Đọc lại Harry Potter: Albus Dumbledore và biểu tượng của thượng đế

24 năm trước, một ngày cuối tháng bảy, nhà xuất bản Bloomsbury phát hành 500 bản cuốn sách với tựa đề "Harry Potter và Hòn đá phù thủy" của một tác giả chưa ai biết. Trước đó, bản thảo từng bị từ chối 12 lần cho đến khi Barry Cunningham, một người làm trong lĩnh vực xuất bản từng làm việc với Roahl Dahl, quyết định rằng nên cho nó một cơ hội. Vậy là Harry Potter ra đời, và phần còn lại là lịch sử.

Saul Bellow từng viết: “Một nhà văn không thể khiến cho đại dương xao lãng thôi chuyển động, nhưng anh ấy hay cô ấy đôi khi có thể xen vào giữa những người bị xao lãng một cách điên cuồng và những nguồn cơn gây xao lãng. Anh ấy hay cô ấy làm được điều đó bằng cách tạo ra một thế giới mới”1. Chính vào thời điểm khắp mọi nơi đang trải qua cơn bĩ cực hẳn là tồi tệ nhất trong nhiều nhiều thập kỷ, việc đọc lại toàn bộ 7 phần Harry Potter trong gần một tháng rưỡi gần như chỉ ở giữa bốn bức tường thực sự khiến cho tôi hiểu tại sao những người Hy Lạp xưa sau khi thưởng thức các vở bi kịch lại sáng tạo ra từ “catharsis”, sự thanh tẩy những xúc cảm, những nỗi sợ hãi ra khỏi cơ thể, sự giải phóng những uế tạp trong tâm hồn nhờ nghệ thuật. Đọc Harry Potter tự thân nó là một cuộc hành trình, ta rời khỏi thực tại hỗn độn, ly tán, phân mảnh và thấy mình trong một cuộc chiến cổ sơ giữa cái thiện và cái ác, giữa cái thiện và cái nhập nhằng, giữa cái đúng và cái dễ, giữa tình yêu và cái chết. Có thể rằng trên đời không có cuốn sách đạo đức hay phi đạo đức mà chỉ có sách hay hay sách dở, nhưng Harry Potter là một cuốn sách vừa hay vừa đạo đức, một thứ đạo đức trong sáng đến mức mà khi so cùng nó, những cuốn sách tra vấn về sự tồn tại của đạo đức bỗng trở nên cau có, giả tạo, kiểu cách và chẳng đáng tin. Một cách tự nhiên, nó khiến ta muốn sống, muốn yêu, muốn giữ gìn linh hồn toàn vẹn, muốn chiến đấu vì những điều tốt đẹp, và khi nhìn thật kỹ, ta sẽ thấy thiện – ác có ranh giới ngăn chia chứ không phải giữa chúng là một khoảng xám mơ hồ.

Với một tác phẩm đồ sộ như vậy, người ta có thể tạo ra cả một chuyên ngành chỉ nghiên cứu riêng về nó và có ối thứ để luận bàn về nó từ năm này qua năm khác. Và trong vô vàn những đề tài hiện ra trong đầu khi tôi bắt đầu gõ những dòng này, tôi nghĩ mình sẽ thu hẹp ống kính về phía Albus Dumbledore, một nhân vật bí hiểm, phức tạp – sự bí ẩn, phức tạp rất khác với Severus Snape, bởi nếu như sau khi khép lại câu chuyện thì ta cũng đã có một hiểu biết hoàn chỉnh về Snape, thì ngay cả khi khép lại câu chuyện, ta vẫn thấy còn quá nhiều khoảng trống nơi Dumbledore cho trí tưởng tượng tung hoành, và thậm chí ngay cả câu hỏi đơn giản nhất về cụ cũng thách đố ta, câu hỏi: Dumbledore thực sự là ai?

Dumbledore thực sự là ai? Pháp sư vĩ đại và xuất chúng nhất mọi thời? Người duy nhất mà Kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy e sợ? Vị hiệu trưởng đáng kính nhưng phong cách có chút khùng điên? Tổng tư lệnh của toàn bộ kế hoạch hạ gục Voldemort, người vẫn âm thầm điều binh khiển tướng và tạo sức ảnh hưởng sâu sắc trong từng đường đi nước bước của cả cuộc chiến chống thế lực Hắc ám ngay cả khi đã chết? Một triết gia? Một người ông đôi khi hơi “cám hấp” nhưng giàu tình yêu thương với Harry và những người bạn? Một vĩ nhân bị hành hạ bởi quá khứ và mang nỗi day dứt không bao giờ vơi cạn? Thậm chí có cả giả thuyết cho rằng cụ chính là Thần Chết như trong truyện cổ về ba anh em nhà Peverell, người đã đặt ba Bảo Bối Tử Thần một cách ngẫu nhiên hoặc cố ý vào tay Voldemort, Severus Snape và Harry Potter (một giả thuyết được J.K Rowling yêu thích). Có thể đọc về Dumbledore theo bất cứ cách nào và chẳng phải đó là cái hay của một nhân vật lớn, một tiểu thuyết lớn – luôn luôn như một bộ bài bất tận mà mỗi lần rút thăm ta lại nhận được một thẻ bài khác không trùng lặp. Và trong lần đọc lại Harry Potter sau đâu đó chục năm, bản thân tôi cũng hình thành một kiến giải nữa về nhân vật hóc hiểm này – Dumbledore bóng hình một thượng đế.

Trước hết, Dumbledore dường như là người luôn biết chính xác điều gì sẽ xảy ra và là bậc thầy tính toán kế hoạch cho mọi sự, kể cả cái chết của mình. Ngay cả sau khi Dumbledore đã tử tận trên tháp Thiên Văn, ta vẫn thấy bóng dáng của vị pháp sư lỗi lạc ẩn hiện trong mọi diễn biến của phần bảy, trong sứ mệnh để lại cho Harry, trong những hướng dẫn mà cụ gửi gắm từ di chúc, trong nghĩa vụ bảo vệ trường Hogwarts mà cụ giao cho Severus Snape, trong mệnh lệnh trao gươm, nhưng hơn cả, trong hành trình chết đi sống lại của Harry. Tài tình thay, Dumbledore dẫu đã nhìn trước cái chết của Harry là tất yếu nếu muốn tiêu diệt Voldemort, nhưng cụ vẫn không ngừng tìm kiếm hy vọng để cậu từ cái chết trở về. Ta hãy đọc lại đoạn này từ phần bốn, sau khi Harry thoát trong đường tơ kẽ tóc từ cuộc chạm trán với Voldemort:

Harry nói với cụ Dumbledore: “Hắn nói là xài máu của con sẽ làm hắn mạnh hơn máu của bất cứ người nào. Hắn nói là hắn cũng sẽ có được sự bảo vệ – mà má con đã để lại trong con. Và hắn nói đúng – hắn đã chạm được vô người con mà không hề hấn gì, hắn đã rờ mặt con”.

Hary cảm thấy như thoáng qua trong mắt thầy Dumbledore có cái gì đó giống như là vui mừng, hân hoan.

Đến chương Ngã Tư Vua của phần cuối, ta mới hiểu tại sao cụ lại mừng. Bởi đúng như những gì cụ dự đoán, phần máu của Lily Potter vẫn còn thì Harry chưa thể chết. Cái hay là, cụ lại không nói điều đó trước cho Harry, bởi cụ còn một màn “dàn trận” sâu xa hơn cả: bằng cách để Harry sẵn sàng hy sinh dẫu đinh ninh mình phải chết, Harry sẽ tạo nên một bùa chú giúp những người đứng về phía cậu có sự miễn nhiễm trước Voldemort – bùa chú của tình yêu, một pháp thuật cổ xưa mà 16 năm trước, Lily Potter đã ngẫu nhiên dùng đến để che chở đứa con trai một tuổi. Nước cờ này không được đề cập cụ thể trong tác phẩm, nhưng hãy nhớ lại rằng sau khi Harry hồi sinh, ba giáo sư của cậu đã đấu với Voldemort nhưng không ai gặp thương vong gì lớn. Ta buộc phải tự hỏi đó có phải nhờ sự xuất sắc của họ không? Nhiều khả năng là không, với những gì ta đã thấy về quyền phép của Voldemort thì ba người kia dù cộng lại cũng khó là đối thủ. Khả năng cao hơn, là vì họ đã có “lá bùa” từ lựa chọn xả thân trước đó của Harry trong Rừng cấm. Thêm chi tiết cậu bạn Neville Longbottom cũng bình an vô sự trước bùa chú thiêu đốt của Voldemort càng khẳng định suy luận này.

Vậy là, một cách dễ thấy, những thứ quan trọng nhất đều không thoát khỏi dự đoán của Dumbledore. Điều đó chưa nói lên Dumbledore mang bóng hình một thượng đế, nhưng nó cho thấy cụ có một cái nhìn toàn cảnh của một người đứng cao hơn tất thảy.

Đọc Harry Potter tự thân nó là một cuộc hành trình, ta rời khỏi thực tại hỗn độn, ly tán, phân mảnh và thấy mình trong một cuộc chiến cổ sơ giữa cái thiện và cái ác, giữa cái thiện và cái nhập nhằng, giữa cái đúng và cái dễ, giữa tình yêu và cái chết.

Giờ, ta đi tiếp một bước nữa để thấy Dumbledore am hiểu về con người ra sao. Ở phần bảy, Harry sau những oán trách và hờn giận, đã thừa nhận rằng có lẽ cụ hiểu mọi người và hiểu cậu. Cụ luôn đúng. Hơn ai hết, cụ hiểu cái gì khiến Sirius Black chết, và không phải hiểu trên hình thức những sự kiện, mà trên luật nhân quả. Cụ đã thấy trước số phận của Peter Pettigrew ngay từ khi Harry không để cha nuôi Black giết y. Cụ tin tưởng Severus Snape một cách vô lý bởi cụ quá hiểu con người này và đọc được tâm tư của thầy dù cho thầy có giỏi Bế quan Bí thuật tới nhường nào. Cụ biết Ron sẽ bỏ đi và sẽ muốn trở về nên trao cho Ron chiếc Tắt lửa. Cụ quá tường tận bản tính anh hùng của Harry nên mới lên một kế hoạch để Harry tiêu diệt Voldemort. Và cụ thắng Voldemort nhờ thấu triệt bản chất của y, kẻ mà cụ luôn khinh rẻ không hẳn chỉ vì y tàn độc – điều mà một đứa trẻ lên ba cũng thấy, mà vì với cụ, y ngu dốt (ngoài Dumbledore ra không ai thật sự dám nghĩ như vậy. Harry Potter có thể can đảm và không sợ đối đầu với y, nhưng hiển nhiên cậu không cho rằng y là kẻ ngu dốt), và cách mà cụ thường xuyên gọi y bằng cái tên cúng cơm Tom Riddle, cái tên tôm tép tầm thường nhãi nhép, là cách cụ cho thấy cụ quá rõ về y. Cứ coi Voldemort là hiện thân của ác quỷ, của Satan, thì còn ai có thể thấy những điểm yếu chết người nơi y, coi thường y nếu không phải một bậc thượng đế, hay ít nhất, một đấng toàn tri.

 Các giáo sư Minerva Mcgonagall, Albus Dumbledore, Severus Snape và Harry Potter. Nguồn: bookriot.com

Và đến đây, ta sẽ đi tới một luận điểm quan trọng về mối quan hệ giữa cụ Dumbledore và những người xung quanh mình, điểm khiến cho Dumbledore rất giống với bóng hình một thượng đế trong cuốn tiểu thuyết này.

“Con không bỏ đi được,” Harry nói. “Con có một công việc…”

“Giao việc đó cho người khác!”

“Con không giao được! Phải do chính con làm. Thầy Dumbledore đã giải thích tất cả…”

“Ối, ổng có giải thích thiệt không? Và ổng có nói với bây mọi thứ, có chân thật với bây không?”

Harry thật lòng muốn nói “Có”, nhưng chẳng hiểu sao cái chữ đơn giản đó không chịu bật ra môi nó, cụ Aberforth dường như hiểu nó đang nghĩ gì.

Cuộc hội thoại giữa Harry và cụ Aberforth, người em trai của Albus Dumbledore, trong chương Mảnh gương thất lạc của phần cuối bộ truyện chỉ là một trong rất nhiều đoạn mà Harry phải đấu tranh với niềm tin vô điều kiện vào cụ Dumbledore. Cụ không bao giờ nói cho cậu toàn bộ sự thật, mà cụ cũng chẳng nói với ai toàn bộ sự thật, ngay cả người tin cẩn nhất là Severus Snape. Khi Snape được tiết lộ rằng Harry sẽ phải chết một ngày nào đó, bậc thầy Độc dược giận dỗi nói Dumbledore đã lợi dụng mình, và bấy nay ông cứ nghĩ mình làm mọi điều để bảo vệ đứa con của Lily Potter. Còn Harry, chẳng cần nói, gần như toàn bộ phần bảy, cậu luôn tự hỏi mình tại sao cậu phải làm tất cả những gì cụ muốn trong khi cụ không để lại một chỉ dẫn cụ thể, cậu cứ buộc phải tin cụ, hết lần này đến lần khác, mà không được giải thích. Và sau cái chết của con gia tinh dũng cảm Dobby, khi Harry đã “quyết định sẽ đi tiếp con đường khúc khuỷu hiểm nghèo mà cụ Dumbledore đã chỉ cho nó, quyết định chấp nhận là nó đã không được cho biết mọi thứ mà nó muốn biết, mà chỉ có tin thôi. Nó không muốn phải nghi ngờ một lần nữa…”, thì Aberforth xuất hiện và nói những điều như thế.

Cách mà Harry, Severus Snape cùng tất cả những thành viên Hội Phượng hoàng phải tin tưởng tuyệt đối vào cụ Dumbledore, kể cả khi cụ yêu cầu mọi người tin Snape là người phe ta rồi lại yêu cầu Snape tự tay giết cụ, kể cả khi cụ dẫn dắt Harry vào một con đường u tối mà nhìn theo cách nào cũng là quá sức với một đứa trẻ 17 tuổi, khiến ta nghĩ đến tích về Abraham phải giết đứa con trai duy nhất. Tại sao Thượng đế phải yêu cầu một điều như vậy ở tín đồ của mình? Bởi đó là cách duy nhất để chứng minh đức tin tuyệt đối. Thượng đế tưởng thưởng cho Abraham vì sẵn sàng hy sinh con trai không thắc mắc. Thượng đế ngợi khen Job vì ngay cả khi ông bị tước đoạt hết gia đình và của cải, ông vẫn luôn ngoan đạo và tin vào công lý của trời. Nếu như Thượng đế không cho ta biết tất cả, thì đó là ngài có lý do của ngài, và việc của con người không phải là nghi hoặc. Và trường đoạn Harry một mình bước vào Rừng cấm để chết theo những lời căn dặn của cụ Dumbledore mà nó xem được từ k‎ý ức còn lại của thầy Snape, nó là trường đoạn của lòng can đảm vô biên, nhưng cũng là trường đoạn của một đức tin vượt ngưỡng, hệt như cảnh Abraham đưa đứa con lên núi làm lễ tế thần, Moses dẫn đoàn người băng qua biển hay khi Jesus bị đưa lên thập tự. Harry đã rất nhiều lần ngờ vực cụ, mà cũng đúng thôi, ngay cả Jesus cũng có lúc lung lay, tự hỏi tại sao Chúa cha bắt mình chịu đựng những thống khổ này, nhưng cuối cùng, đức tin vẫn chiến thắng. Cậu đối diện với cái chết không nao núng. Và sau khi chịu lời nguyền của Voldemort, cậu đã gặp ai ở vùng biên giữa sống – chết? Chính là Dumbledore! Cũng như Thượng đế đã hiện ra khi Abraham vung dao về phía con mình.

Và một điều nho nhỏ nữa ở Dumbledore mà có lẽ chỉ một đấng toàn năng, một đấng thánh thần mới có được, đó là tri thức tổng vềchân lý. Nhiều người đọc hết phần bảy cho rằng Dumbledore là một nhà lãnh đạo lạnh lùng sẵn sàng thí mạng những cá nhân để đạt được thành tựu lớn.

“Cụ đã giữ gìn thằng nhỏ sống còn là để nó có thể chết vào đúng thời điểm ư?”

“Đừng quá xúc động, thầy Severus à. Thầy đã thấy bao nhiêu đàn ông và đàn bà chết rồi?”

Cụ trả lời nhẹ như bẫng về định mệnh phải chết của Harry, trước sự hãi hùng của thầy Snape. Tuồng như không có một chút thương cảm, bởi dẫu sao cái chết là điều không tránh khỏi với bất cứ ai. Và riêng đoạn này có thể nhắc ta nhớ đến trong sử thi Mahabharata, phân đoạn thần Krishna khuyên bảo người anh hùng Arjuna xung trận đã tạo nên Chí Tôn ca nổi tiếng. Sử gia Will Durant từng ghê sợ cho rằng làm sao lại có một vị Thượng đế khát máu như vậy, nhưng đó là bởi là người phàm, ông không thấy cái quang cảnh triết học rộng lớn của đấng toàn năng: “Bởi vì đối với kẻ nào sinh ra thì cái chết tất nhiên phải có, và đối với kẻ chết đi thì sự sinh tất nhiên phải có. Việc không tránh khỏi, ngươi cần gì phải sầu não.” Sự thông thái ấy là sự thông thái bất khả tri, vượt ngoài giới hạn hiểu của chúng ta.

Nhưng cũng chớ cho rằng Dumbledore không có lòng xót thương. “Đừng xót thương những người đã chết, Harry. Hãy xót thương những kẻ sống, và trên hết, những kẻ sống mà không biết yêu”, cụ nói. Hơn một lần, Harry hỏi cụ rằng nó có gì để chống lại Voldemort, cụ đều trả lời rằng, cậu biết yêu. Tình yêu – một tình yêu ở nghĩa phổ quát nhất – Dumbledore tin rằng nó là thứ duy nhất bảo vệ ta khỏi ác ma, một thứ tín ngưỡng nghe như cổ tích và chuyện trẻ con, đến Harry nhiều khi cũng không tin nổi, nhưng cuối cùng, là thật. Harry còn sống xét cho cùng là nhờ tình yêu của má Lily. Harry lấy được chiếc cúp của Hufflepuff xét cho cùng là vì cậu đã thể hiện rằng cậu biết yêu những sinh linh bé nhỏ như Dobby. Harry có thể giả chết trong Rừng Cấm xét cho cùng là vì cậu đã gạt hết hiềm thù để cứu Draco Malfoy trong cơn nguy khốn. Ta có thể coi Harry như một nhà tiên tri được lắng nghe lời sấm truyền của Thượng đế, và chặng đường của cậu đã chứng ngộ đức tin. Còn về Dumbledore, chính cụ cũng thực hành điều đó cả ở những đoạn cuối cuộc đời. Như thượng đế dạy ta nếu ai đó tát ta má bên phải thì ta hãy chìa ra má bên trái, Dumbledore chỉ định thầy Snape phải giết mình thay cho Draco Malfoy chỉ bởi vì “linh hồn thằng nhỏ còn chưa chịu tổn thương” và cụ không muốn “xé nát linh hồn đó”.

Dĩ nhiên, Dumbledore đầy những khiếm khuyết và cũng không ít lần sai sót. Kế hoạch giữ chiếc đũa phép Cơm Nguội của cụ thật hoàn hảo nhưng đã có sơ hở dù cuối cùng nó vẫn thành công. Cụ, bất chấp vẻ điềm nhiên, vẫn chịu đày ải mãi mãi bởi lầm lỗi trong quá khứ, như khi cụ gạt nước mắt thổ lộ về số phận người em gái hay về mối giao tình thời trai trẻ với pháp sư hắc ám Grindelwald, khi cụ bị cám dỗ bởi hòn đá phục sinh, khi cụ quằn quại trong ký ức khơi lên từ thuốc độc trong hang đá. Khi so với một đứa trẻ với trái tim thánh thiện, tâm hồn trong sáng đầy tình yêu, và ngay từ tuổi mười một đã có thể đứng trước chiếc gương Ảo ảnh và lấy được hòn đá phù thủy nhờ không muốn lấy nó để phục vụ cho bản thân như Harry, Dumbledore tự thấy cụ thật khiêm nhường, đôi khi, ngu dốt, điều cụ vẫn giễu cợt về quỷ dữ Voldemort. Và nói cho cùng, cứ cho thượng đế có thể là đấng thấu suốt về cái ác. Nhưng kẻ mang sứ mệnh diệt trừ cái ác, kẻ có thể diệt trừ cái ác là con người – con người trong tất cả những sự yếu đuối về thân xác và sự hạn hẹp về quyền năng của mình.

Hành trình con người thì bao giờ cũng anh hùng hơn hành trình của thượng đế. Nhưng thượng đế thì không cần là một anh hùng.□

—–

1. Saul Bellow là nhà văn Canada – Mỹ từng giành giải Nobel Văn học năm 1976, giải Pulitzer năm 1976, giải Huy chương quốc gia về Nghệ thuật năm 1988 và giải Sách quốc gia ba năm 1954, 1965, 1971. Một số tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt: Henderson, Ông hoàng mưa, Herzog, Cuộc phiêu lưu của Augie March.

Tác giả

(Visited 92 times, 1 visits today)