Động thái của sự viết*
Sinh năm 1952 tại Hà Nội, sống tại Mỹ từ 1970, Trịnh T. Minh-hà là một nhà làm phim, nhà văn, nghệ sĩ tạo hình, nhà viết nhạc, và học giả. Bà có lẽ là một trong số hiếm hoi những học giả người Việt có tầm vóc quốc tế trong lĩnh vực nhân văn. Tên của bà thường được nhắc đến như một đại diện quan trọng của khuynh hướng hậu thuộc địa và nữ quyền luận trong nghiên cứu văn hóa. Đồng thời, bà cũng là một nhà lý thuyết phim đưa ra những tư tưởng độc đáo, sâu sắc về đặc trưng của hình ảnh, quyền năng của camera và thể loại phim tài liệu-tiểu luận. Tư tưởng của Trịnh T. Minh-hà không tách rời với các thực hành nghệ thuật của bà, đặc biệt là với ngôn ngữ văn chương và điện ảnh. Bằng ngôn ngữ văn chương và điện ảnh, Trịnh T. Minh-hà kháng cự những định nghĩa đơn nhất, khơi dậy chất vấn xung quanh những ý niệm về biên giới, căn tính, chủng tộc, thân thể, quá trình thực dân hóa. Dưới đây, Tia Sáng xin giới thiệu hai trích đoạn từ cuốn sách Woman, Native, Other. Writing postcoloniality and feminism [Phụ nữ, Bản địa, Kẻ khác: Viết tính hậu thuộc địa và nữ quyền luận]. Đây là chuyên luận gây ảnh hưởng sâu rộng đối với việc tiếp cận hành động sáng tạo ngôn từ của phụ nữ trong mối liên hệ với ý thức phái tính và chủng tộc.
…Không phải da đen/da đỏ/ da vàng, cũng không phải là phụ nữ mà là nhà thơ hay nhà văn, thế thôi. Đối với nhiều người trong chúng ta, câu hỏi về quyền ưu tiên vẫn là một vấn đề cốt yếu. Chỉ đơn thuần là một “nhà văn”, không nghi ngờ gì nữa, đảm bảo đem đến cho người ta một vị thế quan trọng hơn rất nhiều so với việc là “một người phụ nữ da màu viết văn”. Gắn chủng tộc và giới tính vào hành động sáng tạo từ lâu đã là một phương cách để các thiết chế văn chương rẻ rúng và hồ nghi những thành tựu của các nhà văn nữ không thuộc chính mạch. Chị ta, người “ngẫu nhiên” là một người “không phải da trắng” thuộc các nước thế giới thứ ba, một phụ nữ, và một nhà văn, buộc phải vượt qua những thách thức khi đặt tác phẩm mình trước sự lạm dụng của những lời ca tụng và phê bình có xu hướng hoặc là phớt lờ, bỏ qua hoặc quá nhấn mạnh vào đặc điểm chủng tộc và giới tính của chị ta. Tuy nhiên, thời gian ấy đã qua chị ta đã có thể tự tin đồng nhất mình với một nghề nghiệp hoặc một khuynh hướng nghệ thuật mà không cần phải chất vấn hay liên hệ nó với thân phận người phụ nữ da màu của mình. Hiện nay, sự phát triển của ý thức tộc người- nữ quyền (ethnic-feminist) càng khiến chị ta khó khăn hơn để vờ như không thấy không chỉ việc nhà văn được đặc thù hóa như là chủ thể lịch sử (ai viết? và trong bối cảnh nào?) mà còn cả việc bản thân sự viết như là một thực hành được đặt ở khoảng giao cắt giữa chủ thể và lịch sử – một thực hành văn chương bao hàm tri thức khả hữu về chính bản thân nó (ngôn ngữ và tư tưởng hệ) theo nghĩa hẹp của từ này. Một mặt, cho dù chọn vị trí nào đi nữa thì sớm muộn chị ta cũng thấy mình bị đẩy vào tình huống mà ở đó, chị không khỏi cảm thấy mình buộc phải lựa chọn giữa ba bản sắc xung đột nhau. Là nhà văn da màu? Là nhà văn nữ? Hay một phụ nữ da màu? Bản sắc nào xuất hiện đầu tiên? Chị đặt sự trung thành của mình vào đâu? Mặt khác, chị lại thường xuyên cảm thấy mình bất hòa với ngôn ngữ – cái tham dự vào hệ tư tưởng mà “người đàn ông da trắng được xem là nguyên tắc” và cũng là cái được sử dụng chủ yếu như một phương tiện để truyền bá những mối quan hệ quyền lực đã được thiết lập. Điều này càng được thể hiện sâu sắc hơn khi chị nhận thấy sự bất hòa trong mối quan hệ của mình với sự viết, điều mà khi được tiến hành một cách không phê phán thường chứng tỏ đó là một biểu hiện của sự thống trị: là người nắm giữ phát ngôn, chị thường viết từ một điểm nhìn của quyền lực, tạo ra một “tác giả” đặt chị lên trên tác phẩm của mình và tồn tại trước nó chứ hiếm khi đồng thời ở cùng với nó. Do đó, với chị, việc cầm bút lên mà cùng lúc đó, không tra vấn mối quan hệ của mình với thứ chất liệu đã định nghĩa chị và công trình sáng tạo của chị là điều bất khả. Như một tiêu điểm của ý thức văn hóa và sự đổi thay của xã hội, sự viết đã dệt vào ngôn ngữ những mối quan hệ phức tạp của một chủ thể bị mắc kẹt giữa những vấn đề về chủng tộc và phái tính với sự thực hành văn chương vốn mang tư cách là chính nơi sự tha hóa xã hội bị cản trở theo những cách thức khác nhau tương ứng với từng bối cảnh đặc thù…
*
… Không hoàn toàn mang tính cá nhân cũng không thuần tuý mang tính lịch sử, mỗi phương thức viết tự nó là một chức năng. Như một động thái của sự tương thông mang tính lịch sử, nó biểu lộ, đồng thời với quan điểm và chủ ý mang tính cá nhân của tôi/người viết, một mối quan hệ giữa sự sáng tạo và xã hội. Do đó, chỉ nhắm đến một trong hai phương diện này thì quả nhiên là một lối tiếp cận vô hiệu. Cũng vô hiệu như thế là việc thuyết giáo về tính cách mạng thông qua một lối viết lưu tâm đến việc áp đặt hơn là khơi dậy ý thức liên quan đến tiến trình mà ngôn ngữ vận hành, hay đến bản chất, động thái và vị thế của chính sự viết…
Sự thay đổi triệt để không thể xuất hiện chừng nào hành động viết chưa được nhận ra, nói một cách chính xác, như một phương thức khắc họa xã hội hay như “một sự chọn lựa phạm vi xã hội mà trong đó người viết ưu tiên nhắm đến để định vị Bản Chất ngôn ngữ của mình.” (R. Barthes). Điều này đòi hỏi một ý niệm về sự viết không còn bị giản lược ngây ngô thành một phương tiện để biểu đạt một hiện thực hay để phát ra một thông điệp. Nhấn mạnh vào sự biểu đạt và vào thông điệp tức là quên rằng, ngay cả nếu nghệ thuật có được coi là “một ô cửa nhìn ra thế giới”, nó vẫn chỉ là một “ô cửa được phác họa” mà thôi. (V.Schklovsky). Và cũng như những ô cửa được phác họa đó có những hiện thực riêng của chúng, sự viết, tự nó như một hệ thống, cũng có những quy tắc và tiến trình cấu trúc của riêng nó.
Bài học vỡ lòng dạy rằng để cho các mẫu tự trở thành các chữ và để cho các chữ có ý nghĩa thì chúng phải có quan hệ đến các mẫu tự khác, đến các chữ khác, đến cái bối cảnh mà trong đó chúng triển khai — dù đó là bối cảnh ngôn từ hay bối cảnh phi ngôn từ — cũng như đến các bối cảnh hiện diện hay khiếm diện khác. (Ngôn từ là những kho ý tưởng bị nhét đầy bởi những thứ ký ức bậc-hai và bậc-ba — những thứ ký ức chai cứng bất chấp những ý nghĩa không ngừng biến đổi của chúng.) Do đó, sự viết không ngừng tham chiếu sự viết, và không sự viết nào có thể khẳng định là nó hoàn toàn được tự do trước những sự viết khác…
Vậy thì từ đây bạn sẽ làm gì? Tôi sẽ làm gì? Và một nhà văn nữ có ý thức dấn thân sẽ làm gì? Nắm bắt một giọng điệu, tìm kiếm các chữ và các câu: hãy nói ra điều gì đó, một điều thôi hoặc không điều gì cả; hãy buộc vào/cởi ra, đọc/giải trừ cái đọc, vứt bỏ những hình thức của chúng; hãy tỉ mỉ quan sát những quán tính ngữ pháp trong lối viết của bạn, và hãy tự cân nhắc liệu chúng cho bạn tự do hay chúng kiềm tỏa bạn. Hãy lay đổ cú pháp, đập nát những huyền thoại và, nếu thất bại, bạn hãy cứ tiếp tục lướt tới, hãy KHAI QUẬT những lối đi ngôn ngữ mới. Bạn có gây ngạc nhiên không? Bạn có gây sửng sốt không? Bạn có một sự lựa chọn nào không?
Hải Ngọc dịch
Nguồn:Trinh T. Minh-ha, Woman, Native, Other: Writing Postcoloniality and Feminism, (Bloomington, IN: Indiana University Press, 1989).
———
* Tên chúng tôi tạm đặt.