Đem lại niềm đam mê đọc sách

Sách và thư viện là một trong những trọng tâm của hợp tác văn hóa của Pháp tại Việt Nam. Nhiều hoạt động đã được tổ chức như các chương trình tôn vinh văn hóa đọc, hỗ trợ phát hành sách Pháp, thiết lập mạng lưới nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực sách, phát triển hệ thống thư viện, cũng như Chương trình Hỗ trợ xuất bản Nguyễn Văn Vĩnh... Trả lời phỏng vấn của Tia Sáng, ông MICHEL FLESCH, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết:

Đem lại niềm đam mê đọc sách! – Đó là mục đích lớn nhất khi chúng tôi tổ chức Ngày hội Pháp ngữ, Ngày hội đọc sách, Mùa xuân của các thi sỹ, Triển lãm sách Pháp, những cuộc giao lưu với các nhà văn đương đại, kỉ niệm ngày sinh hay ngày mất của một số tác giả lớn… Các hoạt động này thực sự là những khoảnh khắc để cùng nhau chia sẻ niềm vui đọc sách, viết sách và sáng tác văn học. Ví dụ: Ngày hội đọc sách hồi tháng 10/2007 là để tôn vinh tác phẩm của Marguerite Duras – nữ văn sĩ nổi tiếng của Pháp sinh tại Việt Nam – người đã đổi mới thể loại tiểu thuyết và đảo lộn các quy ước của sân khấu và điện ảnh. Chúng tôi cũng vừa tổ chức một cuộc giao lưu với hai cha con nhà thơ Hoàng Hưng và Ly Hoàng Ly nhân dịp Mùa xuân của các thi sỹ lần thứ 10, để tôn vinh truyền thống yêu thơ của người Việt.

Thưa ông, thư viện là một trong những trọng tâm của hợp tác văn hóa Pháp Việt. Ông có thể giới thiệu một số nét chính của lĩnh vực hợp tác này.
Trong lĩnh vực phát hành sách báo Pháp mới nhất, chúng tôi vừa tạo điều kiện cho việc thương mại sách vừa cung cấp sách và báo chí cho các đối tác trên toàn quốc: các thư viện lớn, trung tâm tư liệu, trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm Pháp ngữ… Hơn thế nữa, việc hỗ trợ phát triển mạng lưới thư viện của chúng tôi không chỉ giới hạn ở việc cung cấp sách mới. Chúng tôi còn thường xuyên phối hợp với một số cơ quan chuyên môn để tổ chức các hoạt động đào tạo thủ thư, dịch giả, cán bộ lưu trữ, nhân viên bán sách… Ngoài ra, một dự án thuộc Quỹ đoàn kết ưu tiên Phát huy mạng lưới sách và thư tịch tại Đông Nam Á đã giúp số hóa 4.000 cuốn sách và tạp chí quí hiếm và khoảng 4.500 bức ảnh cổ hiện đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Viện trao đổi văn hóa với Pháp, và Viện Thông tin Khoa học xã hội nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa và lịch sử.

Cùng với các hỗ trợ dành cho mạng lưới thư viện thì Chương trình Hỗ trợ xuất bản Nguyễn Văn Vĩnh cũng là một dự án quan trọng của phía Pháp nhằm đem lại niềm say mê đọc sách ở Việt Nam. Từ khi được triển khai vào năm 1990 đến nay chương trình này đã đạt được những kết quả ra sao, thưa ông?

Đây là chương trình nhằm hỗ trợ dài hạn cho các nhà xuất bản Việt Nam trong việc dịch và xuất bản sách Pháp ở nhiều lĩnh vực bằng tiếng Việt hoặc song ngữ. Đến nay chương trình này đã tạo điều kiện phát triển và hợp tác với khoảng 20 nhà xuất bản của Việt Nam và đã hỗ trợ dịch được hơn 400 đầu sách. Phần tài trợ của phía Pháp không vượt quá 50% tổng chi phí xuất bản. Phía đối tác Việt Nam chịu trách nhiệm phần chi phí còn lại. Từ nhiều năm nay, chương trình này ưu tiên xuất bản các tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học hiện đại, khoa học xã hội và nhân văn và quảng bá kiến thức khoa học.
Vừa qua, với sự hợp tác của Tạp chí Tia Sáng và NXB Đại học Quốc gia, NXB Tri Thức,  nhiều tác phẩm của nhà tư tưởng lớn Edgar Morin đã được dịch sang tiếng Việt. Ngoài ra có thể kể tên nhiều tác giả lớn đã được xuất bản ở Việt Nam như Sylvie Germain, Daniel Pennac, Pascale Roze, Daniel Picouly, Paul Ricoeur… Dự kiến trong năm 2008, nhiều tác phẩm quan trọng của Pháp sẽ ra mắt bạn đọc Việt Nam như: Nous avons mangé la forêt (Chúng tôi ăn rừng) của Georges Condominas, L’amant de la Chine du Nord (Người tình Hoa Bắc) của Marguerite Duras, hay Les étapes de la pensée sociologique (Những giai đoạn của tư duy xã hội học) của Raymond Aron. Có thể nói Chương trình Hỗ trợ xuất bản Nguyễn Văn Vĩnh đã góp phần vào sự nghiệp sáng tác văn học Việt Nam, giúp các nhà văn phát huy óc sáng tạo thông qua việc tiếp cận những nguồn cảm hứng khác.

Xin cảm ơn ông.

PV thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)