DI SẢN HÁN NÔM: Phải nghĩ tới việc sưu tầm bên ngoài biên giới quốc gia

Theo nhà nghiên  cứu Cao Tự Thanh, từ thời Pháp thuộc trở đi thì tài liệu Hán Nôm là hệ thống quan trọng bậc nhất trong di sản văn hóa truyền thống của dân tộc nhưng vì một số lý do, hệ thống này đã bị thất tán quá nhiều, và thực tế đó buộc chúng ta phải nghĩ tới việc sưu tầm di sản bên ngoài biên giới quốc gia.

Là một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực cổ học, ông có thể cho biết tài liệu Hán Nôm giữ vai trò như thế nào trong lịch sử văn hóa Việt Nam?
Dưới thời phong kiến thì đó là bộ phận gắn liền với những thành tựu tổ chức xã hội, phát triển văn hóa của dân tộc Việt Nam mà đại diện là tầng lớp trí thức. Còn từ thời Pháp thuộc trở đi thì đó là hệ thống quan trọng bậc nhất trong di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Đáng tiếc là vì một số lý do hệ thống này đã bị thất tán quá nhiều, nhưng muốn hiện đại hóa đất nước thì phải kiểm điểm lại tất cả những nguồn lực truyền thống, nhìn nhận lại toàn bộ những kinh nghiệm quá khứ, và như vậy không thể không quan tâm tới việc sưu tầm, bảo quản và khai thác các tài liệu Hán Nôm.

Các loại hình di sản thư tịch có mức độ phong phú như thế nào?
Chữ viết là công cụ thông tin và lưu trữ, thì tự nhiên các loại hình tài liệu Hán Nôm phải tương ứng với hoạt động thông tin và lưu trữ của các hệ thống sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần, giao tiếp xã hội, quản lý xã hội vân vân trong quốc gia Việt Nam thời phong kiến. Chính quyền ban bố mệnh lệnh, tổ chức bộ máy, kêu gọi nhân dân, hoạt động đối ngoại, trí thức phát biểu chính kiến, sáng tác thơ văn, trước tác công trình, biên soạn giáo trình, nhân dân sinh hoạt từ ma chay cưới gả tới gia phả di chúc, xã hội giao dịch từ điếu tang chúc thọ tới mua bán cầm cố, tôn giáo tuyên truyền giáo lý, quảng bá kinh sách, chuyện gì mà không cần chữ viết, không có tài liệu. Còn nói về cái vỏ vật chất của văn bản thì ngoài chất liệu phổ biến là giấy, tài liệu Hán Nôm Việt Nam còn có các văn bản đồng, đá, tre, gỗ, vải vóc, gốm sứ, có thua kém quốc gia dùng chữ Hán nào đâu.

Ông từng nhắc đến việc thất tán tài liệu Hán Nôm trong thế kỷ XX. Sự thất tán này cụ thể ra sao?
Cũng như các thế kỷ trước, việc thất tán tài liệu Hán Nôm trong thế kỷ XX có ba nguyên nhân chủ yếu, tức một là thiên tai, hai là chiến tranh, ba là sự thiển cận và vô trách nhiệm của con người. Thiên tai là chuyện không có ai muốn nhưng cũng không biết làm sao, ở đây không bàn.
Chiến tranh thì suốt sáu thế kỷ, từ XV đến XX thế kỷ nào Việt Nam cũng có, riêng trong thế kỷ XX là 30 năm. Thế kỷ XV, ngoài số bị phá hủy vì binh lửa còn có những tài liệu thư tịch bị nhà Minh đưa về Kim Lăng; thế kỷ XIX và XX cũng có một số bị đưa ra nước ngoài với những cách thức trái với ý muốn của người Việt Nam ngoài những trường hợp giao lưu. Nói thêm thì thực tế này buộc người ta phải nghĩ tới việc sưu tầm tư liệu Hán Nôm bên ngoài biên giới quốc gia.
Nhưng thế kỷ XX khác hẳn với các thế kỷ trước ở chỗ sau thiên tai và chiến tranh kho tàng tài liệu Hán Nôm cơ bản không được tái tạo vì người Việt Nam đã chuyển qua dùng một loại chữ viết khác. Đây là tiền đề lịch sử – xã hội cho sự vượt lên của nguyên nhân thứ ba, đặc biệt là từ 1975 đến nay. Khi mà tuyệt đại đa số trí thức và nhân dân không có khả năng đọc hiểu văn bản Hán Nôm, tức không có kiến thức cụ thể thì rất khó mà nói những chuyện như nhận thức hay ý thức về di sản Hán Nôm cho tới nơi tới chốn. Bởi vì cái di sản ấy là một cấu trúc phức hợp mang tính liên thông chức năng rất cao, ngoài phần tài liệu – văn bản vật thể còn có phần phi vật thể, ví dụ ngôn ngữ. Việc sử dụng mảng từ Việt Hán bị xuống cấp trong nhiều năm nay chính là một bằng chứng đấy.
Đến nay (thế kỷ XXI), việc thất tán tài liệu có còn diễn ra hay không, nếu có nó diễn ra dưới hình thức nào?
Nhiều hình thức và mức độ, mà chủ yếu là do sự thiển cận và vô trách nhiệm của con người. Đã có ai đó vớ được một bản sách đồng thời Nguyễn bán ra nước ngoài, đã có ai đó trùng tu đền miếu chùa quán bỏ hết câu đối biển ngạch vốn có để thay bằng câu đối biển ngạch mới, đã có ai đó dùng kỹ thuật vi tính “phục chế” kiểu ngụy tạo một bản Kiều Nôm. Có khi tài liệu Hán Nôm cũng được sưu tầm bảo quản, nhưng vì chủ thể sưu tầm bảo quản coi là “kỳ hóa khả cư” (món hàng lạ có thể bán) nên chúng không phát huy được chức năng xã hội có thể có, đó cũng là một hình thức mất mát. Trong tất cả các trường hợp nói trên, sự xâm hại hay chuyển dịch các tài liệu vật thể đều ít nhiều kéo theo sự mất mát các giá trị phi vật thể, cho nên giống như trong một phản ứng dây chuyền, đã xuất hiện tài liệu giả, văn bản giả, hiện vật giả, hay tệ hơn là nhiều giá trị truyền thống bị đánh tráo chức năng.

Ông có kiến nghị hoặc đề xuất nào về việc sưu tầm, bảo quản và khai thác tài liệu Hán Nôm không?
Nhà nước đã tổ chức nhiều hệ thống để làm những việc đó từ Trung ương tới địa phương, ai mà cải tổ được toàn bộ quy chế hoạt động, thay đổi nổi toàn bộ cung cách tác nghiệp của hệ thống lưu trữ và nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam, có đề xuất kiến nghị gì gì cũng vô ích. Chỉ mong những cá nhân và tổ chức trong các hệ thống ấy làm đúng những điều chính họ đề ra để nhận kinh phí nhà nước thôi thì kể như di sản Hán Nôm ở Việt Nam hiện nay cũng đã gặp may rồi.
                DTT thực hiện

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)