Điện ảnh của Kō Nakahira: Tội lỗi duyên dáng
Từ nửa thế kỷ trước khi Hollywood có "Promising Young Woman" với người đàn bà tạo ra màn trả thù như một vở kịch sân khấu, Kō Nakahira đã có "Rica". "Rica" thậm chí đi trước cả Kill Bill của Quentin Tarantino. Và từ lâu trước khi Hollywood ngợi ca "Poor Things" về một bộ não bào thai trong cơ thể một phụ nữ có chồng-từng sinh con-tự vẫn, Nakahira cũng đã có "Only on Mondays" giải phóng và quái dị không kém nhưng thậm chí còn có phần duyên dáng và khả tín hơn.
Làn Sóng Mới Nhật Bản những năm 50-70 đích thực là một con sóng cồn như trong bức tranh khắc gỗ kinh điển của Hokusai, từ góc độ của hoạ sĩ, con sóng như chuẩn bị trùm lên cả đỉnh Phú Sĩ vời vợi. Quyết liệt, và thường xuyên quyết liệt đến mức những từ ngữ như “tự do” hay “giải phóng” cũng không đủ không gian để chứa đựng tinh thần cách mạng của nó, điện ảnh Nhật thời kỳ hậu chiến này là một khu rừng rậm nơi cả tầng tán và tầng bụi đều có những tuyệt tác, dù là tuyệt tác ấy đã được khai quật hay vẫn thường giấu mình với công chúng mê phim. So với những Nagisa Ōshima, Hiroshi Teshigahara hay Shōhei Imamura, Kō Nakahira là nhà làm phim ít được nhắc tới hơn. Nhưng một khi đã lặn vào di sản phim ông, thì đó là hành động không thể vãn hồi – ta không thể trở lại trạng thái trước khi xem Nakahira được nữa.
Điện ảnh của Nakahira thường cùng một lúc, vừa thời trang vừa giận dữ, vừa ngây thơ vừa nhục dục. Những nhân vật của ông thường có một đời sống kép: những người phụ nữ vừa là vợ của yếu nhân vừa là nhân tình của những chàng trai trẻ, những người đàn ông sáng làm viên chức và tối là kẻ săn đàn bà, những thiếu niên trong sáng cuối cùng tay nhuốm máu, những “em bé đường” vừa khêu gợi và am hiểu tình dục nhưng mặt khác vẫn yêu thích những con búp bê.
Trong Crazed Fruit, bộ phim lớn đầu tiên của Nakahira được thực hiện bởi một ekip không chuyên trong vòng hơn 2 tuần, ông bắt đầu bằng một cảnh phim tuyệt trần với một chàng thanh niên trẻ tuổi gương mặt đẹp như tranh, sau cậu là biển khơi, ánh nắng chiếu lên biển vừa long lanh nhưng mặt khác cũng giống như những quầng lửa chuyển động. Ống kính cận vào gương mặt cậu trai đang liên láo nhìn quanh trong sợ hãi. Trong số những cú máy yêu thích của Nakahira, thì những cú cận mặt có lẽ là đáng nói nhất. Ông dùng nó như đang dùng kính lúp chiếu yêu tìm ra dấu tích của tội lỗi và suy đồi trong nhân vật. Bộ mặt là nơi phơi bày nỗi sợ hãi, lòng căm hờn, sự si mê, nỗi đau khổ. Bộ mặt là nơi diễn ra mọi trạng huống làm người, là bản giao hưởng của những biên độ xúc cảm trong phim của Nakahira.
Nakahira bắt đầu Crazed Fruit bằng chính cái kết của phim. Chàng trai này vừa trở về từ hoả ngục, đúng như nghĩa đen, sau khi lao thuyền giết chết anh trai mình cùng cô gái mà cả hai anh em cùng khao khát. Bộ phim sau đó quay trở lại quá trình đã biến một thiếu niên ngây thơ, luôn lạc lõng trong những cuộc đàn đúm ngả ngớn bí tỉ của người anh trai phóng đãng, một thiếu niên mới chỉ lần đầu biết yêu và một nụ hôn cũng là thứ cậu còn phải học, trở thành sát nhân.
Crazed Fruit phát hành năm 1956, chỉ một năm sau khi ở đầu kia thế giới, Rebel Without A Cause ra đời, với vai diễn Jim Stark để đời của James Dean. Sự khác nhau giữa hai tác phẩm nằm ở chỗ Rebel Without A Cause có một phanh hãm để ngăn không cho Jim trở thành tội phạm đích thực, anh đấu dao, nhưng không thực sự gây tai hoạ. Tiến trình của hai bộ phim cũng trái ngược. Jim xuất hiện là một thanh niên tuột xích, nhưng đến cuối cùng hoà giải với gia đình. Trong khi đó, chàng thiếu niên Tetsuo của Crazed Fruit xuất phát điểm là một cậu bé ngây thơ, ngượng ngùng, đang tận hưởng những ngày hè phơi phới, nhưng cuối cùng bàn tay lấm máu. Hollywood luôn có chỗ cho sự sửa chữa và ăn năn. Nhưng trong bộ phim của Nakahara, các nhân vật không có cơ hội nào như thế. Dòng tác phẩm về tội ác thiếu niên của châu Á về sau tiếp tục lên đỉnh cao với Một ngày hè tươi sáng hơn của Dương Đức Xương; và khi xem cảnh Tetsuo cùng cô gái nằm tắm nắng trên mỏm đá dưới trời mùa hạ, ta bất giác liên tưởng tới cảnh cậu bé Tiểu Tứ ngả vào cô bé Minh dưới một tán cây lớn trong bộ phim điện ảnh Đài Loan, trước khi lấy mạng cô cũng vì ghen tuông ở phân đoạn cuối. Ở cả hai tác phẩm, nét lãng mạn đầu đời đều bị vấy bẩn bởi cơn giận chí mạng. Tội ác luôn ở cuối đường, tránh cách mấy cũng không sao tránh được.
Trong một kiệt tác ít được biết tới, A Secret Rendezvous, một bộ phim với cú suspense ngang tầm với những tác phẩm kinh điển của “bậc thầy suspense” Alfred Hitchcock, hai nhân vật chính-vị phu nhân trẻ của một giáo sư lớn tuổi cùng chàng học trò, người tình sinh viên của nàng-trong một đêm hẹn hò giữa rừng sâu, tình cờ chứng kiến một vụ giết người. Phim mở đầu bằng việc cặp tình nhân quan sát một tội ác và kết thúc bằng việc họ dự phần vào một tội ác khác-khi người đàn bà để tránh lộ tẩy một tội lỗi của mình đã (như thói thường) phạm phải tội lỗi lớn hơn, nàng ẩy tình trẻ của mình xuống đường ray xe lửa, trong một thoáng bị thần ác xúi giục. Người phụ nữ có gương mặt nhu mì, luôn mặc kimono ấy cũng là một phiên bản khác của chàng trai trẻ Tetsuo-những người mà trong điều kiện bình thường, không thể là nghi can của bất cứ vụ án mạng nào, nhưng trong điện ảnh của Nakahara, thì sự đổ vỡ của đạo đức là tất yếu, và càng là những người có vẻ yếu ớt bao nhiêu thì lửa giận của họ càng tích tụ ngùn ngụt bấy nhiêu.
Nakahira là một nhà làm phim đi trước thời đại. Hãy xem Rica, một bộ phim mang xu hướng của một tác phẩm hạng B ê hề những cảnh sex và bạo lực trần trụi. Nhưng nàng Rica, con lai của một lính Mỹ và một phụ nữ Nhật Bản bị cưỡng hiếp, giống như tiền thân của Cô dâu báo thù trong Kill Bill của Quentin Tarantino hay cô nàng Cassie trong Promising Young Woman luôn giả vờ say xỉn để lật tẩy những gã đàn ông muốn lợi dụng cơ thể mình. Những chủ đề mà gần đây Hollywood sốt sắng như sự đả kích văn hoá cưỡng hiếp thì đã ở đó từ lâu lẩu lầu lâu trong các tác phẩm của Nakahira, không chỉ trong Rica mà còn trong cả The Hunter’s Diary về một người đàn ông nhận ra tất cả những phụ nữ anh ta săn đuổi đều lần lượt bỏ mạng vì những nguyên do quái đản, như thể có một thế lực thần thánh đen tối nào đó liên tục lần bước theo anh, từ từ dụ anh vào bẫy để vạch trần. Những nhân vật nữ của ông liều lĩnh, điên rồ, sát ván. Chỉ một cảnh khi Rica mặc chiếc váy ngắn nhưng sẵn sàng ngồi lên bàn khoanh chân—một tư thế không lấy gì làm ý tứ-tống tiền người đã làm hại mình, hay cảnh quần thảo giữa hai người đàn bà trần truồng trong trại giáo dưỡng đã đủ để người ta phải cúi mình vì sự táo tợn của nhà làm phim.
Nhưng có lẽ không người đàn bà nào khó nắm bắt hơn Yuka, cô gái trẻ trong bộ phim Only on Mondays, người tự đặt cho mình “sứ mệnh” làm hài lòng đàn ông, ấy vậy nhưng, một lần nọ, nàng trông thấy “bố đường” của mình đi cùng cô con gái nhỏ, mua cho cô bé một con búp bê, và ông cười hạnh phúc. Một niềm hạnh phúc mà nàng chưa từng có thể mang lại cho ông. Nàng đau đáu, trăn trở, ghen tuông. Nhiều lần trong bộ phim này, Nakahira đặt Yuka trong những không gian xuất hiện tượng Đức Bà. Một lần, trong điện thờ, nàng nói với những người đàn ông thèm muốn mình rằng hãy chơi trò kéo-búa-bao để xem ai có thể chiếm đoạt nàng trước-nàng là một đứa trẻ con hay một người đàn bà? Nàng nằm trên giường trần truồng và hỏi người đàn ông không-hẳn-là-của-mình rằng “có ai có vị ngon hơn em không”, và khi khác, với đôi mắt to tròn như một chú nai con, nàng khao khát được tặng một con búp bê.
Không cần phải ra vẻ quái dị với những bước đi ngật ngưỡng, những lần gào thét vào mặt người khác hay những lần dùng một trái táo để thủ dâm như Bella Baxter trong Poor things, Yuka-thường xuyên xuất hiện trong tiếng nhạc jazz vô tư lự và thư thái, khác với nhạc nền của Bella là một thứ âm nhạc hiện đại méo mó như đấm vào tai-quái đản không phải vì đạo diễn hay một nhà khoa học điên nào đó yêu cầu nàng phải làm như mình rất quái đản. Ở nàng, có sự quái đản tự thân, khi nàng lao đầu tới đồn cảnh sát và trong một thước phim ngẫu hứng, máy quay chĩa cận mặt nàng đang thao thao bất tuyệt tường thuật lý do nàng đã rủ một chàng trai trẻ làm tình ngay trước vườn nhà “bố đường”, nơi ông đang tận hưởng một buổi tối đủ đầy cùng gia đình-cách Nakahira phóng to gương mặt cô gái khiến cho cảnh phim trở nên dị thường mà không cần phải làm cho câu chuyện trở nên quá khích; khi nàng thu lu trên ghế rầu rĩ với con búp bê mà nàng tưởng rằng nàng mình ao ước-lại là một tư thế ngồi khoanh chân trong chiếc váy ngáy, tư thế cấm kỵ với nữ giới; khi nàng rủ người tình khiêu vũ trên boong tàu thủy sau khi nhận ra ông ta thuyết phục nàng dùng thân xác để giúp ông tiến thân. Sự duyên dáng của điện ảnh Nakahira là vô tận, duyên dáng ngay cả khi một tội ác sắp sửa thành hình (một lần nữa, để dập tắt tội ác khác). Họ xoay tròn trước biển, biển lấp lánh đằng sau (một hỏa ngục đang ngấp nghé, cũng giống như trong Crazed Fruit), những chuyển động thanh thoát của Yuka như thể nàng không có trọng lực, mà dường như giây phút ấy nàng đã thực sự thoát khỏi những lực hút kéo mình xuống, nàng lôi kéo người đàn ông vào vũ điệu của mình và rồi bất thần ẩy ông ta xuống biển. Ta không thấy cuộc vật lộn của người đàn ông dưới nước, ta chỉ thấy Yuka ngồi xổm trên boong tàu, lại là cái tư thế không lấy gì làm ý tứ ấy, nhìn xuống. Thế giới đã được quan sát dưới cái nhìn của nữ giới. So với cái cách mà Bella Baxter cấy não dê vào đầu của người chồng/cha của mình (đây là điểm tương tự trong mối quan hệ giữa Yuka và “bố đường”, cô một mặt coi mình là tình nhân, mặt khác coi mình là con gái của ông), cách Yuka ra tay đoạt mạng người đàn ông kia không cần làm ta thấy rùng rợn mà lại khiến ám ảnh nhiều hơn. Ám ảnh vì sự duyên dáng sao có thể khiêu vũ nhịp nhàng với tội ác tới thế.
Nakahira biết cách kể những gờ sắc cạnh trong tâm hồn con người bằng sự mềm mại, đôi khi bông lơn, tươi tỉnh và mềm mại. Người ta sẽ buộc phải thán phục nếu một lần xem Temptation của Nakahira, tác phẩm về một người đàn ông trung niên luôn hoài niệm về mối tình bất thành với người tình cũ, một tác phẩm mà câu chuyện chính của nó chỉ diễn ra trong khoảng 20-30 phút cuối cùng, khi người đàn ông tình cờ gặp cô con gái của người xưa. Trong một phân cảnh dịu dàng nhưng có thể khiến người xem bất an vì sự thiếu phải đạo của nó, người đàn ông tìm tới phòng của cô gái, đặt môi hôn cô-hôn gương mặt mà ông còn vương vấn, và cô gái, vờ như đang ngủ, vui vẻ thay mẹ mình đón nhận nụ hôn thuộc về bà. Khác với những tác phẩm khác nơi Nakahira nghiền nát đạo đức bằng những nhát bổ không khoan nhượng, ở trong bộ phim vẻ như hiền lành này, ông chỉ cần ẩy nhẹ để nó lung lay-bộ phim mang tên “cám dỗ” nhưng cám dỗ chỉ tạt qua như cơn gió thoảng-mà cũng chỉ cần thế là ông đã làm xáo trộn thế giới mà ta thấy và không còn cách nào đưa nó trở về trật tự ban đầu.
Đó là thứ điện ảnh mà dường như ngày nay không còn có lại nữa. Thứ điện ảnh khiến ta ngạt thở không phải vì những cú twist chỉ để mà twist, những cú sốc quái dị màu mè, mà bằng sự duyên dáng vô kể. Đạo đức tan ra trong hơi thở nóng hổi của thứ điện ảnh ấy.