Di sản đầy tranh cãi của Kapuściński

Gần hai thập niên sau khi Ryszard Kapuściński qua đời, di sản phức tạp, hòa trộn giữa hư cấu và sự thật của bậc thầy phóng sự và văn chương Ba Lan vẫn khiến người ta không thôi tranh cãi.

Nhà báo, nhà văn Ryszard Kapuściński. Nguồn: polityka.pl

Vào năm 2009, bạn đọc Việt Nam lần đầu biết đến Ryszard Kapuściński qua cuốn sách cuối cùng của ông, Du hành cùng Herodotus (Nguyễn Thái Linh dịch, Công ty Truyền thông Nhã Nam và NXB Thế giới hợp tác ấn hành), tác phẩm đã được xuất bản bằng tiếng Ba Lan vào năm 2004 và dịch sang tiếng Anh năm 2007. Với hai cuộc du hành song song – một trở về quãng thời gian trước Công nguyên, theo các bước chân của sử gia Hy Lạp Herodotus, một lần theo ký ức về các chuyến công tác ngoài biên giới Ba Lan của Kapuściński – cuốn sách mở ra những thế giới hết sức kỳ lạ, cuốn hút, nếu không muốn nói là đầy mê hoặc. Tất cả những thế giới này đã lùi vào quá khứ nhưng những gì mà Kapuściński thu vào cặp mắt tò mò nhưng không kỳ thị cái ngoại lai của mình và sau đó, miêu tả bằng một thứ văn chương tưởng chừng giản dị mà tươi rói, giàu xúc cảm, dễ hiểu mà hóa giải bao điều phức tạp, đã sống dậy và khơi gợi ở người đọc nhiều suy nghĩ vượt ngoài trang sách. 

Dẫu bị mê hoặc bởi ngòi bút ma lực của Kapuściński nhưng có lẽ, chúng ta không thể quên đi những cuộc tranh luận không ngớt về sự thật trong tác phẩm của ông, ngay từ khi ông còn chưa qua đời vào năm 2007. Chính Herodotus mà Kapuściński ngưỡng mộ như người viết phóng sự lịch sử huyền thoại đầu tiên của loài người, đã mang cái tên kép “cha đẻ của lịch sử” và cả “cha đẻ của dối trá”, bởi trong các ghi chép của ông nhồi đầy những chi tiết cường điệu và hoang đường 1. Giống như Herodotus, Kapuściński là một bậc thầy của “huyền sử”. Với hai cuốn sổ ghi chép song song, một lưu lại sự kiện, con người cụ thể cho các bài báo sắp tới và một lưu lại các ý tưởng, trải nghiệm mang tính cá nhân cho những cuốn sách tương lai, Kapuściński khéo léo đi trên đường biên của sự thật và hư cấu. Có lẽ, điều ông nhận xét về người lái xe Nagusi chở ông dọc ngang Ethiopia phần nào cũng để nói về chính mình “trong một góc nào đó của trái tim mình, anh cảm thấy tự hào về miền đất rộng lớn mà chỉ anh mới có thể phác ra biên giới này” (Du hành cùng Herodotus). 

Vậy miền đất hòa trộn sự thật và hư cấu đã làm nên Kapuściński, hay Kapuściński đã tạo dựng nên miền đất ấy bằng phẩm chất thiên tài của mình?

Người viết biên niên sử thế giới thứ ba 

Hiếm có nhà báo phi phương Tây nào nổi tiếng thế giới như Kapuściński. Trong vòng gần 30 năm, từ năm 1959 đến năm 1981, Kapuściński là thông tín viên ở nước ngoài của Hãng thông tấn Ba Lan (PAP), để phản ánh các vấn đề ở những nơi nghèo khổ nhất và nguy hiểm nhất toàn cầu – châu Phi, châu Mỹ Latinh và Trung Đông. Đó là giai đoạn mà nhiều quốc gia châu Phi mới giành được độc lập, chật vật chèo chống qua những bủa vây của tàn tích thực dân, sự nghèo đói, đảo chính và chiến tranh. 

Cuốn sách đầu tiên của Kapuściński được dịch sang tiếng Việt “Du hành cùng Herodotus” (Nguyễn Thái Linh dịch, Công ty Truyền thông Nhã Nam và NXB Thế giới hợp tác ấn hành). Nguồn: Nhã Nam

Kapuściński không chỉ có tư duy của một người học sử mà còn sự thấu cảm như ông thổ lộ trên New York Times vào năm 1987, “sự thấu cảm có lẽ là phẩm chất quan trọng bậc nhất cho một thông tín viên nước ngoài”. Những ngóc ngách cuộc sống và niềm cảm thông với thân phận con người luôn có trong các tác phẩm của Kapuściński. Có lẽ, khó có ai thấu hiểu châu Phi hơn ông, hiểu nội tâm và tình thế đẩy con người ở nơi này vào tuyệt vọng “Chẳng ai có chút đồ để dành, thậm chí họ cũng không có chỗ để cất chúng. Người ta sống tức thời, cho khoảnh khắc hiện tại. Mỗi ngày đều là một trở ngại khó vượt qua. Trí tưởng tượng không vươn xa hơn ngày hôm nay, không đặt kế hoạch, không mơ ước”, “Cuộc sống đô thị hút họ vào, nó trở thành thế giới duy nhất của họ, đến mức ngày hôm sau họ đã không còn biết cách thoát khỏi nó… thành phố cho người ta cơ hội tồn tại lớn hơn, vì cứu trợ nước ngoài được phân phát ở đó. Vận tải ở châu Phi quá khó khăn và đắt đỏ nên cứu trợ không thể đến được nông thôn, bởi vậy người ở nông thôn phải ra thành phố” (Gỗ mun,Nguyễn Thái Linh dịch, Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành). 

Katarzyna Mroczkowska-Brand, dịch giả đầu tiên chuyển ngữ Hoàng đế của Kapuscinski sang tiếng Anh, nói với The Economist “Ông ấy không chỉ có cái tò mò và lòng can đảm mà còn có ý tưởng sâu sắc”. Trong cuộc đời làm nghề của ông ở châu Phi, có vô vàn thử thách mà bất cứ sự bất cẩn nào cũng có thể trả giá bằng cả mạng sống. “Có một tháng, tôi đã đi qua năm quốc gia. Bốn trong số đó đang ở tình trạng khẩn cấp. Ở một quốc gia, tổng thống bị lật đổ; trong quốc gia thứ hai, tổng thống chỉ được cứu mạng bằng một sự tình cờ; quốc gia thứ ba, người đứng đầu chính phủ sợ hãi đến mức bỏ trốn khỏi tư dinh”, những dòng ông viết trong The Soccer War (Cuộc chiến bóng đá) phần nào phản ánh cái bất ổn châu Phi. 

Trong cuộc nội chiến Nigeria năm 1967, Kapuściński nghe ngóng tin đồn về con đường dựng rào chắn và từ đó “không người da trắng nào có thể sống sót trở về”. Để kiểm chứng, ông đã tự mình vượt qua rào chắn đầu tiên dựng bằng những thân cây bị đốt cháy nhưng ở rào chắn thứ hai, ông bị một người cầm dao ủng hộ United Progressive Grand Alliance (UPGA) chặn lại, tước hết tiền bạc và dội lên người thứ chất lỏng benzene dễ cháy. “Viên chỉ huy đút tiền vào túi mình rồi nhìn trừng trừng vào tôi, phả ra hơi thở đầy rượu ‘Quyền lực! UPGA phải có được quyền lực. Chúng tôi muốn quyền lực! UPGA là quyền lực!’. Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt anh ta, các mạch máu trên trán căng phồng như sắp nứt khỏi da còn cặp mắt thì tóe ra toàn tia máu và sự man dại. Anh ta thấy vui vẻ và bắt đầu cười hô hố thỏa mãn. Xung quanh, đồng đội anh ta cũng bắt đầu cười rộ. Tiếng cười đã cứu mạng tôi. Họ cho phép tôi đi qua”. 

Từ cái cảm xúc muốn khám phá của mình, Kapuściński muốn trao gửi điều đó cho các độc giả của mình, không phải chỉ dành cho người Ba Lan hay người châu Âu nào mà cho “mọi người ở khắp mọi nơi trên thế giới còn đủ trẻ để tò mò về thế giới”.

Mặc dù Kapuściński ngợi ca sự thấu cảm nhưng nhiều người cho rằng, phẩm chất chính của ông là cái tò mò và sự cởi mở – tò mò để không ngừng khám phá và đặt câu hỏi, cởi mở để sẵn sàng đón nhận cái khác. “Tôi tự hỏi khi đi qua biên giới thì người ta sẽ trải nghiệm những gì. Sẽ cảm thấy thế nào? Sẽ nghĩ gì?… Phía bên kia – như thế nào nhỉ? Sẽ khác – chắc chắn rồi. Nhưng ‘khác’ có nghĩa là gì? trông nó như thế nào? nó giống cái gì? mà có thể nó chẳng giống cái gì như tôi từng biết, và vì thế nó là không định nghĩa được, không tưởng tượng nổi” (Du hành cùng Hedorotus). Từ cái cảm xúc muốn khám phá của mình, Kapuściński muốn trao gửi điều đó cho các độc giả của mình, không phải chỉ dành cho người Ba Lan hay người châu Âu nào mà cho “mọi người ở khắp mọi nơi trên thế giới còn đủ trẻ để tò mò về thế giới”, như ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào cuối năm 2006.

Cuộc đời làm báo của Kapuściński bắt đầu ở Sztandar Młodych (tiếng Ba Lan nghĩa là Tiêu chuẩn của thanh niên) vào những năm 1950. Ông từng được tòa soạn cử đi viết về Nowa Huta, một dự án xây dựng lớn được coi là lá cờ đầu của đất nước. Tuy nhiên thay vì viết bài ngợi ca, ông lại vẽ lên một bức tranh chi tiết nỗi đau khổ và tuyệt vọng của những người công nhân. Bài báo gây xôn xao dư luận, Kapuściński suýt bị buộc thôi việc nhưng sau đó, bất ngờ đã xảy ra, trao cho ông cơ hội được ra khỏi biên giới, tới Ấn Độ, và sau đó là cả Thế giới thứ ba, châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ Latinh. “Chuyến đi đầu tiên của tôi tới châu Phi khi những quốc gia đầu tiên ở Nam Sahara giành độc lập vào năm 1958. Tôi viết một loạt bài báo về Nkumrah và Lumumba 2. Chuyến thứ hai của tôi là vào hai năm sau đó để viết về những sự kiện ở Congo độc lập. Lúc đó, tôi không được phép tới Kinshasa nhưng tôi đã vượt qua biên giới Sudan-Congo cùng một phóng viên Czech bạn bè, do không có ai tuần tra ở đó”, ông trả lời phỏng vấn năm 1998 trên tạp chí The Journal of the International Institute của NXB Đại học Michigan 3.

“Gỗ mun” là cuốn sách Kapuściński viết riêng về châu Phi. Nguồn: Nhã Nam.

Kapuściński đi khắp thế giới đang phát triển trong giai đoạn cuối của chủ nghĩa thực dân châu Âu, chứng kiến ​​27 cuộc cách mạng lẫn đảo chính và trở thành một chuyên gia về những vùng đất này. “Châu Âu hình dung thế nào về châu Phi? Nạn đói, trẻ em da bọc xương, đất khô nứt nẻ, các khu nhà ổ chuột ở thành thị, những cuộc thảm sát, AIDS, những đám đông người tị nạn… Ngày nay cũng như trong quá khứ, châu Phi được quan tâm đến như một khách thể, như vùng hoạt động của những kẻ thực dân, các nhà buôn, nhà truyền giáo, các nhà dân tộc học, đủ loại các tổ chức từ thiện… Trong khi đó, quan trọng nhất, nó tồn tại cho chính mình, trong chính mình, một châu lục vĩnh cửu, khép kín, riêng biệt… những dòng sông dần khô cạn, những cánh rừng dần thưa, những thành phố bệnh tật khổng lồ – một thế giới được nạp bằng thứ điện bất an và hung bạo” (Gỗ mun).  

Một trong những khoản chi tiêu lớn nhất cho những sự vụ ở nước ngoài của PAP là những khoản chi cho Kapuściński. Đổi lại, ở Ba Lan, những bài báo của Kapuściński như một lối thoát lớn giữa bầu không khí ngột ngạt, thiếu thông tin. Người dân ở mọi vị trí trong xã hội theo dõi những gì Kapuściński viết. “Vào thời điểm đó, nguồn thông tin độc đáo về châu Phi này thu hút được sự quan tâm lớn của Ba Lan hơn rất nhiều so với bây giờ. Mọi người thực sự quan tâm đến những gì đang diễn ra vì bối cảnh quốc tế của Chiến tranh Lạnh”, Kapuściński giải thích 3.

“Tất cả mọi nhà báo trong thế hệ của tôi đều muốn trở thành một thông tín viên nước ngoài, Kapuściński đương nhiên là người có uy tín bậc nhất”, Wojciech Jagielski, hậu bối của Kapuściński ở PAP, nói. “Không chỉ vì ông ở nước ngoài nhiều nhất mà bởi ông là người xuất sắc nhất” 4

Đi giữa những đường biên 

Sự nghiệp của Kapuściński bước sang một đỉnh cao mới khi ông bắt đầu viết sách, vào cuối những năm 1970. Cuốn sách đầu tiên của ông, Another Day of Life (Một ngày khác trong đời), được NXB Czytelnik ở Warszawa phát hành hai vạn bản vào năm 1976 và lập tức được chú ý bởi những trải nghiệm và suy ngẫm về cuộc nội chiến ở Angola ở giai đoạn đầu (1974-1975). Kapuściński đi vào trung tâm cuộc chiến, qua hàng trăm trạm kiểm soát, ghi lại ấn tượng về những người lính trẻ giữa cuộc chiến tàn khốc ở một quốc gia mới tìm thấy tự do nhưng lại bị phân mảnh.

Các cuốn sách với dung lượng lớn hơn bài báo và độ lùi thời gian cho phép Kapuściński tận dụng các kỹ thuật kể chuyện phức tạp của mình, cách dựng lên các chân dung tâm lý, những lối cách điệu và phép ẩn dụ điêu luyện để tạo ra những diễn dịch mới về thế giới, đặc biệt là thế giới thứ ba – The Soccer War (Chiến tranh bóng đá), The Emperor: Downfall of an Autocrat (Hoàng đế, Nguyễn Chí Thuật dịch, Công ty sách Thái Hà và NXB Lao động) năm 1978, Shah of Shahs (Hoàng đế của các hoàng đế) năm 1982, Imperium (Uy quyền tối thượng) năm 1993, The Shadow of the Sun (Dưới bóng mặt trời) năm 1998… Hằng đêm, ông viết ra những bài tiểu luận với các cú chạm ảo ảnh vượt xa những chi tiết của các sự kiện đời thực, sử dụng lối viết đầy phúng dụ để tái hiện những gì đã diễn ra. Ông từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn “Đó là những gì diễn ra xung quanh câu chuyện. Bầu khí quyển của đường phố, cái cảm giác của con người, chuyện ngồi lê mách lẻo trong thành phố, mùi hương; hàng ngàn và hàng ngàn yếu tố là một phần của những sự kiện mà ông đọc trong những bài báo vỏn vẹn 600 chữ trên tờ báo buổi sáng của mình”. 

“Một Kapuściński còn giá trị hơn hàng ngàn nhà văn nhát gan, xoàng xĩnh. Sự kết hợp phi thường của báo chí và văn chương cho phép chúng ta lại gần hơn điều mà Kapuściński gọi là hình ảnh trung thực không thể diễn tả hết về chiến tranh”.

Salman Rushdie

Nếu nghề báo tạo điều kiện cho ông đi khắp chốn, gặp muôn người, tham dự hàng trăm hàng nghìn sự kiện khác nhau thì nó cũng giúp ông tích tụ suy nghĩ và trải nghiệm để tạo ra những cuốn sách đầy hấp dẫn mà khi được dịch ra tiếng Anh, được các NXB và độc giả phương Tây hồ hởi đón nhận. Ông được gọi là “người chứng kiến sự khởi sinh đầy hỗn loạn của Thế giới thứ ba” (The Daily Telegraph). “Ông ấy luôn luôn kể nhiều câu chuyện trong một chuyện”, theo nhận định của Michael D. Kennedy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Đông Âu ở ĐH Michigan, nơi Kapuściński là giảng viên mời. “Tôi vô cùng ngưỡng mộ ông ấy”, biên tập viên Philip Gourevitch của Paris Review, thốt lên “Ông ấy là một người thông thái, một du hành gia vĩ đại, một trong số nhà văn xuất sắc nhất thế giới của chúng ta”. 

Kapuściński từng ngưỡng mộ Hedorotus “dường như đã dựng một sân khấu ngoài trời khổng lồ, vĩ đại, nơi ông đặt lên hàng chục, thậm chí hàng trăm sắc dân và bộ tộc châu Á, châu Âu và châu Phi, có nghĩa là toàn bộ loài người mà ông biết và nói: trước mắt quý vị đây sẽ diễn ra vở bi kịch lớn nhất thế giới!” (Du hành cùng Hedorotus), nhưng những trải nghiệm cá nhân kết hợp với các khuôn mẫu lịch sử mà ông tạo dựng cũng không hề kém cạnh. Nhà văn Salman Rushdie coi những tác phẩm sâu sắc của Kapuściński thể hiện “tài năng của một nhà văn giàu tưởng tượng thực sự” nhưng đế thêm “không ai tự đặt chính mình vào hiểm nguy nhiều như ông lại là người hoàn toàn bình thường”. 

Các cuốn sách của Kapuściński gây tranh cãi bởi sự mơ hồ và nhập nhằng giữa hiện thực và hư cấu của nó. Nguồn: polityka.pl

Có lẽ, không ai có thể đánh giá chính xác bút lực của ông hơn các nhà văn: Gabriel García Márquez, người của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, gọi ông là “bậc thầy thực sự của báo chí”; Margaret Atwood tặng ông danh hiệu “chứng nhân tột bậc của thời đại chúng ta”; Salman Rushdie coi “một Kapuściński còn giá trị hơn hàng ngàn nhà văn nhát gan, xoàng xĩnh. Sự kết hợp phi thường của báo chí và văn chương cho phép chúng ta lại gần hơn điều mà Kapuściński gọi là hình ảnh trung thực không thể diễn tả hết về chiến tranh” 5; John Updike, trong một bài viết trên The New Yorker, đã trích dẫn Hoàng đế của Kapuściński, ngợi ca “tính nghệ thuật cao” và “một chất thơ và bí ẩn theo phong cách Kafka”. Trong nhiều năm, Kapuściński từng được nhắc đến như một ứng viên giải Nobel Văn chương.

Khi các cuốn sách của Kapuściński được xuất bản bằng tiếng Anh, một mặt, người hâm mộ ông ngoài biên giới Ba Lan ngày một gia tăng nhưng mặt khác ông lại thu về không ít chỉ trích. Mọi người bắt đầu gọi các cuốn sách của ông là “phóng sự huyền ảo” – phiên ra từ “hiện thực huyền ảo” – bởi nhận ra sự hòa trộn giữa sự thật và hư cấu trong đó, điều mà Kapuściński từng nói về Hedorotus cũng bộc lộ suy nghĩ của mình “chính cái không gian cởi mở không bị giới hạn bởi các bức tường… đã giải phóng trí tưởng tượng của con người… Ở đây, các sự kiện hòa chung với trí tưởng tượng, thời gian và địa điểm lẫn lộn, các truyền thuyết ra đời, thần thoại hình thành” (Du hành cùng Hedorotus). 

Hoàng đế, Nguyễn Chí Thuật dịch, công ty Thái Hà Book và NXB Lao Động hợp tác xuất bản. Nguồn: Fahasa

Miền đất “phóng sự huyền ảo” mà Kapuściński dựng nên trong các cuốn sách khiến các học giả tranh cãi nên phân loại sách của ông vào thể loại “hư cấu” thay vì “phi hư cấu”. Họ đòi hỏi sự phân định rõ ràng giữa hai thể loại. Giáo sư lịch sử châu Phi Harold G. Marcus ở ĐH bang Michigan, trong công bố “Prejudice and Ignorance in Reviewing Books about Africa: The Strange Case of Ryszard Kapuscinski’s The Emperor (1983)” (Định kiến và thiếu hiểu biết trong điểm các cuốn sách về châu Phi: trường hợp kỳ lạ của Hoàng đế của Kapuściński), trên tạp chí History in Africa (NXB ĐH Cambridge), đã nhấn mạnh vào những sai lệch chết người 5. Ông cho rằng Kapuściński đã viết cuốn sách dựa trên những thông tin chưa kiểm chứng, những người kể chuyện hoang đường. Thứ nhất, trong phần đầu cuốn Hoàng đế, tác giả kể lại nhà vua có con chó nhỏ hay tè bậy lên giày của quần thần rồi sau đó có người hầu làm bổn phận là lau khô nó. Sự thật là hoàng đế có những con chó nhỏ nhưng không bao giờ cho phép chúng hành xử như vậy. Thứ hai, Kapuściński từng đề cập đến việc Haile Sellassie chỉ có độc một gia sư là một tu sĩ dòng Tên người Pháp – “Chúa thượng của chúng tôi không học hành gì; ông thầy duy nhất của người là một người Pháp, mục sư Jerome,…, không kịp nhồi vào đầu óc đức vua thói quen đọc sách từ hồi bé” – nhưng trên thực tế, khi còn nhỏ Haile Sellassie có nhiều gia sư, trong đó có người giới thiệu với nhà vua tương lai tác phẩm kinh điển của Ethiopia và triết học phương Tây, truyền cho ông sự tôn trọng việc đọc và học. Thứ ba, Haile Sellassie đọc nhiều sách tiếng Amharic, Pháp, tiếng Anh và hơn nữa, viết nhiều văn bản hướng dẫn và sắc lệnh, trái ngược với điều mà Kapuściński viết “mặc dù đã trị vì suốt nửa thế kỷ, ngay cả những người thân cận nhất cũng chưa bao giờ biết chữ ký của hoàng đế mặt ngang mũi dọc ra sao”. 

Nhà nhân học John Ryle, người quan tâm đến lịch sử và văn hóa Tây Phi, cũng nhận xét Hoàng đế được dựng lên từ lời kể của những nhân chứng ẩn danh và sự trợ giúp của những phiên dịch giấu tên, đã gây thêm nghi ngờ về sự tồn tại thực sự của những người cung cấp thông tin. 

Bản thân Kapuściński đôi khi cũng tiền hậu bất nhất, ví dụ hầu hết các cuốn sách đều giới thiệu ông tốt nghiệp khoa lịch sử ĐH Warszawa nhưng khi trả lời phỏng vấn The Journal of the International Institute năm 1998, ông lại nói mình chỉ tốt nghiệp cấp hai và làm báo từ năm 18 tuổi. 

Kapuściński thường xa rời các quy tắc nghiêm ngặt của “báo chí Anglo-Saxon”, hay viết các chi tiết không đúng sự thật, tuyên bố chứng kiến những sự kiện mà ông không có mặt. Thậm chí, ông sử dụng những liên tưởng ớn lạnh xương sống, dẫu không có bằng chứng.

Không thiếu những thông tin không thể kiểm chứng trong các cuốn sách của Kapuściński. Artur Domoslawski, một nhà báo Ba Lan đã xuất bản cuốn sách 600 trang về Kapuściński sau nhiều năm mò mẫm các bước đi của ông ở châu Phi cũng như kho tư liệu của ông. Domoslawski cho biết, Kapuściński thường xa rời các quy tắc nghiêm ngặt của “báo chí Anglo-Saxon”, hay viết các chi tiết không đúng sự thật, tuyên bố chứng kiến những sự kiện mà ông không có mặt. Trong nhiều trường hợp, ông sáng tạo ra những hình ảnh cho vừa câu chuyện của mình, thi thoảng gia giảm “một chút hư cấu, đôi khi là cả đống hư cấu” và xa rời sự thật để tái hiện một ‘sự thật’ đẹp hơn sự thật 6. Thậm chí, ông sử dụng những liên tưởng ớn lạnh xương sống, dẫu không có bằng chứng. “Các dân chài ném chiến lợi phẩm của mình lên cái bàn và khi mọi người nhìn thấy nó, họ đột nhiên im bặt, bất động. Con cá béo và lớn. Hồ này từ xưa chưa bao giờ có cá lớn như vậy. Mọi người đều biết các tay sai của Amin từ lâu luôn luôn ném xác các nạn nhân của mình xuống hồ… Im lặng bao trùm quanh cái bàn” (Gỗ mun). 

Cuốn sách của Domoslawski theo sau những nỗ lực khám phá sự thật khác. Năm 2014, hai nhà báo Ba Lan, Maria Hawranek và Szymon Opryszek, đã cố gắng dò theo các chi tiết về Amelia Bolaños, cô gái Salvador 18 tuổi mà Kapuscinski nhắc đến trong The Soccer War là tự vẫn sau khi đội tuyển bóng đá Salvador mất tấm vé dự World Cup về tay Honduras vì để lọt lưới ở phút chót, không lâu trước khi một cuộc xung đột nổ ra giữa hai quốc gia. Bolaños trở thành biểu tượng quốc gia và cái chết của cô được nhật báo El Nacional đưa tin, đám tang của cô được lên sóng truyền hình; đội tuyển bóng đá quốc gia đi sau quan tài phủ quốc kỳ của cô. Khi hai nhà báo Ba Lan tìm kiếm trên El Nacional thì không tìm thấy bằng chứng nào về sự tồn tại của cô. Những bài báo khác được xuất bản trong tháng đó cũng không hề đề cập đến Bolaños; một thành viên của đội tuyển bóng đá Salvador cho biết không hề có ký ức gì về việc đi sau quan tài cô gái 7.

Việc kiểm chứng các thông tin trong sách của Kapuściński là để hạ bệ và làm mất giá di sản của ông ư? Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, cần đặt sách của ông vào một giá khác, văn chương chứ không phải phi hư cấu. 

Xét cho cùng, bất chấp những tranh cãi thì một Kapuściński mê hoặc và đầy sức sống vẫn khiến không ít người đọc các thế hệ theo đuổi, dẫu sách của ông đặt ở chỗ nào.□

———-

Chú thích

1. https://academic.oup.com/book/27438/chapter-abstract/197305154?redirectedFrom=fulltext&login=false

2. Kwame Nkrumah, người theo chủ nghĩa liên Phi có tầm ảnh hưởng của thế kỷ 20 và người đứng đầu Ghana và Nhà nước trước đó của Ghana Gold Coast, từ 1952 đến 1966. 

Patrice Lumumba, thủ tướng Congo sau cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của quốc gia này. Là người sáng lập và lãnh đạo của các Phong trào Dân tộc Congo (MNC), Lumumba đã đóng một vai trò quan trọng trong việc vận động cho sự độc lập từ Bỉ.

3. https://quod.lib.umich.edu/j/jii/4750978.0006.107/–interview-with-ryszard-kapuscinski-writing-about-suffering?rgn=main;view=fulltext

4. https://www.washingtonpost.com/archive/local/2007/01/25/war-correspondent-author-ryszard-kapuscinski/6ba9805f-34cb-4d41-b75e-6623e2f5378f/

5. https://www.cambridge.org/core/journals/history-in-africa/article/abs/prejudice-and-ignorance-in-reviewing-books-about-africa-the-strange-case-of-ryszard-kapuscinskis-the-emperor-1983/2C9F013B93D2084C9B7E89A0D660B59A

6. https://www.theguardian.com/world/2010/mar/02/ryszard-kapuscinski-accused-fiction-biography

7. https://www.ft.com/content/c6b7231e-9880-4e37-b2b1-98ea9ca38fe2

Bài đăng Tia Sáng số 11/2024

Tác giả

(Visited 28 times, 1 visits today)