Di sản đầy tranh cãi của Magellan
Năm 2019 đánh dấu 500 năm hành trình của Magellan khởi ra những nét vẽ về một tuyến đường vòng quanh thế giới, đặt viên gạch móng cho kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện đại sau này. Magellan vẫn thường được coi là người đầu tiên trong lịch sử thế giới bắt đầu cuộc hải trình vòng quanh thế giới, nhưng thực ra nhiều nhà sử học đã nghiên cứu và đánh giá lại di sản vô cùng phức tạp với nhiều tranh chấp mà nhà thám hiểm này để lại.
Một bản khắc thế kỷ 16 mô tả các nhân vật thần thoại và những loài động vật kỳ quái bao quanh Magellan, bức tranh cho thấy trong con mắt của của người châu Âu, châu Mỹ lúc bấy giờ vẫn còn là một ẩn số.
Vào tháng 9 năm 1519, Magellan ra khơi từ Tây Ban Nha với năm chiếc tàu. Ba năm sau, chỉ có một con tàu, Victoria, (được mô tả trên bản đồ năm 1590) quay trở lại Tây Ban Nha sau khi đi vòng quanh thế giới.
Ferdinand Magellan bắt đầu một hành trình lịch sử, trở thành người đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng thuyền. Điều này được khẳng định trong nhiều sách sử, nhưng nó thực ra vẫn chỉ là một nhận định quá đơn giản. Sự thật lại không như vậy, nhà thám hiểm và cả chuyến đi của ông đang được nghiên cứu lại, với những kết quả đầy mâu thuẫn: Magellan là người Bồ Đào Nha, nhưng lại ra khơi với danh nghĩa Tây Ban Nha; Ông là một thuyền trưởng đáng gờm, nhưng lại bị cả thủy thủ đoàn chán ghét; Chuyến thám hiểm của ông được coi là chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới bằng thuyền, nhưng cuối cùng chính ông lại không phải là người hoàn thành chuyến đi đó; Thậm chí, tên của ông cũng chẳng phải là Magellan.
Tất nhiên, không thể thay đổi một điều rất rõ ràng rằng cuộc thám hiểm của Ferdinand Magellan vào năm 1519 đã thay đổi thế giới mãi mãi. “Hành trình của ông là chuyến đi biển vĩ đại nhất từng được thực hiện”, nhà sử học Laurence Bergreen, tác giả của nghiên cứu về Magellan và cuốn sách “Over the Edge of the World: Magellan, Terrifying Circulation of the Globe” (Tận cùng thế giới: Magellan, chuyến đi đáng kinh ngạc vòng quanh Trái đất) cho biết. Và điều đó chẳng hề có một chút cường điệu nào.
Tàn bạo, hiếu chiến và dũng cảm, Magellan đã biến một chuyến đi chỉ vì mục đích thương mại thành một cuộc thách đấu dựng tóc gáy với một thế giới rộng lớn mà ít người châu Âu dám tưởng tượng đến ở thời kỳ đó. Khi bắt đầu hành trình, những người cùng thời với ông đã nghi ngờ rằng chuyến đi này là không thể thực hiện được, họ sợ mọi thứ, từ quái vật biển đến sương mù giết người. Biển cả bao la ẩn chứa nhiều nguy hiểm chờ đợi bất cứ ai đủ điên rồ để thử chinh phục nó. “Điều này (chuyến đi vòng quanh thế giới) thoạt nghe có vẻ như một cuộc tự sát”, Bergreen cho biết.
Nhà quý tộc người Bồ Đào Nha, có tên khai sinh là Fernão de Magalhães chào đời vào khoảng năm 1480. Là người hầu của nữ hoàng Eleanor và Manuel I, ông đã trải nghiệm cuộc sống trong cung điện xa hoa ở Lisbon. Nhưng chàng trai trẻ thích cảm giác phiêu lưu, và sau đó đã tham gia vào một chuỗi các chuyến đi do người Bồ Đào Nha thực hiện để khám phá và khai thác các tuyến đường buôn bán gia vị đầy tiềm năng sinh lợi ở châu Phi và Ấn Độ.
Vào thời của Magellan, các loại gia vị như đinh hương, nhục đậu khấu và mace (một loại gia vị cũng lấy từ cây Myristica fragrans như nhục đậu khấu) là hàng hóa quý giá ở châu Âu, và các loại cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Moluccas là nguồn cung duy nhất của chúng.
Thời gian đó, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tham gia vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt để xem nước nào có thể tìm ra và chiếm được những lãnh thổ mới, nơi họ có thể tìm ra nguồn gia vị mà giới quý tộc châu Âu thèm muốn. Năm 1505, Magellan tham gia chiến đấu và đặt chân đến đến Ấn Độ, Malaysia và Indonesia. Nhưng những ngày phục vụ Bồ Đào Nha của ông sớm kết thúc: Magellan bị buộc tội buôn bán bất hợp pháp và mối quan hệ với Manuel I rạn nứt từ đó. Manuel I cũng chính là người đã từ chối đề xuất của Magellan về một cuộc hành trình nhằm xác định tuyến đường vận chuyển buôn bán gia vị mới.
Magellan tin rằng bằng cách chèo thuyền về phía Tây thay vì phía Đông và đi qua một eo biển qua Nam Mỹ như người ta vẫn hay đồn đại, ông có thể vạch ra một tuyến đường mới đến Indonesia và Ấn Độ. Vì vậy, ông từ bỏ lòng trung thành với Bồ Đào Nha và đến Tây Ban Nha, nơi ông nhận được cả quyền công dân và sự ban phước lành của vua Charles V để thực hiện chuyến đi kéo dài năm năm về phía Tây.
Vị thuyền trưởng đã nhận được cả địa vị lẫn giàu sang từ chuyến đi: Vua Charles đã cho phép ông được độc quyền suốt một thập kỷ trên bất kỳ tuyến đường nào ông có thể khám phá ra, được chia sẻ lợi nhuận từ những chuyến đi, cùng với một danh hiệu cao quý. Nhưng đối với thủy thủ đoàn mà đa số là người Tây Ban Nha, mọi thứ lại không dễ dàng như vậy. “Những người Tây Ban Nha nói tiếng Castilian cảm thấy phẫn nộ khi phải chịu sự chỉ huy của một thuyền trường người Bồ Đào Nha, còn những người Bồ Đào Nha lại coi ông như một kẻ phản bội,” nhà lịch sử Lincoln Paine cho biết.
Sau một mùa đông khắc nghiệt khiến cho cả đoàn phải chờ đợi hàng tháng ở nơi mà ngày nay chúng ta đã biết là Argentina, các thủy thủ của Magellan đã nổi loạn. Một con tàu bị đắm, một con tàu khác bỏ cuộc và quay trở lại Tây Ban Nha. Thuyền trưởng Magellan đã phải chiến đấu để giành lại quyền kiểm soát thủy thủ của mình, nhưng khi ông thành công, hậu quả lại vô cùng thảm khốc: một số người nổi dậy đã bị chặt đầu, bỏ tù, những người khác bị bỏ rơi trên đảo hoang hoặc buộc phải lao động khổ sai.
Chuyến đi trở lại đúng hướng và Magellan đã xoay xở để điều hướng con tàu vượt qua một lối đi đầy hiểm nguy mà bây giờ được đặt tên là eo biển Magellan để vinh danh ông. Nhưng những khó khăn chưa phải đã kết thúc. Khi thủy thủ đoàn đến Thái Bình Dương, thực phẩm bị hỏng và cơn đói khát khiến cho Magellan cùng thủy thủ đoàn của ông phải dừng lại ở nơi có vẻ như là Guam. Ở đây, ông đã giết người bản địa và đốt cả nhà của họ sau khi họ trộm một chiếc thuyền nhỏ của đoàn.
Một tháng sau, đoàn thám hiểm tới Philippines. Trước sự ngạc nhiên của thủy thủ đoàn, Enrique, một người nô lệ mà Magellan đã mua trước cuộc hành trình, có thể hiểu và nói được ngôn ngữ của người Philippines. Hóa ra anh ta có lẽ đã được nuôi dưỡng ở đó trước khi bị bán làm nô lệ, và do đó chính Enrique, chứ không phải Magellan mới là người đầu tiên đi vòng quanh thế giới.
Magellan nhanh chóng tuyên bố thay mặt Tây Ban Nha chiếm lấy Philippines làm thuộc địa, nhưng cuối cùng chính tại nơi đây Magellan bỏ mạng vì đã rơi vào một cuộc chiến không cần thiết. “Ông ta không hề bị gục ngã trước thiên nhiên như ta đã tưởng”, Bergreen nói. Trên vùng đất mới mẻ này, Magellan đã yêu cầu người Mactan địa phương cải đạo sang Cơ đốc giáo và sau đó bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh giữa hai thủ lĩnh địa phương Humabon và Lapu-Lapu. Vào ngày 27 tháng 4 năm 1521, Magellan bị giết bởi một mũi tên độc khi tấn công lính của Lapu-Lapu.
Họ ngay lập tức lao vào ông với những cây sắt và tre, Antonio Pigafetta, một học giả người Ý đi cùng hành trình của Magellan đã viết. “Họ đã giết tấm gương, nguồn sáng, người che chở và người dẫn đường thực sự của chúng tôi.” Thủy thủ đoàn đã rút lui và bỏ mặc xác ông lại – có lẽ là một dấu hiệu cho việc họ thực sự cảm thấy như thế nào về nhà lãnh đạo hiếu chiến và tàn nhẫn của mình.
Vào tháng 3 năm 1521, đoàn thám hiểm đã tới Philippines, mối quan hệ của Magelan với người dân bản địa (như được mô tả trong bản khắc này) đã đi từ mua bán trái cây một cách hòa bình cho đến một trận chiến nổ ra. Magellan đã bị giết trên đảo Mactan vào ngày 27 tháng Tư.
Sau cái chết của Magellan, thủy thủ đoàn của ông tiếp tục trên con tàu duy nhất còn lại, được điều hành bởi Juan Sebastian Elcano, một người xứ Basque. Họ trở về Tây Ban Nha vào tháng 9 năm 1522. Trên đường đi, họ đã gặp phải một đại dương mới và từ đây vạch ra các tuyến đường mới cho thương mại châu Âu và tạo tiền đề cho chủ nghĩa toàn cầu hiện đại. Sau sáu mươi ngàn dặm, và sau cái chết của tám mươi phần trăm những người tham gia, đoàn thám hiểm đã chứng minh rằng việc đi bằng đường biển vòng quanh thế giới là có thể, và mở toang cánh cửa cho thực dân châu Âu chinh phục thế giới dưới cái bóng thương mại.
Trong thời kỳ hiện đại, một huyền thoại đã được sinh ra và vào năm 1989 – một con tàu mang tên Magellan đã du hành tới sao Kim. Sau cuộc hành trình kéo dài 5 năm, tàu vũ trụ Magellan của NASA đã chụp được hình ảnh của hành tinh này trước khi bốc cháy trong bầu khí quyển của nó.
Nhưng mặc dù cái tên Magellan vẫn thường được nhắc đến như một biểu tượng về sự khám phá, một số người lại thường tránh né điều đó. “Khi tôi viết sách giáo khoa, tôi sẽ chỉ rằng Magellan đã đến Philippines vào năm 1521”, nhà sử học Ambeth Ocampo, cựu chủ tịch ủy ban lịch sử quốc gia của Cộng hòa Philippines, cho biết. “Không nên coi đó là sự khởi đầu của lịch sử Philippines mà chỉ là một sự kiện [trong] suốt chiều dài lịch sử vẫn phải được viết ra và viết lại cho một thế hệ mới”.
Đối với những người dân bản địa mà Magellan và thủy thủ đoàn của ông gặp phải, việc Magellan đặt chân lên vùng đất của họ đã báo trước một thời đại mới của sự chinh phục, của Kitô giáo hóa và chủ nghĩa thực dân. Lapu-Lapu, nhà cai trị người Mactan mà lính của ông đã giết chết Magellan, thường được coi là người kết liễu cuộc đời nhà thám hiểm. Kết quả là ông trở thành anh hùng dân tộc ở Philippines.
Mặc dù thủ lĩnh Lapu-Lapu nhiều khả năng không phải là người trực tiếp xuống tay giết chết Magenllan, nhưng ông được tưởng niệm rộng rãi như một biểu tượng của sự phản kháng và là niềm tự hào của người Philippines. Giờ đây, các nhà sử học đang phải cùng thảo luận lại nhằm đưa ra một cái nhìn đúng đắn hơn trước ngày kỷ niệm 500 năm Magellan đến Philippines. Lễ kỷ niệm mà chính phủ sẽ thực hiện vào năm 2021 bao gồm việc thay thế một bức tượng Lapu-Lapu dài 10ft (tầm 3 mét) trong thành phố mang tên ông. Giờ đây, một một tượng đài tái hiện trận chiến và nỗ lực của những người lính để kết liễu nhà thám hiểm vĩ đại sẽ thay thế cho nó.
Magellan có nên được coi là một anh hùng, hay như nhà sử học Ocampo gọi – “du khách” đầu tiên của Philippines? Khi đảo Guam, Philippines, Tây Ban Nha và thậm chí cả Bồ Đào Nha cùng tổ chức kỉ niệm 500 năm chuyến đi lịch sử của Magellan theo những cách khác nhau, thì di sản mà nhà thám hiểm để lại vẫn còn phức tạp hơn chúng ta nghĩ. □
Hạnh Duyên dịch
Nguồn bài và ảnh: https://www.nationalgeographic.com/culture/2019/09/magellan-first-sail-around-world-think-again/