Debussy- Người khởi đầu âm nhạc hiện đại
Đúng 100 năm sau ngày mất của nhà soạn nhạc Pháp Claud Debussy, nghệ sỹ piano, nhà soạn nhạc, nhà văn Anh Stephen Hough đã thu âm các tác phẩm của Debussy và bắt đầu chuyến lưu diễn ở nhiều nước với trọng tâm là âm nhạc Debussy. Ông chia sẻ với người yêu nhạc cổ điển những suy nghĩ của mình về nhà soạn nhạc Pháp này.
Chân dung nhà soạn nhạc Claude Debussy. Họa sỹ Donald Sheridan.
Những cách tân âm nhạc
Khi tôi gõ một hợp âm trên đàn piano thì không chỉ các nốt nhạc đó được nghe thấy mà các dây đàn [nối với từng phím] khác cũng rung động với những âm bồi cảm ứng, tạo thành một quầng âm trên mỗi nốt. Claude Debussy, người qua đời một trăm năm trước, có lẽ là nhà soạn nhạc đầu tiên viết nhạc với đặc tính này và chủ ý khai thác nó như một phần trong quá trình sáng tạo của mình.
Tác phẩm viết cho dàn nhạc “Prélude à L’Après-midi d’un Faune” (Khúc dạo đầu Giấc ngủ trưa của thần Điền dã) vẫn được Pierre Boulez mô tả như “sự khởi đầu của âm nhạc hiện đại” nhưng chính cách tiếp cận mới mẻ về hình thức và âm sắc trên cây đàn piano mới thể hiện sự cách tân trong âm nhạc của ông.
Với “Pagodes” (Những ngôi chùa), tác phẩm đầu tiên trong bộ ba “Estampes” (Những bức tranh khắc, 1903) của ông, chúng ta nghe thấy sự tươi mới trong âm nhạc. Sau khi nghe nhạc gamelan1 của Java tại Triển lãm Toàn cầu tại Paris mùa hè năm 1889, Debussy đã bày tỏ sự ngưỡng mộ về sự phức tạp và tinh tế của nó. Không chỉ đem lại cảm hứng sáng tác cho Debussy, âm nhạc gamelan còn gợi ý cho ông sử dụng màu âm của nó (gam ngũ cung – những nốt đen trên cây đàn piano) trong “Estampes”, điều đó giống như việc sáng tác một bài thơ bằng thứ ngôn ngữ mới học song tác giả đã có khả năng hấp thu cách biểu đạt của ngôn ngữ ấy một cách trọn vẹn. Nhà soạn nhạc Nga Igor Stravinsky cũng “bị ấn tượng bởi cách tư duy của Debussy qua các âm sắc phi thường trong ‘Estampes’”.
Nhiều nhà soạn nhạc, đặc biệt là các nhà soạn nhạc Pháp, thường xuyên sử dụng yếu tố ngoại lai trong tác phẩm của mình (chúng ta có thể nhớ ngay đến trường hợp Saint-Saëns và Bizet) nhưng những yếu tố đó vẫn chỉ mang tính chất trang trí. Với Debussy, cái mới đã xâm nhập vào tận cốt tủy để tạo ra những âm thanh mới từ cây đàn piano.
Phát hiện của Debussy về những âm thanh mới trên đàn piano có liên quan trực tiếp đến đến khả năng diễn tấu của đôi tay nghệ sỹ. Vì thế, không thể tưởng tượng được là phần lớn âm nhạc cho piano của Debussy lại được viết trên bàn làm việc hoặc ở ngoài trời – dẫu ông thường xuyên dùng các tiêu đề “en plein air” (ngoài trời) cho các tác phẩm của mình, đây phải là thứ âm nhạc được tạo ra từ cách chơi trực tiếp trên đàn, giống như những người thợ làm bánh nhào bột để tạo ra bánh mì. Khi các ngón tay chạm tới phím đàn, âm thanh và xúc giác trong người nghệ sỹ dường như hóa lỏng để nhập thành một. Phím đàn không còn đơn thuần là một công cụ để búa đập lên dây đàn mà trở thành món vật quý để ngón tay ve vuốt. Đây đích thực là thứ âm nhạc của piano. Thi sĩ Léon-Paul Fargue, khi xem Debussy chơi đàn, đã viết rằng ông “đã tạo ra ấn tượng khi trao tặng cho cây đàn piano bài ca của chính nó”.
Các tác phẩm âm nhạc viết cho piano của Debussy dường như được “đo ni đóng giày” cho thứ nhạc cụ này. Chúng ta có thể thấy những âm thanh thoát ra từ những rung động ở hộp cộng hưởng không chỉ ăn khớp một cách hoàn hảo với chuyển động của đôi tay người chơi mà còn đi thẳng vào tai người nghe. Nếu chơi đoạn mở đầu của “Reflets dans l’Eau – Những phản chiếu trong nước” (từ tổ khúc piano “Images -Những hình ảnh” tập 1), người ta có cảm giác nhà soạn nhạc đã “cấy ghép” cách chơi của mình lên các ngón tay người chơi. Cách Debussy đặt những hợp âm lên các phím đàn (khi chơi những hợp âm này, các ngón tay cần duỗi thẳng trên các nốt đen) như thể mỗi nốt trong hợp âm này đẹp như một bông hoa trên mặt nước. Ở phần sau của “Reflets dans l’Eau”, những hợp âm rải xô nhau như dòng nước chảy qua các ngón tay, tạo ra những hình ảnh lung linh và lấp lánh.
Các tác phẩm viết cho piano của Debussy ẩn chứa nhiều thách thức về kỹ thuật chơi đàn với người nghệ sỹ. Ví dụ trong “Poissons d’Or-Những con cá vàng” (từ “Images” tập 2), mô típ mở đầu là một chùm nốt đôi của hai quãng ba liên tiếp với tốc độ nhanh như tên bắn như thể con cá quẫy gắng thoát khỏi những ngón tay siết chặt. Ở phần trung tâm, giai điệu uốn lượn với những nốt duyên dáng khi bàn tay phải trượt khỏi phím đàn như thể trượt khỏi những chiếc vây của một con cá hồi mới bắt. Trong khúc nhạc đầu tiên của tập tác phẩm này, “Cloches à Travers le Feuilles-Những tiếng chuông vọng qua tán lá”, Debussy bắt các ngón tay phải gõ vào các phím theo cách giật các ngón tay lên, đồng thời pedal được ấn xuống như thể những nhát vồ đập vào chuông.
Với tôi không một nhà soạn nhạc nào khác đem lại nhiều cảm hứng hơn, và để tâm hồn trôi chảy tự do hơn. Nhưng khi ý thức được những thách thức đó, người chơi phải nghiên cứu tổng phổ sát sao hơn. Âm nhạc của ông chỉ được tạo ra một cách hoàn hảo sau khi nghệ sỹ tìm được cách biểu đạt được nó. Ô nhịp đầu tiên của “Cloches à Travers les Feuilles” được đánh dấu pianissimo và chỉ chứa 8 nốt, mỗi nốt đều mang một dấu ngắt âm. Nhưng thế vẫn chưa đủ khó, nốt nhạc đầu tiên trong tám nốt này còn kết hợp với một nốt tròn có dấu nhấn; nốt thứ năm có thêm một dấu luyến âm. Thậm chí, Debussy còn bắt nghệ sĩ piano phải tạo ra được những “doucement sonore” (âm vang ngọt ngào).
Thoạt nghe, tổ khúc “Children’s Corner – Góc trẻ thơ” của ông có thể giống như rất nhiều món đồ chơi khác trong phòng riêng của cô con gái. Khúc nhạc nào của ông cũng vang lên một cách tự nhiên, mỗi dấu chấm, dấu gạch ngang, dấu chuyển đổi cường độ hay dấu luyến đều rành mạch như mỗi đường may đẹp đẽ trên trang phục. Thế nhưng đây không phải là thứ âm nhạc được tập hợp một cách ngẫu nhiên, ngược lại đằng sau những tiếng chuông, nước chảy và mọi hình ảnh thơ mộng là một tư duy trừu tượng của một kiến trúc sư thiên tài có khả năng tạo lên những kiệt tác ở bất cứ quy mô nào.
Khi mới bước sang thế kỷ 20, một nghệ sĩ piano có thể hiếm khi bắt đầu buổi biểu diễn bằng việc chơi một tác phẩm âm nhạc có những hợp âm rời rạc. Trên thực tế, một vài hợp âm, một hoặc hai hợp âm rải đóng vai trò như một sự khởi động cũng làm ổn định khán giả. Nó cũng như một thứ “dạo đầu” cho buổi hòa nhạc, nhà soạn nhạc F. Liszt từng coi nó như một bí quyết của các nghệ sỹ piano. Nhưng “Préludes” (Những khúc dạo đầu) của Debussy còn hơn cả thế. Nó là những đồ trang sức được chế tác hoàn hảo, truyền tải nhiều ý tưởng âm nhạc hơn nhiều vở opera, dù thời lượng biểu diễn ngắn ngủi. Những hợp âm rải của “Préludes” tạo ra những hình ảnh mờ ảo như trong lớp sương mù – với các tiêu đề được đính cùng những dấu chấm lửng như làn hương nước hoa lẩn quất trong không khí.
Cội nguồn sáng tạo
Điều gì làm nên những cách tân táo bạo trong âm nhạc Debussy? Chúng ta hãy cùng nhìn lại cuộc đời ông. Debussy bắt đầu học piano ở tuổi lên 7 tại Cannes khi từ Paris tản cư tới đây vào đầu cuộc chiến tranh Pháp-Phổ. Ông qua đời lặng lẽ trong năm cuối cùng của Thế chiến thứ nhất do Paris vẫn còn bị oanh tạc. Mâu thuẫn Pháp – Đức để dấu ấn lên cuộc đời Debussy, có thể điều đó đã dẫn đến việc ông bác bỏ thẩm mỹ Đức trong âm nhạc của mình.
Trong sáng tác âm nhạc, ông tránh xa các cấu trúc cổ điển để tìm đến những hình thức thể hiện nhỏ bé, ông cũng yêu thích không khí mà những hợp âm tuyệt đẹp đem lại chứ không phải vì tìm ra một khả năng biểu đạt đặc biệt nào của các hình thức đó. Dường như ông muốn thách thức lối thưởng thức âm nhạc hướng vào các tác phẩm cầu kỳ về cấu trúc của các trí thức Đức thời kỳ đó. Ví dụ “Golliwog’s Cakewalk – Điệu nhảy Cakewalk của Golliwog” trong tập “Children’s Corner” không chỉ “tầm thường” như chỉ dành cho thính giả phổ thông mà còn “chơi khăm” người Đức bằng việc trích dẫn táo bạo giai điệu từ vở opera “Tristan und Isolde” của Wagner kèm theo những hợp âm miêu tả tiếng cười nhạo báng của người hát rong.
Khi đánh giá vị trí của một nhà soạn nhạc, thường có câu hỏi là liệu họ có xu hướng lùi lại hay tiến lên so với thời đại của mình. Nhà soạn nhạc Mỹ Elliott Carter đánh giá Debussy đã “định vị phương hướng của âm nhạc đương đại” và không thể có sự tồn tại của các tác phẩm âm nhạc cho piano của Messiaen hay Ligeti nếu không có ông. Tôi cho rằng, âm nhạc của Debussy cũng có gốc rễ từ âm nhạc Chopin – ông đã từng biên tập các tác phẩm của nhà soạn nhạc người Ba Lan cho nhà xuất bản Durand Salabert Eschig – và cả từ mối liên hệ của ông với các nhà soạn nhạc Pháp bị coi là lỗi thời vào thời điểm đó như Massenet, Delibes.
Debussy có thể đã thay đổi hòa âm và hình thức thể hiện thành những hình dạng mới. Dù rất sự tinh tế, ông vẫn đưa một giai điệu du dương và tình tứ từ một bài ca quen thuộc nơi tửu quán vào “La Plus que Lente” (1910), thậm chí trong cả những tác phẩm mang nhiều chất thử nghiệm hơn như “Les Collines d’Anacapri”, “Reflets dans l’Eau” và “Poissons d’Or”. Ông vẫn giữ cả tính đa cảm lãng mạn trong những tác phẩm piano thời kỳ đầu như “Clair de Lune” và “Deux Arabesques”.
Người ta vẫn tưởng những bản nhạc mang hơi hướng ragtime – thứ âm nhạc của người Mỹ da đen như “Minstrels” và “Golliwog’s Cakewalk” sẽ ảnh hưởng đến các nhạc sỹ nhạc jazz nhưng thật kỳ lạ, chính thứ âm nhạc nghiêm túc được sáng tác trong giai đoạn sau của ông mới thực sự ảnh hưởng lên Gershwin, Bill Evans, Keith Jarrett và Fred Hersch. Không chỉ vì các tác phẩm của ông và họ đều mang lại cảm giác ngẫu hứng mà các âm hình lặp lại, sự dồn nén của những âm thanh và cách mà Debussy bật mở hợp âm để tìm ra sự sáng tạo trong chính màu sắc rung động của âm thanh đã dẫn đường cho họ.
Ảnh hưởng của Debussy còn vươn ra cả phía đông. Debussy có thể đã phát hiện ra phong cách viết cho piano của riêng mình sau khi nghe nhạc gamelan nhưng đến cuối thế kỷ 20 cảm hứng đã đảo ngược: âm nhạc ông tác động trở lại lên âm nhạc piano châu Á. Nhà soạn nhạc Nhật Bản Toro Takemitsu và những người theo chủ nghĩa tối giản Mỹ và nhạc Muzak thế hệ mới đều thực sự “nợ” Debussy. Một trăm năm sau khi qua đời, nhà soạn nhạc “hiện đại” đầu tiên này vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng ở nhiều xu hướng âm nhạc.
Ngọc Anh lược dịch
Nguồn: https://www.nytimes.com/2018/03/02/arts/music/debussy-stephen-hough.html?rref=collection%2Fsectioncollection%2Fmusic&action=click&contentCollection=music®ion=rank&module=package&version=highlights&contentPlacement=1&pgtype=sectionfront
—
1. Gamelan là loại hình nhạc hòa tấu truyền thống trên các đảo Java và Bali của Indonesia mà thành phần chủ yếu trong đó là các nhạc cụ gõ.