Di sản bất hòa ở Đông Âu

Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.

Các tiểu khu sotsgorod ở Nizhny Novgorod. Nguồn: Shutterstock

Lịch sử không phải lúc nào cũng diễn ra như người ta mong muốn, và không phải lúc nào cũng đi theo một đường thẳng tuyến tính giản đơn. Lịch sử có những khúc quanh và những chuyển động đầy phức tạp mà đôi khi những người trong cuộc cũng không thể nhận biết được hết. Bởi nói như giáo sư Hoàng Tụy, “thế giới chúng ta đầy rẫy những hiện tượng phi tuyến và những quan hệ qua lại phức tạp… Khi mở rộng tầm mắt và đi sâu hơn vào bản chất sự vật thì ở đâu cũng gặp những quan hệ chằng chịt phức tạp, và các hiện tượng phi tuyến, toàn cục” 1.

Bản đồ nhận thức của con người, vì thế, cũng không bao hàm con đường một chiều đơn nhất. Sau sự sụp đổ và tan rã của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, trong cả một thời gian dài, người ta quay lưng với di sản văn hóa XHCN khi tuyên bố phần nhiều không có giá trị. Tuy nhiên, trong hơn hai thập kỷ gần đây, một xu hướng đổi chiều đã xuất hiện với rất nhiều dự án nghiên cứu và nhiều hội thảo khoa học, không chỉ ở châu Âu mà trên khắp thế giới để bắt đầu thảo luận và nhìn nhận lại một cách nghiêm túc khối di sản văn hóa XHCN, trong đó có di sản kiến trúc. Nhiều quan điểm trái chiều về những khối di sản này xuất hiện, đó là lý do vì sao người ta đưa nó vào danh sách “di sản bất hòa” (dissonant heritage). 

Khái niệm “di sản bất hòa”, “di sản khác” lần đầu tiên được Tunbridge và Ashworth đưa ra vào năm 1966 qua cuốn sách Dissonant heritage: The management of the past as a resource in conflict (Di sản bất hòa: Sự quản lý quá khứ như một nguồn tài nguyên xung đột), hàm ý về những di sản ẩn chứa sự xung đột của các câu chuyện khác biệt và thiếu đi sự đồng thuận giữa các bên liên quan trong việc tái hiện quá khứ và ký ức trong các không gian công cộng. Hệ quả của những sự khác biệt, căng thẳng – thậm chí trong một số trường hợp dẫn đến xung đột – là vô cùng nhiều thách thức trong bảo tồn và quản lý các di sản bất hòa. Có thể nói rằng sự bất hòa xuất hiện trong các chiến lược diễn giải di sản của nhiều bên tham gia khi đánh giá và nhìn nhận lại di sản. Trong các xã hội, các nhóm chiếm ưu thế dựa trên quan điểm của mình nhìn về quá khứ để nhận diện các di tích quan trọng trong khi nhiều nhóm khác lại tạo ra những diễn giải của chính mình một cách khác biệt 2. Việc nhìn nhận và bảo tồn các di sản bất hòa là một quá trình đầy thách thức và có thể góp phần tái định hình các bản sắc văn hóa và xã hội. 

Mối quan tâm đến di sản bất hòa đã được thúc đẩy bằng những quan điểm mới và quan trọng nhất là cái nhìn kiến trúc XHCN như một phần của di sản văn hóa thế giới. Góc nhìn này đã mở rộng hơn cái nhìn của đại chúng về không gian đô thị Xô viết và tạo ra các cách diễn dịch mới. Xu hướng này đặc biệt được nhấn mạnh trong trường hợp của kiến trúc theo chủ nghĩa hiện đại giữa hai thế chiến – các kiến trúc chủ nghĩa kiến tạo và tiên phong.

Việc nhìn nhận và bảo tồn các di sản bất hòa là một quá trình đầy thách thức và có thể góp phần tái định hình các bản sắc văn hóa và xã hội.

Trong các thành phố hiện đại, di sản đô thị luôn là sân khấu cho trải nghiệm sáng tạo và những nền công nghiệp văn hóa mới. Với những thành phố sở hữu “di sản bất hòa” như các thành phố Đông Âu, các quá trình này diễn ra không thuận chiều và phức tạp hơn. Tuy nhiên quá trình đó rất quan trọng bởi không chỉ tạo điều kiện “phục sinh” và “tái tạo” không gian đô thị mà còn định hướng việc tái mã hóa văn hóa và biểu tượng của các thành phố. 

Vì vậy, nhiều thành phố cuối cùng đã khám phá những cách để miêu tả các không gian và tập trung vào những chuyện kể đô thị đa dạng và các bối cảnh của thành phố. Đem lại cho không gian đô thị nhiều câu chuyện phản ánh lịch sử xây dựng và phát triển của thành phố, đan cài nhiều lớp giá trị văn hóa và nhiều tiếng nói của các thế hệ cư dân… là cách để đưa các di sản bất hòa trở nên hòa hợp với di sản chung. 

Sự hồi sinh của các sotsgorod

Việc ứng xử như thế nào với di sản kiến trúc XHCN luôn là một thách thức với các thành phố Đông Âu trong hơn hai thập niên qua. Vấn đề không chỉ là câu hỏi làm thế nào để có thể điều chỉnh các công trình đó phù hợp với những điều kiện mới hay cách nào để tích hợp chúng vào không gian đô thị hiện đại mà là quan điểm của mọi người về chính di sản này và cách di sản này được diễn dịch và nói với hiện tại. 

Một trong những ví dụ thành công của việc chuyển đổi di sản bất hòa thành di sản hài hòa với hiện tại ở các thành phố Đông Âu là sự hồi sinh mang tính biểu tượng của các tiểu thành phố XHCN (sotsgorod). Vậy sotsgorod là gì? Việc xây dựng các tiểu khu trong các thành phố này xuất phát từ các dự án quy hoạch đô thị lớn đầy tham vọng nhằm tạo ra những vùng thử nghiệm với các cụm khu nhà tập thể xung quanh các nhà máy, công xưởng trong những năm 1920 và 1930. Sau khi CNXH sụp đổ, các quận ở sotsgorod đã mất đi ý nghĩa ban đầu và chuyển đổi thành các khu ngoại ô, những nơi ở cho người thu thập nhất, những vùng trũng ở các đô thị lớn. Mọi người coi các nơi này như không gian “từ quá khứ” và gắn chúng với cuộc sống xám xịt của Xô viết.

Thay đổi chỉ xuất hiện vào giữa những năm 2000, khi các quận sotsgorod bắt đầu thu hút sự quan tâm của công chúng. Tất cả bỗng phát hiện ra nhiều tòa nhà ở các khu vực này, ví dụ quận Avtozavod [nhà máy ô tô] của Nizhny Novgorod, sotsgorod ở Magnitogorsk và Uralmash [Nhà máy chế tạo máy hạng nặng Ural] ở Yekaterinburg, đều có giá trị kiến trúc và lịch sử; và các khu vực này tự nó có đầy đủ các di tích lịch sử và chứng tích về quy hoạch thành phố thời Xô viết. Với công chúng, có hai luồng thông tin về sotsgorod trái ngược nhau: một mặt là đời thường tẻ nhạt, mặt khác lại ẩn chứa những giá trị và ý nghĩa của di sản văn hóa đích thực.

Sự chú ý của công chúng bắt nguồn từ việc đặt các không gian của sotsgorod vào bối cảnh rộng lớn hơn của các xu hướng toàn cầu về quy hoạch đô thị và nghệ thuật, qua đó thấy sotsgorod là một phần của di sản văn hóa thế giới. Sự thay đổi quan điểm của công chúng bắt nguồn từ một loạt dự án nghiên cứu, hoạt động nghệ thuật, giáo dục giúp hé mở một bí mật: sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài vào thiết kế và xây dựng các quận sotsgorod ở nhiều nơi của Liên Xô trong những năm 1920 và 1930, những người tốt nghiệp trường kiến trúc Bauhaus nổi tiếng. Vấn đề không chỉ ở những bằng chứng lịch sử cụ thể hay tầm quan trọng từ công trình của họ mà là sự thật về sự tham gia mang tính biểu tượng của “nhãn hiệu” Bauhaus trong những quận nguyên bản Xô viết.

Một dự án hợp tác Nga – Đức “Das Bauhaus im Ural” (những người Bauhaus ở Ural) đã tìm về dấu vết công trình của những kiến trúc sư Bauhaus chuyển tới Nga và làm việc tại các cơ sở công nghiệp trong các thành phố Ural trong những năm 1930.

Trường hợp của Uralmash đặc biệt phản chiếu sự tự hào này. Uralmash là một trong những sotsgorod lớn nhất của những năm 1930 được xây cạnh Nhà máy chế tạo máy hạng nặng Ural ở thành phố Sverdlovsk (giờ là Yekaterinburg). Vào đầu những năm 2000, một dự án hợp tác Nga – Đức “Das Bauhaus im Ural” (những người Bauhaus ở Ural) đã tìm về dấu vết công trình của những kiến trúc sư Bauhaus chuyển tới Nga và làm việc tại các cơ sở công nghiệp trong các thành phố Ural trong những năm 1930. Dự án này chủ yếu liên quan đến kiến trúc sư Bela Scheffler, một trợ lý của kiến trúc sư bậc thầy Hannes Meyer, và phát hiện ra không chỉ Scheffler được mời tới để thiết kế các căn hộ ở Uralmashs năm 1932 mà còn tham gia vào cấu trúc các công trình chính của sotsgorod này, đồng thời thảo luận về những vấn đề chính của sự phát triển thành phố. Tuy ở giai đoạn sau, sự tham gia của ông vào quy hoạch Uralmash vẫn cần thảo luận nhưng rõ ràng điều mà người ta quan tâm hơn cả là sự hiển thị mang tính biểu tượng về sự tham gia của các “Bauhau” trong sự sáng tạo ra sotsgorod Uralmas. Điều này tạo ra một hiệu ứng cảm xúc rất mạnh ở các cư dân địa phương “Ở Uralmash của chúng ta có một kiến trúc sư Bauhaus?”, “Một người tốt nghiệp một ngôi trường nổi tiếng tại làm việc ở Uralmash… Thật không thể tưởng tượng được!”.

Sự chú ý của công chúng bắt nguồn từ việc đặt các không gian của sotsgorod vào bối cảnh rộng lớn hơn của các xu hướng toàn cầu về quy hoạch đô thị và nghệ thuật, qua đó thấy sotsgorod là một phần của di sản văn hóa thế giới.

Những tình cảm đó khiến mọi người thấy một thứ ánh sáng mới, vượt ra bối cảnh thường ngày ở quận sotsgorod: trước đây họ chủ yếu coi đó là nơi liên quan đến Xô viết, công nghiệp và giai đoạn sau là nơi nguy hiểm, tội phạm, sau đó được cải tạo một phần để trở thành nơi sinh sống hiện đại, giờ lại là ví dụ điển hình cho giá trị văn hóa và lịch sử độc đáo. Và thế là một nơi từng bị bỏ hoang tới một nửa đã trở thành “thánh địa của chủ nghĩa kiến tạo”. 

Năm 2006, Trung tâm Văn hóa đương đại Quốc gia Nga khởi xướng một dự án mang tên “Dạo bước trong nghệ thuật”, một sứ mệnh được miêu tả như “phục hồi nghệ thuật về cuộc sống thường ngày và công việc trong trải nghiệm Xô viết”, tập trung vào các quận xây dựng vào giai đoạn 1920– 1930. Những đường phố im ắng đã xuất hiện nhiều nghệ sĩ, nhà sử học nghệ thuật, nhà sưu tầm – họ đi tìm các ý nghĩa và hình ảnh mới trong các không gian trống của “nền văn minh Xô viết đã biến mất” như mục tiêu của dự án “khám phá truyền thống nghệ thuật bên trong trải nghiệm Xô viết”. Với những người tham gia dự án, công xưởng Uralmash không còn là “những mảnh vụn, tàn tích của một cuộc sống vô cùng căng thẳng, của một nền văn minh đã vụt biến vào quá khứ” mà ẩn chứa “động lực siêu phàm, một sức mạnh đến tương lai chưa bao giờ đến”. Và sotsgorod tự nó trở thành một nơi trải nghiệm quá khứ Xô viết theo một cách hoàn toàn khác “chứa đựng năng lượng của tương lai”. Các kiến trúc mang tính tiên phong đã trở thành những cánh cửa nhìn về quá khứ, nắm bắt cái cảm giác về một kỷ nguyên mà “thế giới mới” đang xây dựng dở dang. Nó khơi gợi việc trao đổi về một tương lai mở, đưa ra một cách mới về kiến trúc Xô viết giữa hai Thế chiến.

Việc nhìn nhận lại các sotsgorod ban đầu chỉ thu hút vài nhóm nhỏ gồm những người đam mê nhưng cuối cùng trở thành một xu hướng lớn. Sự xuất hiện của các quận sotsgorod đã ngày một nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng như những nơi chốn thú vị để tham quan và đón về những cảm xúc nguyên bản về kỷ nguyên Xô viết, thấy kiến trúc độc đáo và kỳ diệu trong những giải pháp quy hoạch đô thị sáng tạo. 

Thông tin về các quận sotsgorod đã được đưa vào các hướng dẫn du lịch và các điểm đến quan trọng trên các bản đồ du lịch, trong khi sự cần thiết bảo tồn những quận này như những nơi “có ý nghĩa lịch sử và văn hóa” được đề cập đến trong vô số chiến lược và kế hoạch phát triển đô thị. Thảo luận về các quận sotsgorod như những đại diện độc đáo của di sản thế giới công khai ở vô số hội nghị, triển lãm, festival, tọa đàm bàn tròn đã đặt các di sản này vào tâm điểm, qua đó đem về cho các không gian lịch sử này những ý nghĩa mới và vai trò mới. 

Theo những cách tương tự mà các quận sotsgorod ở Kharkiv và Zaporizhia (Ukraine) giờ cũng được coi ngang hàng với những di sản nổi tiếng thế giới ở Dessau và Frankfurt am Main (Đức). Và sotsgorod ở Nizhny Novgorod giờ là một trong những “địa đàng chính của thế giới” do các chuyên gia nước ngoài tham gia vào xây dựng nhà máy ô tô Gorky (GAZ); sotsgorod ở Novokuznetsk, một nơi từng bị lãng quên, giờ lại ở tâm điểm chú ý khi được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới, khi tìm ra sự thật là do một nhóm kiến trúc sư nổi tiếng của Đức thiết kế dưới sự dẫn dắt của nhà quy hoạch Ernst May.

Hai tòa nhà năm tầng là một phần của khu phức hợp số ba (quận 6) ở Zaporizhia. Nguồn: zaporizhzhia.city

Trong số này, Zaporizhia là một trong những phát triển đô thị đỉnh cao giai đoạn 1920–1930 mà Liên Xô thiết lập trong quá trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Dnieper, nhà máy thủy điện lớn nhất của Ukraina. Trong một thập kỷ, quận số 6 – mới hoàn tất một phần của dự án đô thị khổng lồ mang tên “Zaporizhia vĩ đại” – đã thu hút sự chú ý của cộng đồng thành phố. Nhờ có thảo luận và các dự án công với sự tha gia của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư, các nhà đô thị học, quận này đã có được một ý nghĩa biểu tượng mới, trở nên quen thuộc với những hình ảnh của “bảo tàng địa đàng” và “thành phố tương lai bị mất tích”.

“Sotsgorod là một phần cảm xúc đặc biệt, là thứ luôn xuất hiện trong đầu bạn một cách kỳ diệu mà không cần giải thích, và 80 năm sau thì bạn vẫn cảm nhận được nó trọn vẹn”, đó là cách Natalia Lobach, một nhà quản lý và sưu tầm nghệ thuật của gallery “Barannik” đã khởi xướng và hoạt động tích cực trong nhiều dự án nghệ thuật và giáo dục cho bảo tồn di sản đô thị theo chủ nghĩa Kiến tạo ở Zaporizhia, miêu tả trải nghiệm của mình về không gian của sotsgorod.

Những hình ảnh trong quá khứ của các đô thị Đông Âu đã được tích hợp vào những diễn dịch mới cho các ngôi nhà theo chủ nghĩa hiện đại và đến lượt mình, trở thành một phần không thể tách rời những câu chuyện mới về đô thị.

Cường độ cảm xúc và trải nghiệm nghệ thuật với hình ảnh nhấn mạnh vào tầm quan trọng của quá khứ ở sotsgorods được tái hiện. Nói cách khác, quá khứ này chứng tỏ nó là một thời kỳ lịch sử có thực, hữu hình và được nếm trải một cách trực tiếp thông qua các kiến trúc nhà cửa, hiện vật. “Ngắm Avtozavod năm này qua năm khác, tôi nhận thấy thật có ý nghĩa khi đưa mọi người đến đây, cho họ thấy ốc đảo với những tàn tích về một CHXH tốt đẹp. Với một vài điều tốt còn tồn tại và được gìn giữ, tất cả đều tạo nên một bầu không khí đặc biệt”, đó là cách Victoria Azarova, một người tổ chức các tour du lịch quanh sotsgorod Avtozavod ở Nizhny Novgorod, biểu lộ cảm xúc về trải nghiệm của mình với khu đô thị Xô viết. 

Bất chấp những xung đột lịch sử, việc tìm về không gian của các sotsgorod ở các đô thị Đông Âu vẫn kích thích những cách tiếp cận mới mang tính biểu tượng về quá khứ. Xô viết không biến mất, đơn giản là nó được ghi nhận theo một cách khác như trong chủ đề công nghiệp hóa và lịch sử địa phương. Valery Stoychev, nhà lịch sử địa phương là một trong những người tham gia dự án lịch sử Zaporizhia, lưu ý “Trong dự án này chúng tôi không chia tách “Xô viết’ với ‘phi Xô viết’. Chúng tôi đang chứng minh lịch sử của thành phố mình… Có những gia đình công nhân sống ở sotsgorod bởi đây là thành phố của các nhà máy. Có những thế hệ thứ ba và thứ năm là công nhân nhà máy… Không có sự nhận thức ‘Xô viết” hay “phi Xô viết’ ở đây. Đây chỉ đơn giản là cuộc sống của chính chúng tôi”. 

Nhiều thảo luận đóng góp vào sự sáng tạo nên hình ảnh này, ví dụ sotsgorod ở Zaporizhia, giờ có trên bản đồ du lịch, không chỉ được ‘tái khám phá’ mà còn được mở rộng để trở thành một không gian đô thị được cấu trúc một cách thông minh với những đường biên tái lặp đường đánh dấu của các dự án quy hoạch đô thị chưa thành hiện thực một cách đầy đủ của kỷ nguyên Xô viết. Quan trọng nhất, tất cả đã được kiến tạo với một hình ảnh mới và ngôn ngữ mới, và do đó hiển thị trong mắt công chúng trên các bản đồ thành phố hiện đại. Những cái tên mới đã được đặt cho các địa điểm, đường phố với những cái tên nhà kiến trúc sư, nhà khoa học Xô viết và những người tham gia vào dự án nhà máy thủy điện lịch sử.

Vậy là những hình ảnh trong quá khứ của các đô thị Đông Âu đã được tích hợp vào những diễn dịch mới cho các ngôi nhà theo chủ nghĩa hiện đại và đến lượt mình, trở thành một phần không thể tách rời những câu chuyện mới về đô thị.

***

Trong cuộc trao đổi về các khu tập thể thời bao cấp, PGS. TS Nguyễn Văn Huy đề cập đến việc cần có kế hoạch đánh giá, phân loại các khu này. “Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản của kiến trúc các khu tập thể, tôi nghĩ rằng đấy là một di sản và vấn đề của chúng ta là cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, phân loại, đánh giá nó như thế nào để chúng ta bảo tồn. Tất nhiên không ai bảo tồn tất cả bởi có rất nhiều các công trình nhà tập thể xuống cấp rồi, cần phải thay thế nhưng chúng ta có thể nghiên cứu phân loại một số tòa nhà thời bao cấp ở Kim Liên, Trung Tự, có rất nhiều câu chuyện để kể và bảo toàn hóa ngôi nhà đó. Hiện nay có nhiều tòa nhà đã thay đổi công năng ở tầng một. Điều đó cho thấy sức sống của các tòa nhà ở các khu tập thể rất tốt”. 

Nhà tâm lý học xã hội Irwin Altman cho rằng sự mất mát các tòa nhà và không gian nơi chúng ta từng sống và xây dựng các cộng đồng có thể ví như sự mất mát mối quan hệ cá nhân mà chúng ta hy vọng sẽ kéo dài vô tận. Trải nghiệm của chúng ta về sự thay đổi nơi chốn là” cả vấn đề môi trường sống nghiêm trọng và vấn đề cá nhân sâu sắc” 3. Vì vậy, việc trao cho các sotsgorod ở Đông Âu hay khu tập thể ở Hà Nội một ý nghĩa tồn tại mới sẽ là cách để các nơi này tiếp tục một đời sống mới trong không gian đô thị và để lưu giữ ký ức, cả cá nhân lẫn tập thể.

Câu chuyện về các sotsgorod mới chỉ là một phần của di sản kiến trúc và văn hóa Xô viết. Di sản kiến trúc và văn hóa Xô viết vẫn còn rất nhiều câu chuyện khác để thảo luận và tái khám phá. Tuy nhiên có thể thấy một điều là việc tái khám phá kiến trúc sẽ dẫn đến việc tái khám phá các giá trị văn hóa và thẩm mĩ đi kèm, và qua đó cả kỷ nguyên Xô viết trong quá khứ. Với việc làm mới tầm nhìn về di sản đô thị XHCN, diễn ngôn về di sản hiện đại sẽ khuyến khích tái khám phá về mặt biểu tượng các khu vực đô thị XHCN trong tâm trí mọi người và cho phép họ nghĩ đến những cách tái hiện di sản mới cũng như những vai trò có thể mới của chúng trong không gian đô thị. Từ khoảnh khắc đó, các cách đối thoại về di sản đô thị XHCN dường như trở nên không kém phần quan trọng hơn các cơ chế thực tiễn để bảo tồn chúng. Và một cái nhìn mang tính biểu tượng mới sẽ đem lại cơ sở cho phát triển một chiến lược quy hoạch đô thị mang tính cố kết với di sản và con người, và có lẽ sẽ giúp định hình quan điểm mới hướng đến những không gian di sản trong bối cảnh văn hóa, kinh tế và xã hội hiện tại.□

—-

Tài liệu tham khảo:

Mikhail S. Ilchenko. “Discourse of Modernist Heritage and New Ways of Thinking about Socialist Urban Areas in Eastern Europe”. Changing Societies & Personalities.2019

Ilchenko, Mikhail. (2020). “Working with the past, re-discovering cities of Central and Eastern Europe: cultural urbanism and new representations of modernist urban areas”. Eurasian Geography and Economics.

Chú thích:

1. Hoàng Tụy. “Tối ưu trong khoa học kỹ thuật kinh tế và đời sống”. Tia Sáng, 2007.

2. https://dissonantheritage.una-europa.ic.uj.edu.pl/the-concept-of-dissonant-heritage

3. Iain Butterworth. “The psychology of a loss of place: when we demolish socially significant places, we demolish part of who we are”. The Conversation

Bài đăng Tia Sáng số 20/2024.

Tác giả

(Visited 27 times, 27 visits today)