Điện ảnh Trung Quốc- Nguy cơ “dung tục hóa”

Năm 2008, doanh thu từ việc bán vé của các bộ phim điện ảnh Trung Quốc đạt tới con số 4,3 tỉ Nhân dân tệ (tương đương với 629 triệu USD). Trong nửa đầu năm 2009, tỉ lệ doanh thu từ bán vé của ngành điện ảnh Trung Quốc vẫn luôn duy trì ở mức trên 30%. Có thể nói, điện ảnh Trung Quốc đang từng bước sáng tạo nên những đỉnh cao mới về doanh thu. Tuy nhiên, đằng sau những con số cao ngất ấy, ngành điện ảnh Trung Quốc cũng đang xuất hiện những mâu thuẫn, những “khuyết tật” mà để giải quyết nó, người ta sẽ phải tốn mồ hôi và công sức hơn rất nhiều so với việc lập các kỷ lục doanh thu.

Đằng sau những “huyền thoại” doanh thu
Khán giả Trung Quốc giờ đây đã quen lấy những con số về kinh phí đầu tư cho phim, những cảnh quay hoành tráng, hay sự xuất hiện của những gương mặt các ngôi sao nổi tiếng,… làm tiêu chí để lựa chọn phim. Kết quả là, đồng thời với việc đưa doanh thu của những bộ phim lên đến con số ngất trời, chính những khán giả này sau khi bước ra khỏi rạp đã không khỏi “kêu trời” vì chất lượng nghệ thuật của phim. Gạt bỏ lớp vỏ “huyền thoại” về doanh thu, người ta sẽ không thể che giấu được chỗ “bất túc” của những thể nghiệm trên tầng diện tinh thần cũng như sự sa sút trong chất lượng nghệ thuật của nền điện ảnh Trung Quốc những năm gần đây.
Bắt đầu từ bộ phim “Anh hùng” của Trương Nghệ Mưu, mọi người đều biết cái gì gọi là “danh mà không thực” trong điện ảnh. Tiếp đó những “quả bom tấn” từ “Thập diện mai phục”, “Hoàng kim giáp” cho đến “Vô cực”, “Dạ yến”,… lần lượt được công chiếu càng khiến cho khán giả thất vọng về chất lượng nghệ thuật của điện ảnh Trung Quốc những năm gần đây. Cuối năm 2008 vừa qua, danh sách này lại bổ sung thêm một cái tên mới: “Xích Bích”.
“Xích Bích” dù chỉ mới công chiếu phần I vào nửa cuối năm nhưng đã rất nhanh chóng chiếm vị trí đứng đầu trong bảng “tổng sắp” về doanh thu của năm 2008. Bộ điện ảnh của đạo diễn nổi tiếng Ngô Vũ Sâm này đứng đầu trong rất nhiều hạng mục:

Đầu tư lớn nhất (75 triệu USD) và doanh thu lớn nhất (thu được 700 triệu Nhân dân tệ trên toàn thế giới, tương đương với 102 triệu USD). Tuy nhiên, đằng sau những con số đó, “Xích Bích” cũng là bộ điện ảnh nhận được nhiều lời chỉ trích nhất. “Không có tệ nhất, mà chỉ có tệ hơn”, đó là những lời bình giá mà khán giả dành cho bộ phim này sau khi xem.
Trận chiến Xích Bích là một trong những sự kiện mang tính “nhận dạng” của thời kỳ Tam Quốc. Trận chiến này trong gần 2000 năm qua từng trở thành cảm hứng cho không ít những tác phẩm văn chương nghệ thuật. Thế nhưng, bộ điện ảnh “Xích Bích” đã cắt bỏ hoàn toàn những suy tư và chất lịch sử cần có. Thay vào một cuộc đấu trí, đấu dũng, một kỳ tích lấy yếu thắng mạnh đầy biến ảo và phức tạp trong lịch sử quân sự, thì ở “Xích bích” chỉ còn là những kỹ xảo điện tử, những đại cảnh hoành tráng lê thê tốn kém và một câu chuyện tình nam nữ nhạt nhẽo. Tình tiết phim quá chậm, sơ hở trong biên kịch quá nhiều, đặc biệt là đối thoại của nhân vật phim. Có thể thấy, kịch bản Xích Bích là một trường hợp điển hình cho những kịch bản không được lựa chọn kỹ càng hoặc giả thậm chí, đã không qua sự lựa chọn đã vội vàng đưa vào dây chuyền sản xuất. Sẽ không ngoa khi nói rằng, Xích Bích đã đem tất cả “khuyết tật” của những bộ điện ảnh được đầu từ lớn gần đây “nhân bản” một cách nguyên vẹn và hơn thế đã “phát huy” đến mức cực điểm những “khuyết tật” này. 

“Hài kịch hóa” tràn lan

Cảnh giới cao nhất của điện ảnh “không phải là những tiếng vỗ tay nhiệt liệt ngay sau khi ánh đèn hạ màn vừa sáng mà là sau một khoảng thời gian dài trầm mặc khi màn đã hạ, khán giả vẫn ngồi trên ghế thì thầm xuýt xoa”
         Đạo diễn Tạ Tấn
         (1923-2008)

Có lẽ là trong cuộc sống hiện đại, khi mà nhịp sống ngày càng nhanh hơn, gấp gáp hơn thì nhu cầu của công chúng đối với những vở hài kịch mang tính chất giải trí nhẹ nhàng cũng ngày càng tăng. Điều này khiến cho ngành nghệ thuật màn ảnh rộng của Trung Quốc vài năm trở lại đây trở thành “mảnh đất lành” của những bộ phim hài kịch. Điểm lại những bộ phim vừa được ra mắt công chúng trong vài tháng hè vừa qua, dễ nhận thấy sự xuất hiện với mật độ lớn của những bộ phim hài, từ “Đuổi hình”, “Mật thám đại nội Linh Linh Cẩu”, “Cực kỳ hoàn mỹ”, cho đến “Quán đêm”… Khán giả trong tiếng cười giòn giã với những tình tiết của phim dường như tìm được cách để giải tỏa những tình cảm cũng như áp lực trong cuộc sống. Nhiều người còn cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hôm nay, những bộ phim hài kịch như thế chính là một loại thuốc kích thích, có thể giúp con người tạm quên đi những lo lắng, phiền não trong cuộc sống.
Thế nhưng, cùng với sự “phồn vinh” của những bộ phim hài, chúng ta cũng phải chú ý đến những tổn hại mà chúng mang đến cho nghệ thuật điện ảnh. Từ thành công của thể loại phim này, rất dễ dẫn đến khuynh hướng hài kịch hóa một cách phổ biến ở những cơ cấu sản xuất điện ảnh kinh phí thấp. Việc chuyển hướng đầu tư tập trung vào sản xuất những bộ phim hài mang tính giải trí đơn thuần sẽ là một hiện tượng hoàn toàn không phải lành mạnh cho bất cứ nền điện ảnh nào muốn phát triển theo chiều sâu. Thêm vào đó, việc nhiều đơn vị kinh phí thấp tham gia đầu tư làm phim sẽ rất khó tránh khỏi việc mô phỏng hay những sao chép nhạt nhẽo, thiếu tính sáng tạo.
Lấy bộ phim “Mật thám đại nội Linh Linh Cẩu” làm ví dụ. Ngay tiêu đề phim, nhiều người sẽ nghĩ đến bộ phim “Mật thám đại nội Linh Linh Phát” rất nổi tiếng do diễn viên Châu Tinh Trì thủ vai chính. Rồi cho đến cả cách gây cười của bộ phim cũng không có gì khác ngoài hình thức “không đầu không cuối”, hay “làm xấu” mà mọi người vốn đã quá quen thuộc với những bộ phim của diễn viên này. Vì vậy, ngoại trừ việc chọc cười khán giả, bộ phim không hề đem lại cho khán giả một thể nghiệm nào về mặt tinh thần khả dĩ sâu sắc hơn. Cũng giống như bộ phim “Thập toàn cửu mỹ” được công chiếu vào năm ngoái, đạo diễn thậm chí đã dùng những yếu tố rất dung tục, ít tính trí tuệ để gây cười, khiến bộ phim càng xem càng cảm thấy nhạt nhẽo, thậm chí thô lỗ. Nếu như xu hướng này bị bỏ mặc, thì việc nền điện ảnh Trung Quốc sa vào con đường “dung tục hóa” là điều khó tránh khỏi.

Mơ hồ trong “giá trị quan”
Vài năm trở lại đây, điện ảnh Trung Quốc cho ra đời không ít những bộ phim lấy đề tài từ những sự kiện lịch sử lớn. So với những bộ phim ở các mảng đề tài khác thì những bộ phim lấy đề tài lịch sử phải gánh một trách nhiệm nặng nề hơn trong việc kế thừa và phát huy vốn văn hóa dân tộc, hay đòi hỏi về một sự phản tư đối với lịch sử và phê phán đối với hiện tại. Thêm vào đó, trong thời kỳ kinh tế thị trường và giá trị quan đa nguyên hóa, nếu như bản thân những người làm nghệ thuật trong khi hoàn toàn mơ hồ về giá trị quan lại vẫn đem tác phẩm trình hiện trước công chúng sẽ tạo thành những ảnh hưởng hoàn toàn không tốt đối với xã hội.
Cuối tháng 4 vừa qua, bộ phim “Nam Kinh! Nam Kinh!” của đạo diễn Lục Xuyên được hoàn tất và ra mắt công chúng. Đối với một bi kịch đẫm máu và cực kì tàn khốc như “cuộc tàn sát ở Nam Kinh” thì việc từ góc độ nào để biểu hiện nó cho đến việc biểu hiện như thế nào đều là những vấn đề cần có sự nghiên cứu và thảo luận nghiêm túc của các chuyên gia. Điều đáng tiếc là, xem xong “Nam Kinh! Nam Kinh!”, bạn sẽ phát hiện ra rằng giai đoạn lịch sử được “hồi tưởng” lại trên màn ảnh là một giai đoạn lịch sử “có vấn đề”. Đạo diễn Lục Xuyên từ góc độ của Giác Xuyên, một người lính Nhật Bản để “kể” lại giai đoạn lịch sử này. Nhưng ở nhiều thời điểm, đạo diễn lại không trung thành với lựa chọn của mình, câu chuyện bị tách khỏi “điểm nhìn” nhân vật biến câu chuyện thành những thước phim tài liệu. Đạo diễn thậm chí còn vin vào “nhân tính” để thể hiện sự cứu rỗi đối với linh hồn của người lính Nhật Bản này một cách đầy hư cấu. Điều này, giống như nhiều nhà bình luận đã nói, đạo diễn chỉ đem đến cho những kẻ xâm lược, những kẻ hủ bại một không gian nhân tính, giúp họ nâng cao nhân cách, giúp họ nhận được sự cứu rỗi một cách dễ dãi. Vì thế, trong “Nam Kinh! Nam Kinh!”, chúng ta sẽ thấy một sự song hành kì dị: “vừa là sự căm ghét, phản kháng, vừa như là sự cảm thông, cứu rỗi”. Không khó để nhận ra tất cả những hỗn loạn và mâu thuẫn trong giá trị quan cũng như logic này tồn tại trong bộ phim. Những hoang đường và mâu thuẫn này, dẫu lấy lý do là đạo diễn muốn “khai phá thị trường Nhật Bản” cũng không thể khiến những người xem có tâm huyết thỏa mãn.
Điện ảnh Trung Quốc vẫn còn rất nhiều khuyết tật, trong đó, căn bản vẫn là những vấn đề thuộc về giá trị quan của thời đại. Trong một thời đại thương nghiệp hóa, ngành điện ảnh cũng như các ngành khác, lấy giá trị sản phẩm làm mục tiêu lớn nhất. Vì thế người ta làm phim theo tốc độ và sự bành trướng quy mô. Dần dà, những người làm điện ảnh từ đội ngũ của những người làm nghệ thuật đã chuyển sang hàng ngũ của những người làm ăn kinh doanh. Đạo diễn Tạ Tấn từng nói: “Một nhà nghệ thuật chân chính, đồng thời phải là một nhà tư tưởng, anh ta phải thông qua những tác phẩm của mình phát biểu về những vấn đề của xã hội đương thời”. Những người làm điện ảnh thực sự, vì vậy, phải đem lại cho người xem những an ủi về mặt tinh thần và tình cảm, đồng thời phải đưa ra những tổng kết hoặc giả là những chỉ dẫn mang tính dự báo cho sự phát triển của xã hội ở tương lai. Ở thời điểm hiện tại, nền điện ảnh Trung Quốc dù không hề thiếu vắng những đạo diễn đang “hô phong hoán vũ” ở các rạp chiếu nhưng dường như không có ai có đủ khả năng để đảm nhận vai trò phản tư đối với thời đại.
Chúng tôi vẫn còn nhớ đạo diễn Tạ Tấn trả lời như thế nào về cảnh giới cao nhất của điện ảnh: Cảnh giới cao nhất của điện ảnh “không phải là những tiếng vỗ tay nhiệt liệt ngay sau khi ánh đèn hạ màn vừa sáng mà là sau một khoảng thời gian dài trầm mặc khi màn đã hạ, khán giả vẫn ngồi trên ghế thì thầm xuýt xoa”. Có lẽ tiêu chuẩn này của ông vẫn còn những giá trị khải thị đối với sự phát triển của ngành điện ảnh ngày nay.
LÊ ĐỖ
(Theo Bắc Kinh Nhật báo)

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)