Đời rút cuộc là để làm gì ? (hay phần 2 của bài “Tôi xuất gia gieo duyên”)
Tôi rất cảm ơn bài viết của anh Nguyễn Hải Hoành*. Trong bài viết này, anh đặt ra một số câu hỏi cần được tìm hiểu một cách nghiêm túc. Đạo Phật – với tư cách một hệ thống giải thích về con người và thế giới – có thực sự khác biệt, thậm chí đối lập khoa học, như người ta có thể mặc định không? Chỗ nào là chỗ giao thoa giữa đạo Phật và khoa học? Chỗ nào là chỗ thứ ba mà có thể cả đạo Phật và khoa học đều là những ngón tay đang cùng chỉ tới? Và như thế, đạo Phật có phải là một con đường hoàn toàn chính thống, thậm chí có thể là con đường tối ưu, chứ không phải một con đường thứ cấp và rẽ ngang cho con người trong việc đi tới sự thật tối hậu mà khoa học cũng đang cố mô tả, với mục đích là từ sự thật đó, con người được giải phóng/giải thoát?
“Tất cả vẫn loay hoay trong thân và tâm này. Tất cả vẫn loay hoay trong thế giới tạo lập bởi ngôn từ, ý niệm. Người thì chối bỏ bên ngoài để tù đọng, đắm chìm bên trong. Người thì chối bỏ bên trong để điên đảo theo bên ngoài. Vào lúc này, tôi lờ mờ cảm giác rằng về chùa tìm hiểu đạo Phật có thể đưa tôi ra khỏi sự loay hoay.” Ảnh: Tác giả trong thời gian sống ở một ngôi chùa ở Hà Nội.
Trả lời cho những câu hỏi này không dễ, nhất là khi tôi ngày càng kinh nghiệm những giới hạn của ngôn từ khi nói về một số vấn đề nhất định. Trong bài viết, anh Nguyễn Hải Hoành có đặt ra một số câu hỏi về hành trình và quyết định của cá nhân tôi. Chỗ này thì dễ trả lời hơn một chút. Vậy tôi xin được mượn một chương trong cuốn sách mới nhất của tôi – cuốn “Về Nhà” – để trả lời. Chương này nói về tâm trạng và suy nghĩ của tôi vào năm 2013, khi tôi quyết định về sống ở một ngôi chùa nhằm tìm hiểu về đạo Phật sau khi tôi trải qua một số kinh nghiệm tâm linh mà những kiến thức khoa học của tôi lúc đó đã không thể giải thích, hoặc giải thích không thỏa đáng, hoặc tệ hơn, có thể tạm giải thích được nhưng không hề có tác dụng gì trong việc giúp tôi ra khỏi đau khổ.
***
Chương 20: Đời rút cuộc là để làm gì?
(trích từ cuốn Về Nhà, 2017, do Nhã Nam xuất bản)
“Bây giờ phải hỏi một số câu hỏi nghiêm túc đây. Vì sao cần học Phật? Đạo Phật rút cục là cái gì? Giải thoát là gì? Giải thoát khỏi cái gì? Giải thoát xong thì đi đâu? Vì sao cần giải thoát?
Tôi phải hỏi những câu hỏi này để chắc chắn việc mình sẽ trở lại chùa – bởi vì tôi sẽ phải giải thích với bố mẹ và với chính mình tại sao tôi về Việt Nam nhưng không ở nhà mà lại vào chùa sống. Tôi không muốn quyết định về chùa là một quyết định do sợ hãi đưa đẩy – nhất là do sợ một thứ vô hình như “sợ ma”. Tôi cũng không muốn quyết định đó do sự tò mò chuyện ông Hoàng bà Chúa, ngài nọ ngài kia nhập vào người này người nọ. Tôi lại càng không muốn sự tìm hiểu này là do học nhiều, “rửng mỡ”, “phức tạp”, loạn đầu, hoặc thất tình, ly hôn, bị bỏ bùa mê thuốc lú – như người ta có thể nói. Tức là nếu tôi không “gặp ma” thì tôi có muốn tìm hiểu đạo Phật không? Nếu cuộc đời tôi trôi chảy, suôn sẻ thì tôi có muốn tìm hiểu đạo Phật không? Còn nữa: nếu tôi không phải là “đàn bà” và ở Việt Nam thì tôi có muốn tìm hiểu đạo Phật không, bởi vì đa phần người đến chùa đều là phụ nữ.
Chưa hết. Giờ tôi đã biết đến đạo Phật thì rút cục là tìm cái gì? Tìm một lực lượng để bảo vệ tôi? Tìm một hệ thống luân lý, đạo đức mới mà rút cục cũng chỉ là một thứ hệ thống tham chiếu? Tìm một nghi lễ? Tìm đại câu trả lời cho một câu hỏi quá khó mà tôi không có khả năng trả lời? Hay tìm cái gì? Tôi biết chắc một số người bạn của tôi – đa phần là trí thức, doanh nhân, chính trị gia thành đạt – sẽ không bao giờ thấy có nhu cầu tìm hiểu đạo Phật hay bất cứ “đạo” nào theo cách trải nghiệm chúng, dù rằng họ có thể đọc rất nhiều sách về tôn giáo. Họ chắc sẽ tặc lưỡi ngậm ngùi hoặc cười mỉm khi biết tôi vào chùa sống. Thế thì những người bạn vô cùng tài giỏi, thông minh, thành công đó của tôi và tôi có gì khác nhau, khiến chúng tôi có quyết định khác nhau với sự tìm hiểu này?
Tôi có lúc nào hoài nghi những gì đã thấy ở chùa không? Có chứ. Ngay từ đầu, lúc nào tôi cũng nghi. Từng giây từng phút đều nghi. Tôi nghi tất cả những chuyện Phật, Bồ Tát, ông Hoàng, Mẫu, ma quỷ, nhập xuất. Tôi nghi cả thầy trụ trì, các sư ông và sư chú – không phải nghi họ lừa tôi mà nghi rằng chính họ có thể cũng đang đi theo những ảo tưởng mà không biết. Sự thật là thời gian đầu đến chùa, đã có lúc tôi nghĩ sẽ bỏ đi không bao giờ quay lại. Nhưng rút cục, tôi vẫn quay lại. Cái làm tôi tiếp tục tìm hiểu đạo Phật chính là ở chỗ tôi thấy bất chấp những chuyện tôi chưa thể lý giải về Phật, Bồ Tát, ông Hoàng, mẫu, ma, nhập xuất, thì việc đọc và tìm hiểu kinh điển khiến tôi thấy mình ngày càng an. Phiền não của tôi bớt đi một cách rõ ràng. Đau khổ bớt đi rõ ràng, không phải bằng sự ru ngủ bản thân và tặc lưỡi mà bằng chính sức công phá sáng sủa của kinh sách tôi đọc đến thời điểm này. Ngay kể cả khi tôi chưa hiểu hoàn toàn, thì tôi cũng nhận thấy có sự khác biệt lớn giữa đạo Phật – với tư cách là một hệ thống những biển chỉ đường để con người thấy sự thật về thế giới và chính mình – với đạo Phật như một hệ thống tôn giáo, tín điều, cùng một rừng nghi lễ mà rất nhiều chùa ở Việt Nam đang tuân thủ. Đạo Phật với nghĩa chân pháp, chứ không phải một tôn giáo.
Cái tôi tìm là cái đầu, chứ không phải cái thứ hai.
Nhưng quay lại với những câu hỏi trên. Để trả lời, tôi thử hỏi tại sao thái tử Tất Đạt Đa bỏ kinh thành ra đi cầu đạo, rồi đắc đạo thành Phật Thích Ca Mâu Ni. Tại sao một người có tất cả lại từ bỏ tất cả để ra đi tìm đạo giải thoát? Bản thân tăng đoàn đầu tiên của Phật cũng đa phần là những người thuộc tầng lớp cao nhất trong xã hội Ấn Độ bấy giờ là tầng lớp bà-la-môn và quý tộc. Những người trong hoàng thân của thái tử Tất Đạt Đa như ngài A-Nan, A-Na-Luật, La Hầu La đều xuất gia theo Phật. Ở Việt Nam sau này, nhiều vua Lý là những Phật tử thuần thành. Vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông đều là những thiền sư lỗi lạc. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ở chùa lúc nhỏ. Một trong những văn hào Việt Nam tôi yêu mến nhất – Nguyễn Trãi – là người thấm nhuần đạo Phật. Tất cả những người tôi kính trọng trên thế giới đều có Đạo – theo nghĩa sự sống của họ có hương vị của sự giải thoát, dù Đạo mà họ thuận theo có thể có tên gọi khác nhau: Đạo Phật, đạo Lão, đạo Thiên Chúa, hay cái gì khác.
Khi ở chùa lần trước, tôi từng nói với thầy trụ trì rằng đã có tất cả như thái tử Tất Đạt Đa thì bỏ đi là quá dễ. Nếu tôi đã có x, y, z… tôi cũng có thể bỏ đi được bởi vì lúc đó chúng không còn quý với tôi nữa. Như khi tôi chưa có bằng tiến sĩ, tôi thấy việc có bằng tiến sĩ là một cái đích đáng mơ ước; nhưng khi có rồi tôi thấy nó bình thường, tôi không quan trọng việc người ta có biết tôi là tiến sĩ, thậm chí thấy rằng không có bằng tiến sĩ cũng chẳng sao. Năm 2010, tôi phỏng vấn anh Ngô Bảo Châu rằng sau khi được hai huy chương vàng Olympic toán quốc tế lúc mới 17, 18 tuổi, anh có cảm thấy áp lực phải giàu có, thành công vượt bậc khi lớn lên hay không, anh Châu cũng nói rằng anh không thấy có áp lực này bởi vì một khi được giải, anh thấy nó cũng bình thường, không thấy nó có gì đặc biệt, không thấy mình có gì đặc biệt nên không thấy mình phải làm gì đặc biệt với cuộc đời mình cả.
Thế thì thái tử Tất Đạt Đa có thể cũng đã thấy sự giàu có của mình là bình thường. Việc được ăn ngon, mặc đẹp, có cung nữ hầu hạ, muốn gì được nấy trở thành một thứ bình thường, thậm chí tầm thường. Cho nên thái tử muốn một thứ lớn hơn mà người ta có thể lãng mạn hóa mà gọi là cầu đạo giải thoát chăng? Song nó vẫn chỉ là một cái muốn khác, như người nghèo thì muốn có xe Dream, người hơi giàu muốn có Toyota, người rất giàu thì muốn Merdeces, người cực giàu thì muốn có máy bay riêng, mà người đã giàu không đếm được thì quay lại đi bộ hoặc xe đạp. Dù thế nào cũng vẫn là muốn. Thế thì giải thoát đi đâu? Cũng chỉ là thỏa mãn ở tầng kinh nghiệm khác nhau, cái cao cái thấp. Không lúc nào thoát khỏi thân và tâm này. Có cái hữu thể này tồn tại thì phải chăng tất cả chỉ là các định dạng khác nhau của kinh nghiệm hữu thể?
Lúc đó, thầy trụ trì đã nói với tôi rằng Bồ Tát Hộ Minh, tiền thân của Phật Thích Ca Mâu Ni từ cung trời Đâu Suất sinh xuống làm thái tử Tất Đạt Đa là do phước báo và nguyện lực; chứ không phải tình cờ làm thái tử rồi chán ngán mà bỏ đi. Tức là dù Đức Phật Thích Ca có sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bần cùng thì rồi ngài cũng vẫn có thôi thúc tìm sự giải thoát và sẽ từ bỏ gia đình để ra đi. Có điều, với tất cả những công đức đã tích tụ từ các kiếp trước, Ngài phải sinh làm thái tử.
Về chuyện phước báo của các kiếp trước thì tôi đã gặp đủ các hạng người trên đời để thấy một chuyện thế này. Có người sinh ra đã thấy làm việc lớn là chuyện đương nhiên – bất chấp xuất thân của họ cao sang hay nghèo hèn. Họ có thể chịu khó, chịu khổ lúc bé hay lúc trẻ mà không bận lòng vì họ luôn biết cái “lớn” của mình, họ thấy thế giới không đáng sợ, người giàu, người có bằng cấp, địa vị không có gì ghê gớm. Còn có người thì chỉ có thể thấy cái trước mắt, tính toán chuyện vụn vặt, vui với thành công nhỏ; kính ngưỡng sự giàu có, danh vọng, thành công, chức tước như những gì xa vời. Họ không thể nào tưởng tượng việc mình là chủ các cuộc chơi lớn mang tầm quốc gia, quốc tế; là người lãnh đạo, mở đường, tạo lập các truyền thống mới. Nghĩa là cái định dạng lúc khởi đầu, tầm cỡ của một người – mà thầy gọi là “nghiệp lực” ở các chúng sinh phàm và “nguyện lực” ở các bậc tái sinh – có thể là cái có thật.
Nhưng hãy quay lại chuyện giải thoát và học Phật của tôi. Tôi còn chưa thật rõ tôi có thể tìm gì ở chùa, tôi cũng còn chưa khẳng định được cốt tủy của đạo Phật là gì nhưng cái thôi thúc tôi đến chùa tìm hiểu không phải do sợ, do khổ, do thất bại. Nghĩ cho kỹ, cái thôi thúc này đã có từ nhỏ, dù tồn tại dưới dạng khác. Tôi đã đọc sách, đã luôn thích học, đã không ngừng tìm hiểu, đã một mình rời gia đình ở Bắc Giang ra Hà Nội học cấp ba, rồi lại một mình rời Hà Nội sang Mỹ học, và giờ quay lại Việt Nam cũng vì cái thôi thúc này. Gọi là cầu đạo giải thoát thì quá to tát; tôi thực tình thấy đời sống này dù khó khăn nhưng ngụp lặn trong những hỉ nộ ái ố của nó cũng đáng lắm. Có điều tôi không muốn ngụp lặn như một người mù quờ quạng. Tôi không muốn đi theo một cuộc chơi tôi không biết luật. Tôi muốn biết sự thật về thế giới và cuộc sống. Có sự thật thì có tự do. Có tự do thì dễ có hạnh phúc hơn. Tôi từng cho rằng khoa học sẽ mang lại sự thật và tự do đó; và tôi từng nhầm rằng học lên cao – mà bằng tiến sĩ là cao nhất về mặt học vị – thì tôi có thể tìm thấy sự thật và tự do đó.
Nhưng hình như không phải. Dù tôi có một hay 10 bằng tiến sĩ thì với tình trạng hiện tại, tôi vẫn không có tự do với những trạng thái tình cảm đơn giản nhất của mình như yêu, ghét, giận, sợ. Đa phần những người có bằng tiến sĩ mà tôi từng gặp, dù ở Việt Nam hay Mỹ, cũng thế. Đại gia mà tôi biết cũng thế. Bộ trưởng, thứ trưởng, đại sứ, thống đốc bang tôi biết cũng thế. Mỹ nhân, kiều nữ, danh ca, danh họa, đại trí thức cũng thế. Tất cả vẫn loay hoay trong thân và tâm này. Tất cả vẫn loay hoay trong thế giới tạo lập bởi ngôn từ, ý niệm. Người thì chối bỏ bên ngoài để tù đọng, đắm chìm bên trong. Người thì chối bỏ bên trong để điên đảo theo bên ngoài.
Vào lúc này, tôi lờ mờ cảm giác rằng về chùa tìm hiểu đạo Phật có thể đưa tôi ra khỏi sự loay hoay. Đằng sau rừng nghi lễ và tín điều đang được thực hành ở các chùa chiền Việt Nam có thể có vàng ròng. Có sự thật. Có tự do và cách để đi đến tự do.
Có Phật thực sự – như một người giải thoát, ngay tại đây, chứ không phải một đấng ban phát.
Tôi có thể sai nhưng tôi chấp nhận khả năng sai còn hơn ngồi im không đi tìm. Đời thì rút cuộc để làm gì nếu không để kinh nghiệm, trực nhận nó?
—
*Xem bài “Người mở cánh cửa thần bí”, Nguyễn Hải Hoành, số 05, tháng 3/2017