Đúng chưa đủ

LTS. Mười năm để xây dựng một cuốn từ điển "Từ chỉ chất liệu, dụng cụ và phương pháp sản xuất của các làng nghề truyền thống miền Bắc Việt Nam" là chương trình dài hạn mà họa sĩ Lê Thiết Cương đang theo đuổi. Bởi theo anh, ở các làng nghề thủ công hiện nay, sự mai một dần đi những từ, ngữ, thuật ngữ chính xác trong nghề đang diễn ra thầm lặng, từ từ nhưng nhanh chóng. Nếu không có một cuốn từ điển như vậy, nguy cơ mất hẳn những khái niệm chính xác về một nghề truyền thống là chuyện có thể nhìn thấy trước mắt. Để khởi động cho chương trình này, tại gallery 39, tháng 5/2006, triễn lãm dụng cụ của các làng nghề sơn mài, đông nam dược và gốm cũng sẽ được tổ chức. Tia Sáng giới thiệu bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương, mở đầu cho cuốn từ điển...

ở Việt Nam có bao nhiêu nghề thủ công truyền thống? ở Việt Nam còn bao nhiêu nghề thủ công truyền thống? Mỗi nghề có những dụng cụ riêng, không thể dùng lẫn được. Ví dụ trong nghề sơn mài, để chế sơn then, người ta đổ sơn sống vào một cái chậu sành rồi dùng gậy ngoáy đều liên tục. Tên gọi chính xác của dụng cụ này là mỏ vầy, bằng gang non. Chất sắt của mỏ vầy thôi ra một cách tự nhiên trong quá trình trộn sẽ tạo thành mầu đen của then.

Đương nhiên phải kể đến chất liệu nữa vì mối quan hệ giữa nghề, chất liệu, phương pháp chế tác, dụng cụ và sản phẩm rất chặt chẽ và thống nhất. Nghề gốm thì có đất cát, khuôn cốt, men thuốc, than củi, bao thơi, lò bễ. Động tác của nghề này là nặn, chuốt, vê (con chạch),  đánh chỉ (dùng bút vẽ một đường nhỏ ở miệng chén), cắt giò (cạo bớt men áo ở phần chân của bát, đĩa), ve lòng (cạo bớt men ở lòng bát, đĩa), chồng, tra (đưa sản phẩm vào lò). Sản phẩm làm ra là bát đĩa, lọ, ang, vại… Nghề sơn thì lấy vóc, sơn ( cánh dán, son và then), vàng, bạc (quỳ, xếp) làm chất liệu. Tương ứng với các dụng cụ: bay xương, mo sừng, thép tóc (bút cứng). Thao tác của họ là kẹt, hom,  đánh vải, thí, bó, ủ, thếp (dán), thúc (son)…
Đấy là chưa kể cùng một nghề nhưng ở những vùng khác nhau thì dụng cụ sản xuất và phương thức tiến hành lại khác nhau hoặc cùng một động tác, một dụng cụ họ lại gọi tên khác nhau.
Kéo cắt đất của làng Bát Tràng nhỏ, của Phù Lãng to và họ gọi dụng cụ đó là cái lề. Bàn xoay của Bát Tràng xoay bằng tay, Phù Lãng gọi là bàn quay và đạp bằng chân. Chất liệu nào sẽ tương ứng với dụng cụ đó, cách làm đó, cho dù cùng một nghề. Nghề gốm chẳng hạn, đất mà làng Bát Tràng dùng làm gốm chịu được lửa (nhiệt độ) khoảng 1200-1300 độ và phù hợp với men mà họ pha chế. Tương tự như vậy gốm Hương Canh hay gốm Cậy chịu được nhiệt độ thấp hơn thì men cũng khác, xương đất nào thì men đó, lửa đó. Đã có vài nghệ sỹ, người của làng nghề đi học trường Đại học Mỹ Thuật trên Hà Nội về và quyết tâm làm mới nhưng không những không thành công, không những không nhiều thẩm mỹ hơn mà lại còn phản thẩm mỹ. Sản phẩm truyền thống kết hợp “mỹ thuật hiện đại” của những họa sỹ – nghệ nhân kiểu này đang ngày càng giết chết truyền thống.
Đời sống mới yêu cầu mọi thứ đều phải nhanh, rẻ nên chất lượng kỹ thuật và chất lượng nghệ thuật của nhiều sản phẩm rất kém. Các công đoạn bị cải tiến để ăn bớt, phương pháp truyền thống không còn được coi trọng thì những dụng cụ sản xuất theo kiểu cũ cũng không còn cần thiết nữa. Thay vì thếp vàng, bạc lên một sản phẩm sơn mài, họ bôi quét bằng bột đồng, bột nhôm, bút nào dùng cũng được. Bút phẩy vàng bạc làm bằng tóc máu (của trẻ sơ sinh) không ai dùng nữa, không ai làm nữa. Cánh dán và then bây giờ đều ngả bằng máy.
Tuần trước, nhân ngày rỗi rãi, tôi đạp xe sang làng gốm Bát Tràng. Tình cờ gặp ông Huy ở ngay chợ, ông mời tôi vào nhà chơi. Uống chưa hết tuần trà ông đã phàn nàn. Tụi trẻ bây giờ áp dụng nhiều phương pháp mới, sản phẩm làm ra rẻ hơn nhưng lại không đẹp bằng. Nhưng tệ nhất là cách chúng gọi những dụng cụ, động tác làm cũng không đúng nữa. Tráng men bên ngoài một cái cốc bằng cách cho tay vào bên trong cốc ấn từ từ xuống chậu men gọi là kìm men. Dội men vào lòng cốc rồi xoay xoay cho men phủ đều gọi là đúc men.
Đối với bọn chúng kìm hay đúc cũng thế cả thôi. Làm đúng chứ chưa phải làm tốt đã bị coi là nhiêu kê, cầu kỳ. Lối sống xuề xòa, cẩu thả, dễ dãi, tạm bợ, phiên phiến hình như đang lấn át. Nếu cái gì cũng cho phép mình ẩu, đại khái, chín bỏ làm mười thì mình sướng nhưng người khác sẽ khổ, mình được người khác sẽ mất, ích mình nhưng tổn người. Lợi trước mắt mà hại về sau. Trước khi ra về tôi định bụng nói với ông Huy một câu gì đó để an ủi ông kiểu như: Những con người hôm nay có suy nghĩ khác, đời sống của họ cũng khác mình nên thông cảm, nhưng tôi cũng không tự tin vào câu nói của mình nên lại thôi.

Nhiều kỹ năng chế tác đồ thủ công đã bị bỏ, nhiều dụng cụ không còn được dùng, nhiều chất liệu truyền thống đã cố tình bị “quên lãng”, nhiều nghề thủ công đã bị mai một, nhiều làng nghề đã chết. Những từ chỉ những chất liệu, dụng cụ, phương pháp chế tác của các nghề thủ công truyền thống bị mất đi ngày càng nhiều. Ngôn ngữ sinh ra từ đời sống và khi đời sống không còn dùng nữa thì nó biến mất là tất yếu.
Làng Bưởi không ai làm giấy nữa. Làng Thổ Hà không ai làm gốm nữa. Làng gốm Hương Canh đã chuyển thành làng gạch ngói Hương Canh v.v… Những câu như:
The La, Lĩnh Bưởi sồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên

Chỉ để đọc cho vui mồm chứ lại cả tin đi về những vùng đó để tìm mua những mặt hàng đó thì bói cả ngày cũng chả ra. Chưa kể những chất liệu nhiễu, the, đoạn, sồi, sa v.v., khác nhau thế nào không phải ai cũng phân biệt được.  
Chất liệu để làm ra sản phẩm này là gì? Sản phẩm đó được làm qua mấy công đoạn? Tên của những thao tác đó gọi như thế nào? Người thợ thủ công dùng dụng cụ gì để làm? Những dụng cụ đó được làm bằng chất liệu gì? Chỉ là những tên gọi của chất liệu, dụng cụ, phương pháp sản xuất thôi chứ không phải là những điều to tát nhưng nếu chúng mất đi thì thật xót xa, thật đáng tiếc. Tất nhiên không có những cái tên gọi chính xác đó, hay nói cách khác  những từ đó chết đi thì tất cả họ và chúng ta vẫn có thể sống được. Vì thế nào mà chả sống được nhưng…   

Tia Sáng 
Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)