Đọc sách: Đà Lạt, một thời hương xa*

Cuốn sách mới của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên không hòng phục dựng toàn cảnh, nhưng tái tạo được nguyên vẹn bầu không khí, linh hồn, tinh thần và cốt cách của Đà Lạt thuở ấy, thuở hương xa.


Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên tại thư viện tỉnh Lâm Đồng. Ảnh do nhà văn cung cấp.

Sau cuộc rút lui cuối cùng năm 1954, di sản người Pháp để lại cho Đà Lạt không chỉ là những biệt thự đẹp đầy chất thơ rải rác khắp sườn đồi, thung lũng, mà còn là tinh thần châu Âu thanh lịch, tinh tế, tự do, cởi mở. Kế thừa “hương xa” từ Pháp quốc, với nỗi khát khao được mở rộng tầm nhìn đến với thế giới của văn minh, người Việt đã biến Đà Lạt thành một đô thị của học thuật, nghệ thuật, và tư tưởng. Lần theo những ký ức đã tản mác khắp nơi, Nguyễn Vĩnh Nguyên tìm thấy những số phận từng gieo trồng nên Đà Lạt của tao nhân mặc khách, chốn ẩn thân an ủi của biết bao con người trong vòng cương tỏa của chính trị và nỗi ám ảnh chiến tranh. Là Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam, nhà văn, nhà chính trị, đã đến với Đà Lạt như tìm đến chốn quy ẩn của tâm hồn, như một cuộc đào thoát khỏi nỗi bất trắc của sự nghiệp chính trị gia. Là nhà nghiên cứu Nguyễn Bạt Tụy, ngọn lửa học thuật tự cháy suốt cuộc đời mình bất chấp thời thế đảo điên. Là vợ chồng nhạc sĩ – ca sĩ Lê Uyên Phương, mà những nhạc phẩm của họ dù không hề nhắc đến tên nhưng vẫn thấm đẫm tinh thần Đà Lạt, tinh thần lãng mạn quay quắt trong sự khủng hoảng hiện sinh của thế hệ sinh ra thời tao loạn. Là Phạm Công Thiện, triết gia lẻ loi trên ngọn đồi mây trổ bông, phiêu bồng trong những chiêm nghiệm say sưa. Là Đinh Cường, Bửu Chỉ, Trịnh Cung với tâm hồn trải ra trên những tấm toan… Tất cả họ, vừa rất đơn lẻ, cá nhân, vừa đủ sức phóng chiếu và đại diện cho tinh thần thời đại và vùng đất họ chọn.

Trong cuốn sách này, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã nhắc tới một nền học thuật tự do, nền tảng cho sự nảy nở của sáng tạo. Nền học thuật ấy đã mở ra biết bao cánh cửa cho những con người ưu tú, khai minh cho biết bao đầu óc say mê tìm hiểu thế giới. Đà Lạt không còn là thành phố nghỉ dưỡng như năm xưa Paul Doumer muốn mà nó còn tham vọng vươn lên để chạm đến tinh hoa học thuật, nghệ thuật thế giới.

Ngày nay, Đà Lạt không còn gì nhiều ngoài cái bóng ký ức phủ phất trên những nẻo đường, trong những căn biệt thự cũ đã chồng chất biết bao tên đường và địa chỉ, trong những bóng người đi về giáo đường, chậm rãi, thanh lịch, hiền hòa và… già cỗi. Ở trong họ có cả một Đà Lạt của thời hương xa, một Đà Lạt đang dần mất đi và có thể là mất đi mãi mãi… Cuốn sách là một chuyến du khảo ngược về quá khứ, gầy dựng phục chế kỷ niệm, vén những màn mây huyền thoại phủ vây Đà Lạt trong tâm thức biết bao người. Nguyễn Vĩnh Nguyên trả lại cho đô thị này những gì nó từng có, vẻ rực rỡ nó từng mang. Rũ khỏi định nghĩa hời hợt như một “thành phố du lịch”, Đà Lạt về với chính mình như một nơi lưu giữ và chất chứa văn hóa. Giữa lòng những đổi thay ngổn ngang, ta thỉnh thoảng bắt gặp một dấu xưa vết cũ của thời hoàng kim chưa kịp chìm trong phôi pha, còn in dáng đi thong dong tư lự của những người năm cũ. Họ vẫn giữ cho mình một Đà Lạt như cách ta giữ cho mình những kỷ niệm của riêng ta, đơn độc, cá nhân nhưng đủ sức để nhắc nhớ về thời đại của mình, thời hương xa chưa bao giờ đi vào quên lãng.
———
* Nguyễn Vĩnh Nguyên – Đà Lạt, một thời hương xa: Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 – 1975 (NXB Trẻ, tháng 10/2016).

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ với Tia Sáng vì sao Đà Lạt, một thời hương xa không đơn thuần là một cuốn sách khảo cứu.
Nếu là khảo cứu – chỉ dừng lại ở việc sao lục, xử lý, thẩm định và đưa ra hệ thống quan điểm riêng, thì với tôi, sẽ chưa đủ để tái hiện một không khí, gợi tưởng không gian về văn hóa đô thị Đà Lạt thời hoàng kim mà tôi gọi là exotic (hương xa). Với tôi, bản thân những gì xảy ra trong cuộc du hành về quá khứ, những cảm nhận trong công việc tìm kiếm các văn bản phủ bụi, sự trải nghiệm cá nhân trong hành trình sẽ tạo ra một phần màu sắc không thể thiếu của một cuốn sách “đập gương xưa tìm bóng”. Chính vì thế, ngay từ ban đầu, trong hình dung ý tưởng tổng thể của cuốn sách, tôi đã có sự chủ động phương pháp, phân định loại thể, đã muốn giảm nhẹ yếu tố sách vở, hạn chế sự nghiêm trang/nghiêm trọng của việc khảo xét, tìm cứu trên văn bản để mở rộng, phối hợp với những trải nghiệm, suy niệm cá nhân trong một cuộc du hành. Gọi du khảo là theo ý hướng như thế.
Tôi dành ba năm cho cuốn sách. Cái khó không nằm ở việc ngồi ở Sài Gòn, đóng cửa, bật máy lạnh 17 độ (bằng nhiệt độ lý tưởng ở Đà Lạt) để ngồi viết ra, mà là ở những chuyến trở về Đà Lạt để tìm kiếm tài liệu trong các kho lưu trữ của nhà nước, tổ chức tôn giáo và cả trong dân. Trong một điều kiện mà tài liệu liên quan đến văn hóa, xã hội, chính trị giai đoạn 1954-1975 của các đô thị miền Nam đều đang được lưu trữ trong các kho hạn chế của thư viện nhà nước, thì việc tìm kiếm, sở đắc đôi khi là những “rập rình” hay tính toán cân não. Có những chuyến đi về tay không, nhưng đổi lại là những trải nghiệm lý thú. Có những tài liệu quý giá nằm ở nơi ta không thể ngờ. Cũng có những thứ ta tưởng tượng là rất ghê gớm, lại không thể dùng được nhưng đã quá tốn công tìm kiếm. Đặc biệt, Đà Lạt là xứ mộng, nên quá nhiều huyền thoại về các nhân vật được thêu dệt, việc đi xuyên qua các lớp sương mù để phác thảo họ theo cách của mình cũng là một cuộc tri hành lý thú…
Sau một hành trình dài, lặng lẽ và đơn độc, tôi thấy ít ra, tự mình đã trả lời xong các nghi vấn của mình. Như vậy là đủ. Thật tình không nghĩ cuốn sách được đón nhận tốt như vậy [được tái bản sau 10 ngày ra mắt]. Thật khó mà lý giải về sự tiếp nhận tích cực, chỉ có thể đoán rằng: trước hết, chắc là nhiều người vì yêu mến, gắn bó nhiều kỷ niệm với Đà Lạt mà mua sách; cũng có thể nhiều người mua sách vì sự hiếu kỳ về một giai đoạn mà gần nửa thế kỷ qua, ít được nhắc đến chính thức.
Tôi đang thực hiện một dự án du khảo độc lập mới về văn hóa đô thị Sài Gòn trước năm 1975, dự định trong một năm là hoàn thành. Và một dự định “khảo” tiếp về Đà Lạt có lẽ khá dài hơi, chưa dám nói trước điều gì.

Tác giả

(Visited 23 times, 1 visits today)