Đọc sách: Kiều bào và quê hương

Nhằm thể hiện tình cảm thiêng liêng của các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đồng bào và Tổ quốc, mặt khác cũng phải nói lên được mối quan hệ huyết mạch không thể chia lìa của Tổ quốc và đồng bào trong nước đối với những người con xa xứ, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh phối hợp với NXB Trẻ xuất bản sách Kiều bào và quê hương..

Đặc điểm chung nhất và lớn nhất của các cộng đồng kiều bào là hoàn cảnh sống xa quê hương và bà con thân thuộc. Có khi chỉ cách một khoảng vài cây số bên kia cột mốc biên giới với các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Trung Quốc. Có khi cách xa nửa vòng trái đất, tận châu Âu, châu Mỹ. Có khi heo hút nơi chân trời góc biển như Tân Đảo (Nouvelle Calédonie), Mã Đảo (Madagascar), Bồng Đảo (La Réunion), Guyana (Mỹ Latinh… Có khi phải lật lại những trang sử cũ từ thời Giao Chỉ, Giao Châu, dò tìm theo những dấu chân phiêu bạt xem thử tiền nhân đã đi đến đâu và lưu lại dấu tích gì để bổ sung vào những truyền thuyết của con Hồng cháu Lạc.

Đọc Kiều bào và quê hương không thấy phân biệt rạch ròi giữa tình cảm và hành động yêu nước của những kiều dân đã định cư lâu dài, còn hay không còn giữ quốc tịch hoặc những người lưu trú có thời hạn để công tác, học tập, chiến đấu… Có những người lăn lộn trong phong trào đấu tranh tại chỗ, nhưng cũng có những người thầm lặng mang ngọn lửa trong tim về thắp sáng quê nhà. Thậm chí có người chỉ mới quá cảnh, chân ướt chân ráo như Phạm Hồng Thái – chỉ sau khi đã hy sinh mới có thể gọi là kiều bào trên bia mộ… Hãy nhìn họ như những cánh chim viễn xứ đã tung cánh bay khắp bốn phương trời nhưng lòng vẫn thương cây nhớ cội.

Những ai đi xa mà còn nuôi nấng ấp ủ tình cảm thiêng liêng ấy như ngọn lửa ấm trong tâm hồn thì dù xa nhưng không lìa, lưu mà không vong – cái được, cái mất dù ít dù nhiều cũng không thể sánh bằng cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam.

Thực tế cho thấy qua nhiều thế hệ tấm lòng của kiều bào ta hướng về Tổ quốc không chỉ thể hiện bằng tình cảm đơn thuần mà còn bằng những hành động cụ thể, thậm chí cả những hy sinh cao nhất. Những khi đất nước lâm nguy, nhất là trong suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, kiều bào cũng là một đội ngũ chiến đấu cùng với đồng bào cả nước đứng lên đáp lời sông núi. Biến tình cảm yêu nước thành hành động. Biến hành động thành phong trào. Biến phong trào thành sức mạnh tiến công. Đó là một truyền thống lớn đáng được ghi nhớ và biểu dương như những trang sử hào hùng của dân tộc. Quyển sách này là một tập hợp tư liệu bước đầu về những nhân vật và sự kiện đã làm nên truyền thống vẻ vang ấy.

Sách gồm 3 phần chính :

•    Phần I:       Nhìn từ cội nguồn lịch sử

•    Phần II:      Truyền thống phong trào đấu tranh yêu nước
                        của kiều bào 1945-1975

•    Phần III:     Kiều bào trong thời kỳ đổi mới và mở cửaTừ trước tới nay, trong các cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn thường có những xu hướng đối lập về chính kiến đôi khi rất gay gắt, nhất thời chưa có thể hòa giải được. Âu cũng là một tồn tại của lịch sử, không riêng gì Việt Nam mà là tình trạng chung của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên trong quyển sách này chúng tôi không muốn tô đậm thêm những ranh giới cách biệt. Vì vậy các tác giả đã gửi gắm vào quyển sách này những minh chứng về chân lý của lịch sử, chính nghĩa của dân tộc và tình nghĩa của đồng bào với hy vọng bạn đọc trong và ngoài nước, kể cả những người còn ít nhiều bất đồng chính kiến đều có thể cảm nhận được thiện chí này để cùng nhau kề vai tiến bước trên những nhịp cầu quê hương.

P.V

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)