Dịch lời cây cỏ thành âm nhạc
Các khám phá khoa học về cách giao tiếp của thực vật đã tạo tiền đề cho những công nghệ giúp lắng nghe cây, và những tác phẩm nghệ thuật khai thác âm nhạc từ cây cối.
![](https://cdn.tiasang.com.vn/tiasang-media/2025/02/cay-co-am-nhac-anh-1.jpg)
Trong khu vườn nằm trên ngọn đồi kề bên vịnh biển, những cái cây đủ loại đang phát ra chuỗi âm thanh mơ màng, chậm rãi như một giấc ngủ trưa. Khi một đôi bướm liệng cánh đến gần, khúc hợp tấu của cây chợt trở nên dồn dập và đa lớp. Có phải cây đang tiên đoán sự xuất hiện của những con sâu ăn lá và cảnh báo nhau? Đoạn clip ngắn này, được chia sẻ trên kênh YouTube của nhạc sĩ – doanh nhân Joe Patitucci, đã cung cấp một cái nhìn thoáng qua về những thực hành nghệ thuật áp dụng kiến thức khoa học về hành vi giao tiếp của cây cối.
Thực vật giao tiếp bằng cách nào?
Là sinh vật sống, thực vật phải đối mặt với nhiều vấn đề sinh tồn – như tìm nguồn nước, ánh sáng, dưỡng chất; kháng ngừa các động vật ăn cỏ hoặc các ký sinh; hay ứng phó với thay đổi về nhiệt độ… Vì vậy, trái với ấn tượng quen thuộc của con người về sự im lặng của những cái cây, các loài thực vật đang sử dụng nhiều phương thức song song để giao tiếp với các sinh vật cùng loài và khác loài, bao gồm cả động vật. Các nghiên cứu về hành vi giao tiếp của thực vật đã được tiến hành liên tục từ thập niên 1950 đến nay. Cuối năm 2023, trang National Geographic đã cung cấp một bản tóm lược các kết luận khoa học được công nhận trong vấn đề này, dựa trên việc tổng hợp các nghiên cứu gần đây, và việc phỏng vấn các nhà sinh học như Courtney Jahn, Natalia Dudareva, Cathie Aime, và Andrea Clavijo McCormick.1
Trước hết, bài báo mô tả phương thức giao tiếp nội bộ giữa các tế bào rễ, thân, lá, quả… của cùng một cây – tức hoạt động thần kinh của thực vật. Nếu con người “nghĩ” bằng các dây thần kinh, thì thực vật “nghĩ” bằng các mạch cây có cấu trúc như ống nước. Khi các hóa chất chuyển động trong ống, chúng sẽ tạo ra các sóng điện nhỏ, giúp các tế bào cây liên lạc với nhau. Bằng các thiết bị tương tự máy đo điện não đồ, con người có thể ghi lại dao động của chênh lệch điện thế giữa hai bộ phận của cây, qua đó vẽ biểu đồ “sóng não” của cây, và thấy các đợt sóng thay đổi khi cây bị kích thích hoặc đe dọa. Nếu cây bị thương, các tế bào bị tổn hại sẽ gửi tín hiệu đến các bộ phận khác của cây, khiến phổ dao động của sóng tăng đột biến.
Bằng cách dịch “điện não đồ” của thực vật thành âm nhạc thông qua các thiết bị sử dụng giao diện MIDI (Musical Instrument Digital Interface – giao diện kỹ thuật số dành cho nhạc cụ), họ đã biến thực vật thành những nhạc cụ sống liên tục tương tác với nghệ sĩ, khán giả và toàn bộ môi trường.
Nhờ giao tiếp nội bộ giữa các cơ quan, cá thể cây kịp thời phản ứng với các biến động từ môi trường để sinh tồn. Chẳng hạn, khi rễ cây phát hiện các dấu hiệu của hạn hán, nó sẽ ra tín hiệu để lá điều chỉnh độ mở của khí khổng, nhằm giảm thoát hơi nước. Nhưng đi xa hơn thế, thực vật có thể truyền tín hiệu giữa các cá thể khác nhau, thậm chí khác loài, nếu chúng chạm vào nhau. Tín hiệu điện từ một cây bồ công anh bị thương đã tạo ra phản ứng sinh hóa để gửi tín hiệu đến những cây lân cận nó, dù cùng hay khác loài, để cả hai cây cùng biến đổi sinh lý thích ứng với môi trường – một nghiên cứu đăng trên tạp chí The Plant Cell vào năm 2022 cho biết.2
Bên cạnh tín hiệu điện, thực vật cũng giao tiếp bằng âm thanh. Khi gặp nguy hiểm, nhiều loài cà chua và xương rồng sẽ phát ra sóng siêu âm nằm ngoài khả năng tiếp nhận của tai người, nhưng bướm đêm, dơi và chuột có thể nghe thấy.
Một phương thức giao tiếp khác của thực vật, rất quen thuộc với con người, là mùi hương. Cây tiết ra mùi thơm để gọi côn trùng đến thụ phấn cho hoa, và gọi các động vật lớn hơn đến ăn quả để phát tán hạt. Mùi hương dễ chịu mà ta ngửi thấy trên bãi cỏ mới cắt thực ra là một hóa chất mà lá cây tiết ra khi bị côn trùng ăn, nhằm thu hút các loài săn mồi ăn côn trùng. Các quan sát cũng cho thấy khi một cá thể cây phát ra mùi hương này, các cây xung quanh sẽ thực hiện những phản ứng sinh hóa để chuẩn bị ứng phó với mối đe dọa, dù bản thân chúng chưa bị tổn hại.
Thực vật cũng sử dụng mùi hương để phát hiện các cá thể cây có họ hàng với mình, nhằm điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Một cây mẹ có thể dùng cách này để phát hiện các cây con của nó, từ đó ra quyết định nhường nhịn tài nguyên thay vì cạnh tranh. Khi giải phóng mùi hương dưới lòng đất, thực vật sẽ ra tín hiệu để tập hợp các loại nấm và vi khuẩn có lợi quanh rễ cây. Trong quan hệ cộng sinh, những loại nấm và vi khuẩn này sẽ vươn ra để thu thập chất dinh dưỡng cho cây, nhằm đổi lấy đường mà cây tổng hợp được thông qua quang hợp.
![](https://cdn.tiasang.com.vn/tiasang-media/2025/02/cay-co-am-nhac-anh-2-1170x700.jpg)
Vì mỗi loại cây trong rừng cộng sinh với nhiều loại nấm khác nhau, và mỗi loại nấm cũng cộng sinh với nhiều loại cây khác nhau, nấm đã làm trung gian kết nối các rễ cây trong rừng, để tạo thành một mạng lưới được ví như “Internet của thực vật”. Các quan sát đã ghi nhận một cây lớn tuổi truyền carbon cho cây con thông qua mạng nấm trung gian, do cây con còn quá nhỏ để vươn đến độ cao cho phép nó quang hợp một cách thuận lợi. Cùng lúc đó, nấm cũng giao tiếp với cây thông qua sự trao đổi các đoạn RNA. Trong khi những loại nấm cộng sinh giúp cây phát triển để nhận lại đường theo cách này, các loại nấm ký sinh sẽ dùng RNA để “tắt” các gene duy trì sức đề kháng của cây, khiến cây dễ bị nhiễm nấm.
Cùng cây chơi nhạc
Từ lâu, con người đã khai thác một số hình thức giao tiếp của thực vật để làm giàu thêm đời sống thẩm mỹ của mình. Khi đưa hình dáng, màu sắc và mùi hương của các bông hoa vào mỹ phẩm, nghệ thuật hay đồ nội thất, con người đã bứt một chuỗi tín hiệu mà thực vật dùng để giao tiếp ra khỏi bối cảnh gốc, rồi dùng chúng cho mạng lưới giao tiếp của chính bản thân. Gần đây, những khám phá khoa học về cách giao tiếp của thực vật đã cuốn nhiều nghệ sĩ vào một hướng đi mới: chuyển tín hiệu điện từ thực vật thành âm thanh. Bằng cách dịch “điện não đồ” của thực vật thành âm nhạc thông qua các thiết bị sử dụng giao diện MIDI (Musical Instrument Digital Interface – giao diện kỹ thuật số dành cho nhạc cụ), họ đã biến thực vật thành những nhạc cụ sống liên tục tương tác với nghệ sĩ, khán giả và toàn bộ môi trường. Dù tính tương tác này không mới – nghệ thuật làm vườn đã xoay quanh nó từ lâu – tốc độ tương tác nhanh hơn và sự vô hình của các tín hiệu điện đã khoác lên các thực hành này một không khí vừa kỳ lạ, vừa thân quen, tạo điều kiện cho trí tưởng tượng của những người tham gia được nở rộ.
Dù sử dụng chung một nền tảng công nghệ, mỗi nghệ sĩ “nhạc cây” thường chế tạo thiết bị điện tử của riêng mình. Thiết bị của hai nghệ sĩ khác nhau có thể “dịch” tín hiệu từ cùng một cái cây thành hai giai điệu khác nhau đáng kể.
Nhiều nghệ sĩ đã tiếp cận “nhạc cây” không phải qua chuyên môn âm nhạc, mà qua nghề làm vườn. Martin Noble-James, một người làm vườn có 20 năm kinh nghiệm, đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn “nhạc cây” tại hạt Norfolk (Anh) suốt mùa hè năm ngoái. Bằng cách gắn hai điện cực lên mỗi cây trong vườn, ông cho khán giả thấy rằng khi vô sự, khi được tưới nước, hoặc khi bị xé lá, cây đều phát ra những giai điệu khác nhau. Mỗi loài cây giao tiếp theo một nhịp điệu và âm vực khác nhau, và kinh nghiệm tương tác với cây cho phép người làm vườn chọn lựa các âm thanh phù hợp để tạo ra dàn hợp xướng. Dù vậy, vì phản ứng của cây khi tương tác là không cố định, thực hành của Noble-James mang đầy tính ngẫu hứng, mỗi lần trình diễn sẽ mang lại một tác phẩm khác nhau.2
Cũng trong mùa hè năm ngoái, tại Triển lãm hoa Chelsea, nghệ sĩ âm thanh Justin Wiggan đã đẩy thực hành này đi xa hơn trên hai phương diện: thêm các tín hiệu xúc giác vào phương thức giao tiếp giữa người và thực vật, đồng thời đặt trọng tâm của buổi diễn xoay quanh tương tác liên tục giữa khán giả, thay vì nghệ sĩ, với cây. Khán giả tự do di chuyển trong không gian, nghe âm thanh của cây vang lên khi mình đến gần, rồi tương tác với cây để nghe cây đáp lại. Đặc biệt, mỗi khán giả được mặc một trang phục điện tử có tên SUBPAC, với chức năng chuyển đổi âm thanh thành các rung động vật lý truyền vào da và các khớp xương. Vì thực vật giao tiếp bằng tín hiệu điện chỉ khi chạm vào nhau, Wiggan đã chuyển những cái chạm vô hình của cây thành cái chạm mà cơ thể con người có thể cảm nhận được, từ đó gia tăng khả năng giao tiếp giữa hai phía.3,4
Dù sử dụng chung một nền tảng công nghệ, mỗi nghệ sĩ “nhạc cây” thường chế tạo thiết bị điện tử của riêng mình. Thiết bị của hai nghệ sĩ khác nhau có thể “dịch” tín hiệu từ cùng một cái cây thành hai giai điệu khác nhau đáng kể, vì lối phiên dịch của mỗi bên còn tùy thuộc gu nhạc của người chế tạo. Joe Patitucci, một nghệ sĩ đương đại người Mỹ, đã phát triển thiết bị của mình thành một dụng cụ cầm tay gọn nhẹ có thể kết nối với điện thoại di động, rồi sản xuất và bán nó thông qua doanh nghiệp mang tên PlantWave. Để tiếp thị sản phẩm của mình thông qua kênh YouTube, PlantWave liên tục đăng các clip ghi lại hoạt động của thiết bị khi được gắn vào các sinh vật khác nhau, từ nấm cho đến cần sa, và trong các bối cảnh khác nhau, như khi bị chạm vào hoặc khi có côn trùng bay đến. Trong một clip, Patitucci tự gắn điện cực lên người mình rồi ngồi thiền. Dựa trên âm thanh đẹp và đa lớp mà cơ thể mình tạo ra khi “chill”, anh kết luận rằng các trạng thái tinh thần khác nhau của con người cũng có thể tạo ra các giai điệu khác nhau, chứ không riêng thực vật.6
Các nghệ sĩ vừa nêu đã xem cây như một nhạc cụ, hoặc một đối tượng để tương tác. Liệu có thể đi xa hơn thế: xem cây như một nghệ sĩ ứng tấu, chủ động chơi nhạc với mình trong một buổi biểu diễn chung? Đó là quan điểm của nhạc sĩ Simone Vitale (Italy), người đã nhiều lần sử dụng thiết bị do giáo phái Damanhur chế tạo để biểu diễn âm nhạc cùng cây. Theo lời Vitale, trong quá trình phát triển thiết bị của mình, các nhà nghiên cứu tại Damanhur đã nhận định rằng cây có khả năng tự nhận thức. Sau một thời gian tiếp xúc với âm thanh mà chính mình tạo ra qua thiết bị, dường như cây nhận ra đó là giai điệu từ “suy nghĩ” của chúng, và chúng đã chủ động điều chỉnh âm thanh. Vitale tin rằng trong quá trình tập luyện với cây để chuẩn bị cho các buổi biểu diễn, ông cũng đã chứng kiến một quá trình tương tự, trong đó cây dần điều chỉnh các phản ứng của mình với tiếng đàn piano theo cách ngày càng tinh tế.7
Những tuyên bố đầy hứng khởi của các nghệ sĩ “nhạc cây” đáng tin cậy ở mức độ nào? Khi con người dịch các tín hiệu giao tiếp của cây ra âm thanh, họ rất có thể sẽ bóp méo chúng vì ba mối quan tâm: thẩm mỹ, thương mại và tín ngưỡng. Để đạt được các mục đích thẩm mỹ và thương mại, thiết bị của PlantWave luôn dịch thông điệp của cây thành các giai điệu du dương (thông qua nó, một cái cây đang hoảng sợ hoặc cảnh giác sẽ phát ra âm thanh dồn dập hơn, nhưng vẫn du dương!). Khi thông điệp của cây bị PlantWave tô hồng, nhiều khách hàng sẽ sẵn sàng làm đau cây để thu được giai điệu dồn dập mà họ thích. Bên cạnh đó, vì “nhạc cây” khởi phát từ diễn ngôn của phong trào tâm linh New Age hồi thập niên 1970, nơi khoa học, chủ nghĩa môi trường và các kỳ vọng mang màu sắc tín ngưỡng bị pha trộn lẫn lộn, nó tắm đẫm các kết luận ngụy khoa học từng có trong phong trào này. Cả Wiggan, Patitucci lẫn Vitale đều lấy viễn kiến tâm linh làm kim chỉ nam cho thực hành nghệ thuật, vậy nên các quan điểm của họ còn cách khoa học một chặng đường cheo leo của chủ nghĩa thần bí.
Những cái cây đang thực sự nói gì? Khi con người dịch tín hiệu điện từ cây thành âm nhạc, bản dịch đó có phù hợp với thẩm mỹ của cây không? Thẩm mỹ âm nhạc đích thực của cây sẽ thế nào, ngôn ngữ của cây có cấu trúc nào, và việc sử dụng chúng sẽ đảo lộn tư duy và văn hóa của con người như thế nào? Những câu hỏi này nên được đặt ra bởi cả khoa học lẫn các nghệ sĩ “nhạc cây”, nếu con người thật sự muốn giao tiếp với những cái cây, thay vì đơn thuần chơi chúng.□
—–
Nguồn tham khảo:
[1] https://www.nationalgeographic.com/science/article/plants-can-talk-yes-really-heres-how
[2] https://academic.oup.com/plcell/article/34/8/3047/6589903
[3] https://www.bbc.com/news/articles/cl44jxyn56eo
[4] https://www.bbc.com/news/articles/cpwdeqzvxllo
[5] http://www.internalgarden.info/about-internal-garden/
[6] https://youtu.be/4sTZyogUi3o?si=X3SiCQn CRU4VysfR
[7] https://youtu.be/2jSZ5FmTIVA?si=MkxUXh_byqLDyQSV
Bài đăng Tia Sáng số 3/2025