Đuổi bắt bóng hình Salvador Dalí

Trong đời thực, Dalí từng tuyên bố “Đời quá ngắn để bị phớt lờ”. Cả cuộc đời ông là cuộc chạy đua để mãi mãi làm tiêu điểm chú ý, mãi mãi gây chiến với sự thường tình, nhưng thiên tài nào rồi cũng phải già đi.

Dalíland được kể từ góc nhìn của James Linton, một người trợ lý mà Dalí gọi là San Sebastian, anh là một sinh viên nghệ thuật, anh còn trẻ và anh thần tượng Dalí. Nhưng bao giờ cũng vậy, lòng tôn thờ chỉ có thể được duy trì nhờ khoảng cách. Còn một khi khoảng cách ấy bị thu hẹp lại, ta liền vỡ lẽ thần tượng không phải thần mà chỉ là người, với tất cả sự yếu đuối, bệnh tật, bất đắc chí và nỗi bất an.

“Đôi khi, San Sebastian ạ, làm Dalí rất khó”, Savaldor Dalí thú nhận với chàng trợ lý của mình khi cậu đang giúp chỉnh lại y phục, sau cuộc ẩu đả với người vợ Gala ngay trong buổi triển lãm tranh. Đó là một buổi triển lãm thất bại toàn tập. Không một tờ báo lớn nào đưa tin hay bình luận. Một vài tờ báo nhỏ hơn nhận xét, làm sao có thể tưởng tượng một ngày triển lãm của Dalí bị phớt lờ ngay tại cái thành phố luôn sùng bái ông và đưa ông lên đến đỉnh cao danh tiếng – New York. Ngập tràn buổi triển lãm ấy là những kẻ sống ký sinh vào tiền bạc và tên tuổi của ông, những gã người tình được vợ ông bao nuôi. Dalí nói với báo giới rằng ông luôn hạnh phúc, ở đây hôm nay có Gala – nữ hoàng đời ông, ngay khi ánh mắt ông bắt gặp bà tư tình cùng một gã trai trẻ khác. Phân cảnh đáng xấu hổ ấy của Dalí trong những năm tháng khủng hoảng sáng tạo được nhà làm phim Mary Harron miêu tả trong tác phẩm tiểu sử mới ra mắt trong năm 2023 về danh họa lẫy lừng – Dalíland.

Salvador Dalí trong Dalíland không chỉ là Dalí tinh quái, Dalí dị thường, Dalí trong những phục trang lồng lộn và chòm râu vểnh để bắt sóng người ngoài hành tinh, Dalí giữa những bữa tiệc phung phí và hoang đàng. Dalí của Dalíland có giây phút chỉ là một ông già ngồi trên xe lăn, tóc dài điểm bạc, đôi mắt buồn ngấn lệ, cơ thể bất lực, một ông già như bao ông già đang ngồi đợi thần chết điểm danh. Cũng có khi, ông chỉ là một người chồng ghen tuông và đau khổ khi vợ ông bán đi một bức tranh lấy tiền cho nhân tình trẻ. Ông là Dalí thì sao chứ? Là một bậc thầy hội họa để làm gì chứ? Khi mà Gala nói với ông rằng ông đâu biết chơi guitar như chàng trai kia. Và bà cũng chẳng thấy bức tranh vừa bán đi có gì đẹp. Bà không hề thích bức tranh ấy. Với Dalí, tay nhân tình kia “không là gì cả”, nhưng có lẽ vào thời khắc đó, ông đã thất bại trước cả cái “không là gì cả” kia. Rồi có khi, Dalí chỉ là một bệnh nhân mới chớm chứng Parkinson cùng đôi tay run run không cắt nổi một quả trứng luộc cho bữa sáng.

Dalí của đạo diễn Mary Harron, với diễn xuất của Ben Kingsley, là một Dalí quá khác so với Dalí của đạo diễn Woody Allen trong Midnight in Paris. Trong tác phẩm này, Dalí cũng được nhìn qua đôi mắt của một người hâm mộ cuồng nhiệt – một chàng trai hiện đại xuyên không trở về những năm đầu thế kỷ 20. Dalí xuất hiện không nhiều, chỉ một phân cảnh thôi, nhưng là một phân cảnh hài hước khiến khán giả phì cười. Số là anh chàng nhân vật chính đang ngồi trong một quán rượu trò chuyện cùng một phụ nữ xinh đẹp, rồi cô gái này ra về trong sự tiếc nuối ngẩn ngơ của anh, và rồi đúng lúc đó, một chiếc gậy dài thò ra – là chiếc ba toong của Salvador Dalí, lúc này là một họa sĩ trẻ tuổi. Dalí, phô trương một cách quái dị, liên tục nói về một con tê giác nào đó, dù câu chuyện lái sang hướng nào thì Dalí cũng trở về với con tê giác tưởng tượng của mình. Thậm chí khi những người bạn nghệ sĩ của ông như Luis Buñuel và Man Ray nhập bọn, lắng nghe câu chuyện tình đầy hoang mang của anh chàng nhân vật chính, trong khi Buñuel nói mình tưởng tượng ra một bộ phim, Man Ray tưởng tượng ra một bức ảnh, thì Dalí kết cảnh bằng câu: “Còn tôi tưởng tượng ra một con tê giác”. Dalí thời trẻ khi mới đạt thành công trong Midnight in Paris điên rồ một cách đáng yêu như vậy, hoàn toàn tự tin và ngạo nghễ trong trí tưởng tượng không giới hạn của mình. 

Mỗi nhà làm phim đuổi theo một cái bóng của Salvador Dalí. Nói về chân dung của ông trên phim ảnh, cũng phải kể tới Little Ashes, một tác phẩm năm 2008 của đạo diễn Paul Morrison. Ở đây, đạo diễn lùi về thời điểm khi Dalí còn chưa nổi tiếng, chỉ là một cậu sinh viên chân ướt chân ráo tới Madrid và làm quen với hai người bạn là thi sĩ Federico García Lorca và đạo diễn tương lai Luis Buñuel. Mối quan hệ tam giác của họ trở nên phức tạp khi Dalí và Lorca vượt qua ranh giới tình bạn. Cuộc tình đồng tính của hai tâm hồn nghệ sĩ vĩ đại từng được đích thân Dalí mô tả là “một tình yêu bi thảm, khêu gợi, vì thực tế là không thể chia sẻ về nó”, một mối tình không đơn thuần chỉ là “một tiểu thuyết lãng mạn ngọt như mía lùi” như các sử gia hình dung. 

Little Ashes, ta được làm quen với một Dalí khác, ngây thơ hơn, ăn mặc bảnh bao như mọi chàng sinh viên đỏm dáng bấy giờ, vẫn chưa để ria mép, và đặc biệt là dồi dào nữ tính – điểm khác biệt lớn nhất so với hình tượng Dalí của tuổi trung niên và tuổi già mà ta quen thuộc. Chàng Dalí năm 18 tuổi hết sức lãng mạn, chàng nằm tựa vào đùi của Lorca trong khi cả hai ở trên một mỏm đá nhìn ra biển, chàng lim dim mắt trong khi Lorca ngâm thơ và vuốt ve mái tóc chàng. Khi đêm xuống, họ chèo thuyền ra khơi dưới ánh trăng, và rồi cùng nhau nhảy xuống biển tắm ánh trăng. Cảnh phim ướt át gợi tình và mang nét thần tiên ấy gợi ra một hình ảnh Dalí nên thơ đắm đuối, làm đối trọng với Dalí của nửa sau phim, khi chàng đã rũ bỏ Lorca để tìm kiếm danh vọng ở Paris, không ngần ngại ủng hộ chế độ Franco tàn khốc ở Tây Ban Nha trong khi Lorca cuối cùng phải bỏ mạng vì chống lại phe bảo hoàng. Dalí khao khát sự giàu có và quyền lực, còn Lorca đồng cảm với cuộc sống của những người lao động bần hàn. Câu nói của Lorca lột tả sự đổi khác của Dalí: “Đôi khi, tôi nghĩ chúng tôi chưa từng gặp nhau”. 

Một điều đáng lưu ý là ngoại trừ Midnight in Paris với thời lượng ít ỏi về Dalí, và Dalí cũng chỉ là một trong số rất nhiều nghệ sĩ thoáng qua trong tác phẩm này, thì cả hai bộ phim còn lại đều nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà phê bình. Nhiệm vụ dựng lại Dalí trên điện ảnh dường như quá khó khăn, và đạo diễn nào cũng lúng túng trong việc xử lí một nhân cách quá đỗi phức tạp, vừa kiêu ngạo vừa tự ti, vừa hào nhoáng vừa khốn khổ, vừa đẹp đẽ vừa tị hiềm. Họ có thể tạo nên một vài khung cảnh mỹ mãn về Dalí, như khung cảnh tắm dưới biển trăng trong Little Ashes hay khung cảnh Dalí già yếu đứng trên mỏm đá đóng vai một nhạc trưởng của tiếng gió và tiếng sóng và khi tưởng như đang trên đà thăng hoa thì Dalí liền trượt ngã dúi dụi trong Dalíland, nhưng họ đều không thể lý giải Dalí một cách xuyên suốt, thấu đáo và thuyết phục. Như trong một trò chơi trốn tìm, tâm hồn của Dalí dường như luôn chuội khỏi họ khi tưởng như họ đã đến rất gần ông. Phải chăng sự trượt thoát khỏi mọi định nghĩa mới là sức hấp dẫn muôn đời của Salvador Dalí?

Nhưng sau cùng, có lẽ mục tiêu khắc họa được Dalí là bất khả, chỉ có những tâm hồn ở cùng tầng mây với Dalí mới có thể nắm bắt được ông, như Federico García Lorca, người mà theo lời chứng của một nữ hộ lý đã chăm sóc cho Dalí những năm cuối đời thần kinh suy sụp, câu duy nhất ông nói ra mà cô có thể hiểu là “Bạn tôi Lorca”: “Ôi Salvador Dalí, giọng nói đượm ô liu/Tôi không tụng ca nét cọ bất toàn của anh thuở dậy thì/không tụng ca những mảng màu vây quanh thời đại/tôi ngả mũ lòng anh khát khao sự vĩnh cửu bị trói chân. /Tâm hồn trong trẻo, anh sống trên đá cẩm thạch trinh nguyên/Anh trốn khỏi khu rừng đen những hình thù bất khả/Trí tưởng tượng vươn dài nơi tay chạm đến/Và anh ngấu nghiến bản xôn-nê của đại dương qua khung cửa”.

Ngoài Dalí, Lorca không dành cho riêng ai một bản tụng ca như thế. □

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)