của các nhà soạn nhạc vĩ đại như Wilhelm Furtwängler với câu nói nổi tiếng: “Nhạc cổ điển không dành cho tất cả mọi người”; đồng thời cần có những người nhiệt thành trong việc giáo dục và truyền bá nhạc cổ điển bằng nhiều hình thức như xuất bản sách hướng dẫn nghe nhạc cổ điển, tổ chức các câu lạc bộ những người yêu nhạc Chopin, Beethoven (giống như câu lạc bộ những người yêu Messi, Ronaldo,…), tổ chức những buổi diễn giải các tác phẩm kinh điển tại các trường học, công xưởng. Đó là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất trong việc ngày càng thu hút được thêm nhiều công chúng đến với nhạc cổ điển. Thật hãi hùng khi mường tượng ra cái viễn cảnh rằng thế hệ con cái của lớp trẻ ngày nay thậm chí còn không hề biết rằng trên đời này từng tồn tại một thứ gọi là nhạc cổ điển.

Ta hãy cùng đọc lại một lần nữa những suy nghĩ của nhà soạn nhạc , nhạc trưởng Leonard Bernstein trong một bài báo mà ông viết vào ngày 4/5/1970: “… Chúng ta cần thứ sức mạnh của nghệ thuật mà thế hệ nào cũng cần đến. Ấy thế nhưng bấy lâu nay ta lại làm đủ thứ – cả trong và ngoài nghệ thuật – để phá hủy cái sức mạnh đó đi. Nghệ thuật phục vụ trí hiểu biết của loài người về cuộc sống của chính bản thân ta – cái cuộc sống mà ta đã đánh mất; mối liên hệ giữa ta với cuộc sống ấy; cảm nghĩ của chúng ta dành cho nó; cảm nhận của chúng ta đối với tính hiện hữu của nó; phẩm cách và ý nghĩa mà dường như nó đã từng có. Bấy lâu nay chúng ta đã nhồi nhét vào trong cuộc sống ấy cơ man nào là đủ thứ trang sức phụ kiện, của nả, thiết bị, máy móc – những thứ mà chúng ta, bằng sự châm biếm vô thức, gọi là “sự sung túc” – đến nỗi giờ đây không còn chỗ nào cho chính bản thân chúng ta trú ngụ nữa. Và kết quả là một sự trống rỗng rặt những chen lấn xô bồ, tắc nghẽn, câm điếc và xấu xí bao trùm lên sự tồn tại của chúng ta.” 

Khánh Trang dịch
Nguồn:
http://www.gramophone.co.uk/blog/gramophone-guest-blog/the-cult-of-classical-music
————
1 “Beethoven in Blue Jeans”: chương trình hòa nhạc cổ điển thường niên của dàn nhạc Mobile Symphony Orchestra, Mỹ. Với chương trình này, khán giả được khuyến khích ăn vận quần áo hàng ngày, như jeans, tới nghe hòa nhạc nhằm truyền bá thông điệp rằng âm nhạc hay là âm nhạc dành cho tất cả mọi người.

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)