Đọc và nghe nhìn

Bàn về cái thường được gọi là "văn hóa đọc hiện nay", thoạt đầu tôi đã định viết: "Sách... và cách mạng", nhưng rồi nghe to lớn và nghiêm trọng quá, nên đã bỏ đi. Tuy nhiên, nếu nói "và cách mạng" thì cũng không sai.

Thật vậy, như ai cũng biết, một trong những cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử, Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, đã thật sự được chuẩn bị bằng những trước tác của hai nhà tư tưởng lớn Jean Jacques Rousseau và Montesquieu, đặc biệt hai cuốn Khế ước xã hộiTinh thần luật pháp (mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dịch là “Thần linh pháp quyền”). Một ví dụ khác: trong thời kỳ cải cách vĩ đại của Minh Trị Thiên Hoàng, cuốn Bàn về tự do của John Stuart Mill đã được in đến 2 triệu bản ở Nhật, trong khi dân số Nhật thời bấy giờ là 36 triệu người; thế mới biết tác dụng giải phóng của cuốn sách mỏng tang đó đối với nước Nhật duy tân hồi đó to lớn đến dường nào! (cuốn sách kinh điển này vừa được dịch và in ở nhà xuất bản Tri Thức của chúng ta cách đây hơn một tháng, nghĩa là sau Nhật gần… 200 năm!. Sự lạc hậu này có liên quan như thế nào đến sự chậm trễ trong phát triển xã hội của chúng ta so với người đồng chủng Châu Á của mình?) Ví dụ khác nữa: Trong một hội thảo năm ngoái ở trường Đại học UCLA Hoa Kỳ, tôi được nghe một giáo sư chuyên nghiên cứu về Việt Nam đọc một tham luận khá bất ngờ và thú vị: Ông cố tìm xem từ “xã hội” đã xuất hiện trong tiếng Việt từ bao giờ và như thế nào? Hóa ra nó xuất hiện khá muộn và đã đi theo những con đường khá kỳ lạ: đầu tiên đấy là một từ do người Nhật tạo ra để diễn đạt một khái niệm mới khi họ tiếp nhận các tư tưởng mới của phương Tây, sau đó được du nhập sang Trung Quốc, cũng là khi các tư tưởng đó lan vào Trung Quốc, rồi từ Trung Quốc mới vào Việt Nam. Tức, và điều này là hết sức quan trọng, một thuật ngữ mới chỉ có thể ra đời trong ngôn ngữ của một xã hội khi ở đấy nội hàm của khái niệm mà nó diễn đạt đã hình thành, con người ở đấy đã bắt đầu có ý thức về nội dung mới đó. Và tất nhiên, thuật ngữ, cũng tức khái niệm đó, phải đi qua sách. Và ví dụ thứ tư: công cuộc Duy Tân nổi tiếng đầu thế kỷ 20 do Phan Châu Trinh, người chúng ta vừa long trọng kỷ niệm 80 năm ngày mất, khởi xướng, thực sự là đã bắt nguồn từ các “Tân thư”, tức các trước tác của các nhà cách mạng Trung Hoa như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi…, và các tác phẩm của cách mạng phương Tây được dịch sang tiếng Trung Quốc, tràn vào Việt Nam, hình như chủ yếu qua hai con đường Huế, nơi đang tập trung giới sĩ phu tinh hoa của đất nước, và Hội An, cửa mở đầu tiên của nước ta với phương Tây và thế giới nói chung… Còn có thể kể rất nhiều ví dụ như thế nữa. Và tất nhiên không chỉ có sách được gọi là “sách chính trị”.

Như vậy, con đường đi của sách chính là con đường đi của các tư tưởng, nó chuyển các tư tưởng lớn, mới, đi đến những nơi xa xôi nhất so với điểm xuất phát của chúng, tác động thường bắt đầu rất lặng lẽ, “hiền lành”, nhưng rồi sẽ gây ra chuyển động, trước hết ở cái nơi không lực lượng nào và phương tiện gì có thể ngăn trở, dập tắt được, là trong đầu óc con người. Và một khi đầu óc con người đã chuyển động, thì tất sẽ gây ra chuyển động xã hội, sớm hay muộn. Một cách hình ảnh, có thể nói, con người cầm quyển sách mà đi tới trên đường tiến hóa của mình. Không thể tưởng tượng một thế giới mà không có sách. Và cũng có thể nói: “Hãy xem một xã hội đọc sách như thế nào, thì biết xã hội ấy đang thịnh suy ra sao”, hoặc: “Hãy nói cho tôi biết anh đọc gì, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người như thế nào”…

Nói tất cả những điều trên, là để rồi thử quay lại xem tình hình sách và đọc sách ở ta hiện nay đang ra sao.

Theo tôi, vừa hình như đã có đôi chút dấu hiệu đáng mừng, vừa vẫn đang còn nhiều chỗ rất đáng lo. Hội chợ sách ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo nhiều người, là một trong những dấu hiệu có thể đáng mừng. Sách in ra bây giờ nhiều và cũng khá phong phú. Việc luật cho phép tư nhân liên kết với các nhà xuất bản đã tạo ra kích thích mới lành mạnh (tuy chắc sẽ còn tốt hơn nhiều khi đến lúc thật sự có nhà xuất bản tư nhân). Trong hội chợ vừa rồi, nổi bật là các gian hàng của các tổ chức tư nhân “làm sách”, có bảng hiệu hẳn hoi, thực chất là chính họ làm ra sách với giấy phép của nhà nước cấp cho các nhà xuất bản (trong khi ta vẫn còn rụt rè không chịu giao quyền thẳng luôn cho họ là những người thật sự làm ra sách, từ khâu đầu đến khâu cuối – tất nhiên trừ khâu sáng tác). Chính các tổ chức này đã đặt hàng, rồi tự tay mình làm ra những quyển sách khá tốt, khiến cho tỷ lệ sách tốt, sách quý, cả những cuốn “vĩ đại” (như cuốn Hiện tượng luận tinh thần của F. Hégel được dịch hết sức công phu và xuất sắc) đã xuất hiện trên thị trường. Hoặc bộ sách Nhập môn (đang tập trung vào chuyên đề triết học) do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành quả thật là một tín hiệu tốt lành… Nhìn chung, tỷ lệ sách tốt, quý đã được nâng lên kha khá so với sách hàng chợ best-seller vẫn tràn ngập như cỏ dại những năm trước…

Một hội chợ như vậy, tổ chức đâu chỉ trong ba hay bốn ngày, đã bán được trên 10 tỷ đồng (có người bảo tôi hội chợ sách ở TPHCM vừa rồi hơn hẳn hội chợ ở Hà Nội cách đây không lâu, cả về chất lượng sách, cả về không khí chung và số sách bán được. Hà Nội “nghìn năm văn hiến” cũng nên suy nghĩ vậy!). Tôi có chú ý đến số sách được mua nhiều: rất thú vị không phải là những quyển “dễ đọc”. Nhà xuất bản Đà Nẵng bán được nhiều nhất là các tác phẩm triết học của F. Jullien. Tôi cũng có dự một số cuộc hội thảo nhỏ được tổ chức trong phạm vi chợ sách ở TP.HCM. Thật vui là ở đấy những người quan tâm đến sách tới không ít, và sự quan tâm của họ là một sự quan tâm khá có chất lượng. Trong một thành phố gần đến 5 triệu dân thì như vậy cũng chưa là bao nhiêu, nhưng so với những năm trước rõ ràng có hơn, cả về lượng và chất…

Có chuyển động đáng mừng, nhưng lo thì vẫn còn nhiều, rất nhiều. Thậm chí có thể nói như thế này mà không sợ quá sai: xã hội ta bây giờ, nhìn chung, là một xã hội không có thói quen đọc sách, hoặc đã đánh mất đi thói quen ấy. Thật vậy, hãy thử nhìn vào hai đối tượng thường là người đọc nhiều nhất trong một xã hội bình thường: sinh viên và cán bộ. Sinh viên ngày trước đọc gì? Ai đã sống ở Sài Gòn trước năm 1975 hẳn đều biết một trong những dấu hiệu cho ta nhận ra một người là sinh viên là thấy trên tay anh hay chị ta cầm tờ tạp chí Văn, Bách Khoa, hay Đối Diện… Bây giờ thì sao? Nếu có cầm thì họ cầm tờ Công an Nhân dân hay tờ An ninh Thế giới, cùng lắm nữa là tờ gì đó nói về thời trang hay mua sắm… Còn sách thì hầu như vắng bặt. Tôi không hề dám chê những tờ báo vừa kể là kém văn hóa. Nhưng nhìn cách đọc đó, nếu người ta còn chịu đọc, thì cái đọc rõ ràng đã chuyển từ mối quan tâm về mở mang trí tuệ sang quan tâm về giải trí, thỏa mãn tò mò, và tiêu dùng. Đến như sinh viên, những người đang được đào tạo để trở thành trí thức của đất nước, mà cái chọn để đọc – nếu họ còn chịu đọc, xin nhắc lại – đến như vậy, thì không phải là đáng lo nữa, mà là nguy cơ! Quả thật chúng ta đang có một xã hội rất lười đọc sách, ngay ở tầng lớp lẽ ra là “văn hóa”, “văn minh” nhất.

Còn cán bộ thì sao? Tôi dám đưa ra con số ước đoán này mà không sợ sai: chắc đến 90% cán bộ ta bây giờ không hề đọc sách, nếu có đọc thì chỉ là tờ báo Nhân Dân hàng ngày được phát không hay mua bằng tiền của cơ quan, hoặc đôi tờ báo nào đó, để… theo dõi những vụ tiêu cực đang làm xôn xao dư luận, ngó qua vài tin tức thế giới, tin thể thao… Chúng ta đã làm như thế nào đó trong mấy mươi năm để mà ngày nay có cả một tầng lớp cán bộ, tức tầng lớp được coi khá cao trong xã hội, cái “khung” của xã hội (tiếng Pháp, từ cán bộ được dịch là cadre – cái khung – mà lại!), không hề cảm thấy đọc là một nhu cầu thiết yếu của con người biết làm người, làm cho con người trong một xã hội văn minh thật sự đáng coi là con người. Thật buồn bao nhiêu!

Hãy để ý nhìn một chút ngoài đường phố, trên các sân bay, trên máy bay chẳng hạn. Sẽ nhận ra ngay điều này: những người nước ngoài hầu như lúc nào cũng đọc sách, khi ngồi ở quán cà phê, khi đứng chờ một chuyến xe, trong phòng đợi sân bay, trên máy bay…, trong khi người mình chẳng hề bao giờ đọc ngoài đường, còn trong quán, trong phòng chờ và trên máy bay thì may lắm chỉ đọc mấy tờ báo của hàng không phát cho, hầu như tuyệt đối không hề thấy có người nào đọc sách, cả trên những chuyến bay dài, xuyên đại dương, nghĩa là chủ yếu khách loại sang hay viên chức cấp khá cao. Còn ở nhà thì họ làm gì? Xem tivi!… Nếu được phép lục túi xách của bất cứ anh Tây ba lô nào trên đường phố, tôi tin hầu như chắc chắn sẽ tìm được ít ra là một cuốn sách đang đọc dở. Biết đến bao giờ trong túi xách của mỗi sinh viên, cán bộ, rồi mỗi người dân thường của chúng ta, mới lại có được một cuốn sách như vậy?

Theo chỗ tôi nhớ lại, cách đây khoảng mấy mươi năm tình hình không phải như vậy. Bấy giờ chúng ta nghèo hơn, nhưng đọc nhiều hơn. Vậy chúng ta đã để cho xã hội đánh mất đi thói quen đọc sách từ bao giờ, và vì sao?

Một trong những ý kiến thường được nêu làm lý do: ngày nay các phương tiện nghe nhìn nhiều đã làm cho người ta đọc ít đi. Có đúng không? Quả thật trên thế giới, đã có thời đó là một mối lo nghiêm túc của nhiều người, thậm chí có người đã nghĩ không khéo nghe nhìn rồi sẽ hoàn toàn tiêu diệt sách. Nghe nhìn phát triển rầm rộ ít nhất cũng đã hơn nửa thế kỷ, và thực tế sự tiêu diệt nọ đã không diễn ra. Nghĩa là sách, từ khi nhân loại sáng tạo ra được nó, vẫn là và sẽ mãi mãi là một nhu cầu thiết yếu, không gì thay thế được, nhu cầu sống còn. Nghe nhìn có tốt không? Tốt chứ, cũng là cần thiết chứ. Nhưng nghe nhìn, tôi tin vậy, đến một nghìn năm nữa, cũng không thay thế được sách. Vì sách có đặc điểm rất riêng của nó, rất khác với nghe nhìn. Đọc sách, nói chung, tôi tin vậy, khó hơn nghe nhìn. Đọc sách đòi hỏi suy nghĩ nhiều hơn. Có một khía cạnh trong đọc sách, mà hình như ta vẫn nhận được thường xuyên ở nó, nhưng lại thường không chú ý đến tác dụng của nó, một tác dụng rất cơ bản, lâu dài. Sách đem lại tri thức, tất nhiên rồi, nhưng sách còn đem lại một cái khác nữa, có khi còn quan trọng hơn: đọc sách cũng là rèn luyện sự suy nghĩ. Đọc sách là tập nghiền ngẫm. Thao tác đọc sách chính là thao tác tư duy, nó tập cho ta không chỉ phương pháp tư duy, mà cả ý thức về tự do tư duy, điều thiết yếu hàng đầu của một xã hội tự do. Trong thao tác đọc sách, ta đối thoại với tác giả, thậm chí đối thoại với cả những ai đó ở tận đâu đâu, đang cùng tư duy với ta, ta nhập vào loài người biết tư duy.

Nghe nhìn có thể rộng rãi hơn nhiều, nhưng muốn nói gì thì nói, dễ hơn, tác dụng thoáng qua hơn, chẳng phải nghiền ngẫm gì nhiều; nghe nhìn nhằm vào số đông, rất đông, chủ yếu gây tác động tức thời, trong khi sách nhằm đến, nói với, tâm sự với, bàn bạc, đề nghị cùng suy  nghĩ với từng con người, chậm rãi, lâu dài. Không cái nào thay thế được cái nào, không cái nào tiêu diệt cái nào. Nghe nhìn là cho đám đông, sách là cho từng con người trong đám đông, cái đám đông mà nếu từng con người không có cái riêng, không có lúc tự mình suy nghĩ riêng, với mình, cũng tức là trầm ngâm suy nghĩ cùng nhân loại, là một cá nhân có ý thức, thì sẽ là một đám đông mù quáng. Tôi không coi trọng cái nào hơn cái nào, nhưng tôi dám khẳng định điều này: một xã hội chỉ coi trọng nghe nhìn, nghe nhìn lấn át đọc, thì sẽ là một xã hội lười biếng, lười biếng ở chỗ quan trọng nhất là lười biếng suy nghĩ. Mà, hình như, đấy chính lại đang là tình hình ở ta!

Tôi cũng có đi đây đi đó ít nhiều, tôi thấy ở các nước tivi tất nhiên phát triển hơn ta nhiều, nhưng tôi không thấy ở đâu người ta lại xem tivi nhiều như ở nước ta, suốt ngày cắm mắt vào tivi, trẻ già trai gái, hở ra một chút là tivi, mà tivi thì chơi liên miên, chơi suốt ngày, suốt tuần. Chơi cũng tốt, nhưng chẳng lẽ cứ chơi mãi vậy sao, phải để cho người ta lắng mình lại trên một quyển sách mà suy nghĩ với chứ! Chiếu phim thì liên miên phim giải trí hay thương mại của Hàn (trong khi Hàn Quốc có một nền điện ảnh có những tác giả tầm cỡ thế giới thì khán giả của ta không hề được biết tí gì qua tivi). (Nhân nói đến phim trên tivi – và cả ở rạp nữa – một anh bạn tôi ở nước ngoài về vô cùng ngạc nhiên là ta chiếu phim nước ngoài đến nay vẫn cứ thuyết minh, chứ không chịu lồng tiếng hay làm phụ đề; tức là một cách “phá hoại” tác phẩm điện ảnh không hơn không kém, bởi đã tước mất đi của nó một trong những yếu tố cấu thành quan trọng hàng đầu là giọng nói trong phim)… Tôi nói có vẻ hơi lạc đề đôi chút sang chuyện phim, thực ra cũng là để nói rằng hình như chúng ta đang chủ trương một thứ văn hóa dễ, và dễ dãi, thậm chí khuyến khích nó. Trong khi, theo một cách nào đó có thể nói, bản chất của văn hóa là “khó”. Văn hóa là làm người, mà làm người thì có bao giờ là dễ đâu.

Trên thế giới, nguy cơ nghe nhìn tiêu diệt sách đã không hề diễn ra, nhưng ở ta, với tình hình cho đến nay, hình như đấy không phải chỉ là một mối lo hão. Tình hình đã có khá lên đôi chút gần đây, nhưng vẫn còn là đáng báo động.

Phải có một chiến lược nghiêm túc khôi phục văn hóa đọc, nếu quả thật chúng ta không có lợi ích gì trong việc để có một xã hội dễ dãi và lười suy nghĩ.

Nguyên Ngọc

Tác giả

(Visited 31 times, 1 visits today)