Đọc sách: “Kỷ niệm thời thơ ấu” của người con gái thủ lĩnh Đề Thám

Hoàng Hoa Thám có năm người vợ, trong đó bà ba là Đặng Thị Nho, sinh hạ được một con gái là Hoàng Thị Thế (1901) và một con trai là Hoàng Văn Vi, còn gọi là Hoàng Bùi Phồn (1908).


Bà Đặng Thị Nho và con gái Hoàng Thị Thế khi bị Pháp bắt năm 1909. Ảnh do Omega+ cung cấp.

Hoàng Thị Thế bị quân đội Pháp bắt hồi tháng 6-1909. Lúc đầu được Bouchet1 nhận trông nom, sau giao cho nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu ở Hải Phòng chăm sóc. Khi Albert Sarraut sang làm Toàn quyền Đông Dương (từ 11-1911 đến 1-1914) đã nhận bà làm con nuôi, lấy tên là Marie Beatrice Destham rồi đưa qua Pháp học khi mới 16 tuổi. Năm 1925, học xong tú tài phần một, bà được đưa về Việt Nam làm thủ thư ở Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Năm 1927, bà được đưa trở lại Pháp. Năm 1930, bà bắt đầu đóng phim. Vai diễn đầu tiên là vai công chúa Trung Hoa có tên Li-Ti trong phim La Lettre (Bức thư) do hãng Paramount sản xuất tại Paris. Năm 1931, bà kết hôn với ông Robert Bourgès – người Pháp gốc Bỉ, sinh được một con trai là Jean-Marie Bourgès (1935), bà tiếp tục có các vai diễn trong các phim La donna Bianca (1931), Le secret de l’émeraude (1935).

Sự hiện diện của bà ở nước Pháp đã tạo nên những chấn động một thời ở trong nước, khiến cho Phan Khôi phải thốt lên: “Trung lập một số vừa rồi có nói chuyện cô Hoàng Thị Thế ở Paris, trong khi quan Tổng thống Doumer bị ám sát có mặt cô ở bên cạnh, chính tay cô đã nâng đỡ cho người bị thương, làm máu me lấm hết cả áo (…). Thật như lời cô nói: Quan Tổng thống Doumer chẳng là người ký Điều ước với ông Đề Thám; từ khi cô được sang Pháp, Ngài lại chăm nom mọi việc của cô; cho đến cô có chồng, Ngài cũng chủ hôn cho nữa; sau lúc Ngài lên làm Tổng thống rồi, cô Thế lại nhờ mối quan hệ ấy mà ra vào đền Elysée được tự do. Tóm lại, cô Thế đối với ông Doumer chẳng khác nào cha con, nay Ngài mất đi, bảo sao cô chẳng đau đớn, thảm sầu.” (Trung lập, Sài Gòn, số 6727, ngày 13- 5-1932).

Năm 1960, Hoàng Thị Thế trở về nước theo lời mời của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lúc đầu ở Hà Nội, sau xin về Bắc Giang để gần gũi với người thân. Bà có nhiều năm gắn bó với Thư viện Hà Bắc ở thị xã và nơi sơ tán thuộc huyện Tân Yên và chính trong những ngày sống giữa những con người và mảnh đất quê mẹ sau nhiều năm xa cách đó, bà đã xúc động ghi lại một số hồi tưởng của mình bằng tiếng Pháp trong một cuốn vở học trò kẻ ô li khổ 16x23cm. Cuốn vở này được để lại tại Thư viện tỉnh vào năm 1974 khi bà được đón về Hà Nội, ngụ tại căn hộ số 31, nhà E1, khu tập thể Văn Chương. Cũng vào năm đó, Ty Văn hóa Hà Bắc tiến hành một đợt khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm tài liệu chuyên đề về cuộc khởi nghĩa Yên Thế và Hoàng Hoa Thám. Ngoài những tư liệu điền dã được phân loại, các tài liệu do người Pháp viết có liên quan được thu thập, phiên dịch, Trưởng ty Văn hóa lúc đó là ông Lê Hồng Dương còn mời các nhà biên kịch về địa phương cùng đi thực tế để hoàn thiện kịch bản phim Thủ lĩnh áo nâu; giao cho Phòng Bảo tồn Bảo tàng phối hợp với Kho Địa chí của Thư viện tỉnh mời nhà thơ Hoàng Cầm, khi đó có bút danh là Lê Kỳ Anh, chuyển ngữ sang tiếng Việt cuốn hồi ký mà bà Hoàng Thị Thế để lại.

Sau mấy tháng, nhà thơ Hoàng Cầm đã hoàn thành bản dịch. Ông tỏ ra thích thú với những câu chuyện được kể vừa tinh tế vừa sống động của người con gái Hùm thiêng Yên Thế. Song ông cũng nhận ra rằng, thông qua những câu chuyện lúc mau, lúc thưa, còn có một cái gì đó thiếu mạch lạc, đôi chỗ như ngừng chảy do trí nhớ lâu ngày quên lãng. Ông cho biết: “Do nhớ đến đâu bà Thế ghi lại đến đó, cho nên người dịch và người biên tập có lúc không khỏi rối bời. Có vẻ như bà nhớ nhiều và thích kể về các cuộc tiếp xúc với các cựu võ quan và giới thượng lưu Pháp. May mà, trong hồi ức, những kỷ niệm về tuổi thơ vẫn còn ăm ắp, lại được bổ sung bởi chuỗi ngày ngụp lặn ở quê nhà. Có được sự trong trẻo, tươi xanh qua lời kể vì bà luôn giữ trong lòng nhiều hình ảnh khó bị mờ phai, ấm áp và rất tình người!” Ông đề nghị ông Lê Hồng Dương giao lại cho tôi2, ngoài việc biên tập, phải tìm thêm tư liệu, hiệu đính những chỗ huyền hoặc, nhầm lẫn hoặc bối rối, rồi mang ra Hà Nội đọc để xin ý kiến cũng như nghe kể thêm từ chính tác giả nhằm bổ khuyết cho những đoạn còn bỏ dở. Khi làm công việc ấy, ông Lê Hồng Dương đề nghị tôi nếu thấy điều gì phù hợp thì cố gắng đưa vào tập sách, sau khi được bà Hoàng Thị Thế chấp nhận. Sau nhiều lần tiếp cận, được bà nhất trí với việc thêm bớt, chúng tôi vui mừng vì đã có trong tay bản thảo hoàn chỉnh.


Hoàng Thị Thế đóng vai Li-Ti trong phim La Lettre, do hãng Paramount sản xuất. Nguồn: Tạp chí Ciné-Miroir tháng 12-1930.

Cuốn hồi ký của bà Hoàng Thị Thế được chia thành 18 đoạn khúc – trong đó có 17 đoạn khúc thuộc về những kỷ niệm thời thơ ấu tại căn cứ Phồn Xương – Yên Thế được bà lần lượt kể dưới các tiêu đề nhỏ: Cội gốc, Cơ nghiệp, Ngày vui, Bị lạc, Nghĩa tình, Người chú, Đấu trí, Bạn hữu, Bình quân, Đi chùa, Quý khách, Lại khách, Mục tiêu, Khởi sự, Trả miếng, Sa cơ, Bị bắt. Chỉ có đoạn khúc cuối cùng, đoạn khúc thứ 18, mang tên Tha hương là dành kể về những ngày đầu bà đặt chân đến đất Pháp và nỗi cảm phục của những binh sĩ, sĩ quan và quan chức nơi chính quốc đã từng ở Việt Nam và chạm trán với Hùm thiêng Yên Thế.

Cuốn hồi ký dẫn người đọc hậu thế trở lại Phồn Xương oai hùng những năm đầu thế kỷ XX. Càng đọc, ta càng như thấy thoang thoảng đâu đó hơi ấm của những gian nhà tường đất mái tranh rộng rãi đêm ngày tiếp đón đủ loại khách lạ, khách quen với những voi ngà, tượng ngọc, cơi vàng, gươm bạc uy nghi… Trong suốt mấy năm mới lớn, bắt đầu nhận biết được người thân kẻ lạ, có lẽ Hoàng Thị Thế chỉ tha thẩn quanh cha mẹ, vì vậy mà ký ức dội về luôn là những cánh rừng xanh ngút ngát, những đồn lũy nhấp nhô uốn lượn theo các triền đồi, những ngày sum vầy bất tận với cô, dì, chú, bác ở mãi tận những nẻo xa xôi nào đó về thăm.

Còn nhớ, vào năm 1975, Kỷ niệm thời thơ ấu được in tới 10.000 cuốn, chỉ trong vòng mấy tháng đã tiêu thụ hết. Khi ấy, mọi người hồ hởi đón nhận ký ức của người con gái vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám với tình cảm thật thiêng liêng. Riêng đối với tôi, lời kể của bà Hoàng Thị Thế: “Cha tôi có một tờ sắc của vua Hàm Nghi” cung cấp một thông tin rằng, phong trào Cần Vương đã từng lan tỏa tới vùng Yên Thế. Trong hàng chục năm trời, tôi cố gắng tìm kiếm nhưng trong cuốn Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1997, tôi vẫn chưa tìm được cứ liệu để chứng minh. Đến Hoàng Hoa Thám (1836-1913) do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành năm 2014, tôi mới tìm được đầu mối của vấn đề và phải tới năm 2016, khi cuốn sách được tái bản, tôi mới tìm được đủ cứ liệu để khẳng định rằng những điều bà kể là đúng, rằng có tới 7-8 năm phong trào Yên Thế trong tên gọi Quân thứ Song Yên nằm dưới sự chỉ huy của Thân Bá Phức, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Nắm thực sự thuộc phạm trù Cần Vương. Nếu không có sự gợi mở của bà, tôi không thể nào biết được điều kỳ diệu đã từng làm nên một phong trào Cần Vương huy hoàng trên mảnh đất quê hương mình.

Mới đó mà đã 42 năm trôi qua. Giờ đây, Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam đã thỏa thuận với gia đình hậu duệ Hoàng Hoa Thám tổ chức tái bản tác phẩm này. Ngoài việc mời tôi – một trong những người tham gia hiệu đính, biên tập, chú giải cho cuốn sách ở lần xuất bản trước – viết lời Tựa, các biên tập viên còn liên hệ với nhà báo Tường Vân – người lưu giữ bản chụp bản thảo viết tay cuốn Kỷ niệm thời thơ ấu bằng tiếng Pháp mà tôi giao cho Đào Hùng hồi còn ở Nhà xuất bản Ngoại văn Hà Nội – để bổ sung thêm những chỗ bị lược bỏ ở đoạn khúc 18 trong lần xuất bản trước3. Ngoài ra, sách còn được bổ sung thêm phóng sự Bóng người Yên Thế của Thạch Lam công bố trên tuần báo Ngày nay (1935), bài viết Hoàng Thị Thế – vận mệnh lạ thường về người con của chiến tranh Bắc Kỳ của Philip Chaplain4 và Cuộc đời Hoàng Thị Thế qua ảnh do Tường Vân cung cấp.

Nhân dịp Kỷ niệm thời thơ ấu được tái bản và ra mắt bạn đọc, xin có mấy dòng nói thêm và giới thiệu với bạn đọc.
——–
1Tức Alfred Bouchet, có mặt ở Yên Thế từ năm 1901 và là Đại lý Nhã Nam từ năm 1909, sau là Đốc lý Hải Phòng rồi Công sứ Hải Dương, rất thạo tiếng Việt và chữ Hán. Theo hồi ký, Bouchet từng nhiều lần ra vào dinh lũy của Đề Thám trong thời kỳ hòa hoãn. (Các chú thích được Tia Sáng bổ sung dựa theo nội dung cuốn hồi ký)
2 Lúc đó là Tổ trưởng Tổ Nghiên cứu.
3Khoảng 1.000 từ, nội dung gồm cuộc gặp giữa Hoàng Thị Thế và nhà văn, nhà báo Pháp nổi tiếng thời bấy giờ là Pierre Mille trong thời gian bà học tú tài ở Pháp; và cuộc tái ngộ với Alfred Bouchet trong thời gian bà làm thủ thư ở tòa Thống sứ Bắc Kỳ (1925-1927).
4 Người sở hữu những bộ sưu tập ảnh nổi tiếng về Việt Nam, đặc biệt là những hình ảnh về cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám.

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)