Đọc sách: “Thấy” của Lê Thiết Cương

Sẽ thật vô duyên nếu viết dài dòng về một cuốn sách kiệm chữ từ tiêu đề trở đi, như trường hợp "Thấy" của Lê Thiết Cương. Nhưng một khi đã “thấy” ở sách nhiều điều cần thấy mà không cất lời thì e rằng kìm nín là một lựa chọn hời hợt.


Trong “Thấy”, kèm theo mỗi bài viết là những hình ảnh do tác giả hoặc các nghệ sĩ nhiếp ảnh khác chụp. Ảnh trên có tiêu đề “Tắc ý thức” do tác giả chụp, minh hoạ cho bài viết cùng tên.

Thấy1 tiết lộ một Lê Thiết Cương đa sự chứ không chỉ chuyên biệt trong lĩnh vực hội họa mà anh am hiểu. Chính xác hơn, anh tìm những góc “thấy”, lựa chọn những khả năng “thấy” theo cảm quan, cái nhìn của một họa sĩ. Vì thế, các sự việc, sự vật, tình huống một khi được anh “thấy” thì cũng nảy nở nhiều phát hiện bất ngờ, nhiều lí giải độc đáo, tinh tế.

Trước tiên và gây thú vị hơn cả là cái cách anh dừng lại để “thấy” những điều rất thường nhật, khuất lấp mà đời sống hiện đại dễ chóng vánh lướt qua. Một bức ảnh chụp bát nhang làm bằng vỏ lon bia Heineken (ở Bát Tràng) khiến anh thấy “thế là đủ hi vọng, hi vọng vào những điều tốt đẹp”; một bức ảnh chụp cái kẻng bom (của Nguyễn Hữu Bảo) làm anh nhận ra – điều này thật chí lí, rằng “Người Việt hay vì người Việt biết cười và luôn cười”; một bức ảnh “Sân chơi ở cổng viện” (của tác giả Xuân Thủy) khiến anh đặt vấn đề về “bệnh thích to, thích xây chùa to, làm tượng to đang ngày càng nặng, thành một loại dịch suốt từ Bắc đến Nam”… Anh thấy nét duyên Hà Nội là ở vỉa hè “luôn được design bằng những chuyện đời”; anh bắt gặp nhiều ngôi cổ tự “đang ngày càng mục nát” mà việc trùng tu sai cách đã làm chúng “biến dạng hoàn toàn”; anh không khỏi “xót và nhớ cái chợ trong phố cổ” bị phá vì trong mấy cái chợ ấy “không chỉ là dưa cà mắm muối, nó còn có cả văn hóa, cả truyền thống, cả tập tục, thói quen”…

Thật ra, có thể nhiều người cũng đã “thấy” như Lê Thiết Cương, đã “đau đớn lòng” và lên tiếng. Nhưng tôi tin tác giả có một chủ đích lựa chọn và điểm tựa để phát ngôn ngay từ đầu, điều mà rất nhiều “anh hùng bàn phím” hoàn toàn mù mờ, để tiến đến một vấn đề quen thuộc mà hệ trọng với tất thảy chúng ta: văn hóa. Đọc Lê Thiết Cương, tôi nghĩ, văn hóa là cách sống. Sống là trạng thái mà bất kì ai cũng có nhưng sống có văn hóa thì phần lớn nhân quần đều bỏ lỡ hoặc chưa bao giờ ý thức được. Thế nào là sống có văn hóa? Lê Thiết Cương cũng không đưa lí luận cao siêu, những rao giảng kiểu giáo khoa thư, mà chỉ dẫn những điều rất nhỏ, giản đơn: từ chuyện ăn chuyện nói, chuyện treo tranh, đến việc tìm kiếm và kiến tạo một ngôi “nhà an” chứ không phải chú mục vào “nhà đẹp, nhà sang”; và cả việc rất vừa tầm mà chẳng mấy ai thực hành chu đáo là “dừng lại để dọn mình, dọn dẹp lòng mình”… Không ngạc nhiên khi anh luôn tỏ thái độ cảnh tỉnh hiện tượng giàu xổi mà thiếu văn hóa, những sự việc mang nhãn văn hóa nhưng thực chất là để trục lợi, kiếm tiền. Một xã hội bát nháo kim tiền như chúng ta đang thuộc về, dù được bồi thêm nhiều lớp sơn ngôn từ diêm dúa, vẫn khiến những tâm trí nhạy cảm nhất lo lắng, bất an và khi không còn cách nào để đối diện, đành phải quay về hoài niệm quá khứ. Lê Thiết Cương hay viện dẫn thời chiến tranh/bao cấp để so sánh với những biến đổi của đời sống hôm nay. Anh cũng hay nhắc đến không gian làng, cái bào thai từ xa xưa của mỗi người dân Việt. Nhưng chừng đó chưa thể át được nỗi âu lo về một thực tại đang vênh lệch trong các mục tiêu, phương thức sống. Quá chú trọng kinh tế, nhà cao cửa rộng, xe cộ…, như tác giả nhìn nhận, không phải là cách đi tới tương lai an lành, văn hóa.

Đề cao văn hóa, thậm chí nâng văn hóa thành giá trị cốt lõi của toàn bộ đời sống, Lê Thiết Cương kịp lưu lại trong cuốn sách mỏng này khá nhiều triết lí, vừa sâu sắc của kẻ có chữ vừa chất phác, hồn nhiên của người duy mĩ. Anh tin tưởng một xã hội “trọng văn hóa, biết nuôi dưỡng một mặt bằng văn hóa cao, vun đắp một đời sống tinh thần vương giả thì đó là tốt lành, an lành, là đại cát”. Anh chờ đợi một “tầng lớp trung lưu về văn hóa” và giới doanh nhân phải “coi cái được về văn hóa trong kinh doanh của họ cũng là lợi nhuận”. Ở mức độ cao nhất, anh cho rằng “văn hóa chính là Phúc của một quốc gia” nên dĩ nhiên “mất văn hóa là mất nước”. Những lời lẽ tự thâm tâm như thế gây được thiện cảm vì dường như nó được chắt ra một phần từ quan sát, trải nghiệm của tác giả. Tôi cũng đã nhẵn mặt với thực tế thời thế tạo đại ngôn nhưng không hiểu sao, đọc câu chữ của Lê Thiết Cương, tôi vẫn dễ bị cuốn lây vào cái tình chân thực, khi thảng thốt khi bình tâm của anh, và chẳng còn muốn xét nét chỗ nào tác giả tỏ ra cảnh vẻ, đứng trên cao nhìn xuống. Độ khó nhưng là điều anh đã làm thật thanh thoát ở cuốn sách này chính là đã “đi qua lòng mình” trước khi muốn đến được “lòng người”.

Quả thật, tôi đọc cuốn sách còn vì lí do cá nhân: tôi muốn nghe tiếng nói từ bên trong Hà Nội về chính cái vùng đất vẫn tự coi là văn hiến, thanh lịch như thế nào. Không ủng hộ “Hà Nội trung tâm luận” nhưng tôi vẫn chờ đợi những gì thật riêng khác đến từ cái viết của người kinh kì, đặng biết sâu hơn về tâm thái Hà thành dưới bao lớp bể dâu biến động. Thấy của Lê Thiết Cương, sau mạch dài của những Doãn Kế Thiện, Hoàng Đạo Thúy, Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Lê Minh Hà, Nguyễn Trương Quý, góp thêm cho tôi một dữ liệu nhỏ để chắc mẩm tổng thể chung: ở họ, dù đời tư và thời đại thế nào, dù với giọng điệu gì, cũng đều bảng lảng chất nostalgia [hoài thương] hằn nếp dưới từng góc nhìn. Bởi thứ nostalgia đôi khi khó xác thực đó, người đọc thường phải giữ hơi ở lồng ngực, tránh việc chẳng may bật ra tiếng thở dài, ý chừng cộng cảm hoặc cũng có thể là mệt mỏi. Với Thấy, tôi còn nghe loáng thoáng tinh thần Trang tử. Mà nếu thế, ta đành cười vui với mọi hiện hữu, hiện hữu đã là bình dị, tự nhiên, và cả phù du, phù phiếm nữa.
———–
1 Lê Thiết Cương (2017), Thấy, NXB Trẻ.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)