Dư Hoa: Trường thiên của khổ và sống
Khổ có thể là một kiểu động từ trong tiểu thuyết của Dư Hoa, chứ không chỉ là một tính từ. Và đó không chỉ là một động từ chỉ trạng thái, mà là một động từ chỉ hành động; đó cũng không chỉ là một động từ nội tại, mà có khi còn là động từ ngoại tại. Các nhân vật của ông luôn đã, đang và sẽ khổ, và khi họ khổ, sự khổ ấy va chạm với cả những đối tượng bên trong lẫn bên ngoài. Hành động khổ ấy tạo ra một trường năng lượng xung quanh.
Dư Hoa là một trong những nhà văn lớn nhất của văn chương Trung Hoa hiện nay, lớn đến mức từ vị trí ban đầu là một nhà sáng tác avant-garde, sự avant-garde ấy, chất hài đen ấy, phong cách hiện thực quái đản ấy đã được phổ biến rộng rãi để trở thành một kiểu truyền thống, một điển mẫu, một thang đo. Những tiểu thuyết của ông không cho ai đơn độc khổ, họ phải khổ thành di truyền, khổ thành thế hệ, khổ thành đường dây – kẻ có đất khổ, kẻ không đất khổ, đàn ông khổ, đàn bà khổ, người nhà quê khổ, người thành thị khổ, kẻ đi cưỡng hiếp khổ, kẻ bị cưỡng hiếp khổ, kẻ sống khổ, kẻ chết cũng chưa thoát khổ, kẻ chết không mồ mả khổ, kẻ chết có mồ mả vẫn khổ, kẻ bị đấu tố khổ, kẻ phải đấu tố kẻ khác cũng khổ, kẻ làm cha đẻ khổ, kẻ làm cha hờ cũng khổ không kém. Cứ hễ làm người là khổ. Nhưng không chỉ có người mới khổ, đến loài trâu cũng khổ. Mở đầu Sống (活著), cuốn tiểu thuyết nguyên mẫu cho bộ phim kinh điển cùng tên của Trương Nghệ Mưu, một cụ già đang dắt một con trâu cũng già không kém – hai thân già cùng nhau cày ruộng. Ông cụ và con trâu cùng tên Phúc Quý. Nhưng dù là Phúc hay là Quý đi chăng nữa, đã làm thân trâu thì đều đi kéo cày. “Thử hỏi có con trâu nào không phải kéo cày? Cái lý này có từ ngày xửa ngày xưa”, ông già nói. Không biết ông đang nói chuyện trâu, hay bóng gió cả chuyện người.
Tựa đề là Sống, nhưng trong Sống, ta chỉ thấy người ta lần lượt chết. Phúc Quý vốn là con trai địa chủ. Vì một trận đánh bài, anh ta đẩy cả nhà vào cảnh màn trời chiếu đất, từ đấy bắt đầu một hành trình sống để mà chết. Cuộc đời Phúc Quý cứ như một nhà xác, nghĩa là chỉ ngày ngày mở cửa để chờ đợi xem ai là người tiếp theo được chăng cáo phó lên, trạng thái sống chỉ là tạm bợ, cái chết mới là tất yếu: đầu tiên là cha anh, rồi mẹ anh, con trai anh, vợ anh, con gái anh, con rể anh, cả đứa cháu ngoại rồi cũng chết, bạn bè đều chết, kẻ thù đều chết, cả kẻ ức hiếp anh lẫn người đồng cam cộng khổ đều chết. Cái chết (tạm thời là) cuối cùng xuất hiện trong Sống là của đứa cháu trai. Và cái chết nực cười của đứa trẻ lỡ ăn quá nhiều đậu khiến ta buộc phải tin, hình như thể bản thân cuộc đời đã là khắc tinh của sự sống. Phúc Quý nai lưng ra để cố sống tiếp trong diễn trình lịch sử Trung Hoa thế kỷ 20 dường như không muốn người ta được sống ấy, có khi anh đã leo lên được vài nấc trong cái vách vực cheo leo này, nhưng chính mỗi khi tưởng như anh sắp trồi được lên thì một cơn phong vân lại thổi bay anh xuống. Anh lại bắt đầu lại từ đầu.
Những tiểu thuyết của ông không cho ai đơn độc khổ, họ phải khổ thành di truyền, khổ thành thế hệ, khổ thành đường dây. Cứ hễ làm người là khổ. Nhưng không chỉ có người mới khổ, đến loài trâu cũng khổ.
Trong khi đó, Ngày thứ bảy nói về người chết, nhưng người chết không chết yên, họ vẫn lo sống trong cõi chết, cái chết không giải quyết được những khốn khổ của cõi sống đã đành, thậm chí lại còn trở thành một cõi sống dài hơn, đằng đẵng hơn, vô mục đích hơn. Dương Phi, nhân vật chính của Ngày thứ bảy, một người tứ cố vô thân, anh chết cháy trong một vụ hỏa hoạn ở quán ăn, không đồ liệm, anh mặc chiếc áo ngủ cũ thay cho đồ liệm và tự đeo băng tang chính mình. Dư Hoa cho hồn ma sự tự do dịch chuyển ở cõi Lâm bô để minh định lại một đời mình đã sống (có lẽ bởi nếu không, làm sao ta biết ai đã chết?). Nhưng chí ít, khi sống, các nhân vật của ông còn biết con người cố sống để không phải chết, nhưng khi nhận ra sống chỉ là vọng tưởng, còn chết là sự thật chung, thì họ có thể làm gì để không vắng mặt trong cõi chết? Dư Hoa tạo ra một mạng lưới các quan hệ có phần hơi “kịch”, theo nghĩa ta cảm thấy có một bàn tay sắp đặt để mọi éo le xoay quanh một con người – cũng như Phúc Quý, những người xung quanh Dương Phi dù là người cha nuôi anh, vợ cũ của anh, hay đến cả hàng xóm cũ, khách hàng mới, tất thảy đều vong mạng và đều vong mạng theo cách thảm thương. Sự sắp đặt lộ liễu ấy khiến cuốn sách đôi khi có phần “melo”, như thể nhà văn đang cố nhồi nhét mọi sự kiện hiện thực bạo liệt để buộc cái xã hội trong sách phải được hình dung như một Sodom hay một Gomorrah đã bị uế tạp toàn phần, con người bị chặn đứng mọi ngả đường được sống cho ra sống. Vậy làm thế nào để từ những chủ đề melo mà Dư Hoa trở thành một nhà văn avant garde, ít nhất là trong thời đại của ông?
Văn chương của Dư Hoa có năm phần Lỗ Tấn. Nhưng nếu dừng lại ở năm phần Lỗ Tấn thì ông cũng chỉ là một môn đệ trong cái bóng của thầy và tác phẩm của ông cũng sẽ chỉ là thêm vào văn chương một chiếc bánh bao tẩm máu khác – chẳng hạn, tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, với câu chuyện về một người công nhân hết lần này đến lần khác đi bán máu để lo đại sự – cất nhà, lấy vợ, trả nợ, cứu con trai – xét về đề tài cũng là một kiểu trưng dụng cảnh đời của những người khốn khổ, trưng dụng máu như một tài sản thế chấp cho mạng sống của con người, hay thậm chí là một quỹ tín dụng cho vay nặng lãi mà chỉ những người bị đẩy vào đường cùng mới đâm đầu vào. Nhưng tại sao Dư Hoa lại khác?
Đó là bởi văn chương Dư Hoa ngoài năm phần Lỗ Tấn, còn ba phần Márquez, điểm thêm một phần Kafka. Hãy để ý rằng, trong truyện Hứa Tam Quan, Dư Hoa luôn dừng ngay trước cảnh đáng ra là bi thiết nhất: Hứa Tam Quan bán máu. Ông lấy tựa đề tiểu thuyết về một sự kiện không thực sự diễn ra trong nội dung tác phẩm. Tất cả những cảnh Hứa Tam Quan thực sự được bán máu đều bị bỏ qua, chúng ta được thấy tâm tư của Hứa Tam Quan trước khi bán máu và sau khi bán máu, nhưng khi đang bán máu thì không; chúng ta thấy Hứa Tam Quan đi từ nhà, tới gặp ông Lý để bán máu, van xin ông cho bán máu, chúng ta thấy Hứa Tam Quan đi uống đầy một bụng nước, uống đến muốn vỡ bàng quang để làm loãng máu, thấy Hứa Tam Quan vào khách sạn Thắng Lợi gọi một đĩa gan lợn cùng hai lạng rượu nếp cái hâm nóng, thấy Hứa Tam Quan làm gì với 35 đồng bán máu, nhưng luôn luôn ngay trước khi máu của Hứa Tam Quan được lấy ra thì ta bị chặn lại. Hứa Tam Quan rất nhiều lần bán máu, nhưng máu của Hứa Tam Quan ra sao, được lấy thế nào, Dư Hoa không cho ta biết. Nghĩa là Dư Hoa không có nhu cầu soi kính lúp vào những khung cảnh khốn cùng nhất của Hứa Tam Quan. Dư Hoa không cần ta khóc, thậm chí ông còn khiến ta bật cười trước cảnh Hứa Tam Quan bán máu – sự méo mó biến dạng đến phi lý trên thân thể một người uống chục bát nước để bán máu không làm ta khóc mà làm ta cười. Ở điểm này, Dư Hoa rất Kafka. Chúng ta cũng cười khi K., không rõ tại sao, bỗng nhiên bị kết tội.
Năm phần Lỗ Tấn, còn ba phần Márquez, điểm thêm một phần Kafka, vẫn thiếu một phần. Một phần còn lại tất nhiên là kiểu riêng ông, một nhà văn từng bỏ nghề nha sĩ vì thấy việc ngày ngày phải nhìn vào những hố miệng con người kinh khủng quá. Ông bảo những vòm miệng ấy là khung cảnh khiếp đảm; nói như thể những khung cảnh ông mô tả trong tiểu thuyết của mình kém phần khiếp đảm hơn. Đâu đó, có lẽ Dư Hoa vẫn đang làm cái việc mà ông từng làm thời mới vào đời: chiếu đèn công suất lớn vào vòm họng của hiện thực, đi tìm những ống tủy đã hỏng đang sưng tấy đen ngòm và bốc mùi hôi thối bên dưới những chân răng xã hội, rồi dùng một máy khoan thẳng vào những chỗ tưởng như cứng nhất. Cả xã hội là một hàm răng sâu.
Ở đây ta mới nói đến sự “sống” trong tiểu thuyết Dư Hoa. Nếu như “khổ” giống như một kiểu động từ, thay vì tính từ, với các nhân vật của ông; thì “sống”, thay vì là một động từ, giống như một tính từ với họ. Hứa Tam Quan và Phúc Quý, họ sống không như một hành động, một trạng thái; sự sống của họ thường được đặt lên thế tương phản với sự chết của người khác. Trong số bạn bè bán máu của Hứa Tam Quan, chỉ anh còn sống, A Phương và Căn Long đã chết. Phúc Quý, xoay quanh anh toàn người chết, như đã nói. Tại sao họ được sống còn người khác phải chết? Không phải vì họ khôn ngoan hơn, thiện lương hơn, chăm chỉ hơn. Có lẽ chỉ là họ tình cờ được sống, được chọn để sống tiếp và quan sát cái chết. Sự sống không phải một hành động, mà là một đặc tính của họ, một bản chất của họ. Kể cả với Dương Phi, một người đã chết, nhưng cuộc chết của anh giống hơn với việc bây giờ mới là lúc ta sống dù là sống trong cõi chết.
Ta khổ, đó là một hành động. Nhưng ta sống, đó không phải một lựa chọn, đó là điều không thể khác được. Rằng chừng nào ta vẫn còn sống, thì ta vẫn phải khổ, nhưng ta vẫn phải sống, dù là sống để chết, thì khi còn sống, ta vẫn phải sống.□
Bài đăng Tia Sáng số 24/2024