Đôi điều nghĩ lại về Gallery và tranh “gallery”
Cách đây vài năm, trong một nỗi buồn về sự thương mại hóa nhanh chóng của nghệ thuật, tôi đã viết bài Vài suy nghĩ về tranh “gallery” *. Chữ “gallery” được cho vào trong ngoặc kép hàm ý chỉ các loại tranh sản xuất vội, tranh sao chép, tranh giả, tranh nhái, tranh làm hàng để bày bán, tranh mỹ nghệ, tranh souvenir...
Cho đến nay, khi suy nghĩ lại về hiện trạng gallery và tranh “gallery”, tôi thấy mọi bức xúc trong lòng gần như tan biến. Nỗi buồn chẳng còn mấy ý nghĩa. Những đòi hỏi trước đây của tôi cũng như của nhiều bạn bè trong giới mỹ thuật về chất lượng của gallery quả là có phần xa xỉ, ảo tưởng so với thực tại của đất nước.
Gallery là một bộ phận của thị trường. Thị trường là một bộ phận của xã hội. Xã hội là do cộng đồng những con người tạo nên. Trình độ con người thế nào- xã hội thế vậy. Xã hội Việt Nam phản ánh đúng trình độ của người Việt Nam, và trình độ ấy thực tình vẫn còn thấp. Trình độ này thể hiện gần như đồng bộ ở mọi nơi mọi chốn, mọi góc độ sinh hoạt của đời sống con người, từ nhà ra đến chợ, đến phố, từ trường học đến công sở, trong mọi ngành nghề, từ vi mô đến vĩ mô, từ khoa học đến nghệ thuật, từ hạ tầng cơ sở cho đến thượng tầng kiến trúc…
Trình độ của con người qui định tất cả. Và người ta thường nói tới cái gốc của nó là giáo dục, là vấn đề “trồng người”. Giáo dục đào tạo của ta hiện nay như thế nào thì cả nước đã biết. Cách giáo dục này lâu nay chỉ tạo ra cho đất nước một tầng lớp trí thức bình dân (chữ của GS. Hoàng Ngọc Hiến), đa phần là như vậy, trí thức ảo, tự huyễn, làm công ăn lương, thích hưởng thụ dễ dãi, kém chí khí, nhu nhược, hài lòng với kiến thức báo chí, không cần đến tư duy, tư tưởng, hay triết học cao siêu, phức tạp. Tầng lớp trí thức thật, theo đúng nghĩa, thì vẫn có, nhưng quá mỏng, do niềm vui tự học, tự tu dưỡng mà thành.
Trong lĩnh vực nghệ thuật không khác gì. Tài năng thật rất hiếm hoi. Nhà trường lâu nay chỉ đào tạo ra phần lớn các họa sĩ- thợ vẽ, có nghề vẽ, có vẻ trường qui thật đấy, song thực ra mang nhiều tính bình dân. Có thể gọi là một kiểu họa sĩ dân gian đời mới. Chữ dân gian ở đây hàm ý dễ dãi, tùy tiện, đơn giản, ít suy nghĩ, tư duy và học vấn ở trình độ trí thức bình dân như nêu trên. Nói như vậy có thể làm mếch lòng nhiều người. Song rõ ràng sinh viên mỹ thuật, nếu không biết tự học, thì chẳng thể tiến đi đâu xa ngoài kiến thức phổ thông lớp 12 sẵn có của họ. Trường mỹ thuật với chương trình giảng dạy, đào tạo như hiện nay, có thể nói là còn rất yếu và bảo thủ, không thể giúp gì họ nhiều ngoài một số kỹ thuật vẽ vời. (Vấn đề này ở nước ngoài hoàn toàn khác, các trường mỹ thuật phải nằm ngay trong trường tổng hợp (university), thuộc về trường tổng hợp, mặt bằng kiến thức là ngang nhau. Sinh viên mỹ thuật khác sinh viên thường ở chỗ có thêm năng khiếu, cá tính và thiên hướng sáng tạo). Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng, không nhà trường nào có nhiệm vụ đào tạo ra nhân tài. Nghệ sĩ trước hết là nghiệp trời cho, tài năng phải tự vun trồng, danh hiệu nghệ sĩ phải tự xây đắp bằng lao động nghệ thuật. Trường học chỉ là môi trường cần thiết, hữu ích để họ tích lũy học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm. Ai cũng biết vậy. Thế nhưng ở Việt Nam thì có khác, sinh viên mỹ thuật sau 5 năm học, chủ yếu học vẽ, chỉ chú trọng môn vẽ, gần như buông xuôi mọi kiến thức văn hóa khác, tất cả nghiễm nhiên đều trở thành “họa sĩ”, tự coi mình là họa sĩ. Cho nên họa sĩ ở Việt Nam mới nhiều và nhiều vô kể, và bình dân đến vậy.
Tranh của Đào Hải Phong có nhiều ở các “gallery” |
Cũng tương tự, không nhà trường nào có thể đào tạo nên nhà phê bình nghệ thuật. Phê bình nghệ thuật là nghiệp khó trời cho. Một nghiệp đòi hỏi trước hết một thiên hướng bản năng rõ ràng, bao gồm tình yêu cộng với sự nhạy cảm nghệ thuật đặc biệt, sau đó là nền tảng học vấn rộng rãi, sâu sắc, với kiến thức văn hóa đa liên ngành hỗ trợ, nhất là các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn, và cuối cùng không kém phần quan trọng là vốn sống, là kinh nghiệm thẩm mỹ cá nhân, là nhân cách của chính người làm phê bình. Một lối sống thô bạo không thể đẻ ra một cái nhìn tinh tế. Một tư duy đơn giản, tẻ nhạt không thể vươn tới sự bay bổng của sáng tạo. Một đầu óc sơ cứng, bảo thủ không thể biết chấp nhận cái mới, cái khác. Một nhân cách hẹp hòi, tầm thường không thể biết mở lòng để chia sẻ cảm thông, chứ chưa nói đến xúc động, đau buồn trước nỗi đau nhân tình thế thái. Kiểu người như vậy làm sao có thể hiểu được nghệ sĩ và nghệ thuật, có thể nhận ra cái đẹp và nỗi buồn của cộng đồng, dân tộc và nhân loại. Đa số các nhà phê bình mỹ thuật hiện nay ở Việt Nam vào nghề một cách tình cờ, nhầm chỗ, có khi là miễn cưỡng. Vấn đề đào tạo lý luận- phê bình mỹ thuật cũng gặp phải những khó khăn, sai lầm cơ bản tương tự như vấn đề đào tạo họa sĩ, từ đầu vào cho đến đầu ra. Đầu vào đã lệch lạc, sai thiên hướng mục đích thì đầu ra lại càng bi thảm. Do vậy, ngành lý luận phê bình mỹ thuật có nguy cơ biến mất. Thế hệ cũ trở nên già nua, bảo thủ. Thế hệ mới không thấy có triển vọng, hứa hẹn gì. Phê bình nghệ thuật hiện nay tồn tại chủ yếu theo lối dân gian, hóng hớt, “ăn theo nói leo”, thiếu chính kiến, thiếu sự phát hiện, khai sáng. Hoặc phê bình theo lối khua chiêng gõ mõ, quảng cáo, đưa tin. Hoặc vừa đi đường vừa kể chuyện cho dông dài, những câu chuyện phiếm rẻ tiền, ba đồng một đôi, vô thưởng vô phạt. Hoặc phê bình làm văn, phủ đầy mỹ từ, uyển ngữ. Hoặc phê bình khuyến mại, khen là chính, chê là không có. Hoặc “cao thủ” hơn thì tung hỏa mù về ngôn ngữ, ngụy tạo lý luận. Công chúng quả thật không biết đâu mà lần. Với các “kỹ xảo” hành nghề kiểu ấy thì đôi khi các nhà báo bình dân đã đi trước, làm nhanh và thành thạo hơn cả giới phê bình. Trên thực tế, một số nhà báo đã vào cuộc và lấn sân phê bình mỹ thuật đúng như vậy.
Hoạt động phê bình ngày càng trở nên lạc lõng, xa rời với sáng tác, không còn tác dụng, không còn mấy ý nghĩa, ngoài chức năng đưa tin, quảng cáo vặt. Nhiều họa sĩ cũng chẳng cần tới nó nữa vì thấy phê bình hay nói năng luyên thuyên, khó hiểu, chẳng trúng trật gì cả, họ bảo “dây vào chỉ thêm rách việc”. Số đông các họa sĩ – thợ vẽ bình dân đang làm ăn thì cũng chỉ cần tới một thứ phê bình vuốt ve, lăng xê và quảng cáo giúp họ. Phê bình nghiêm túc quả là khó, và nếu có cũng thật khó sống, hoặc nghịch nhĩ, ít được ưa chuộng, hoặc dễ dàng chìm nghỉm trong một xã hội phì đại thông tin, lũng đoạn thông tin, nhiễu loạn thật giả, không có thước đo để phân biệt giá trị. Thế nên đã có người nói rằng phê bình mỹ thuật ở Việt Nam là thừa, là vô ích, hoàn toàn chẳng có gì sai.
Trong hoàn cảnh đất nước nghèo nàn, chậm phát triển, trình độ chung của xã hội còn thấp, trí thức phần lớn là bình dân, họa sĩ phần lớn cũng là bình dân, xa vời với những tư tưởng, tình cảm, mục đích lớn lao, triết lý cao siêu, mưu cầu kiếm sống- hưởng thụ- làm giàu lại đang là số một, cộng với một tình trạng phê bình mỹ thuật yếu kém, đầy tính nghiệp dư dân gian, mê sảng về lý luận, làm sao ta có quyền đòi hỏi các gallery phải sang trọng, hoạt động đúng cách, chuyên nghiệp, các chủ gallery phải là người sáng suốt, có trình độ thẩm mỹ cao, tinh tế, biết chọn tranh?
Nếu nhắm mắt lại và tưởng tượng gallery cũng giống như một cửa hàng mỹ nghệ, kim hoàn hay lụa tơ tằm gì đó thời mở cửa, và tranh cũng như một trong vô số các mặt hàng tiêu dùng văn hóa đại chúng trong cơ chế thị trường, thì ta sẽ thấy ngay chẳng có gì đáng ngạc nhiên nữa. Sự có mặt của các gallery ngày nay đã là một bước tiến đáng kể so với trước đây, giúp cho một số người vẽ có điều kiện hành nghề kiếm sống và giúp cho người dân được tiếp cận làm quen hơn với cái gọi là nghệ thuật hay trang trí mỹ nghệ gì đó, tuỳ ý, mà trước đây họ ít được biết đến. Có cầu thì ắt có cung. Người mua ngày nay cũng bình dân, dễ tính. Ta hay Tây cũng vậy. Nhiều khi người ta chỉ cần đến một bảng màu trang trí tươi mát, một ít tính kỳ lạ dân tộc, một chút thô mộc dân gian, một chút ngây thơ bản năng, quan trọng là được thực hiện bằng đôi bàn tay thủ công, thế là đủ để an ủi con mắt và giải tỏa tâm hồn trong đời sống công nghiệp vội vã, buồn tẻ mất dần thiên nhiên và bản năng, phai nhạt tình người. Đây chính là điểm gặp nhau giữa bên cầu- chủ yếu là người nước ngoài có tiền và bên cung là thị trường nghệ thuật Việt Nam. Cho đến nay, các gallery (tôi không dám nói là tất cả) vẫn làm ăn được nên họ mới tồn tại. Các họa sĩ Việt Nam vẫn xuất hiện hết thế hệ này sang thế hệ khác. Sự khéo tay vốn là sở trường của họ, và năng khiếu hội họa cũng không thiếu. Chỉ có điều tài năng ấy luôn chỉ ở mức bình dân vì thiếu các tố chất cơ bản để trở thành nghệ sĩ lớn như tư duy, tư tưởng, học vấn, trí tuệ, ý chí, bản lĩnh nghề nghiệp, sự tự tu dưỡng…. Bản năng thì rất nhanh chóng bị mài mòn bởi hoàn cảnh kiếm sống, bởi ham muốn thực dụng, thiển cận. Thực tế cho thấy các họa sĩ Việt Nam rất ít người có khả năng phát triển hội họa được xa, dài thì 10- 15 năm, ngắn thì 5- 10 năm. Có người chỉ sau 2- 3 năm đã gục hẳn, hoặc lặp lại mình một cách mệt mỏi, tuyệt vọng. Chưa nói đến sự tự nguyện lặp lại mình, lặp lại những bức tranh dễ bán.
Trong gallery thường lẫn lộn nhiều loại tranh. Tệ nạn nhất vẫn là chuyện làm tranh giả, tranh nhái. Suy cho cùng thì vẫn do trình độ xã hội thấp, luật pháp hổng, giáo dục yếu, ý thức con người kém. Gallery không phải là nơi duy nhất hứng chịu mọi tội lỗi, mà kẻ bán linh hồn cho quỉ dữ chính là các thợ vẽ giấu mặt. Đến một lúc nào đó, đồng bộ với sự phát triển của dân trí, với những tiến bộ văn minh xã hội, với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đích thực, hoạt động của gallery chắc chắn sẽ được nâng cao, chuyên nghiệp hóa và đem lại hữu ích nhiều hơn cho con người và xã hội. Song, để đạt được điều này không dễ ngày một ngày hai.
Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng một bức tranh đẹp sẽ tự tỏ sáng, một tài năng đích thực sẽ tự vươn mình lên cao để tìm đến khoảng trời bao la của tự do sáng tạo./.