Dự án Lunar Codex gửi lên Mặt trăng tác phẩm của 30.000 nghệ sĩ

Những chiếc hộp thời gian là tiếng nói nhằm tôn vinh và bảo tồn nghệ thuật đương đại từ khắp nơi trên thế giới.

Bản sao số của “New Moon”, một bản in màu của nghệ sĩ Canada Alex Colville được đưa vào Lunar Codex. Nguồn: Smithsonian

Ông Peralta, người đứng sau Lunar Codex, một dự án đưa những chiếc hộp thời gian chứa đựng tác phẩm của 30.000 nghệ sĩ từ 157 quốc gia lên bề mặt Mặt trăng coi dự án của mình là “một lá thư trong chai gửi đến tương lai”, cho mọi người thấy rằng “trong thời kỳ chiến tranh, đại dịch và khủng hoảng kinh tế, con người vẫn có thể soi tìm những khoảnh khắc để sáng tạo cái đẹp,” ông bày tỏ.

Ý tưởng này không mới, đã có nhiều dự án nghệ thuật đưa các tác phẩm, hiện vật lịch sử lên Mặt trăng. Tác phẩm nghệ thuật đầu tiên du hành lên Mặt trăng là “Bảo tàng Mặt trăng” diễn ra vào năm 1969. Đó là một viên gạch gốm nhỏ có chứa các bức vẽ của Forrest Myers, Andy Warhol, Claes Oldenburg, Robert Rauschenberg, David Novros và John Chamberlain, được gắn một cách kín đáo vào chân của mô-đun Mặt trăng như một phần của Sứ mệnh Apollo 12 vào năm 1969. Dự án “Những Phi hành gia đã Ngã xuống” là tác phẩm điêu khắc bằng nhôm của nghệ sĩ người Bỉ Paul van Hoeydonck, được phi hành đoàn Apollo 15 để lại trên bề mặt Mặt trăng vào năm 1971. Tác phẩm là một tấm bảng nhỏ tưởng niệm 14 phi hành gia Mỹ và các phi hành gia Liên Xô đã hy sinh vì đất nước.

Song ông Peralta cho biết dự án này rất độc đáo vì “nó tập trung vào nghệ thuật đương đại – chứ không phải là tác phẩm của những nghệ sĩ như Shakespeare, Mozart hay Rembrandt,” ông giải thích. 

Trong số các tác phẩm được chọn vào dự án Lunar Codex có bức tranh “New American Gothic” của Ayana Ross, bức chân dung Lego “Emerald Girl” của Pauline Aubey và “The Polaris Trilogy: Poems for the Moon” – một tuyển tập thơ bao gồm các tác phẩm của những tác giả từ mọi châu lục, kể cả Nam Cực. Dự án cũng tuyển chọn các tác phẩm của nghệ sĩ tranh in Ukraine Olesya Dzhurayeva, người đã phải chạy trốn khỏi Kyiv vào năm ngoái, và Connie Karleta Sales – một nghệ sĩ mắc chứng rối loạn quang phổ Optica viêm thần kinh, người đã tạo ra các bức tranh thông qua công nghệ điều khiển bằng chuyển động mắt.

Phần lớn các tác phẩm của dự án sẽ được khắc bằng laser trên “NanoFiche” – một đĩa niken có kích thước bằng đồng xu chứa hàng nghìn hình ảnh vuông nhỏ.
“Chúng tôi hy vọng những nhà du hành vũ trụ tương lai tìm thấy những chiếc hộp thời gian này sẽ hiểu được phần nào sự phong phú của thế giới mà ngày nay chúng ta đang sống”

(Samuel Peralta)

Phần lớn các tác phẩm của dự án sẽ được khắc bằng laser trên “NanoFiche” – một đĩa niken có kích thước bằng đồng xu chứa hàng nghìn hình ảnh vuông nhỏ. “Ta thực sự có thể nhìn thấy hình ảnh dưới kính hiển vi,” ông nói và cho biết thêm chiếc đĩa có khả năng chống chọi với các điều kiện khắc nghiệt của Mặt trăng. “Chúng tôi cho rằng NanoFiche niken sẽ tồn tại trong khoảng 10.000 năm, nhưng rất có thể là 100.000 năm”.

Ông Peralta cho biết thêm, các tác phẩm nghệ thuật khác, như tệp MP3 của các bài hát, sẽ được lưu trữ trên thẻ nhớ có khả năng chống lại bức xạ. Cả hai loại hình lưu trữ này sẽ được gắn vào tàu đổ bộ Mặt trăng, và ở lại trên Mặt trăng vĩnh viễn.

Dự án Lunar Codex gồm bốn chiếc hộp thời gian. Chiếc đầu tiên có tên là Bộ sưu tập Orion, đã được đưa vào vũ trụ trong sứ mệnh Artemis 1 của NASA và quay trở lại Trái đất vào cuối năm 2022. Ba chiếc tiếp theo – Bộ sưu tập Nova, Bộ sưu tập Peregrine và Bộ sưu tập Polaris – sẽ đáp xuống Mặt trăng trong vài năm tới.

Tôn vinh sự đa dạng

Từng nhận bằng tiến sĩ vật lý tại Đại học Wales, ông Peralta hiện là Chủ tịch điều hành của Công ty Công nghệ và truyền thông Incandence có trụ sở tại Toronto. Niềm đam mê dành cho nghệ thuật của ông bắt nguồn từ người cha là nhà nhân chủng học/nhà viết kịch người Philippines – Jesus T. Peralta – và người mẹ là nghệ sĩ trừu tượng Rosario Bitanga-Peralta. Ông bắt đầu ấp ủ dự án Lunar Codex trong thời kỳ đại dịch coronavirus, song lúc bấy giờ ông chỉ dự định gửi các tác phẩm của bản thân, bao gồm cả sách khoa học viễn tưởng, lên Mặt trăng. Sau đó, ông quyết định mở rộng phạm vi tác phẩm.  

Lunar Codex là dự án đưa tác phẩm của 30.000 nghệ sĩ từ 157 quốc gia lên bề mặt Mặt trăng. Nguồn: Lance McMillan/Toronto Star

Thông qua các mối quan hệ từ những nhà xuất bản, thư viện, ông đã chọn lựa (và nhận được quyền lưu trữ) những tác phẩm đa dạng để đưa vào dự án Codex miễn phí. Ông cũng nhận các tác phẩm do cá nhân nghệ sĩ chủ động gửi đến.

Nhiều tác phẩm có chủ đề về không gian – từ tác phẩm “New Moon” (1980) của Alex Colville đến bức tranh “The Dreaming Moon” (2016) của Sean William Randall và bức tranh khắc và in màu nước “Moon Dance” (2012) của Doreen Foster.

Tuy nhiên hầu như không có bất kỳ tiêu chí nào về phong cách, hoàn cảnh sống, chủ đề sáng tác đối với những nghệ sĩ tham gia dự án Lunar Codex. Họ là những người nghệ sĩ với nhiều trải nghiệm sáng tạo khác nhau. Chia sẻ về tác phẩm “Electric Joy” của mình, Connie Karleta Sales cho biết tác phẩm “phản chiếu màu sắc và chuyển động trong tâm trí tôi. Dù phải chống chọi với chứng rối loạn quang phổ Optica viêm thần kinh, khiến khả năng vận động bị hạn chế “nhưng trí óc của tôi thì vô hạn. Tôi vẫn có thể nhảy múa, khóc cười, và yêu thương”.

Ada Limón, người đoạt giải thưởng thơ quốc gia, đã viết một bài thơ cho tàu vũ trụ Europa Clipper của NASA – con tàu sẽ đến sao Mộc vào năm tới, cũng có tác phẩm xuất hiện trong dự án Lunar Codex lần này. Tác phẩm của cô nằm trong “The Poet and the Poem”, một chương trình radio/podcast thơ của nhà thơ Grace Cavalieri. Những nhà thơ khác cũng từng đoạt giải thưởng thơ quốc gia như Rita Dove, Louise Glück cũng xuất hiện trong các tập của chương trình này. Bản thân nhà thơ Cavalieri đã nhận xét rằng việc đưa thơ ca và các loại hình nghệ thuật khác ra không gian là phương thức tự thể hiện nền văn minh theo một cách rất nhân văn. “Chúng ta có những thỏa thuận đất đai, chúng ta có những hiệp ước, nhưng cách duy nhất để biết được mọi người thực sự cảm thấy thế nào, và xúc cảm của họ, là ngân nga những dòng thơ đã xuất hiện từ thuở hồng hoang”, cô nói.

Didi Menéndez, giám tuyển và cũng là biên tập viên của tạp chí PoetsArtists, đã gửi các số báo số hóa và các ấn phẩm khác cho ông Peralta để đưa vào Lunar Codex. “Nhiều tác phẩm nghệ thuật đề cập đến các vấn đề chính trị và xã hội. Đó là những sự kiện có thực diễn ra trên Trái đất dựa trên góc nhìn của một nghệ sĩ. Nó có lồng ghép cảm xúc trong đó”, cô chia sẻ. 

Steven Alan Bennett và vợ ông, Elaine Melotti Schmidt, người sáng lập Giải thưởng Bennett (giải thưởng thường niên này trao 50.000 USD cho một nữ nghệ sĩ để tổ chức triển lãm tranh cá nhân trên khắp Hoa Kỳ), cũng là những người ủng hộ nhiệt thành dự án Lunar Codex. Họ đã đã giới thiệu đến dự án những người chiến thắng và lọt vào vòng chung kết của giải thưởng từ trước đến nay. “Chúng ta không chỉ có STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), chúng ta còn có chữ ‘A’ (nghệ thuật) để tạo thành STEAM”, Bennett nhận định. “Những nghệ sĩ xuất hiện trong dự án rất đa dạng”.

Olesya Dzhurayeva, một nghệ sĩ tranh in người Ukraine, đã sơ tán khỏi Kyiv vào tháng 4/2022 . Ông Peralta trước đây đã từng mua một số tác phẩm của cô, hiện tại ông liên hệ cô để xin phép lưu trữ hình ảnh một số tranh in lino do cô thực hiện vào trong dự án Lunar Codex, và cô ấy đã đồng ý. “Dự án này phản ánh cuộc sống với những trăn trở về tương lai”, cô viết trong email. “Đây chính xác là những gì tôi trải qua trong những tháng đầu tiên [của cuộc xung đột Nga – Ukraine]”. Một bộ sưu tập các tác phẩm của cô được trưng bày trong dự án, đó là một loạt tranh in bằng đất Ukraina đen. Không chỉ tác phẩm từ một quốc gia đang trải qua không khí tang thương, dự án còn lưu trữ thơ từ các quốc gia bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. 

Để có thể thu hút nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới tham gia, Peralta và Công ty Incandence của ông sẽ chi trả tất cả các khoản phí cho dự án này. Các hộp thời gian tiếp theo dự kiến ​​​​sẽ hạ cánh và lưu lại trên Mặt trăng thông qua chương trình Dịch vụ tải trọng Mặt trăng thương mại của NASA. Cụ thể, sau khi các công ty kỹ thuật hàng không vũ trụ như Astrobotic Technology và Intuitive Machines tạo ra các mô-đun đổ bộ cho thiết bị của NASA, họ có thể bán các diện tích dư trên tàu để vận chuyển theo nhu cầu. Giá cả đa dạng, chẳng hạn Astrobotic tính phí 3.270 USD để vận chuyển một hộp 0,5 inch x 1 inch trên một trong những tàu đổ bộ Mặt trăng.

Bộ sưu tập Nova sẽ được đưa vào vũ trụ trong khoảng tháng 10 hoặc tháng 11 bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX cùng với Tàu đổ bộ CLPS-2 của NASA, tới miệng núi lửa Malapert A ở cực Nam Mặt trăng.

Tiếp sau đó là Bộ sưu tập Peregrine, nó sẽ được đưa đến một khu vực bằng phẳng trên Mặt trăng có tên là Sinus Viscositatis, bằng tên lửa Vulcan Centaur của United Launch Alliance, trên tàu đổ bộ Peregrine Lander.

Cuối cùng, Bộ sưu tập Polaris sẽ được tàu thám hiểm Viper của NASA đưa đến Miệng núi lửa Nobile sau khi hạ cánh trên tàu đổ bộ Griffin Lander của Astrobotic, bằng tên lửa Falcon Heavy của SpaceX. 

“Cùng với nhau, những bộ sưu tập này tạo nên ‘Lunar Codex’, sự hiện diện đầu tiên của nghệ thuật đương đại trên Mặt trăng. Mặc dù chủ yếu là các tác phẩm nghệ thuật thị giác, ‘Lunar Codex’ cũng chứa đựng một bộ sưu tập đáng kể gồm sách, truyện, thơ, tiểu luận, âm nhạc, phim, v.v.”, ông Peralta chia sẻ. 

Những hy vọng

Yêu cầu quan trọng để tham gia là tác phẩm của nghệ sĩ phải được “quản lý phòng trưng bày, nhà giám tuyển, biên tập viên hoặc người soạn hợp tuyển mà tôi biết là chuyên nghiệp đánh giá trước,” ông Peralta chia sẻ về quy định. “Đây là dự án lớn nhất, mang tính toàn cầu, nhằm đưa các tác phẩm văn hóa vào không gian”, ông nhận định. “Chưa có dự án nào tương tự ở bất cứ đâu.”

Cô Heather Horton, một nghệ sĩ thị giác vẽ tranh theo phong cách hiện thực huyền ảo, nói với tờ Toronto Star rằng mình “không thể tin được” khi được mời tham gia dự án. 13 bức tranh sơn dầu của cô sẽ du hành lên bề mặt Mặt trăng. “Tôi sẽ không bao giờ nhìn Mặt trăng như trước được nữa”, cô thốt lên. 

Chris Riley, nhà sản xuất bộ phim tài liệu đoạt giải Sundance “In the Shadow of the Moon”, lưu ý rằng phi hành đoàn Apollo 11 đã để lại một đĩa silicon chứa các thông điệp từ các nhà lãnh đạo thế giới trên Mặt trăng. “Gần 60 năm sau, chúng ta đang ở đây, nhiều quốc gia và công ty hiện đang có kế hoạch phóng tàu lên Mặt trăng, mang theo bên mình phần lớn những gì tạo nên con người chúng ta”, ông chia sẻ. “Dự án Lunar Codex là một ví dụ điển hình, họ đang đưa tác phẩm sáng tạo của 30.000 người trong số chúng ta lên bề mặt Mặt trăng.”

Ian Crawford, giáo sư khoa học hành tinh và sinh vật học vũ trụ tại Birkbeck, Đại học London, cũng nhìn nhận đầy tích cực về dự án Lunar Codex, ông cho rằng “bất cứ điều gì đặt trong bối cảnh vũ trụ khơi gợi trong mọi người những suy ngẫm thì đều tuyệt vời”. Nhưng ông cho biết những dự án như vậy không nên làm xáo trộn những khu vực có giá trị khoa học nhất trên Mặt trăng, chẳng hạn như các miệng hố bị che khuất vĩnh viễn ở các cực Mặt trăng.

Chris Lintott, giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học Oxford và là người đồng dẫn chương trình The Sky at Night của BBC, lại tự hỏi nền văn minh ngoài hành tinh sẽ nghĩ gì về nghệ thuật của chúng ta và chúng ta nhìn nhận thế nào về nghệ thuật của họ. “Đã có nhiều cuộc thảo luận về khả năng phát hiện tác phẩm nghệ thuật của người ngoài hành tinh. Chẳng hạn, khi các ngôi sao ở phía bên kia của thiên hà nhấp nháy đồng loạt, chúng ta có xem đó là một tác phẩm nghệ thuật của người ngoài hành tinh không? Tương tự như vậy, thật khó để tưởng tượng một người ngoài hành tinh có thể tìm thấy những tác phẩm nghệ thuật này và nhận ra chúng là thứ gì”.

Nhìn nhận đầy lạc quan, ông Peralta viết trên website của dự án: “Chúng tôi hy vọng những nhà du hành vũ trụ tương lai tìm thấy những chiếc hộp thời gian này sẽ hiểu được phần nào sự phong phú của thế giới mà ngày nay chúng ta đang sống”. □

Anh Thư tổng hợp

Nguồn: 

https://news.artnet.com/art-world/lunar-codex-collection-art-poetry-will-be-sent-to-moon-2343877
https://www.smithsonianmag.com/smart-news/lunar-codex-art-on-the-moon-180982653/
https://www.theguardian.com/science/2023/aug/01/lunar-codex-30000-digitised-works-of-human-creativity-to-be-put-on-moon
https://www.nytimes.com/2023/07/27/arts/design/lunar-codex-time-capsule-moon.html

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)