Dự án Hanssmann:
một kỳ công về quy hoạch và kiến trúc
Trong khoảng 15 năm (1853-1868), nhà quản lý đô thị lỗi lạc của nước Pháp - Haussmann, đã gần như hoàn tất các kế hoạch đầy tham vọng của mình: biến Paris từ một đô thành Trung cổ, xấu xí và bẩn thỉu thành một thủ đô hiện đại, lộng lẫy, với những đại lộ thẳng tắp chạy xuyên qua thành phố. Dọc theo những đại lộ ấy mọc lên những nhà hát, nhà thờ mới, nhà ở cao tầng cùng rất nhiều công viên tươi đẹp.
Du khách đến Paris ai cũng gắng một lần bước lên tầng cao nhất của tòa tháp Eiffel uy nghi sừng sững với độ cao 324 mét để tận mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh thủ đô nước Pháp, dù có phải chờ cả tiếng đồng hồ xếp hàng dài mua vé. Trong cái giá lạnh của một ngày mùa đông cuối năm, tôi đã hòa mình vào dòng người nô nức cùng đi thang máy lên tầng 3 của tháp, ngắm nhìn kinh đô ánh sáng huy hoàng vào buổi chiều tàn và rực rỡ lung linh khi màn đêm buông xuống. Khách viếng thăm đủ mọi quốc tịch, màu da và ngôn ngữ nhưng chắc chắn ai cũng đều thốt lên một từ “tuyệt vời” khi ngắm nhìn toàn cảnh Paris từ trên cao.
Paris hấp dẫn du khách bốn phương bởi những đại lộ dài hun hút, những tượng đài, cung điện và công trình kiến trúc hoành tráng mà vô cùng tinh tế. Tất cả kết hợp với nhau hài hòa như bức tranh của một nghệ sỹ tài hoa. Nhìn toàn cảnh Paris từ trên tháp Eiffel mới thấy được sự kì vĩ và duyên dáng của Paris mà không một thành phố nào trên thế giới này có được. Trước khung cảnh tráng lệ say đắm lòng người ấy, ít ai biết được rằng giữa thế kỉ 19, Paris vẫn chỉ là một thành phố mang hơi hướng Trung cổ, một thành phố đậm nét tương phản với những tượng đài kỷ niệm duyên dáng, những công trình lịch sử nằm kề bên các khu nhà ổ chuột. Đó là kết quả của hàng thế kỷ phát triển tùy tiện. Thành phố rất đông đúc vì có quá nhiều dân nhập cư từ các tỉnh tìm đến sinh sống. Paris ngày ấy vẫn chỉ là một thành phố nhỏ ở châu Âu, không có gì đáng để so sánh với Madrid, Lisbon và càng không thể đứng ngang hàng với London của đế quốc Anh hùng mạnh.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách công bằng rằng ngay từ thế kỷ 17, người ta đã bước đầu tạo nên những nền móng đầu tiên của Paris ngày nay bằng việc ban hành các quy chuẩn căn bản, chặt chẽ và khắt khe về quy hoạch và xây dựng. Thật là khó tin là ngay từ thời đó, với Chỉ dụ năm 1607 và Sắc lệnh 1667, chính quyền thủ đô đã thiết lập nên những quy chuẩn đầu tiên về quy hoạch và quản lý đô thị ở Paris. Trong đó, có những quy tắc vẫn còn được áp dụng tới tận ngày nay như giới hạn về chiều cao của tòa nhà mặt phố hay xử lý những tòa nhà mặt phố nhô ra nhằm tạo ra những dãy phố dài và ngăn nắp.
Có thể thấy rằng công tác quy hoạch hiệu quả chỉ có thể được đảm bảo bằng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, công minh về quy hoạch và kiến trúc, dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Dù vậy, bộ mặt của Paris thực sự thay đổi và mang dáng dấp của một kinh đô diễm lệ quyến rũ khách thập phương hôm nay chỉ thực sự có được nhờ dự án cải tạo Paris thời Đệ nhị Đế chế. Dự án này, hay còn gọi là các công trình Haussmann, là dự án tái quy hoạch và hiện đại hóa thủ đô Paris của Pháp thời Napoléon đệ tam. Dự án lớn này được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1852 đến năm 1870, dưới sự phụ trách của tỉnh trưởng tỉnh Seine, Nam tước Georges Eugène Haussmann.
Xin được nói thêm một chút về Nam tước Georges – Eugène Haussmann, vốn nổi tiếng là nhà quản lý đô thị lỗi lạc của nước Pháp. Các thành phố ông từng làm quản lý như Bordeaux đều được ghi dấu bằng những công trình kiến trúc tuyệt vời có giá trị đến tận ngày nay, điển hình là khu quảng trường Bourses ở trung tâm Bordeaux được UNESCO xếp hạng di sản thế giới. Nhờ tài năng và uy tín đó mà ông được Hoàng đế Louis Napoléon, tức Napoléon đệ tam, bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng tỉnh Seine (trong đó có Paris) vào tháng 6 năm 1853.
Napoléon đệ tam đã giao trọng trách quy hoạch lại Paris cho Haussmann, đồng thời cho phép vị tổng công trình sư này được toàn quyền hành động với các khoản tài trợ rộng rãi đến từ Chính phủ và các nhà băng.
Dự án của Haussmann bao trùm lên tất cả các khía cạnh về quy hoạch đô thị của Paris như kiến trúc đô thị, đường phố, không gian xanh, hệ thống dẫn và thoát nước. Dự án này được thực hiện ở cả vùng trung tâm Paris lẫn các khu vực ngoại ô.
Tuy gặp phải một số chỉ trích vào thời gian thực hiện nhưng cùng với thời gian, dự án quy hoạch của Haussmann đã cho thấy hiệu quả lớn khi biến thành phố Paris từ một đô thị cổ, đường phố chật hẹp, trở thành một đô thị hiện đại với các đại lộ lớn và những quảng trường thoáng đãng. Không chỉ làm nên bộ mặt mới của Paris ngày nay, những cải tạo của Haussmann còn là một kho báu cho các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch đô thị và sử gia nghiên cứu và học hỏi.
Napoléon đệ tam và Haussmann đã cùng thảo ra một kế hoạch lớn nhằm cải biến Paris theo nguyên tắc: xây dựng những đại lộ có cây xanh và các khối nhà ở, công thự dọc hai bên đường; những đại lộ thẳng tắp này tỏa ra từ trung tâm và những đường phố cũng được tạo ra để nối liền các quận nội đô, từ đó giải quyết vấn đề giao thông trong thành phố.
Haussmann đã thực sự chuyển trung tâm Paris về phía Tây Bắc, từ đó xây những đại lộ rộng lớn, thẳng tắp và kiên quyết xóa bỏ mọi chướng ngại nằm trên những con đường đã được duyệt theo kế hoạch. Ông đã phá hủy hàng nghìn khu nhà lụp xụp và cũ kĩ (trong đó có cả ngôi nhà ông đã sống thời thơ ấu) và điều hàng vạn dân cư ra khỏi trung tâm thành phố để xây các đại lộ, công viên, nhà thờ, nhà hát, quảng trường rộng lớn … Chính nhờ có nhãn quan và tinh thần quyết liệt ấy mà ngày nay, Paris mới ngẩng cao đầu kiêu hãnh về những công trình kỳ diệu như Quảng trường Concorde, Quảng trường Trocadero và Đại lộ Champs Elysée
Một thành tựu to lớn khác của Haussmann là đã xây dựng được hệ thống cống rãnh thoát nước hiện đại nhất lúc bấy giờ, tạo ra bầu không khí trong lành, xóa bỏ được những bãi sình lầy gây dịch tả và những ngõ hẻm chật cứng người của Paris thời đó.
Trong khoảng 15 năm (1853-1868), Haussmann đã gần như hoàn tất các kế hoạch đầy tham vọng của mình: biến Paris từ một đô thành Trung cổ, xấu xí và bẩn thỉu thành một thủ đô hiện đại, lộng lẫy, với những đại lộ thẳng tắp chạy xuyên qua thành phố. Dọc theo những đại lộ ấy mọc lên những nhà hát, nhà thờ mới, nhà ở cao tầng cùng rất nhiều công viên tươi đẹp. Hệ thống cấp thoát nước và khí đốt cũng được xây dựng và hiện đại hóa.
Để có được kỳ công về mặt quy hoạch và kiến trúc đó, không thể không nhắc đến vai trò trọng yếu của hệ thống quy chuẩn về kiến trúc đô thị mà những người khởi xướng dự án đặt ra. Tuy bị chỉ trích mạnh mẽ vào thời đó nhưng giá trị và tầm quan trọng của hệ thống quy chuẩn này là điều mà ngày nay ai cũng phải thừa nhận. Chẳng hạn, Sắc lệnh ngày 26 tháng 3 năm 1852 đã đưa ra các công cụ luật pháp giúp xúc tiến dự án cải tạo của Haussmann, với những nội dung căn bản như:
Quyền trưng dụng “vì mục đích sử dụng công”, theo đó chính quyền được phép trưng dụng các toà nhà nằm dọc những con đường được dự kiến xây dựng. Quyền này đã cho phép Haussmann phá sạch một phần đáng kể Île de la Cité để xây dựng lại, đồng thời bắt buộc chủ của những ngôi nhà này phải tu sửa mặt tiền ngôi nhà của họ theo kì hạn 10 năm một lần.
Quy định về độ cao chuẩn cho các con đường, quy định về thiết kế nhà, về chỗ nối giữa hệ thống đường ống nước thải.
Tiếp đó là quy định về đô thị hóa năm 1859 cho phép mặt tiền các tòa nhà chỉ được cao tối đa 20 m trong những con phố rộng 20 m của Haussmann đang xây dựng (trước đó chiều cao tối đa là 17,55 m). Các mái nhà phải được làm nghiêng một góc 45 độ. Mặt tiền các đơn vị nhà nằm trên cùng một con phố cũng phải tuân thủ theo cùng một kích thước.
Chính tài năng quy hoạch kiến trúc lỗi lạc cùng với tầm nhìn vượt thời đại của những con người như Haussmann đã làm nên một Paris hoành tráng nhưng không kém phần diễm lệ ngày nay. Xa xa nhìn từ tầng 3 của tháp Eiffel là một quảng trường lớn bao quanh Khải hoàn môn, mang tên Quảng trường Ngôi sao, từ đó tỏa ra các đại lộ tráng lệ rộng lớn như những cánh lung linh của một ngôi sao, biến Paris trở thành một trong những kinh thành đẹp và lãng mạn nhất địa cầu. Một trong những đại lộ tuyệt đẹp ấy mang tên Haussmann, người có công lớn trong việc xây dựng nên kinh đô ánh sáng. Lịch sử sẽ còn nhiều biến động, những con đường rồi cũng có thể thay tên, nhưng công lao của Haussmann với Paris thì sẽ còn lưu giữ mãi trong trái tim của hàng triệu triệu người yêu mến thành phố này.