Điểm sách là một nghề gay lắm
Chuông điện thoại reo. Tòa soạn báo: - Có tập truyện mới ra, anh viết cho báo bài giới thiệu nhé. Chuông điện thoại reo. Đài truyền hình: - Có cuốn tiểu thuyết này, anh nói cho ít phút nhé. Chuông điện thoại reo. Công ty văn hóa truyền thông: - Có cuốn sách dịch mới, anh đọc xem có giới thiệu được không Chuông điện thoại reo...
Một cuốn sách vừa ra (cũng như một bộ phim vừa chiếu, một vở kịch vừa diễn, một phòng tranh vừa mở…) công chúng (người đọc, người nghe, người xem) muốn được người có chuyên môn, người trong giới chuyên môn lên tiếng phát biểu ý kiến đánh giá khen chê ngay tức khắc, ở đây và bây giờ. Một tác giả mười năm sau thành danh rồi mọi người xúm vào khen ngợi, phẩm bình thì việc là đơn giản, nhưng không đơn giản dễ dàng chút nào khi lên tiếng khẳng định báo hiệu tác giả đó vào cái lúc hắn mới xuất hiện, chỉ mới có vài tác phẩm in ra trên mặt báo, mới có một cuốn sách đưa ra trình làng. Đừng nói ý kiến của nhà phê bình điểm sách không có trọng lượng gì trong thị trường sách đa dạng, phong phú, và cả hỗn tạp nữa, hiện nay. Ngược lại, chính trong không khí thị trường sách như vậy, nhà phê bình nào dám dũng cảm tự tin vào cách đọc và thẩm định của mình để không ngại làm cái việc điểm những cuốn sách mình thấy đáng giá, đáng đọc, đáng giới thiệu giúp độc giả tìm mua tìm đọc thì sẽ là người được tin cậy và đón đợi. Trên thế giới việc một cuốn sách, một bộ phim, một vở kịch trở nên đông khách, được săn lùng, được bàn luận từ những bài viết giới thiệu của những cây bút có uy tín chuyên môn trong nghề đã là chuyện bình thường, đã là một chỉ số phát triển của văn hóa đọc và xuất bản, phát hành. Ở ta đang bắt đầu quá trình và thói quen này.
Điểm sách là một dạng của phê bình. Mở rộng chuyện này ra, tôi muốn nói ở Việt Nam có sự phân biệt giữa phê bình và nghiên cứu. Tôi nhấn mạnh là ở Việt Nam ta, bởi vì trong tiếng Tây chữ “criticism” là bao hàm cả hai, nhưng ở ta nói phê bình và nghiên cứu là khác nhau. Phê bình văn học, hiểu theo ở ta, là khen chê một tác phẩm khi nó vừa ra đời, xem nó hay dở thế nào, cố nhiên là theo những tiêu chuẩn thẩm mỹ nhất định. Phê bình là cái đó, tại đây, ngay lúc này. Một tiểu thuyết vừa ra, một truyện ngắn vừa đăng, một bài thơ vừa xuất hiện, người đọc, và cả các nhà văn nhà thơ, muốn chờ nghe ý kiến nhà phê bình xem hay dở thế nào. Nguyễn Du không biết, không cần biết, “tam bách dư niên hậu” cuốn truyện Đoạn Trường Tân Thanh của mình sẽ sinh ra bao nhiêu công trình khảo cứu, nghiên cứu, nơi thực hành kiểm nghiệm các lý thuyết văn học của mỗi thời đại, nhưng ông cần, rất cần (tôi dám chắc thế) những lời phẩm bình, nhận xét của những bạn văn tri âm tri kỷ đương thời, những “siêu người đọc”, nói theo ngôn ngữ thời nay. Trong lĩnh vực này, nhà phê bình giỏi phải là người có “con mắt xanh” biết “anh hùng đoán giữa trần ai”, phát hiện và đề cao những giá trị đang tức thời nhưng sẽ là lâu dài, giúp người đọc cảm, hiểu được cái hay cái đẹp của tác phẩm văn chương. Hoài Thanh là nhà phê bình đúng nghĩa của từ này, khi sống giữa lòng Thơ Mới ông đã “đọc tất cả một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở” để chọn ra những tác phẩm, những tác giả ông thấy là xuất sắc, tiêu biểu, góp thành Thi nhân Việt Nam với những nhận xét, phẩm bình, đánh giá, nhiều phần tinh tế, chính xác, có phát hiện. Thời gian đã khẳng định cách đọc phê bình và cách viết phê bình của Hoài Thanh. Rất nhiều những chuyên luận, luận văn về sau này nghiên cứu sự nghiệp sáng tác, phong cách nghệ thuật, thế giới thơ ca của Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Tế Hanh…, các tác giả có độ lùi thời gian, có quá trình nghiền ngẫm phân tích, có các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu mới mẻ, đưa lại nhiều khám phá mới về các tác giả Thơ Mới, kết quả những nghiên cứu đó cho thấy những tiên cảm, nhạy cảm của Hoài Thanh với tư cách nhà phê bình đối với các nhà Thơ Mới là đúng, nhiều khi là đúng cơ bản. Thử lấy một thí dụ. Viết về Xuân Diệu, ông chỉ ra hai đặc điểm của nhà thơ này: “say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quít, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình”, và, “mới nhất trong các nhà thơ mới”. Tất cả các nghiên cứu sau này về Xuân Diệu, có thể nói, không ra ngoài nhận định xác đáng ấy của Hoài Thanh. Ở đoạn đời sau, ông vẫn có lúc phát huy khả năng “điểm mặt” anh tài của mình trong hai bài viết về Lưu Quang Vũ và Nguyễn Duy khi hai nhà thơ trẻ này chỉ mới xuất hiện một chùm thơ trên báo.
Nhà phê bình sống trong/cùng văn học thời mình, đi theo một hệ thống mỹ học, lựa chọn một phương pháp tiếp cận, dựa vào cảm nhận cá nhân, để tìm cách đọc các tác phẩm đang được sáng tạo ra. Phê bình là đọc nhanh, nghiên cứu là đọc chậm. Phê bình là tiếp xúc động, nghiên cứu là tiếp xúc tĩnh. Phê bình là làm việc với cái sống, nghiên cứu là làm việc với cái chết. Phê bình là ở thì hiện tại, nghiên cứu là ở thì quá khứ. Phê bình là tìm kiếm cái cần khẳng định, nghiên cứu là khẳng định cái đã tìm thấy. Phê bình hỏi giá trị là gì, nghiên cứu hỏi giá trị thế nào.
Từ quan niệm như trên, tôi thấy, phê bình văn học là một nghề, ngoài học vấn sâu và rộng, cần sự trung thực và bản lĩnh, bởi vì người viết phê bình phải trực ngôn, phải phát ngôn từ chính mình, phải “cá cược” tất cả học vấn và uy danh của mình vào những nhận xét mình đưa ra về một tác giả, một tác phẩm ngay khi mới xuất hiện, còn chưa có động tĩnh gì trên văn đàn, hoặc đã bị nhiễu tạp xâu xé giữa nhiều luồng đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Chính ở đây bộc lộ cái thiếu và cái yếu của phê bình văn học hiện nay. Thiếu một bầu không khí sinh hoạt văn chương dân chủ, bình đẳng, công bằng cho hoạt động phê bình diễn ra lành mạnh. Yếu trình độ lý thuyết của bản thân phê bình để biết phát hiện và hướng đạo văn học về mặt chuyên môn.
Nhưng đấy là cả một câu chuyện dài. Trước hết, hãy bắt đầu bằng những bài điểm sách đúng nghĩa. Điểm sách là một việc gay lắm, theo như cách Nazim Hikmet nói về nghề “đi đày”. Biết vậy, nhưng “đã mang lấy nghiệp vào thân”…