Đời sống, trí tưởng tượng và tự do tạo ra nghệ thuật đảo ngược
Thật may mắn là trong những ngày đầu năm 2014 này tôi được gặp một người Việt Nam có khả năng tạo ra một trường phái mới trong nghệ thuật. Đó là Nguyễn Đại Giang, người sáng lập Upsidedownism, trường phái nghịch đảo trong hội họa. Họa sĩ Đại Giang đến Mỹ năm 1992, và bất chấp những điều kiện sống khó khăn, chỉ hai năm sau, 1994, tranh của ông bắt đầu gặt hái các giải thưởng. Tôi đã tận dụng cơ hội tiếp xúc với người họa sĩ mở đầu cho một trường phái được thế giới thừa nhận để có cuộc trao đổi dưới đây.
Đại Giang: Nếu anh vẽ theo hiện thực, anh phải sáng tạo những bức tranh sau này đẹp hơn những bức tranh trước. Cũng như vậy nếu anh vẽ theo trừu tượng, siêu thực, lập thể v.v.. những ism đã được công nhận và trở thành trào lưu của hội họa quốc tế, anh phải làm sao để phẩm chất tranh của anh vượt được những cha đẻ của các trường phái trên.
Việc sáng tạo ra một trường phái, một ngôn ngữ riêng của hội họa, sẽ vô cùng gian nan, chịu đựng sự thử thách của thời gian, dư luận quần chúng cùng sự đố kỵ cào bằng của con người. Nếu là một trường phái, anh phải có một tư tưởng mới cùng hình thức nghệ thuật mới mà người ta chưa bao giờ nhìn thấy. Anh sẽ phải chịu áp lực của cái cũ, cái bảo thủ, cái thời thượng luôn luôn cản phá cái mới mẻ của anh.
Nghịch đảo không phải chỉ là sự chuyển dịch từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Nghĩa là không phải làm biến đổi một tổng thể theo một chiều. Mà đó là một sự chuyển hóa trong một tổng thể. Phải vậy không?
Đúng. Upsidedownism là một sự chuyển hóa trong một tổng thể.
Cái khó khi vẽ theo trường phái nghịch đảo là gì?
Là người vẽ, họa sĩ trước tiên phải thắng mình bằng sự vô ngã. Khi nào con mắt anh ta còn chấp những cái nhìn thấy thì vẽ đảo ngược rất khó. Bản chất cuối cùng của nghệ thuật là tự do, khi còn chấp thì tự do sẽ hạn chế, không thể thăng hoa được…
Theo một nghĩa nào đó, nghệ thuật đã tạo ra cuộc đời anh, tạo ra cả sự bất hạnh/thất bại lẫn thành công/hạnh phúc của anh. Nhưng cũng theo một nghĩa rất rõ ràng: anh đã tạo ra nó, tạo ra nghệ thuật. Nói tóm lại: nghệ thuật đã tạo ra anh, và đồng thời anh tạo ra nghệ thuật. Vậy đối với anh, nghệ thuật là gì? Là cuộc đời hay là tưởng tượng?
Cuộc đời tôi là một sự đảo ngược. Cuộc đời của bao nhiêu người khác cũng đảo ngược… Cũng nhờ cuộc đời này mà tôi sáng tạo ra trường phái đảo ngược: Upsidedownism. Thực ra tổ tiên chúng ta, tức dân tộc Việt Nam đã đưa tính chất đảo ngược vào nghệ thuật từ nghìn năm về trước. Tôi chỉ thừa kế và phát triển thành một trường phái, một ngôn ngữ giàu có của người Việt Nam, góp phần vào khu vườn đa sắc của hội họa thế giới. Vậy thì: đời sống cùng trí tưởng tượng cộng tự do tạo ra nghệ thuật đảo ngược.
Có lẽ tôi hiểu vì sao anh nói cuộc đời anh là một sự đảo ngược. Từ một giảng viên đại học mỹ thuật cuộc đời đặt anh vào vị thế của một người thợ, một người công nhân. Nhưng chính từ vị thế người thợ, chứ không phải từ vị thế một giảng viên đại học, mà anh sáng tạo ra cả một trường phái mới. Điều này thực sự làm đảo ngược cách nhìn về mối tương quan giữa vị thế xã hội và giá trị, đóng góp của một cá nhân. Nếu một cá nhân có tự do, và có khả năng đóng góp, có khả năng sáng tạo thì dù đứng ở vị thế nào cá nhân đó cũng có thể tạo ra các giá trị.
Anh nói rằng: “Nghệ thuật đồng nghĩa với sự từ bỏ. Phải biết từ bỏ, phải biết xóa bỏ mới có thể sáng tạo.” Thật ấn tượng khi được biết trong quá khứ anh đã từ bỏ triệt để đến mức nào, và phải trả giá cho sự từ bỏ của mình đến mức nào (nhưng đó là một câu chuyện khác dành cho một dịp khác, chúng ta không trở lại quá khứ vào thời điểm này). Giờ đây anh lại đang tiếp tục từ bỏ. Upsidedownism đã đưa anh tới nhiều thành tựu và được ghi nhận trong hai chục năm qua. Vậy mà dường như anh đang trên đường từ bỏ nó? Từ bỏ nghịch đảo để đến với siêu nghịch đảo. Điều này có nghĩa là tự từ bỏ chính mình, để có thể đến với những khả thể mới của chính mình. Thật đáng khâm phục khi ở tuổi bảy mươi anh lại lao vào một sự bất định mới, một khám phá mới. Cuộc phiêu lưu với siêu nghịch đảo đang chờ đón anh phía trước. Anh có thể chia sẻ một chút về việc ý tưởng siêu nghịch đảo đã đến với anh như thế nào không? Và cụ thể, siêu nghịch đảo là gì?
Thực ra siêu đảo ngược (superupsidedownism) là sự tiếp nối của đảo ngược chứ không phải là từ bỏ nó. Trước đây đảo ngược luôn luôn được vẽ bằng hai chiều Nam – Bắc. Giờ đây siêu đảo ngược sẽ được vẽ bằng bốn chiều: Đông – Tây – Nam – Bắc. Tức: bốn phương tám hướng. Nó muốn nói rằng: sự sáng tạo đầy tự do, cao hơn nữa, rộng hơn nữa cho sự tận hiến cái đẹp với minh triết dung hòa giữa phương Đông và phương Tây của thế giới đảo ngược.
Anh có nghĩ rằng anh sẽ thành công với siêu nghịch đảo như đã thành công với nghịch đảo không?
Các tranh mới nhất về siêu đảo ngược trong một cuộc thi hội họa quốc tế ở Mỹ sẽ được triển lãm vào đầu năm 2014.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này và chúc cuộc phiêu lưu mới của anh sẽ dẫn tới nhiều thành tựu.
—
Để hiểu thêm về quan điểm nghệ thuật và thành tựu hội họa của nghệ sĩ Đại Giang, quý vị có thể tham khảo website: http://www.daigiang- upsidedownism.net