Đồi thỏ: Hơn một Kinh Thánh phiên bản thỏ
Năm 1985, nhà xuất bản Penguin công bố danh sách những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời của mình, xếp đầu là "Animal farm" (Trại súc vật của George Orwell), xếp thứ hai là "Watership down" (Đồi thỏ, theo bản dịch của Hồng Vân) - cuốn tiểu thuyết đầu tay của Richard Adams, chỉ được phát hành lần đầu khi tác giả đã ở tuổi 52. "Trại súc vật" và "Đồi thỏ" có những điểm gặp gỡ. Chúng đều nhân cách hóa những loài vật để thêu dệt ngụ ngôn. Nhưng "Đồi thỏ" có một phẩm cách văn chương vượt trội so với tác phẩm giễu nhại kinh điển của Orwell.
Bởi Trại súc vật sinh ra từ lời kêu gọi của thời đại, nó đến từ một thế giới bên ngoài hơn là từ những trăn trở cơ bản của nội tâm, nó được viết với những thông điệp chính trị lộ liễu khiến văn bản bị phiên dịch máy móc thành cáo trạng hiện thực, ngăn chặn sự mở rộng đến vô cùng của trí tưởng tượng.
Còn Đồi thỏ được viết ra bởi một động cơ văn chương khác, nó được bắt đầu từ những câu chuyện kể làm vui lòng mấy cô con gái nhõng nhẽo. Tác giả của nó, hoàn toàn xa lạ với những tham vọng để lại di sản gì cho hậu thế, xa lạ với cả sức mạnh của văn chương, cách ông kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn một cách ngây thơ, bởi “tôi 52 tuổi khi phát hiện ra mình biết viết. Giá mà tôi biết sớm hơn. Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ thành nhà văn cho đến khi tôi thành nhà văn.” Đọc Đồi thỏ là một trải nghiệm, có lẽ, giống như sống trong một bộ lạc thời tiền sử, hàng đêm ngồi quây bên đống lửa dỏng tai lắng nghe một người kể chuyện có duyên và cùng chờ trời sáng. Dù không phải nó không có những ẩn dụ gây liên tưởng đến chính trị hay tôn giáo, nhưng câu chuyện phi thời về cuộc thiên di vĩ đại của đàn thỏ hào hùng, lí tưởng và mộng mơ đến mức nó vén màn một thế giới rạng ngời, vời vợi, sống động, diệu kỳ với khả năng tự chữa lành mà so với nó, mọi toan tính và xếp đặt của con người chỉ như những ảo giác nhỏ mọn và hư vô.
Đồi thỏ lớn hơn những ngụ ngôn rất nhiều. So sánh một cách tương đối, nó giống như một Vua sư tử của văn chương. Bên trên câu chuyện về lòng dũng cảm, công chính, cao thượng, yêu tự do – những giá trị đạo đức bất biến theo quy phạm của xã hội người, nó là một trường ca về sự sống, về vòng tuần hoàn của tự nhiên, về chuỗi chuyển hóa khôn cùng của vũ trụ và những lẽ phải bất biến theo quy luật của tạo hóa. Cái cách mà tiểu thuyết đã mở đầu bằng hình ảnh mùa anh thảo qua đi và kết thúc bằng những bông anh thảo đầu tiên chớm nở, cái cách mà đàn thỏ, trên hành trình vạn dặm của mình, chinh phục những con chuột tí hon, những con chim khổng lồ, hay “sai khiến” những con chó hung dữ, những con cáo háu ăn, và ở chừng mực nào đó, cả con người, khiến độc giả nhớ tới cảnh mở đầu trong Vua sư tử – có lẽ là một trong những cảnh mở đầu đáng nhớ nhất không chỉ của dòng phim hoạt hình mà còn là của điện ảnh nói chung – khi bình minh lên trên thảo nguyên Phi châu và hàng đàn muông thú, hàng vạn những con chim và cả côn trùng tiến về mỏm núi chào đón sự ra đời của sư tử Simba, trên nền nhạc Circle of life của Elton John.
Bản thân Đồi thỏ cũng được viết với một bút pháp tràn trề tính điện ảnh. Bối cảnh thiên nhiên không đại diện cho một lớp nghĩa nào khác hơn là chính nó, với tất cả sự vĩ đại, mượt mà của bốn mùa thay đổi, của những cánh rừng thường xanh, những nông trang, những dòng suối, những thảm cỏ, hang động, Mặt trời và sương mai. Hoặc là Richard Adams có một vốn hiểu biết phi thường về thiên nhiên, hoặc ông có một sức tưởng tượng siêu việt, với mọi phân đoạn ông viết ra đều đạt tới sự hài hòa về màu sắc, phối cảnh.
Đồi thỏ có những nhân vật gợi nhắc tới những nhân vật hư cấu hay phi hư cấu trong văn hóa loài người. Khi chú thỏ mang tên Thứ Năm đứng trước cây anh thảo cuối cùng của tháng Năm và chợt linh cảm tai họa sắp giáng xuống cho bầy thỏ tại mảnh đất quê hương, rồi gợi ý cho bầy thỏ một cuộc hành hương tìm đất hứa, đó là một hình ảnh không khác là bao so với nhà tiên tri Moses quỳ gối trước một bụi cây và nghe những lời phán bảo bí ẩn của đấng tự xưng là Đấng Hằng Hữu, ra lệnh cho ông dẫn con dân Israel rời khỏi đất nước Ai Cập đến vùng đất mới. Còn nhân vật trung tâm của câu chuyện, chú thỏ thủ lĩnh mang tên Cây Phỉ, kẻ đã dẫn đầu đoàn thỏ “phản loạn” xây dựng vương quốc ở chốn xa xôi, chú ta giống như một song trùng của người anh hùng Odysses mưu mẹo, thao lược nhưng mang một số phận trôi dạt và trắc trở trong thần thoại Hy Lạp. Và El-ahrairah – mệnh danh “Cha của tất cả”, ông tổ của loài thỏ trên thế gian, nhân vật chỉ xuất hiện trong câu chuyện qua những giai thoại thần thánh hay những giao ước mầu nhiệm với Thần Mặt trời để loài thỏ không bao giờ tận diệt – là một sự pha trộn giữa Odysses và Abraham, “Cha của nhiều dân tộc”, tổ phụ của người Do Thái và Ả Rập, người cũng đã giao ước với Thượng Đế để nhận lãnh ơn phước đời đời.
Song, cũng như đã nói, sự cuộn trào của bầu không khí văn chương trong Đồi thỏ khiến những liên tưởng mờ đi, để ta chỉ còn lại sự choáng ngợp trước những cuộc phiêu lưu bất phàm của bầy thỏ, kính trọng những ứng xử hào hiệp của những sinh vật bé nhỏ, yếu thế. Không phải khả năng ẩn dụ là sức mạnh lớn lao nhất của văn chương, mà chính trong cú nhảy vượt thoát khỏi hiện thực để tạo ra một thế giới cắt đứt với những chủ nghĩa, những sự kiện lịch sử, chính trong sự say mê một cách thuần túy những diễn biến cốt truyện mà không đòi hỏi suy diễn bài học đạo lý, sức mạnh văn chương mới lên tới cực điểm.
Có lẽ chính vì thế mà Đồi thỏ, một cuốn tiểu thuyết dài, ngồn ngộn, và vào thời điểm nó ra đời, đi ngược lại với quy chuẩn một cuốn truyện dành cho thiếu nhi, lại vẫn được xếp như một tiểu thuyết thiếu nhi kinh điển. Vì chỉ trẻ em mới có thể xem những yếu tố đen tối, bạo lực, kinh dị, trọng nam trong Đồi thỏ chỉ là những tình tiết cam go, gay cấn hay những đặc điểm sinh hoạt đời thường của loài thỏ, chứ không phải những diễn ngôn về cách mạng, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa Sô-vanh, phân biệt giới tính như bạn sẽ thấy rất nhiều trong những bài phân tích trên những tờ báo dành cho người lớn. Đồi thỏ, đó là một cuốn tiểu thuyết mà, khi ta cố gắng hiểu nhiều hơn ở nó, và tưởng như đã hiểu nhiều hơn ở nó, lại là lúc ta quên mất đi bản chất của nó thực sự là gì.
“Người ta có thể tranh luận về giá trị của hầu hết các cuốn sách, nhưng người ta không tranh luận về cuốn sách này. Đó là cuốn sách của mọi nhà, một cuốn sách mà mọi người trong gia đình đều yêu mến và trích dẫn liên tục, một cuốn sách được đọc to cho mọi người khách nghe, một món quà tuyệt diệu”, đó là lời nhận xét từng được trao cho Gió qua rặng liễu của Kenneth Grahame, một danh tác khác của văn học thiếu nhi Anh. Lời nhận xét ấy cũng phù hợp cho Đồi thỏ.
Đồi thỏ quá đẹp. Cái đẹp của cuốn sách như một lớp kim tuyến lấp lánh, làm ta xao nhãng khỏi nỗi băn khoăn về cuộc phiêu lưu không tì vết, không mất mát, nỗi băn khoăn về sự lí tưởng hóa mọi hoạn nạn, lí tưởng hóa cả sự mất tích, lí tưởng hóa cả cái chết. (Phải, cả cái chết của chú thỏ thủ lĩnh Cây Phỉ cũng nhẹ nhàng, êm đềm như áng thơ mùa xuân). Câu chuyện của lũ thỏ anh hùng khiến những lí trí hoài nghi và sắc bén nhất cũng lung lay. Không ai muốn phản biện cái địa đàng hoàn hảo đến phi thực tế ấy. Cảm giác này có lẽ rất giống với cái hình ảnh nhà văn Milan Kundera, nổi tiếng với trí tuệ sắc lẹm và logic đến cực đoan, ở đoạn cuối của Chậm, nán lại nhìn người hiệp sĩ trong giấc mơ của mình bước lên xe ngựa, và ông thầm nhủ: “Tôi van anh đấy, anh bạn ạ, hãy sung sướng đi. Tôi có cảm tưởng mơ hồ rằng khả năng sung sướng của anh là niềm hy vọng duy nhất của chúng tôi.” Giữa một thế giới luôn trực chờ đổ vỡ và điêu tàn, niềm hạnh phúc của một lũ thỏ hoang nơi triền đồi xa xôi nào đó nắm giữ một niềm hy vọng. □