Dietrich Fischer-Dieskau – Ông hoàng của lieder
Dietrich Fischer-Dieskau, ông hoàng của những ca khúc nghệ thuật với một tri thức sâu rộng về thi ca, một chất giọng baritone trữ tình tuyệt đẹp.
![](https://cdn.tiasang.com.vn/tiasang-media/2025/01/Fischer-Dieskau-anh-1.jpg)
Một đam mê âm nhạc mãnh liệt
Nếu có danh hiệu ông hoàng của lieder (ca khúc nghệ thuật) thì danh hiệu đó chắc chắn chỉ dành cho Dietrich Fischer-Dieskau. Trong suốt sự nghiệp độc nhất vô nhị của mình, Fischer-Dieskau đã thực hiện vô vàn các buổi biểu diễn và ghi âm các lieder của Franz Schubert, Robert Schumann, Johannes Brahms và các nhà soạn nhạc sau này như Gustav Mahler hay Hugo Wolf và thiết lập các tiêu chuẩn hiện đại trong việc thể hiện các tác phẩm này. Bằng cách nào ông trở thành tượng đài sừng sững của nền thanh nhạc cổ điển thế giới?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải ngược dòng trăm năm để tìm về con đường nghệ thuật của Dieskau, người sinh ngày 28/5/1925 trong một gia đình trung lưu. Cha cậu, ông Albert là một hiệu trưởng khả kính với những tư tưởng tự do về giáo dục và vào năm 1934 đã thêm họ của vợ mình Dieskau vào họ của ông để trở thành Fischer-Dieskau. Mẹ cậu, bà Theodora, một người rất say mê piano, chính là hậu duệ của dòng họ Dieskau mà Johann Sebastian Bach đã viết bản Mer hahn en neue Oberkeet, BWV 212 (hay còn gọi là Cantata Nông dân) vào năm 1742. Đứa con út Albert trong số ba người con trai đã thể hiện tình yêu ca nhạc khi chỉ mới lên hai tuổi. Cậu thường xuyên ca hát bất chấp bản tính kín đáo, nhút nhát.
Để cổ vũ cho niềm đam mê của con trai mình, bà Theodora thường đưa cậu đến thưởng thức các buổi hòa nhạc, ngay cả trước khi cậu bé đi học. Trò chơi yêu thích của Albert là tổ chức các buổi múa rối tại nhà và cậu lồng tiếng cho tất cả các nhân vật, với khán giả là các thành viên trong gia đình, đôi khi chỉ có Martin, người anh trai bị khiếm khuyết về thể chất và trí tuệ. Khi cậu 12 tuổi, ông Albert qua đời và trước khi đến tuổi vị thành niên cậu gia nhập Đoàn thanh niên Hitler mà sau này cậu vẫn còn kinh hoàng về sự tàn bạo của nó.
Fischer-Dieskau chính thức học nhạc khi 16 tuổi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 1942, anh theo học tại Hochschule für Musik dưới sự hướng dẫn của Hermann Weißenborn, người sau này là cố vấn và hướng dẫn cho Fischer-Dieskau cho đến khi qua đời vào năm 1959, cũng là người đệm piano cho anh trong những ngày đầu sự nghiệp. Buổi biểu diễn đầu tiên của Fischer-Dieskau trước công chúng là vào đầu năm 1943, tại tòa thị chính Zehlendorf, ngoại ô Berlin. Anh hát Winterreise (Schubert) và chương trình đã gián đoạn vì bị ném bom. Fischer-Dieskau nhớ lại: “Toàn bộ 200 khán giả và tôi đã phải xuống hầm trong hai tiếng rưỡi. Sau đó, khi cuộc đột kích kết thúc, chúng tôi quay lên và tiếp tục”.
Sở hữu một giọng baritone ấm áp, khỏe khoắn, có độ vang lớn, Fischer-Dieskau có khả năng thực hiện những nốt nhạc mezza di voce tinh tế nhất.
Sau một học kỳ, Fischer-Dieskau phải nhập ngũ và chiến đấu tại mặt trận Nga, nhiệm vụ chủ yếu là chăm sóc các con ngựa. Vào các buổi tối, anh thường chiêu đãi các đồng đội của mình bằng các chương trình biểu diễn. Anh ghi chép một cuốn nhật ký, với mục đích “nỗ lực bảo tồn cuộc sống nội tâm trong môi trường hỗn loạn”. Fischer-Dieskau cũng nhận được tin báo rằng anh trai Martin đã bị đưa đến một trại tập trung ngoại ô Berlin và chết đói ở đó. Sau đó là việc căn nhà của gia đình họ ở Lichterfelde bị tàn phá, Fischer-Dieskau được phép trở về nhà để hỗ trợ gia đình. Tất cả những gì còn lại chỉ vừa đủ chất lên một chiếc xe đẩy nhỏ. Nhưng chỉ đến ngày thứ hai, anh và mẹ đã tìm kiếm “nhà hát, các buổi hòa nhạc, những thứ âm nhạc khác – bất chấp thế giới phi lý trí”. Thay vì trở lại chiến trường Nga, anh lên đường tới Ý và vào ngày 5/5/1945, chỉ ít ngày trước khi cuộc Thế chiến Thứ hai kết thúc, Fischer-Dieskau bị quân đội Mỹ bắt và cầm tù. Tuy nhiên, hóa ra đây lại là một cơ may âm nhạc. Fischer-Dieskau được yêu cầu biểu diễn tại trại giam giữ tù nhân chiến tranh. Anh thực hiện công việc này cho đến tháng 6/1947 và là một trong những người Đức cuối cùng được hồi hương.
Ở tuổi 22, theo học tại Hochschule für Musik. Tuy nhiên, anh không dừng chân tại đây lâu. Được gọi vào phút chót để thay thế cho một baritone, Fischer-Dieskau đã hát tại Badenweiler trong Ein Deutsches Requiem (Brahms) mà không hề có sự chuẩn bị trước và ngay lập tức trở nên nổi tiếng. Fischer-Dieskau nói về giây phút đó “Tôi đã vượt qua kỳ thi cuối cùng của mình trong phòng hòa nhạc”. Mùa thu năm đó ở Leipzig, anh có buổi biểu diễn lieder đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Thành công nối tiếp thành công, Fischer-Dieskau thực hiện các chương trình lieder của mình trên khắp nước Đức. Sự nghiệp opera của Fischer-Dieskau bắt đầu vào mùa thu năm 1948 khi anh được mời hát tại Städtische Oper Berlin (sau này là Deutsche Oper Berlin), với vai Rodrigo (Don Carlo, Giuseppe Verdi) dưới sự chỉ huy của Ferenc Fricsay và trở thành baritone trữ tình chính tại nhà hát. Cho đến khi giã từ sân khấu opera vào năm 1978, nơi đây luôn là ngôi nhà nghệ thuật cho Fischer-Dieskau.
Danh tiếng của anh bắt đầu vươn ra khỏi biên giới nước Đức. Từ năm 1949, Fischer-Dieskau có được bản ghi âm đầu tiên của mình với Bốn ca khúc nghiêm túc của Brahms rồi hai năm sau, lần lượt ra mắt tại liên hoan Salzburg (Lieder eines fahrenden gesellen của Mahler dưới sự chi huy của Wilhelm Furtwängler) và Royal Albert Hall, London (A mass of life của Frederick Delius cùng nhạc trưởng Thomas Beecham). Cũng tại London, Fischer-Dieskau lần đầu hợp tác cũng nghệ sĩ đệm piano danh tiếngGerald Moore khi thu âm Die schöne müllerin (Schubert) cho EMI Classics. Sau này, họ thường xuyên biểu diễn cùng nhau cho đến khi Moore chia tay sân khấu vào năm 1967 và tiếp tục thu âm cho đến khi Moore chính thức nghỉ hưu vào năm 1972, thực hiện gần như toàn bộ các ca khúc của Schubert dành cho giọng nam. Moore, lớn hơn Fischer-Dieskau 25 tuổi đã hoàn toàn bị người đồng nghiệp trẻ tuổi chinh phục “Cậu ấy chỉ hát một câu nhạc trước khi tôi nhận ra rằng mình đang đứng trước một bậc thầy”.
![](https://cdn.tiasang.com.vn/tiasang-media/2025/01/dietrich-fischer-dieskau-debussy-stephan-lutoslawski-375x375.jpg)
Một điều đáng ngạc nhiên khi dù là một ca sĩ người Đức nhưng Fischer-Dieskau hát khá nhiều trong các vở opera Ý. Ngoài Rodrigo, ông còn hát trong Rigoletto, Macbeth và La traviata (Verdi) hay Scarpia (Tosca, Giacomo Puccini). Fricsay đã thốt lên: “Tôi chưa bao giờ mơ thấy mình sẽ tìm thấy một baritone Ý ở Berlin”. Năm 1954, ông lần đầu ra mắt tại liên hoan Bayreuth với Wolfram (Tannhäuser, Wagner). Ngoài việc gắn bó với Deutsche Oper Berlin, Fischer-Dieskau trở thành khách mời tại các nhà hát trên khắp châu Âu, chủ yếu là Vienna và Munich. Năm 1955, ông thực hiện chuyến lưu diễn đầu tiên tại Mỹ, khởi đầu tại Cincinnati vào ngày 15/4 trong cantata Ich will den Kreuzstab gerne tragen, BWV 56 của Bach. Chương trình lieder đầu tiên của Fischer-Dieskau tại Mỹ diễn ra vào ngày 19/4 tại Saint Paul, Minnesota với các tác phẩm của Schubert. Ngày 2/5, ông ra mắt khán giả New York tại Town Hall trong Winterreise. Cả hai chương trình này đều có sự tham gia của Moore. Tuy nhiên, ông hầu như không biểu diễn opera tại Mỹ mà chủ yếu là trong các tác phẩm thanh nhạc khác hoặc lieder. Ngày 23/2/1956, Fischer-Dieskau hát Schwanengesang (Schubert) trong một recital tại La Scala. Ông cũng là một trong những nghệ sĩ Đức đầu tiên biểu diễn tại Israel sau cuộc Thế chiến Thứ hai và quan trọng hơn, hát bằng tiếng Đức tại đây trong một chương trình gồm các tác phẩm của Schubert, Schumann và Mahler với Israel Philharmonic trong bối cảnh kể cả bản giao hưởng số 9 của Ludwig van Beethoven cũng chỉ được biểu diễn bằng tiếng Anh.
Bậc thầy của những bậc thầy
Fischer-Dieskau đem lại một cuộc cách mạng cho nghệ sĩ thanh nhạc. Trước thời kỳ của ông, hiếm có một ca sĩ nào thành danh trên cả hai lĩnh vực opera và ca khúc thính phòng. Fischer-Dieskau là người đầu tiên làm được điều này và mở ra một con đường mới cho rất nhiều những đồng nghiệp của ông noi theo. Fischer-Dieskau nổi bật với sự ham học hỏi, trong ông cháy bỏng một mong ước biểu diễn bất kỳ một ca khúc nghệ thuật nào mình tìm thấy. Điều đó đã khiến ông trở thành một vị vua đầy quyền lực trong địa hạt lieder mà không một ca sĩ nào có thể sánh bằng. Theo một thống kê, trong suốt sự nghiệp của mình, Fischer-Dieskau đã thực hiện khoảng 3.000 bài hát của khoảng 100 nhà soạn nhạc. Sở hữu một giọng baritone ấm áp, khỏe khoắn, có độ vang lớn, Fischer-Dieskau có khả năng thực hiện những nốt nhạc mezza di voce tinh tế nhất. Fischer-Dieskau có một khả năng kỳ diệu về mặt khống chế sắc thái, điều giúp ông biến các buổi biểu diễn của mình thành màn trình diễn ảo thuật, với sự thay đổi bất tận về cường độ, tính chất và màu sắc của tác phẩm. Cao ráo, gương mặt biểu cảm, Fischer-Dieskau cũng được đánh giá là một diễn viên sân khấu xuất sắc.
Dieskau được ghi nhận là một trong những ca sĩ hiếm hoi có kỹ thuật hoàn mỹ nhất, như nhà phê bình âm nhạc Greg Sandow của Opera News nhận xét: “Về tổng thể, kỹ thuật của ông thật đáng kinh ngạc, ai đó nên xây cho ông ấy một tượng đài”. Chưa từng tốt nghiệp đại học về âm nhạc nhưng phong cách biểu diễn của Fischer-Dieskau đầy ắp trí tuệ, tình yêu thi ca từ thuở nhỏ đã giúp ích ông rất nhiều trong việc phân tích lời ca để có cách tiếp cận tác phẩm một cách đầy lý trí và logic, tạo được sự cân bằng giữa âm nhạc và ca từ. Ông đặt ra tiêu chuẩn trong cách phát âm và ông nhấn mạnh các từ chính thông qua việc thay đổi âm thanh của nốt nhạc mà từ đó được hát. Vì vậy, ông không chỉ làm rõ nghĩa của từ mà ông còn để mọi âm tiết, mọi nốt nhạc hòa quyện vào nhau và từ đó tạo ra một tổng thể thống nhất hài hòa. Khi ông cất lên tiếng hát, khán giả không chỉ bị đóng đinh vào lưng ghế mà còn kéo trái tim của họ vào tác phẩm. Là một nhà ngôn ngữ học xuất sắc, ông hát tiếng Ý, Pháp hay Anh như tiếng mẹ đẻ. Rất nhiều nghệ sĩ piano danh tiếng từng đệm đàn cho Fischer-Dieskau như Vladimir Horowitz, Sviatoslav Richter, Murray Perahia hay Alfred Brendel. Nhà âm nhạc học Tim Page đã nhận xét: “Điều khiến Fischer-Dieskau trở thành một nghệ sĩ quan trọng như vậy, đặc biệt là trong lieder, là cách ông ấy buông mình hoàn toàn vào âm nhạc. Bạn có cảm giác rằng ông ấy đã xem xét nó từ mọi góc độ có thể và chọn cách để đi với nó. Sắc thái và sự nhạy cảm mà ông ấy làm việc với các từ ngữ, không chỉ ý nghĩa của chúng mà còn là cách ông ấy vuốt ve âm tiết của chúng, rất đáng chú ý”. Còn Elisabeth Schwarzkopf, một bậc thầy khác về lieder, đối thủ sừng sỏ của Fischer-Dieskau trong địa hạt này, đã ca ngợi người đàn em đáng kính trọng của mình một cách ngắn gọn “Một vị thần sinh ra đã có tất cả”.
Không chỉ quan tâm đến âm nhạc của quá khứ, Fischer-Dieskau còn là bậc thầy đối với âm nhạc đương đại với việc biểu diễn âm nhạc của nhiều nhà soạn nhạc như Samuel Barber, Hans Werner Henze, Karl Amadeus Hartmann, Witold Lutosławski và nhiều tên tuổi khác. Ngày 23/1/1957, trong vai Wolfram, Fischer-Dieskau lần đầu tiên ra mắt khán giả Vienna State Opera bên cạnh Karl Liebl và Birgit Nilsson. Nhà soạn nhạc Benjamin Britten đã sáng tác War Requiem với phần lĩnh xướng được dành cho ba giọng ca yêu thích của mình Peter Pears, Galina Vishnevskaya và Fischer-Dieskau. Tuy nhiên trong đêm ra mắt tác phẩm vào ngày 30/5/1962 tại nhà thờ Coventry, chính quyền Xô viết không cho phép Vishnevskaya biểu diễn nên Pears và Fischer-Dieskau đã hát cùng Heather Harper. Bất chấp việc vô cùng nổi tiếng trong lĩnh vực lieder, Fischer-Dieskau luôn duy trì một lịch biểu diễn và thu âm lieder, opera và các tác phẩm thanh nhạc lớn đan xen nhau. Sau này, Britten đã sáng tác tập ca khúc Bài hát và Châm ngôn của William Blake dành tặng cho Fischer-Dieskau. Ngày 29/1/1965, dưới sự chỉ huy của Georg Solti, ông đã ra mắt khán giả Covent Garden trong Mandryka (Arabella, Richard Strauss). Một điều khá thú vị khi nhắc đến Fischer-Dieskau là ông chưa một lần hát tại Metropolitan Opera.
Sở hữu một giọng baritone ấm áp, khỏe khoắn, có độ vang lớn, Fischer-Dieskau có khả năng thực hiện những nốt nhạc mezza di voce tinh tế nhất.
Fischer-Dieskau còn là một trong những nghệ sĩ thu âm nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển với gần 1.000 đĩa nhạc. Theo một ước tính, ông có số lượng bản thu âm nhiều gần gấp đôi Plácido Domingo, người nắm kỷ lục về số lượng vai diễn opera. Trong đó có những tác phẩm như Winterreise được ông thực hiện tới tám lần và nếu thưởng thức chúng thật kỹ, chúng ta sẽ nhận ra những khác biệt giữa các bản thu âm do được Fischer-Dieskau tìm tòi, khám phá trong suốt sự nghiệp của mình. Đáng chú ý trong số đó có thể kể đến không dưới bốn đĩa nhạc Das lied von der erde (Bài ca Trái đất) của Mahler. Trước đó, mặc dù Mahler đã ghi chú rằng baritone có thể được dùng để thay thế cho alto nhưng hiếm giọng baritone nào thực hiện và Fischer-Dieskau là một trong những người tiên phong. Có lẽ trong suốt sự nghiệp của mình, Fischer-Dieskau chỉ có duy nhất một đối thủ cạnh tranh: đó là chính bản thân ông. Ông đặt ra những tiêu chuẩn mới, khám phá những vùng đất mới và phô bày những cảm xúc mà không ai có thể tưởng tượng được. Nhà phê bình âm nhạc John Amis đã tri ân những thành tựu của Fischer-Dieskau: “Sự tự tin mang đến cho một số ca sĩ một giọng hát tuyệt vời, một số về nghệ thuật âm nhạc, nhưng Fischer-Dieskau có cả hai”.
Fischer-Dieskau giã từ sân khấu opera vào năm 1978, sau khi thu âm vở opera Lear của Aribert Reimann, được sáng tác để dành tặng cho chính Fischer-Dieskau. Tuy nhiên, ông vẫn biểu diễn trong các recital và làm mình bận rộn hơn bằng công việc giảng dạy cũng như tập trung vào chỉ huy dàn nhạc. Ông giảng dạy tại Die Universität der Künste Berlin cũng như tổ chức nhiều lớp master class. Được biết đến là một người hài hước và vui vẻ, ông luôn khiến lớp học của mình tràn ngập tiếng cười. Ông sẵn lòng truyền lại tất cả những gì mình đã tích lũy được theo năm tháng cho các thế hệ đi sau. Ngày 31/12/1992, Fischer-Dieskau chính thức giã từ sự nghiệp 50 năm ca hát vinh quang chói lọi của mình bằng một dạ tiệc đêm giao thừa ở Munich, tại đây ông đã hát Tutto nel mondo è burla (Falstaff, Verdi). Sau khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, Fischer-Dieskau dành thời gian viết sách, đúc kết lại toàn bộ kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật của mình, diễn giải về cách ông cảm nhận lieder và thể hiện chúng. Đây là những tài liệu có giá trị vô song để tham khảo, tổng hợp toàn bộ những tri thức của “Nghệ sĩ lieder vĩ đại nhất thế giới) như tạp chí Time phong tặng. Một niềm đam mê khác của Fischer-Dieskau ngoài âm nhạc là hội họa, ông vẽ rất nhiều, trong đó đáng chú ý là những bức tranh miêu tả cho những lieder mà ông đã hát. Chúng rất thú vị và phần nào đại diện cho cảm nhận của người nghệ sĩ về những tác phẩm mà mình thể hiện.
***
Fischer-Dieskau qua đời vào ngày 18/5/2012, chỉ mười ngày trước sinh nhật lần thứ 87 của ông tại Berg am Starnberger See, cách Munich 25km về phía Tây Nam, ngôi nhà mà ông cùng người vợ thứ tư, giọng soprano Julia Varady sinh sống xen kẽ với ngôi nhà ở Berlin, nơi ông được phong tặng là công dân danh tự từ năm 2000. Tang lễ của ông diễn ra vào ngày 25/5/2012 tại nghĩa trang Heerstrasse, Berlin, được giới hạn trong gia đình và số ít bạn bè thân thiết nhất. Fischer-Dieskau đã nằm xuống nhưng những gì ông để lại vẫn luôn gây choáng ngợp và phấn khích đối với người nghe về những giá trị nghệ thuật mà ông mang lại và cách mà ông gợi mở cho các thế hệ đi sau, như giọng baritone Thomas Hampson nhận xét: “Rất ít nghệ sĩ đạt được mức độ được công nhận, ngưỡng mộ và ảnh hưởng như Fischer-Dieskau, và thậm chí còn ít nghệ sĩ trực tiếp chứng kiến tầm ảnh hưởng đó được thực hiện trong suốt cuộc đời của họ. Mở ra kỷ nguyên ghi âm hiện đại, ông thách thức nhận thức và quy trình của chúng ta về cách có thể thực hiện các bản ghi âm, khám phá khả năng ghi âm hiện đại và khai thác tiềm năng phổ biến của âm nhạc cổ điển – và tất cả những điều này trong khi thiết lập các tiêu chuẩn về thành tựu nghệ thuật, tính toàn vẹn, chấp nhận rủi ro và lý tưởng thẩm mỹ đã trở thành tiêu chuẩn mới của chúng tôi. Bất cứ khi nào chúng ta đắm chìm trong vẻ đẹp giọng hát của ông, tôn kính sự khai sáng, ngạc nhiên về sức mạnh trí tuệ của ông, hoặc chỉ đơn giản là bất ngờ về khả năng thể chất đáng kinh ngạc trong suốt tất cả những gì ông ấy đã đạt được trong sự nghiệp ghi âm lâu dài của mình, chúng tôi cũng phải dừng lại và nói lời cảm ơn vì nghệ sĩ vĩ đại này, người có di sản, giống như một ngôi sao sáng lớn và soi đường cho những ai theo đuổi niềm đam mê ca hát của ông ấy, là mẫu mực về mọi mặt”.□
Nguồn:
https://www.nytimes.com/2012/05/19/arts/music/dietrich-fischer-dieskau-german-baritone-dies-at-86.html
https://www.theguardian.com/music/2012/may/18/dietrich-fischer-dieskau
https://www.npr.org/sectionsdeceptivecadence/ 2012/05/18/152991743/remembering-a-born-god-among-singers-dietrich-fischer-dieskau
Bài đăng Tia Sáng số 1+2/2025