Để những di tích ngày mai không chết
Những gì thuộc về di tích, hãy trả về cho di tích. Đó là cách duy nhất để cho di tích sống mãi với hậu thế.
Giáo sư Shigeeda Yutara nói: “Tại Hội thảo Thông điệp từ Di sản thế giới ở Quảng Nam – Hiện trạng và tương lai, tôi đã phát biểu rằng thánh địa Mỹ Sơn của các bạn độc đáo nhưng thiếu sự sống. Hãy thường xuyên tổ chức những lễ hội, vũ hội mà người Chăm xưa đã từng thực hiện, chúng sẽ bù đắp những thiếu hụt cảm xúc của du khách khi đến đây.
Mỹ Sơn luôn bí ẩn trước du khách |
Giáo sư S.Yutara, một người đã dày công khảo cứu về Mỹ Sơn trong 15 năm liền, đã từng đề xuất việc tổ chức triển lãm những hình ảnh về di sản văn hóa thế giới này ở Nhật để gây sự chú ý cho chính người Việt trong nước ! Ông đánh giá việc trùng tu và bảo vệ Mỹ Sơn hiện nay đã tích cực và khoa học hơn trước kia rất nhiều. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ khác với Hội An, Mỹ Sơn không có người Chăm và nói chung là không có các cộng đồng dân cư sinh sống chung quanh đó. Các lễ hội cũng chưa được phục hồi thường xuyên nên, S. Yutara nói, những ngôi tháp khác nào di tích chết, linh hồn các công trình kiến trúc độc nhất vô nhị đã rời xa rồi!
Từ trước đến nay việc tạo ra một giá trị sống động và khả dĩ hơn cho các di tích văn hóa và lịch sử thường là dưới áp lực của ngành du lịch cũng như các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch, và kết quả là cho ra đời những sản phẩm “ăn xổi”. Điều này diễn ra nhan nhản tại di tích cố đô Huế. Đó là món cơm vua, mặc quần áo vua và hoàng hậu rồi ngồi bệ rồng chụp ảnh, hoặc sang trọng hơn chút nữa là xem biểu diễn nhã nhạc cung đình ở Duyệt Thị đường trong khu vực Tử Cấm thành. Tất cả nhằm làm cho du khách được hưởng thêm một chút không khí cung đình vốn đã không còn bao nhiêu trong các bức tường đã được làm mới một cách thô kệch. Ở Bảo tàng điêu khắc Chămpa Đà Nẵng cũng thế. Ngành du lịch cũng đưa một đội múa Chăm vào nhảy múa ngay trong khuôn viên bảo tàng để mong tăng cường cảm giác cho khách trong khi xem các hiện vật. Tuy nhiên, đó là những món ăn nấu vội, chưa chín, nhất là đối với khách du lịch văn hóa.
Thực tế đã cho thấy rằng một di tích tồn tại theo mô hình một bảo tàng sống như Hội An sẽ làm cho du khách, chỉ cần một khoảng thời gian vừa phải, đã có thể cảm nhận trọn vẹn những giá trị, chiều sâu lịch sử, văn hóa ở di tích này. Và có lẽ Hội An hấp dẫn nhiều du khách vì điều đó hơn là cái mác di sản văn hóa ngày nay xuất hiện nhan nhản khắp thế giới, ở các quốc gia rất mạnh về công nghệ khai thác du lịch. Mỹ Sơn cần tìm một cách nào đó phục hồi những lễ hội phù hợp với vị trí của một thánh địa. Vài tiết mục văn nghệ, những món đồ lưu niệm, các thuyết trình viên, một không gian tĩnh lặng giữa thung lũng bất chợt một tiếng kèn saranai cất lên giữa buổi chiều hoang lạnh, vẫn chưa đủ. Cần trả về cho thánh địa này những tượng thần, bệ thờ, phù điêu đã tản mác khắp các bảo tàng trong và ngoài nước. Chẳng hạn, có thể xem xét việc đưa tượng thần Siva hiện đang trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chămpa (Đà Nẵng) về lại chốn cũ của nó ở khu tháp C1. Các tác phẩm điêu khắc vô giá đó sẽ là trung tâm, là linh hồn của các lễ hội, sưởi ấm và làm tươi mới các phế tích.
Ý tưởng của giáo sư S.Yutara thật ra không mới, và cũng không thể cho là “ngông cuồng”. Đó là hướng đi mà nhiều bảo tàng trên thế giới đang “cắn răng” thực hiện. Trả lại cho các di tích những tác phẩm nghệ thuật vốn dĩ là của nó, không chỉ để khuếch trương giá trị thật mà còn nhằm cung cấp cho du khách những sản phẩm du lịch trọn vẹn, tiêu biểu và đắt giá. Nó đòi hỏi những nỗ lực và những thử thách to lớn về trình độ cũng như trách nhiệm quản lý, thái độ văn hóa trong việc tổ chức khai thác tiềm năng các di tích, những việc mà cho đến nay Việt Nam chưa làm được.
Tuy nhiên, mô hình bảo tàng sống của phố cổ Hội An không phải là không còn tiềm tàng những nguy cơ khác. Một chuyên gia khác cũng thuộc Đại học Chiêu Hòa, Giáo sư Utsumi Sawako kể trong quá trình nghiên cứu cụ thể 20 ngôi nhà cổ ở Hội An, có thể thấy cuộc sống của các gia đình ở đây đã thay đổi mạnh mẽ, đã bắt đầu xuất hiện trạng thái cư trú mang tính tạm bợ để giành toàn bộ mặt bằng và thời gian cho việc kinh doanh. Điều đó đặc biệt nguy hiểm cho việc bảo vệ Hội An với ý nghĩa như một bảo tàng sống, là nơi cư trú, sáng tạo và lưu giữ các giá trị văn hóa của người Hội An trong nhiều thế hệ.
Giáo sư U. Sawako nói: “Tôi cảm thấy sự thay đổi bề mặt của Hội An khá rõ kể từ lần đầu tiên đến đây năm 1999”. Để chứng minh cho nhận định của mình, U. Sawako giới thiệu một loạt những bức ảnh về phố cổ Hội An, những ngôi nhà và những hình ảnh về thói quen sinh hoạt của chủ nhân những ngôi nhà cổ ở từng giai đoạn khác nhau mà Giáo sư đã dày công thu thập. Tất cả những thay đổi, dù nhỏ, của các ngôi nhà nằm trong diện bảo tồn đều được ghi nhận. Những bức ảnh chụp vào năm 1993 như còn nguyên vẹn sự tĩnh lặng rêu phong toả ra từ mái ngói và thứ ánh sáng mờ mờ của những ngôi nhà cổ làm cho người xem có cảm giác bâng khuâng luyến tiếc. Đối lập lại cũng chính những ngôi nhà đó trên các trục đường Nguyễn Thái Học, Trần Phú nay đã được sửa chữa cho cổ hơn, và tất nhiên là giả tạo, chỉ thuận tiện việc buôn bán của gia chủ với hàng hóa ngập tràn. Tôi chắc rằng lời tôi nói sẽ làm người dân phiền lòng, nhưng quả thật là các bạn đã có chút lầm lẫn trong việc phát triển thương mại, dịch vụ, đến nỗi du khách không còn nhìn ra vẻ đẹp thật của phố cổ nữa, U. Sawako nói.
Khai thác di tích như thế nào mà vẫn giữ gìn được nguyên vẹn cốt lõi tinh thần di tích đó cho hậu thế, đó thật sự là một vấn đề khoa học. Yêu cầu và trách nhiệm này, đang chờ các nhà khoa học trong nước lên tiếng.
——-
ảnh trên cùng: Mặt tiền ngôi nhà cổ bị hàng hóa che khuất vẻ đẹp