Độc đáo Nguyễn Tư Nghiêm
Nguyễn Tư Nghiêm là người ra đi cuối cùng trong bộ tứ Nghiêm – Liên – Sáng – Phái, và có lẽ sẽ là người còn được hậu thế nhắc đến nhiều nhất.
Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm (1922 – 2016).
Tranh của Nguyễn Tư Nghiêm không tạo ấn tượng tinh tế phảng phất như của Dương Bích Liên, không thăm thẳm dữ dội như của Nguyễn Sáng, không nồng nàn mê mải như của Bùi Xuân Phái. Tóm lại, cái đẹp trong tranh Nghiêm không dễ lột tả bằng một hai ngôn từ mang hơi hướm văn chương. Nó đòi hỏi sự cảm thụ mộc mạc và đi vào bản chất tạo hình hơn.
Có hai đặc trưng độc đáo rất cơ bản trong tranh của Nghiêm, mà đỉnh cao nhất là ở loạt tranh múa cổ:
– Những nét bẻ góc tạo sinh lực cho hình, trong đó lấy xương sống là những góc vuông khỏe khoắn.
– Tiết tấu hình kết nối xoay vòng, dẫn mạch sinh khí chạy liên miên không dứt, đồng thời cho phép người vẽ chiếm lĩnh không gian một cách chủ động và triệt để.
Hai đặc sắc trên có thể ông học được từ ngôn ngữ mỹ thuật cổ của trống đồng và điêu khắc đình làng. Hẳn có người sẽ muốn bổ sung thêm cả tinh thần xuề xòa, tung tẩy phóng khoáng từ gốm Trần, nhưng nhìn chung tinh thần ấy ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều họa sỹ Việt Nam khác, không dễ để phân biệt rạch ròi thành một đặc trưng riêng có ở Nguyễn Tư Nghiêm. Ngoài ra, tất có thể có những ảnh hưởng từ phương Tây như chủ nghĩa Lập thể của Picasso hay bố cục hình chạy xoay tròn trong loạt tranh Múa của Matisse…
Bức Điệu múa cổ. 1970, sơn mài. Nguồn: vietnamfineart
Dù ảnh hưởng đến từ đâu thì điều đáng kể là Nguyễn Tư Nghiêm đã chuyển hóa tất cả chúng thành một hệ “cú pháp” chặt chẽ của riêng mình. Xưa nay, ngoài ông hiếm có họa sỹ Việt Nam nào thực sự tạo được hệ cú pháp riêng, và nếu có thì cũng không mạch lạc, cô đọng, giàu sức thuyết phục được như vậy. Ông đã làm được điều mà rất nhiều họa sỹ khác, không chỉ trong nước mà cả quốc tế, chỉ dám mơ ước.
Đương nhiên, bao trùm lên tất thảy là tài hoa của nghệ sỹ trong việc nắm bắt và lột tả thần thái của sự vật. Các nhân vật trong mỗi bức múa cổ chỉ có vài nét chấm phá, nhưng mỗi nhân vật đều có thể là một sắc thái tình cảm, tính cách, một thân phận riêng, đồng thời mỗi cá thể riêng khác vẫn tương tác chặt chẽ, hài hòa với tổng thể chung.
Tính hệ thống chặt chẽ đồng hành với việc đảm bảo sự riêng biệt cho mỗi cá thể là một đặc điểm xuyên suốt khác trong tranh của Nguyễn Tư Nghiêm, bao gồm cả thời kỳ khi ông còn chưa vẽ theo lối cách tân. Điển hình như bức Con nghé quả thực (1957), một tác phẩm vẽ về đề tài cải cách ruộng đất, với chỉnh thể toát lên tinh thần tuyên truyền cổ động đặc trưng của thời đại, nhưng người nghệ sỹ vẫn không quên khắc họa một em bé buồn so nép sau gốc chuối nhìn sang chú nghé con hoang mang giữa những người lạ. Tác phẩm là một ví dụ minh chứng cho thực tế rằng, với nhãn quan đặc biệt và tâm hồn nghệ sỹ ngay thẳng của mình, dù vẽ theo định hướng nào, chủ đề nào, phong cách nào, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn luôn giữ được sự độc đáo.
Bức Con nghé quả thực, 1957, sơn mài. Nguồn: vietnamfineart