Đối ẩm với Linga
Quanh quẩn mẩn mê ngót nửa đời người trên dải đền tháp miền Trung, tôi vẫn phải vin vào cái cảm giác mát lạnh đến rợn tóc mai khi lần đầu tiên bàn tay niên thiếu vuốt chạm trên đầu Linga trong Cổ viện Chàm.
Kazik ở Mỹ Sơn |
Bạn cũng đừng nói với tôi rằng có nhà văn nổi tiếng đã cho nhân vật truyện ngắn của mình hành cái nghề hót/bán… phân, chỉ vì nuốt mất lời thề sau lần yêu đương tình tự với một thiếu nữ Chăm trước bái vật Linga. Cõi Shiva mênh mông, đâu có nghiệt ngã phàm trần như thế. Sự trừng phạt tự đến khi dục vọng lấp đè lên dục vọng, cả cái nghề bán phân cũng chính là dục vọng. Tôi vẫn hoài hủy giấc mơ được tắm gội trên dòng sông ban phước Kbal Spean của đất Chùa Tháp, nơi lung linh dưới bóng nước là hàng ngàn Linga, Yony, Uroya, ngụp lặn trong điệu múa trần mềm mại của tiên nữ Apsara với nụ cười trong suốt. Tôi thèm được đối ẩm với Linga, như những người đàn ông thành thực.
… Trăng tháng Mười. Tôi trải rượu trên nền tháp đổ nát. Một việc hầu như không được phép với nơi vốn chỉ dành cho chiêm bái. Riêng tôi biết đã bao lần Kazik ngồi dưới chân tháp về đêm, đối ẩm với Linga. Cả ông và chai gạo rượu nút lá chuối quen thuộc bên cạnh, tự khi nào cũng đã hóa hai cột Linga, lặng phắc… Ông Hường – phụ trách khu đền tháp Mỹ Sơn, kể với tôi như vậy. Và bây giờ, mạn nhờ lòng quý mến của ông, tôi cũng được một lần trong đời đối ẩm trên nền tháp. Dẫu tôi biết, có một ngàn lẻ một lần thế này, tôi và những cậu trẻ đi cùng, sẽ chẳng bao giờ đốn ngộ để có được vóc dáng trầm tư xao xuyến của Linga.
– Anh bạn từ đâu đến?
– Thưa, xa lắm. Từ thung lũng Đời. Vì Người là hiện thân của Shiva – Thần Tạo tác khai sáng…
– Nhưng anh đừng quên ta còn là vị thần Phá hủy, với quyền năng của Thần chết, quyền hạn của Thần thời gian, còn mang những cái tên dữ tợn Ugra, Rudra, Aghora… – Chuỗi bauh drơp Một Trăm Linh Tám hạt trong tay Shiva- Linga khẽ nhói lên. Con bò thần Nandin đã bỏ đi đâu đó tìm cỏ dưới ánh trăng huyền mặc.
– Thưa vâng. Đó là những bước Tandava mạnh mẽ của Người. Kazik đã không chết. Ông ấy đã biến thành Linga, và chính Người đã làm điều ấy.
Nguyễn Thượng Hỷ– anh chàng họa sĩ còm rom của khu tháp, kể: Hồi đầu thập niên 80, Mỹ Sơn còn rậm rạp rắn rết, bom mìn và cỏ. Một bữa, anh rủ Kazik sang làng bên ăn giỗ, tối mịt, cả hai mới liêu xiêu dìu nhau đi về chỗ ngủ trong tháp. Kazik chỉ tháp B3 đang bị nghiêng: “Này Hỷ, cái tháp kia nó bị xỉn, nhưng ta không được xỉn để còn phải giữ cho nó khỏi ngã nghiêng!”. Sương đã thấm nặng dần trên từng chân gạch vỡ. Tự khi nào, những ngọn tháp lô nhô kia thoắt biến thành những Linga đẫm ướt ánh trăng. Cả Hòn Đền cao ngất uy nghiêm phía sau – điểm tựa của thung lũng thần linh, giờ cũng đã hiện lên một khối Linga trầm mặc. Lối hành hương của người xưa như sợi chỉ giăng mắc đâu đó dưới chân núi, giờ có lẽ đã hóa thành tơ nhện. Hầu như rất ít người lên được đến Hòn Đền. Anh bạn thi sĩ kể tôi nghe về câu chuyện huyền bí mang tên Im Lặng trên đỉnh ngọn núi thiêng ấy mà anh được nghe kể từ người khác, sau khi nghe những người khác, khác nữa kể. Nhưng tôi sẽ không kể lại câu chuyện ấy ra đây. Bạn hãy tự tìm đến. Im lặng vô thường của Linga trên mặt đất bao la này luôn dạy ta bài học của sự lắng nghe.
Trước khi biết đến tình yêu và dâng hiến.