Đứa trẻ cuối cùng
LTS: Từ cả trăm năm trước, trong những tác phẩm kinh điển được coi là đặt nền móng cho truyện khoa học viễn tưởng, “Đầu giáo sư Dowel” hay “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, Alexander Belyayev và Jules Verne đã vẽ ra những viễn cảnh mà giờ đây khoa học đã biến nó trở thành hiện thực hoặc đang trên đường tiệm cận. Còn khung cảnh thời đại của số hóa, của chỉnh sửa gene, của robot và dữ liệu... giúp các nhà văn tưởng tượng ra những viễn cảnh nào? Chúng ta sẽ dự kiến những câu hỏi gì về thế giới, về nhân sinh quan trong một thế giới nơi quyền lực công nghệ sẽ nắm quyền? Câu hỏi đó sẽ đánh thức cảnh tỉnh những điều gì trong kỷ nguyên hiện đại, trong thế giới mà ta đang sống? Cùng khám phá thế giới đó thông qua loạt truyện khoa học viễn tưởng của Nature.
Ảnh: allphysicianjobs.
Phillip yêu dấu,
Nếu về tới nhà con có ngửi thấy một thứ mùi khó chịu như mùi chì hàn hay mùi nhựa nấu, thì cũng đừng quá lo lắng nhé. Có lẽ lúc ấy khói bốc lên từ que hàn điện vẫn còn nồng nặc, nhưng nó sẽ tan biến rất nhanh thôi. Vì hệ thống cảm ứng khứu giác của con đã được lập trình, mũi con sẽ nhạy cảm nhất chỉ khi đứng ở ngay nơi đó, quanh khu bàn bếp. Chớ vội gọi bộ phận điều tra hay cứu hỏa.
Ba mươi năm trước, khi cha mẹ ẵm con về nhà lần đầu, một vật thể bé bỏng chưa đầy 3 cân tính cả silicon, tế bào nhân tạo, cùng đủ loại dây nhợ lằng nhằng, lúc ấy sao mẹ có thể tưởng tượng nổi đến một ngày con sẽ khôn lớn thành một chàng trai thông minh, quyến rũ, với tâm hồn nhạy cảm và giàu lòng nhân ái như hôm nay. Nhìn khối cao su rúm ró gần như trong suốt trong lòng tay được chúng ta quyết định gọi tên là Phillip đó, mẹ đâu có nghĩ được rằng ngày qua ngày con sẽ trở nên càng lúc càng giống cha và mẹ. Khi ấy mẹ cũng chịu không hiểu nổi phải định danh sợi dây gắn kết giữa chúng ta là gì, không rõ nó có khác biệt lắm với thứ tình mẫu tử mà mẹ có với những người anh em con, những đứa con mẹ rứt ruột đẻ ra hay không. Và cũng đâu biết vì sao vừa mới gặp đã lại quyến luyến yêu thương con nhiều đến vậy. Mẹ càng không thể hình dung nổi việc đến một ngày, chính mình lại phải là người nghĩ tới chuyện chủ động nói lời từ biệt. Mẹ xin lỗi con thật nhiều. Nhưng con ơi con đừng lo, mẹ chẳng hề đi đâu cả.
Đã tới lúc mẹ cần kể với con về dự án đã buộc mẹ phải giam mình trong phòng theo đuổi cho kì được suốt bấy lâu nay. Không phải mẹ đang cố viết một cuốn sách ghi lại trải nghiệm của một người làm công việc chăm sóc robot tế bào như mẹ thường hay nói. Dự án của mẹ ấy, đó là chế tác một vi mạch điện tử; một con chip mà mẹ mong rằng con sẽ sớm tự cài đặt cho mình.
Vì chương trình họ lập sẵn cho con gần như hoàn hảo, nên mẹ biết, biết lắm chứ, rằng thế nào con cũng sẽ rất nguyên tắc, và có thể đề kháng với mọi sự điều chỉnh. Nhưng mẹ con mình đều hiểu đúng không, mẹ đã đi đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, và cái suy nghĩ về việc phải đang tâm kích hoạt cái chết của con làm tim mẹ nhói đau. Sau tất cả, con là đứa con út ít cuối cùng của mẹ.
Đây là mẩu quảng cáo từng thu hút sự chú ý của mẹ ba mươi mốt năm về trước:
Đứa trẻ cuối cùng
Được thiết kế bởi các nhà sinh vật học phát triển, các nhà tâm lí học và các chuyên gia trí tuệ nhân tạo hàng đầu, với mong muốn giảm thiểu sự gia tăng dân số, đem đến cho bạn sự khuây khỏa, một liều thuốc chống cô độc hữu hiệu và khi cần thiết, có chế độ chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Phải thừa nhận căn nguyên sâu xa khiến cha mẹ quyết định nhận con về nuôi là muốn tổ ấm của chúng ta bớt phần trống trải, nhất là khi gánh nặng sinh học đã đè nặng lên cả mẹ và cha dưới một hình hài khuyết tật trong lần sinh nở cuối. Cha mẹ sợ làm sao nỗi đơn côi khi phải sống giữa những ám ảnh khủng khiếp ấy khi đến tuổi xế bóng về chiều.
Nhưng giờ đây, mẹ không thể để con bị hủy diệt cùng mẹ, bất kể số phận của con đã được sắp đặt sẵn là phải quay trở lại dây chuyền sản xuất. Có lẽ sinh diệt vẫn và mãi luôn là chương trình đã được lập sẵn cho loài người, và mẹ không phải trường hợp ngoại lệ. Một điều rất thuận với tự nhiên thôi. Nhưng con ơi, mẹ muốn con được tiếp tục sống trên đời. Trên tất cả, mẹ là một người mẹ. Và điều mong muốn nhất đời của mẹ là con có một tương lai, được bước tiếp con đường đang chờ đợi con trước mắt.
Mẹ nhớ rõ lắm chứ, ngay khi quyết định nhận con về nuôi, mẹ đã phải kí giấy xác nhận sẽ không bao giờ cố ý làm thay đổi chương trình con được cài đặt sẵn. Mẹ đã chấp thuận phải nhất nhất bảo đảm mọi vận hành họ đã thiết kế cho con. Mẹ cũng đã cam kết sẽ kích hoạt trình hủy diệt để gửi trả con về dây chuyền sản xuất chuyên biệt, cũng chính là trình kích hoạt đã từng cho phép mẹ và mọi người bắt đầu trò chuyện giao tiếp cùng con. Mẹ sợ rằng rất có thể trong lúc con đọc bức thư này, những vi mạch điện tử bên dưới xương ức con đã nhấp nháy liên hồi, và chuông báo động trong phòng thí nghiệm cũng bắt đầu reo lên sắc lạnh. Hãy luôn nhớ rằng mẹ không hề đi đâu cả, luôn ở mãi bên con. Mẹ cũng không bật thêm bất cứ một chế độ nào trên hệ thống vận hành của con. Vô nghĩa làm sao cái việc cố tình khởi chạy trình duyệt cảm biến đau thương hay mất mát.
Mẹ yêu con vô cùng, đơn giản vì con là chính con. Nhìn cách con chăm sóc cha trong phút lâm chung, mẹ chợt nhận ra, bằng những hiểu biết ấy, tài khéo léo và sự hết lòng ấy, con đã biến cái chết thành một trải nghiệm thiết thân và ý nghĩa đến nhường nào. Con biết cách mát-xa đầu khiến cha bớt phần đau đớn, biết cách đặt ống tiêm sao cho thật chuẩn xác, và biết phải gọi đến cơ sở nào sau khi cha trút hơi thở cuối cùng. Có thể đó đều là những kĩ năng chăm sóc người ta đã lập trình sẵn cho con. Nhưng cái cách con hiểu khi nào thì nên pha trò, biết lựa chọn câu chuyện nào để khơi dậy lòng ham sống, đơn cử một việc nhỏ nhặt như cách con gọi đùa cha là “bà má lăng loàn”, tất cả những điều lặt vặt đáng yêu đó, con biết không, đều khiến cho cuộc sống của cha, của mẹ, và của cả gia đình mình, thêm phần ý nghĩa. Cha con ra đi thanh thản, không đau đớn, trong cảm giác được che chở yêu thương. Đời một con người còn mong gì hơn thế. Nhưng với một người mẹ thì điều ấy là không đủ. Một người mẹ đòi hỏi con mình phải được tiếp tục sống và trưởng thành. Một người mẹ cần một tương lai trước mắt, một tương lai mà dù mình không còn hiện hữu trên cõi đời này, thì cũng vẫn tiếp tục tồn tại, trong trái tim cậu con trai yêu.
Hãy ở lại bên mẹ lúc này. Đừng chạy đi tìm thuốc men nữa làm gì. Mẹ đảm bảo với con rằng mẹ đã lấy nguyên cả đống thuốc đây rồi, kể cả mấy viên trợ tim hồng hồng mẹ đoan chắc mình chẳng cần dùng tới, mẹ cũng cho cả vào chiếc xắc nhỏ đang để bên mình đây. Cũng không phải mẹ đang biến mất đi. Con đừng dùng trình duyệt theo dõi để tìm mẹ nữa, máy định vị đã được tháo rời khỏi mẹ rồi. Con chỉ cần biết rằng mẹ không đi đâu cả. Dẫu rằng con ơi, mẹ cũng chẳng bao giờ có thể trở về.
Con chip mẹ đính ở cuối lá thư này là kết quả của cái dự án có ý nghĩa nhất đời mẹ đã kì công theo đuổi từ sau khi cha con mất, chính nó đã trở thành lí do để mẹ kiên cường sống cho đến hôm nay. Nó được mẹ dốc lòng dốc sức làm để đem tới cho con dũng khí và khát khao khám phá, những điều mà con đang cần nhất bây giờ. Con ơi, đã tới lúc con phải lên đường đi tìm lẽ sống đích thực của chính mình trong cõi đời này.
Nếu thực sự quan tâm đến mẹ, ngay lúc này đây, con hãy cài đặt trực tiếp con chip ấy vào hệ thống tim mạch của con. Trong vòng ba mươi phút, hãy đi theo những kí hiệu chỉ dẫn, xuyên qua đường hầm tới Đường đi bộ số 4. Ở đó con sẽ gặp một Đứa trẻ cuối cùng khác. Qua phần mềm nhận diện gương mặt, con sẽ biết tên bạn ấy là Annette.
Mẹ không phải là người mẹ duy nhất dành suốt bao tháng ròng mày mò trên máy tính, cố học cho bằng được các đơn vị xử lí nhận thức để có thể trao cho con món quà cuối cùng này. Và con cũng không phải Đứa trẻ cuối cùng duy nhất đang đứng đơn độc một mình, vào lúc chạng vạng tối, bên bàn bếp, khi mùi chì nồng nặc không trung. Mẹ không đi đâu cả. Nhưng mẹ phải nói lời tạm biệt. Yêu con vô cùng.
Thương nhiều,
Mẹ của con.
Đặng Thái Hà dịch
Theo nguồn: “The Last Child”, L.R. Conti, Nature, Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-019-00749-y.