Đối thoại từ một nửa thế giới

Đây là tiêu đề cuộc triển lãm diễn ra tại Âu Cơ gallery từ 19/09 tới 04/10/2009. Sáu tác giả tham gia triển lãm bao gồm Mai Thu Vân, Đinh Ý Nhi, Lê Thị Hiền, Đặng Thị Khuê, Nguyễn Thị Châu Giang, và Lý Trần Quỳnh Giang. Họ đều nằm trong số các nữ nghệ sỹ đương đại tiêu biểu hàng đầu của nền mỹ thuật VN.  

Mỗi tác giả có một số phận, một con đường sáng tạo riêng.
Mai Thu Vân hóa thân da thịt nồng nàn của người đàn bà vào phố phường. Làm cho phố phường trở nên người hơn. Đó cũng là một cách làm hóa giải các rào cản. Những đường cong của nữ giới giúp hòa dịu đi mọi lồi lõm thăng trầm của đời sống. Và ngược lại, những góc khuất, góc mờ, những truân chuyên nảy sinh từ đời sống giúp viên mãn các thiên chức hiến dâng, bù đắp, che chở, và nuôi dưỡng của nữ giới. 
Một cách tỉnh táo, Lê Thị Hiền tận tình mổ xẻ bản chất của sự vật. Một mặt cô thể hiện tính đa diện trong từng bản thể, mặt khác lại chỉ ra sợi dây vô hình kết nối các bản thể riêng biệt. Sự tỉnh táo là lực cản người nghệ sĩ đạt tới trạng thái thăng hoa, nhưng tính cô đọng và minh giản phản ánh một nội lực được tích lũy đáng kể.
Với Đặng Thị Khuê, năng lượng dồi dào của cô dễ dàng bắt nhịp theo giai điệu của những hoài niệm dân gian phảng phất. Dù người nghệ sĩ có nhận ra hay không thì bản thân trong sự phảng phất ấy vốn đã tiềm ẩn lối rẽ bí mật tới tự do.

Dưới trăng (Mai Thu Vân)

Ẩn bên trong mỗi người đàn bà đều có một bé gái, nơi hội tụ của cái đẹp nguyên sơ thuần khiết. Đè lấp lên là những rào cản, định kiến, và gánh nặng của đời sống. Chính sự xung đột mãnh liệt giữa hai thái cực đã khơi ra nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào cho Nguyễn Thị Châu Giang. Càng va đập với ngoại cảnh, càng lộ ra cốt lõi nguyên thủy bên trong người họa sỹ.
Cũng là cuộc xung đột giữa ngoại cảnh đời sống và cốt lõi bé gái bên trong tâm hồn, nhưng với Đinh Ý Nhi đó là một quá trình phức tạp có lịch sử phát triển từ rất lâu. Ngày nay, chất hoang dại bồng bột của xưa kia đã dần được thay thế bằng sự phong trần từng trải. Những biểu cảm nội tâm phức tạp và tinh tế, những toan tính góc cạnh trên gương mặt các cô bé, hoàn toàn tương phản và đối chọi lại với những khuôn khổ và ranh giới ngang dọc áp đặt bởi ngoại cảnh đời sống.   
Lý Trần Quỳnh Giang là người trẻ tuổi nhất trong 6 họa sỹ, nhưng sự chân thành và dũng cảm của cô khiến chúng ta phải kính trọng. Cô diễn đạt những cảm nghiệm liên quan tới tính dục, bằng thứ ngôn ngữ nguyên thủy hầu như không bị vướng víu vào các sự vụ cụ thể trên bề mặt cuộc sống. Cô nói chuyện nội tâm mình mà tưởng chừng như nói câu chuyện của mọi người, của muôn đời. Những ham muốn bị đè nén, quấn băng; những kiếp người tự mình xóa nhòa và đánh mất; sự mâu thuẫn phức tạp giữa một bên là nỗi căm ghét các rào cản, bên kia là nhu cầu cần đến chúng để được nương tựa.
Sáu thế giới biệt lập, kẻ thiên về hướng nội, người thiên về hướng ngoại. Nhưng những sáng tạo của họ đều là những nỗ lực thuần khiết nhằm bảo tồn bản ngã riêng của mình. Họ bảo tồn cho riêng họ, nhưng cũng chính là bảo tồn cho chúng ta: sự phong phú của những gì con người tự nhiên có thể là.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)