Để tình thương hướng dẫn mọi hành động!
LTS. Trong suốt cuộc đời mình, bà Dadi Janki - nhà lãnh đạo Đại học tâm linh thế giới Brahma Kumaris, đồng thời là một trong những thành viên của nhóm Những người nắm giữ sự thông thái (do Liên Hợp Quốc triệu tập, bao gồm những nhà lãnh đạo tinh thần xuất chúng), với tinh thần lạc quan, tâm hồn trong sáng và trái tim đầy trắc ẩn đã hoạt động không mệt mỏi cho mục tiêu mang lại đời sống bình yên, hòa hợp của cộng đồng các dân tộc trên thế giới. Là nhà thuyết giảng thông thái, người hướng đạo tự thân- nhiệt thành, mạnh mẽ, sâu sắc... và tràn đầy tình yêu thương, bà Dadi Janki đã đi khắp thế giới truyền cảm hứng, khai sáng, khích lệ cho tất cả những ai gặp bà tin rằng tự bản thân họ có thể biến điều không thể thành hiện thực, nếu chúng ta nhìn tận sâu bên trong con người mình để nhận ra chúng ta là ai, chúng ta cần làm gì lúc này. Những tư tưởng tiến bộ của Dadi Janki không chỉ thể hiện qua những bài giảng, những buổi diễn thuyết mà còn được đăng tải trên tạp chí Retreat với các bài: Đôi cánh của tâm hồn, Tình yêu của Thượng đế, Bí mật của sự yên lặng... Ngoài ra, những tư tưởng ấy còn được tập hợp thành sách. Tia Sáng xin trích đăng một số nội dung về một phương thức tốt hơn để sống, học tập và thương yêu trong cuốn sách Từ nội tâm hướng ra bên ngoài của bà (do cố GS Minh Chi dịch).
Sức mạnh cho phép tôi sống được như thế, là đến từ nội tâm. Tôi không tìm kiếm nó ở bên ngoài. Đấy là lý do vì sao tôi được tự do tự tại, không mong đợi gì ở người khác, không bị thất vọng.
Mọi người đều có thể sống như vậy. Sống như vậy rất là tự nhiên. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi chúng ta loại bỏ một vài niềm tin và tập quán cố hữu làm chúng ta tiêu hao sức mạnh đó, và can thiệp vào khả năng yêu thương của chúng ta. Đôi khi, chúng có gốc rễ sâu bên trong chúng ta, đến mức chúng ta không cảm nhận chúng tồn tại.
Bà Dadi Janki với các bạn trẻ ở HN 6.06 |
Tôi tin là hiện nay, đang có một cơ may lớn cho tất cả chúng ta. Với lòng dũng cảm và quyết tâm, chúng ta có thể đạt tới đại dương hòa bình, tình thương, hạnh phúc và sức mạnh. Có thể chuyển đổi cách thức chúng ta nhìn bản thân và những người khác.
Quá trình đổi mới thật đơn giản. Với thời gian, những mạng lưới ảo tưởng đó vốn đang che mắt chúng ta; bây giờ cần làm như con nhện, nuốt các mạng nhện của nó. Chúng ta cần tập hợp lại mạng lưới những kiểu tư duy và cảm xúc cũ, nhận thức rằng, chúng không còn phục vụ được chúng ta nữa, như chúng ta mong muốn.
Chúng ta nghĩ là chúng ta có thể tìm được hạnh phúc ở bên ngoài chúng ta, rằng chúng ta có thể sống từ bên ngoài hướng vào trong. Chúng ta thành công ở một điểm nào đó, nhưng rồi, thành công của chúng ta sẽ trở thành thất bại. Nó khiến chúng ta đào sâu một cái bẫy để chúng ta mắc vào đấy. Chừng nào mà dục vọng của chúng ta được thỏa mãn, chúng ta cảm thấy được khuyến khích tìm kiếm sự thỏa mãn ở bên ngoài.
Tình hình này tạo ra một vòng quay tròn tai hại. Hạnh phúc mà chỉ dựa vào những sự vật ở bên ngoài chúng ta, chúng không bao giờ ổn định. Kết quả là bất an và phiền não tăng trưởng. Chúng ta bị cuốn vào trong một mạng lưới lệ thuộc và ham muốn vật chất.
Rồi chúng ta sợ hãi, nếu xảy ra trường hợp chúng ta đánh mất những sự vật mà chúng ta lệ thuộc.
Cuối cùng, khi chúng ta thực sự đánh mất chúng, vì chóng hay chầy sự mất mát cũng xảy ra với mọi cái được gọi là vật chất, và chúng ta sẽ bị đau khổ nhiều trong nội tâm.
Ngày nay, nhiều người, do hiểu nhầm như vậy mà không thoát khỏi được phiền não, sợ hãi và đau khổ. Giống như là, những sự vật từ bên ngoài được phép lọt vào trong chúng ta, chiếm lĩnh những vị trí không phải thuộc về chúng, cột chặt chúng ta với chúng, và làm chúng ta mất khả năng sống với con người thật của chúng ta.
Khổ đau là dấu hiệu chứng minh có những hiểu lầm như vậy. Kinh nghiệm dạy cho tôi biết rằng, những cảm xúc như phiền não, sợ hãi và lo âu không phải là có thật, không phải là tự nhiên đối với chúng ta. Những cảm xúc đó nảy sinh, khi chúng ta để cho mình bị ảnh hưởng bởi những niềm tin và hành xử không thuộc về chúng ta. Đó là một sự giác ngộ tuyệt vời. Nếu đau khổ không phải là thuộc tính nội tại của bản chất con người, thì chắc chắn là đau khổ có thể bị loại trừ. Chúng ta có thể chấm dứt khổ đau và giúp những người khác làm được như vậy.
Đau đớn khác với khổ đau. Đau đớn về vật chất và cảm thọ có thể là một báo hiệu có lợi, bảo vệ chúng ta không có những hành xử có hại. Chúng ta có thể học ở sự đau đớn.
Ngược lại, đau khổ làm chúng ta tiêu hao sức mạnh phản ứng chính xác và tích cực đối với thế giới bao quanh chúng ta. Trong phần lớn trường hợp, tự nó trở thành một tập quán. Trên thực tế, một trở ngại chủ yếu đối với hạnh phúc là niềm tin cho rằng chúng ta phải khổ đau, đó là một phần tự nhiên, và không thể tránh khỏi của cuộc sống.
Nhờ phát triển xu thế tập trung hướng nội đối với cuộc sống chúng ta, chúng ta sẽ phát triển được sức mạnh hành động phù hợp với bản chất đích thực và tích cực của chúng ta. Tôi cảm nhận chắc chắn và sâu sắc rằng, đó là cách mọi người mong muốn có khả năng quan hệ với thế giới bằng một tinh thần hoàn toàn bao dung rộng rãi.
Kiểu sống khác biệt đó đem lại một thay đổi sâu sắc trong thái độ và tầm nhìn. Từ chỗ giống như kẻ ăn mày trong quan hệ với những người khác, đôi khi thì lệ thuộc, đôi khi thì van xin, chúng ta trở thành như một ông Hoàng – không xin, không nhận mà cho. Từ chỗ sống cuộc sống như trong một cái vỏ sò, nóng nảy, không an toàn, chúng ta phát triển một tâm thức mạnh mẽ, tựa như kim cương vậy, miễn nhiễm đối với mọi ảnh hưởng tiêu cực.
Ngay khi còn là một đứa trẻ, tôi đã biết là tôi muốn sống như thế, nhưng chỉ đến khi tôi đã trở thành một thiếu phụ trẻ, cách đây gần 70 năm, tôi mới học được cách thực hiện lối sống như vậy.
Mọi người đều cần có sự an tịnh, cũng như cần thức ăn và nhà ở vậy. Một vài người đã đi tìm sự an tịnh đó, trong một thời gian dài và thất bại. Sự an tịnh vắng bóng trong cuộc sống của số đông. Khổ não, trầm cảm và mệt mỏi là những con bệnh lây lan khắp các nước giàu có, ngay cả khi những nhu cầu vật chất được thỏa mãn đầy đủ.
Tác phẩm của Daki |
Tôi muốn giải thích sự an tịnh đến từ đâu, làm sao có thể nắm bắt và phát triển nó. Sự an tịnh là một năng lượng, được chế tạo từ bên trong. Ngay cả khi tôi nói tới sự an tịnh, và các bạn nghe tôi với lòng an tịnh, thì năng lượng an tịnh tăng trưởng.
Quá nhiều loại khủng hoảng diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Có thể có cuộc nổi loạn trong thân xác, trong quan hệ, hay là bầu không khí của thế giới. Tôi không nghĩ rằng, ở đâu đó, có một người suốt đời không bị khủng hoảng – người trẻ, người già, người không được giáo dục, người giàu có.
Nhưng khi tôi đã có sức mạnh của sự an tịnh đó, thì tôi không để cho sự an tịnh nội tâm bị quấy rối. Sự ổn định của tâm thức là cần thiết cho một cuộc sống tốt đẹp.
Hãy suy nghĩ, một lúc nào đó, khi một người bị lo âu, sợ hãi, hay bị đau khổ, thì tình trạng anh ta như thế nào? Nếu tôi để cho mình cũng lo âu, sợ hãi hay đau khổ, thì con người tôi sẽ bất ổn và bất hạnh, và không khí xung quanh tôi cũng đầy những cảm xúc tương tự. Điều này có lợi gì cho tôi và cho người khác đâu?
Ngược lại, khi bản thân tôi không có cảm xúc tiêu cực, tôi sẽ có những ý nghĩ thiện lành, những cảm xúc tích cực đối với người khác. Điều này sẽ giúp tạo ra một bầu không khí hòa bình và yêu thương, ngay cả khi không có sự hài hòa.
Kinh nghiệm bản thân dậy tôi rằng, khi tôi có thể sống mà không lo âu, sợ hãi và đau khổ, thì ở trong tôi có những chân giá trị xuất hiện, có thể được sử dụng trong cuộc sống thực tiễn của tôi, cung cấp cho tôi nhiều sức mạnh và năng lực.
Khi có bệnh, bạn có thể đến bác sĩ và được phát một số thuốc. Nhưng khi bạn lo âu trong nội tâm thì bạn nói và làm gì bây giờ? Khi bạn có những ý nghĩ tiêu cực thì tâm thức bạn luôn cảm thấy bất hạnh. Trong cả hai hướng, loại ý nghĩ đó hành hạ tự thân bạn.
Cùng với lo âu, là sự bất ổn, không an tịnh. Tâm thức chao đảo, hỗn loạn, tôi không biết tâm thức tôi đang làm gì nữa. Nhưng đó vẫn là tâm thức của bạn, tại sao bạn lại bất hạnh với nó? Khi bạn để cho mất sự an tịnh nội tâm, bạn sẽ đối xử người khác theo kiểu như thế, và bạn không còn có thể nói lời bình tĩnh và dịu dàng với họ.
Nếu không có mưa, người và súc vật đều bị khát. Khi đã không có hòa bình và tình thương ở nội tâm, thì cả tâm thức và trái tim đều bị khô hạn. Tâm thức trở nên bức xúc và chạy lung tung như tâm thức người điên vậy. Ngay với các viên thuốc ngủ, con người trong tình trạng đó ban đêm không ngủ được, và đến sáng cũng không dậy được.
Tự bạn phải thoát khỏi cuộc khủng hoảng mà bạn tự tạo ra với sự tiêu cực của bản thân bạn. Có quá nhiều cuộc khủng hoảng ở bên ngoài, mà bạn không thể làm gì được với những cuộc khủng hoảng đó. Nhưng đối với cuộc khủng hoảng mà bạn tự tạo ra trong tâm thức bạn, thì do chất lượng của tư duy của bạn, ít nhất, bạn có thể chấm dứt được.
Thân của bạn, tài sản của bạn, các mối quan hệ của bạn và thế giới, bốn cái đó tạo ra hàng loạt tình huống trước mắt bạn. Chúng không chờ bạn cho phép. Chúng có thể thay đổi bất cứ lúc nào, bạn không thể ngăn cản được. Cuộc khủng hoảng này chưa dứt thì cuộc khủng hoảng khác bắt đầu. Thiên tai, động đất, lụt lội, tất cả đều tự đến. Chúng đến không có ai kêu gọi cả, và chúng cũng không đi theo lệnh bạn. Thế nhưng, tình trạng của tâm thức tôi như thế nào, trước khi tình huống xảy ra? Khi tâm thức tôi mạnh mẽ, thì những khó khăn của ngoại cảnh vẫn thuộc ngoại cảnh – chúng không lay chuyển được nội tâm của tôi, không làm cho tôi mất sự ổn định. Tâm thức tôi vẫn bình tĩnh, không bị lo âu và đau khổ. Khi tôi có sức mạnh đó, những tình huống đầy khổ não có thể đến, nhưng trong tâm tôi, không cảm thấy đau khổ. Nếu ai đấy ném đá, thì không đụng vào người tôi. Nếu ai đấy chửi mắng tôi – cũng không có vấn đề gì.
Tác phẩm của Daki |
Đầu óc tôi được giữ lạnh mát, và không có phản ứng gì tức khắc. Cũng không có chối bỏ. Hãy chấp nhận tình huống xảy ra. Sự chấp nhận đó giúp tôi có được sự bình tĩnh nội tâm. Rồi cảm giác bình tĩnh đó của tôi, một mình nó sẽ giúp giải quyết tình huống. Tôi cũng sẽ biết rõ tốt hơn là làm gì và không làm gì.
Thực nghiệm đau khổ là một hành vi vô nghĩa. Phải nhớ kỹ điều này, khi bạn cảm thấy đau khổ về chuyện gì đó, thì nên biết rằng bạn đang thiếu một sự hiểu biết nào đó. Vì ai mà tôi cảm thấy đau khổ? Đau khổ như vậy có ai giúp tôi và người khác hay không?
Từ trong tâm, con người tạo ra cho mình nhiều tình huống khó khăn. Thí dụ, thái độ ngạo nghễ khiến bạn thiếu sự tôn trọng và khiến bạn đau khổ. Ngạo nghễ tạo ra ý muốn được sự tôn trọng và chú ý. Và khi bạn không được như vậy thì bạn cảm thấy như là bị chửi mắng vậy. “Hãy xem này! Tôi đã giúp đỡ chúng nhiều, nhưng chúng trả ơn tôi như thế này!” Nếu tôi giúp người khác từ trong trái tim tôi, và không có thái độ ngạo nghễ, thì tôi sẽ không có những cảm xúc như vậy.
Tôi có những đức hạnh tốt, và hành vi của tôi đều thiện lành thì tôi cũng được nhiều may mắn.
Thế nhưng bị chao đảo và bất hạnh về một chuyện gì đó, ngay khi chỉ tỏ thái độ buồn phiền, thì cũng không khác gì bỏ một giọt thuốc độc vào một bình nước hoa. Nó làm hư hỏng tất cả. Nó không những cướp đi sự bình tĩnh, mà còn đem lại sự đau khổ.
Đấy là lý do vì sao tôi ở đây. Sẽ là điều tốt nếu tôi có thể nhanh chóng biến bầu không khí xung quanh tôi, thành một bầu không khí rất vui tươi và hạnh phúc.
Dadi Janki
· Sinh ra ở miền Bắc ấn Độ vào năm 1916, ngay từ thời thơ ấu, Dadi Janki đã có một tình yêu sâu sắc, cũng như khao khát cháy bỏng được phụng sự cho loài người.
· 21 tuổi, Dadi gặp Dada Lekhrai, một thợ kim hoàn giàu có ở Karachi, người đầu tiên sáng lập trường Đại học tâm linh thế giới Brahma Kumaris. Vài năm sau, Dadi tham gia Brahma Kumaris, và từ đó bà đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự phát triển của Đại học này.
· Giờ đây ở tuổi ngoài 90 Dadi Janki vẫn duy trì được một lịch giảng và du hành sít sao không một nhà lãnh đạo tinh thần nào khác bì được.